thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
FÈS – BA MƯƠI BÀI THƠ [I]
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
Chân dung Tahar Ben Jelloun
(Nguyễn Đăng Thường, 2009)
 
 
TAHAR BEN JELLOUN
(1944~)
 
“Từ các trang viết, câu thơ của Tahar Ben Jelloun vẳng lên tiếng nói thiết tha, tiếng ca thấm đượm tình quê hương Maroc: không khí và mặt trời, mùi hương và âm nhạc, cảnh trí diệu kỳ, đôi khi bi thảm, nơi lướt qua và chìm khuất những bóng người. Đó là tiếng ngân nga trọn vẹn của hồi ức, thư thái, nhẹ nhàng, kín đáo, dù đã mất cái thơ ngây và đang chất vấn về định mệnh thế giới và số phận con người.”
 
Tahar Ben Jelloun là một trong vài nhà văn ngoại quốc (dù ông mang quốc tịch Pháp) đương đại viết tiếng Pháp xuất sắc nhứt. Ông sinh năm 1944 tại Fès, Maroc. Sang Pháp để “trốn tránh làn sóng Islam sắp ngập tràn đất nước tôi”, ông sống tại Paris từ năm 1971 để “được tự do viết”. Là một tác giả phong phú, Ben Jelloun đã xuất bản nhiều thi tập (Les amandiers sont morts de leurs blessures, 1976; À l'insu du souvenir, 1980; Poésies complètes 1966-1995, 1998...), tiểu thuyết (Harrouda, 1973; L'Enfant du sable, 1985; Les Yeux baissés, 1991; Le Dernier Ami, 2004...), tiểu luận (Hospitalité française, 1984; Le Rascime expliquée à ma fille, 1998; Pensées pour la liberté, 1999; Sur ma mère, 2008...)
 
Harrouda, cuốn tiểu thuyết đầu tay về một cô gái điếm (cũng là người tình đầu của ông) đã gây xì-căng-đan. Năm 1987, ông đoạt giải Goncourt với tác phẩm La Nuit sacrée, và giải Impac năm 2002 cho Cette aveuglante absence de lumière.
 
Mới đây, ông được tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
 
(Viết theo giới thiệu của nhà xuất bản
và một số thông tin trên internet, NĐT.)
 
______
 
FÈS - BA MƯƠI BÀI THƠ
 
I
 
 
[1]
 
Fès,
Sách của những cuốn sách
Bản thảo bị chôn vùi
Bỏ quên
Dưới những phiến đá của một ngôi nhà bị cấm
 
Mỗi trang sách là một câu chuyện cổ tích
Chuột khoét
Mỗi căn nhà là một truyền thuyết
Khó hiểu
Một cánh cửa mở vào
Bóng tối
 
Những âm tiết rơi thành bụi
Những tảng đá mang thai khạc ra kỷ niệm
Độ ẩm khiến chúng trút linh hồn
Những hình ảnh vỗ đẹp
 
Bước chân con người giẫm lên thời gian
Họ không ý thức được chuyện mình đang làm
 
Fès nằm trong những con chữ
Những lối đi nhỏ bị phản bội, bán chác bởi lũ con hư.
 
 
[2]
 
Đó là một cái đầu nặng nề lắc lư
Rung rinh nhưng không rớt
 
Đó là một trí năng dìm xuống bùn
Đó là thân thể nằm sấp
Dẫn thuỷ bởi cống rãnh
 
Đó là cái miệng khép lại
Bên ngoài thời gian
 
Fès đứng dậy và loạng choạng
Những đứa bé từ một nơi khác kéo đến
Khạc nhổ trên hòn đá đang hoài niệm.
 
 
[3]
 
Nỗi bất hạnh nào đã dựng nhà
Trong các con phố nhỏ của tuổi thơ?
 
Mặt trời bỏ thành phố
Mang các sân thượng vào cát
 
Các thanh ngang chồng lên nhau
Giữa các bàn tay thợ thủ công
Những bàn tay đầy màu sắc
Gặm nhấm bởi tiếng động và sét gỉ.
 
Tường vách mọc lên
Bầu trời ngoảnh mặt
 
Fès buồn ngủ
Nó ngủ để khỏi băng bó các vết thương trên cơ thể.
 
 
[4]
 
Từ ngọn đồi
Fès cầm trong lòng một bàn tay
Bàn tay Thượng Đế hay bàn tay của một kẻ ăn mày
 
Fès cuộn mình trong im lặng trắng
Im lặng sống động
Phơi trên các sân thượng
Chiếc khăn trải giường của tổ tiên
 
Fès nằm trong cái bát sứ
Cái dĩa sứ Trung Hoa
Cái rá miên liễu
 
Ngần ấy yên tịnh thiêu đốt mắt
Fès không còn nằm trong thung lũng hẹp
Fès du lịch, tham quan và thiếp ngủ ở ngoại ô
Venezia.
 
