thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ | Cuộc đời mọc lên | Con đường mi đi qua | Ấy chuyện bình thường | Cũng | Ad hominem | Anh nhận được thư từ
(Diễm Châu dịch)
 

THƠ

 
đôi khi thơ – nếu như đã có trước –
cũng tựa như máu người ta truyền vào cũng tựa như
một trái tim được ghép mà những kẻ tặng dữ
đã chết từ bao năm trong một tai nạn
nhưng máu họ vẫn sống
tuôn tràn mạch máu của những người khác
làm sống lại đôi môi tươi trẻ của những người này.
 
1969
 
 

CUỘC ĐỜI MỌC LÊN

 
Cuộc đời mọc lên như sự kinh ngạc và sự sợ hãi
bị quên lãng phút giây trong vòng ôm siết yêu đương,
cuộc đời mọc lên như hàng người dài trước cửa hàng bánh mì;
 
cuộc đời mọc lên như cỏ, như bụi, và như rêu
như mạng nhện, giá băng và những vết ẩm mốc
cuộc đời mọc lên thật tàn nhẫn như cơn ho và tiếng cười bột phát;
bất chấp những cuộc chiến tranh, những cuộc đình chiến, những cuộc thương thuyết,
sự hòa dịu, bức màn sắt, Hội Quốc Liên,
chiến tranh lạnh, những thay đổi khí hậu, L.H.Q.,
sự khai thác giấu mặt và nền chuyên chính phô trương,
sự kiêu hãnh của những chiếc xe hòm đen và những viên quan tòa sắt đá,
sự mù quáng của mọi người và sự đui chột của thiên nhiên,
cuộc chạy đua các thế hệ và cuộc chạy đua vũ trang, những ảo tưởng thù địch,
những đầy tớ của ô nhục, những thí vật của hư không,
những món đồ lạc mất và những giấc mơ bằng chất dẻo,
những tờ báo gây tai tiếng và những cuộc ghép tim,
những minh ước bí mật và sự dối trá chính thức,
sự chê bai những giá trị thánh thiêng của chúng ta,
sự ô nhiễm bầu khí và những chấn động của trái đất;
 
cuộc đời mọc lên mà người ta không thể ngăn chặn, trên những đổ nát
và qua giấc ngủ say sưa nhất,
ở bên trên chúng ta, ở chung quanh chúng ta và qua chúng ta
những đứa con hoang đàng,
cuộc đời mọc lên như sự bội tăng giá cả mà người ta che đậy, như chuyện khoa học-giả tưởng,
như sự lạm phát chính thức và như sự đầu cơ,
như sức ép của máu, như tấm gương, như bạo lực của ảo tưởng,
như sự lo sợ đến sở trễ hay một ánh mắt cắm sững vào ta;
 
cuộc đời mọc lên như thai nhi và như đói khát,
cuộc đời mọc lên như loài thú và cây cỏ một miền
nhưng cuộc đời không mọc lên như hờn căm, như thèm muốn phục hận,
hay khao khát trả thù
và ngay cả khi không biết điều mình muốn
cuộc đời muốn sống
 
như con người
 
(Nasze życie rośnie, 1978)
 
 

CON ĐƯỜNG MI ĐI QUA

 
Con đường mi đi qua
tách đôi và giảm tốc:
 
nếu mi nhận thấy có ai đó
luôn luôn theo rõi mi
và ở phía bên kia có ai khác
cũng hy sinh khoảnh khắc độc nhất này của đời mình
độc nhất chỉ dành cho việc tìm kiếm bản thân,
 
mi đừng có ảo tưởng nữa:
 
trước mắt mi
biện chứng pháp đã thôi là một trò chơi hão huyền của trí óc
và khi cái «mi» của mi có thể tưởng tượng
rằng nó có một mình
thời nó không phải là đơn độc
và không phải là do tình cờ mà nó dậm chân trên mặt đất kiên trì:
 
nó quả quyết với ai đó quyền hiện hữu
 
bằng mọi giá
 
(Nasze życie rośnie, 1978)
 
 

ẤY CHUYỆN BÌNH THƯỜNG

 
Ấy chuyện bình thường
khi kẻ tra tấn, khi kẻ hành quyết
ngoài những tiến bộ
đôi khi phài làm việc thật vất vả
để hoàn thành tốt những trách vụ vô số của họ
 
nhưng ấy không phải là một lý do đủ để trông đợi ở chúng tôi
sự hiểu biết, thán phục, thương cảm đối với một công việc như thế
 
hay cả đến để cảm thấy mình đồng-trách nhiệm
 
(Nasze życie rośnie, 1978)
 
 

CŨNG

 
Mây tự do bay qua các biên giới
và vi phạm không phận của các nước láng giềng,
sóng-biển trôi
quá những đường ranh hải phận,
bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
không thể so sánh với những bản hiến pháp riêng biệt,
những bản hiến pháp không thông dụng bằng
hình luật:
 
kể từ khi ở các xứ,
mà nơi duy nhất anh có thể tới
không cần đến giấy thông hành là đất,
người ta đã quyết định bảo vệ môi trường thiên nhiên,
cả số phận của thiên nhiên
 
dường như cũng bị niêm lại.
 
