thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘ ÔNG ARAGON [Cái gương / VIII-XIII]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
Louis Aragon & Jean Ristat
 
Jean Ristat, sinh năm 1943 tại Argent-sur-Sauldre (Cher), là một tác giả người Pháp. Ông là bạn tình kiêm thư ký và người thi hành chúc thư của Louis Aragon. Ông hiện là giám đốc tạp chí Lettres Françaises, phụ trang của tờ L'Humanité. Ông đã biên tập và trông coi việc xuất bản toàn bộ tác phẩm thơ Aragon.
 
Louis Aragon (1897-1982) là nhà thơ, nhà văn cộng sản, đồng tính luyến ái, mặc dù ông đã kết hôn với nhà văn nữ Elsa Triolet, gốc Nga. Jean Ristat là nhà văn, nhà thơ trốt kít, đồng tính luyến ái.
 
Năm 1965, Jean Ristat 22 tuổi xuân gặp Louis Aragon 68 tuổi đời. Phần còn lại dĩ nhiên có thể là, hay không là, lịch sử.
 
_______
 
 
MỘ ÔNG ARAGON
 
 

Cái gương

 
 
VIII
 
Và trong khi đêm tiến tới tận cùng thẳm sâu
Của bóng tối anh ấy đã như một tảng đá
Vợ của sao chăn lông của trời rơi rắc lông
Vũ quanh chiếc bàn chúng tôi chuyện trò về anh
Đọc thơ hướng đến trái tim cao cả nó đã
Ngưng đập rồi à miệng đã thôi cắn chữ rồi
Sao chúng tôi Không cần bàn tính mà thay phiên
Đứng dậy nhìn nói với anh bây giờ phải mở
Cửa sổ vì ngọn lửa đã lìa anh ấy cùng
Với máu như biển cả đã gãy lò xo nước
Đã đóng băng thành gương với những bông tuyết pha
Lê trong tóc sáu giờ sáng của ngày đang tới
Và cái tin mới như một con ruồi bay phát
Sóng từ đài này qua đài kia mang vết thương
Của nó kẻ kia đang trên đường tới sở nắm
Chặt hai tay để khỏi khóc bàn tay hắn run
Rẩy cô gái không nói một lời mà chỉ rót
Cà phê louis aragon tám mươi lăm
Tuổi đời phẩm cách đã an nghỉ chúng tôi lắng
Nghe những tiếng nói vô danh khẳng định về cái
Tốt và cái xấu như một toà án trộn lẫn
Ngày tháng tình trạng khạc nhổ Ôi anh đồng chí
Của tôi xuyên qua anh là dân chúng đã bị
Các toán hậm hực nguyền rủa dưới cửa sổ nhà
Anh họ kéo tới với vũ khí trên tay Ôi
Mặc kệ sự náo động của bọn hạ cấp bụng
Đói dã man tôi còn che chở anh không để
Chúng mặc cả với cái xác của anh
 
 
IX
 
Anh lạnh lẽo và như ngọn lửa bị vướng trong
Tảng băng của gương các vòng hoa vây quanh anh
Đặt vương miện cho hồi chung cuộc anh đã không
Thất bại anh đã không phản bội hãy an nghỉ
Tôi sẽ tiễn chân anh đến lúc anh sum vầy
Với bà ấy[*] theo trật tự đã quy định và
Tôi Không có gì để nói ngoài chuyện kẻ ra
Đi đã nhào nắn cho tôi giống hệt anh ta
Anh ta yêu bằng tình yêu điên cuồng Ôi thi
Nhân tiếng hát tự nuôi dưỡng với máu chúng ta
Lúc đó tôi chưa biết rằng bọn thanh niên cũng
Giống các ông già Ôi người anh của tôi chẳng
Có gì quan trọng hơn tình yêu và như một
Trò chơi mà ta bị lạc lối điên rồ anh
Đã nghĩ rằng người ta có thể tắm trong cùng
Một dòng nước và hồi sinh trẻ trung mãi mãi
Và gắn thêm cho mặt trời đôi cánh như cho
Mặt gương vẽ một phong cảnh để ngủ vâng ạ
Tôi thú nhận hãy thứ lỗi cho tôi Ôi xin
Chớ nói chuyện yêu đương với tôi nữa bất hạnh
Cho kẻ mơ tưởng hai tâm hồn trong một trái
Tim kẻ đó là con mồi của bóng tối sẽ
Bị sấm sét của thời gian đánh tôi như tảng
Đá bị hao mòn bởi quá nhiều mộng mơ trên
Bao lơn của một đám mây hãy cho tôi biết
Tôi đang đợi chờ ai sẽ mang mặt nạ tới
 
 
X
 
Bọn đàn bà đã trở về thành phố mang theo
Kim bông gòn và kéo nghệ sĩ hoá trang của
Sân khấu bí mật giam mình trong phòng để trang
Điểm cho anh trước tang lễ danh dự rình rang
Đám đông đã hạ giọng đám bạn hữu hãy kiên
Nhẫn điện thoại reo cửa sổ mở dang tay chào
Đón bầu trời hoàn hảo của tranh
 