 
[5]
 
Người ta hình dung Moulay Idriss
Dừng ngựa trước một nguồn nước
Và quyết định nơi đó sẽ là trái tim của Fès.
 
Người ta tin cả chuyện huyền thoại:
Thành phố mang tên cái cuốc đã xé bụng nó.
 
Người ta yêu các huyền thoại về các nguồn suối cạnh tranh,
Đối chọi nhau bởi ý chí của một kẻ chinh phục từ miền Ả Rập.
 
Nhưng Fès đã sống và đã quên.
 
 
[6]
 
Trong khu phố Makhfiya
Trong con đường hẹp âm u lát đá
Và gắn miểng chai
Những bức tường đen mồ hóng và hắc ín
Mở ra đón bọn mang thịt lạc đà
Cho các nàng múc nước mạch
Cho các thợ phụ cạo trọc đầu ở lò bánh mì
 
Như vậy Fès đã đào bí mật của nó
Trong Makhfiya
Fès liệng xuống giếng
Gừng và hột đậu khấu.
Fès nhắm mắt
Và mở các lá phổi đầy những lỗ thủng.
 
 
[7]
 
Các bác thợ thuộc da thú của Fès
Xông mùi da ẩm và hôi
 
Họ nhúng tay trong nước nóng
Nước đục và nặng
 
Họ thả linh hồn và định mạng
Trong cái nồi đựng thuốc màu
Đầu họ đầy ứ
Đầu họ tắc nghẽn bởi những tiếc thương
 
Các bác thợ thuộc da thú của Fès
Sống sót rồi chết lần hồi
Cơ thể lấm màu vàng của nghệ
Trong lúc các tấm da khô dưới nắng.
 
 
[8]
 
Monlay Idriss
Anh lưu dân mang lá cờ màu xanh lá
Kẻ chinh phục có ánh mắt thanh bình
Gã thợ nề với đôi tay trĩu
Vị thánh
Tổ phụ
Chỗ trú của dân ăn xin và ăn trộm
Sứ giả của dân nghèo và của kẻ mạnh
Lăng tẩm thơm lừng
Cổ tích và hỗn mang
Huyền thoại mật ong
Chủ và thầy của thành phố
Người đi tìm nguồn gốc kẻ đập phá các tượng thần
Đạc điền và đo mộng
Tạo tác những mê lộ
Sử ký bất tận của giếng nước và mạch nguồn
Ký ức của lửa
Người chăn giữ linh hồn
Kẻ dựng những tường thành
Chuyển đưa những im lặng
Thi nhân ca ngợi cái đẹp
 
Moulay Idriss
Đã dựng Fès như người ta trồng một cây ô liu
Trên mảnh đất bị nắng thiêu đốt
Kẻ đã tìm kiếm cội nguồn của nước
Và đã bước theo nó.
 
 
[9]
 
Các sân thượng của Fès
Phủ khăn liệm đang khô ngoài nắng
Những người chết không còn cần đến chúng nữa
Lũ trẻ ở El Gbeb đã nhặt chúng trên các ngôi mộ
 
Fès không còn biết phải làm gì với các tử thi
Chối bỏ giấc ngủ
 
Có tin đồn rằng các xác chết nhợt nhạt
Nằm trong tiệm cà phê của El Achabine
Loã lồ
Mắt trắng dã
Tay bị kiến thui.
 
Thành phố đã lui xuống tầng hầm của kỉ niệm
Để tránh dịch typhus.
 
 
[10]
 
Bầu trời của mùa đông đã phủ trùm lên thành phố
Một tấm ra ướt
Một cái chăn vải mịn
Một bàn tay nhẹ
Một màn sương nhập khẩu.
 
Bị gói lại
Và cột bằng những sợi cước vàng của đảo Sicily
Fès thu gom đường phố và vòm tháp
 
Fès chìm trong im lặng
Và những đứa con đang trở về
 
Fès nấm mồ của kỉ niệm cao cả
Dinh thự của tiếng cười âm vọng
Hay chỉ là chỗ trú đơn sơ của nông dân không đất đai?
 
[còn tiếp 2 kỳ]
 
 
-------------
Nguồn: Tahar Ben Jelloun, Les Pierres du Temps et autres poèmes (Paris: Éditions du Seuil, 1995). Con số trên mỗi bài do người dịch thêm vào.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021