 

AD HOMINEM*

 
Ngay trước khi Đức quốc xã tiến công
đồng minh Liên Sô
Bertolt Brecht trên đường chạy trốn quân Quốc xã
đã dừng chân ở Thiên đường Xã nghĩa 
mà trước kia ông vẫn ngợi ca quá thường
chỉ trong thời gian mà hoàn cảnh đòi hỏi
và chỉ thở được thoải mái khi
ông tới Mỹ quốc
một xứ mà ông chả có mấy điều tốt
 
để nói tới.
 
------------------------------------
* Tiếng la-tinh trong nguyên tác. (người dịch)
 
 

ANH NHẬN ĐƯỢC THƯ TỪ

 
Anh nhận được thư từ với những con tem
trên đó một xứ được hình dung như một ngọn cờ
phấp phới trong gió
 
cái thây ma trắng của lá thư xếp lại và xòe ra những bàn tay
con bồ-câu trắng của lá thư xếp lại và xòe ra đôi cánh
trong lúc ngọn gió phấp phới đập vào những ngọn cờ
trong lúc ngọn gió vướng vít trong những ngọn cờ
 
xử sự phù hợp với bản tính tự nhiên của gió
và chả thay đổi gì
 
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
RYSZARD KRYNICKI, nhà thơ Ba-lan, sinh ngày 28.6.1943 ở Áo quốc. Ông theo học văn chương Ba-lan tại đại học Adam Mickiewicz ở Poznan. Khởi sự đăng thơ năm 1966 trên nguyệt san Nurt mà ông làm biên tập viên từ 1965-1968. Từ 1968-1970 ông làm việc tại thư viện khoa học Kornik. Năm 1972 ông cư ngụ ở Cracovie và là bỉnh bút báo Sinh viên tại đây. Năm 1973, tạp chí Nowy Wyraz (số 9) đã dành đăng bài ông trên phụ trương văn nghệ. Người ta thường xếp ông vào khuynh hướng thi ca gọi là «ngôn ngữ học» nhưng ông đã hòa mình vào «đợt sóng mới» gắn bó với thực tại xã hội. Ông tin tưởng ở một thứ thi ca giải hoặc hay giải thoát (khỏi tư tưởng cá nhân). Ông cũng là nhà phê bình văn nghệ và một dịch giả lỗi lạc (thơ Đức và Áo). Theo Jacques Donguy và Michel Maslowski thì thi phẩm đầu tay của ông là tập Akt urodzenia (Khai sinh, 1969), và kế đó là tập Nasze życie rośnie (Cuộc đời mọc lên, 1978). Nhưng Adam Czerniawski còn kể tới Organism zbiorowy (Cơ quan tập thể, 1975), một tác phẩm gồm cả các bản dịch thơ Đức và Áo của ông và cho biết tập Nasze życie rośnie nói trên bị cấm xuất bản ở Ba-lan, đã được in tại Paris, 1978, và kế đó được bí mật “in lại” ở Cracovie, 1980. Nhà thơ (Đông) Đức Reiner Kunze đã viết về các “hoạt động văn nghệ” của Ryszard Krynicki trong một bài thơ đề tặng Krynicki (1996) tựa là “nhà thơ, nhà xuất bản", như sau:
                     Vì hiện hữu của thơ
                     liều hiện hữu của mình
 
                     Bán một nửa tủ sách
                     để in một cuốn sách
 
                     Khâu sách
                     bằng chính sợi chỉ đời mình
 
Các bài thơ trên được dịch theo các bản Pháp văn của Alain Kosko trong Constantin Jelenski, Anthologie de la poésie polonaise: 1400-1980 (l’Âge d’Homme, 1981); của Jacques Donguy & Michel Maslowski trong Poésie polonaise contemporaine [sách song ngữ] (Le Castor Astral & Lettres slaves, Paris, 1983); và bản Anh văn của Adam Czerniawski trong The Burning Forest - Modern Polish Poetry (Bloodaxe Books, 1988).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021