 
XI
 
Ôi mặt nạ không quanh co của bóng tối phủ
Nhận tù nhân không tên tuổi của những tảng băng
Trong chữ nghĩa bền dai nằm dài anh trị vì
Trên sự im lặng dưới chân anh những bông hoa
Như một tấm áo choàng huy hoàng sau cuộc tranh
Tài chàng kỵ sĩ thời trung đại ném tặng bà
Quý tộc người ta chỉ còn nghe tiếng gió đêm
Như lưỡi dao lúc mười một giờ bốn mươi lăm
Cắm phập vào tim anh
 
 
XII
 
Rồi cũng tới đêm cuối cùng hầu như không thể
Tin rằng trời đã sáng trong sân tiếng chân trên
Cầu thang vài người đàn ông ra sức khiêng cái
Hộp gỗ sồi hãy chờ thêm tí nữa hãy chờ
Tới lúc chúng tôi hiện diện đầy đủ Ôi anh
Bị xích xiềng và cái ngục bastille của anh
Sao mà nó quá chật chội và lúc đó từng
Đứa một từ cậu trẻ nhất tới anh già nhất
Chúng tôi hôn lên trán anh và như chạm vào
Kính đóng băng những cặp môi bỗng héo úa lửa
Tầm ma[**] cháy trong mắt và trong lòng bàn tay
Các móng tay như gai nhọn đâm
 
 
XIII
 
Lúc đó hừng đông trưng lưỡi dao lấp lánh trên
Cổ họng một con chim lời hứa của máu kỵ
Sĩ mô-tô trong paris thức dậy với những
Mặt trời làm khiên đẩy lui bóng đêm những bóng
Ma nước đá của đêm trên đường varenne
Như một rạp hát chưng diện màn nhung Ôi pa
Ris đã bị mất nhà thơ của nó paris
buổi sáng hôm đó không còn những cặp tình nhân
Tôi thấy các ông ngả nón chào khi anh đi
Qua và các bà làm dấu thánh giá hãy nhìn
Ôi dân chúng nước pháp anh ấy yên tĩnh bước
Đi bị thương anh ấy chỉ biết nói tôi yêu
 
Yerres, 28 tháng sáu 1983
 
 
_________________________
Ghi chú của người dịch:

[*]Elsa Triolet.

[**]nguyên văn: les orties, một loại cây cỏ dại đọt non có thể ngắt luộc làm rau có vị tương tợ rau dền tây (épinard/spinach) nhưng lá già nếu chạm nhằm sẽ khiến da bị bỏng rát.

 
 
------
Nguồn: "Tombeau pour Monsieur Aragon" trong tuyển tập Ode pour hâter la venue du printemps suivi de Tombeau de Monsieur Aragon, Le Parlement d'amour, La Mort de l'aimé, Jean Ristat (Paris: Poésie / Gallimard, 2008).
 
 
-------------
“Tombeau de Monsieur Aragon” là một bài thơ tân hình thức sử dụng thể thơ cổ điển mười hai âm tiết (alexandrin) nhưng không vần và với cách vắt dòng tùy nghi sau mười hai âm tiết, chữ đầu của mỗi câu và tất cả các chữ “Ô / Ôi” đều viết hoa dù ở giữa câu, cộng thêm vài danh từ riêng viết hoa cũng có vẽ rất tùy tiện (Noel, Oedipe, Ôlympe).
 
Nhà thơ Đỗ Kh., người đầu tiên dịch thơ Ristat sang tiếng Việt, đã sử dụng câu thơ sáu tám (lục bát) để thay thế cho câu thơ mười hai âm tiết trong bản dịch “Đoản khúc để mùa xuân đến vội” (“Ode pour hâter la venue du printemps”, 1978). Bản dịch xuất sắc này đã gợi hứng cho tôi viết “Những nụ hồng của máu” vào khoảng cuối thập niên 80, bài thơ tân hình thức tiếng Việt đầu tiên vắt dòng sau mỗi câu bảy chữ không vần.
 
Tuy nhiên, hôm nay tôi xin chọn câu mười chữ -- không hề có hay rất ít thấy trong thơ Việt -- để dịch “Tombeau de Monsieur Aragon”, vì tôi muốn dung hoá cái ngắn của câu bảy chữ, tám chữ thơ Việt và cái dài mười hai âm tiết của thơ tiếng Pháp dễ khiến độc giả của ta bị đuối hơi. Ngoài ra, nếu chọn câu lục bát, hay câu bảy chữ/tám chữ, bản dịch sẽ bị “lê thê” trên phương diện hình thức.
 
“Mộ Ông Aragon” là một tiểu lăng xây đắp bằng ngôn từ, nếu so sánh với những kiến trúc vĩ đại hơn, như Taj Mahal (tất nhiên không phải với lăng Hồ Chủ Tịch -- một cái gai mắt chờ đợi du khách), thì nó là một bài thơ tình chào đón mọi người .
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021