thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thánh thi 1 | Một viện bảo tàng ở Kampuchea
(Diễm Châu dịch)
 
THÁNH THI 1
 
Phúc cho người
không theo lệnh Đảng
không dự những cuộc mít-tinh của Đảng
không ăn cùng bàn với bọn côn đồ
hay bọn Tướng lãnh trong Hội đồng Chiến tranh
Phúc cho người không dò thám anh em mình
không tố cáo kẻ đồng môn
Phúc cho người
không đọc những quảng cáo thương mại
không nghe các đài phát thanh của chúng
không tin các khẩu hiệu của chúng
 
Người ấy sẽ như cây kia trồng bên dòng suối.
 
 
MỘT VIỆN BẢO TÀNG Ở KAMPUCHEA
 
Chúng tôi bước vào một viện bảo tàng ngày trước đã từng là một trường
                                                                                            trung học
nhưng dưới thời Pol Pot trường trung học ấy đã trở thành
                       nhà tù lớn nhất ở Căm-bốt.
Các lớp học phân thành những buồng giam nhỏ.
Ở đây người ta chỉ tới để chết.
Hơn 20.000 tù nhân đã đi qua đây
                       chỉ có 17 người sống sót,
những kẻ chưa bị giết khi quân giải phóng tới.
Ấy là «Kampuchea Dân chủ » của Pol Pot.
Đây là những hình chụp họ khi mới bước vô.
                                         Chúng chụp hình tất cả những người ấy.
Một số bị cột tay, những kẻ khác mang xiềng xích và vòng cổ bằng sắt
            Điều tệ nhất phải thấy là nét hãi hùng trên mặt họ
Có thể thấy là họ không nhìn vào máy ảnh, mà là vào cái chết
                       và cuộc tra tấn trước cái chết.
Nhưng còn ghê rợn hơn nữa là một khuôn mặt tươi cười:
một thiếu nữ, hoặc thiếu niên, một ai đó thơ ngây, không ý thức
hiển nhiên là về những gì sắp xảy ra cho họ.
            Và hình chụp những bà mẹ mang em nhỏ.
Một món đồ thô sơ gì đó để rút móng tay.
Những cây kềm để giựt đứt nhựng đầu vú.
            Vô số những thứ dụng cụ khác. . .
Cái thùng lớn nơi họ bị dìm xuống nước.
Những cây cột nơi họ bị treo lên.
Cái xà-lim nơi Bộ trưởng Thông tin của Pol Pot cũng bị giam
                               trước khi bị giết.
Hơn 100 mồ chôn tập thể nơi chúng vùi thây họ đã được tìm thấy.
Những đứa trẻ sơ sinh bị vùi lấp với những bình sữa và núm vú cao su.
Và sọ người, hàng đống sọ người
                                     mà không ai muốn thấy.
            Chúng đã giết 3 trong 8 triệu dân.
Chúng đã hủy hoại nhà máy, trường học, thuốc men
Chúng dám bỏ tù ai đó chỉ vì đeo kính.
            Các thị trấn vẫn còn vắng hoe.
Toàn thế giới biết điều ấy.
Làm sao có thể được là lúc này, kể từ khi Kampuchea được giải phóng,
báo chí Bắc Mỹ lại không nói gì mấy về Pol Pot?
Cuối cùng chúng tôi bước ra ngoài.
                                                  Bên ngoài có hoa.
Trong một vũng nước sạch một con vịt trắng vỗ cánh
            dầm mình trong nước và nắng.
Các thiếu phụ bước qua trên đường phố
trông tựa những ngôi chùa.
 
--------------------------
Ghi chú của dịch giả:
ERNESTO CARDENAL thường được coi như «người đổi mới thơ Mỹ la-tinh mãnh liệt nhất kể từ Neruda». Ông sinh tại Granada, Nicaragua ngày 25.1.1925. Theo học văn chương và triết lý ở Mễ-tây-cơ và Hoa-kỳ (Đại học Columbia). Cardenal bước vào đời sống tu hành từ năm 1957, trở thành môn đệ của nhà thơ Thomas Merton ở tu viện Trappe, Kentucky. Được phong linh mục ở Managua năm 1965 sau khi đã học thần học ở Cuernavaca, Mễ-tây-cơ và ở Medellin, Colombia.
 
Ngay từ những năm 1950, Cardenal đã tham gia mặt trận chống độc tài ở nước ông, sử dụng một lối viết mà ông gọi là exteriorismo để ghi lại những cảm nghĩ của mình về đời sống, tình yêu, lịch sử… Ông định nghĩa lối viết này như «Thơ khách quan, có tính thuật sự và giai thoại, làm bằng những yếu tố của đời sống thực sự và những điều cụ thể, với những tên riêng và chi tiết rành rẽ và ngày tháng và những con số, những sự kiện, những câu nói đích xác… thứ thơ duy nhất có thể diễn tả sự thật của châu Mỹ la-tinh, đi tới nhân dân và trở thành cách mạng.»
 
Ngày 19.7.1979, khi độc tài Somoza bị lật đổ, Ernesto Cardenal trở thành bộ trưởng bộ Văn hóa đầu tiên ở Nicaragua trong chính quyền Sandinista, một chính quyền cách mạng duy nhất trên thế giới đã tuân phục ý dân trong những cuộc bầu cử dân chủ kế tiếp. Do sự «dấn thân» của ông, Cardenal đã bị cả Tả lẫn Hữu công kích, «khai trừ»,… Ông còn «được» hay «bị» kêu là người «mác-xít.. thiên chúa giáo!» Các nhà nhận định văn học thế giới cũng nhận thấy nơi thơ Cardenal một «ảnh hưởng rõ rệt» của thơ thuộc thế hệ Beat.
 
Các thi phẩm thường được nhắc tới của Cardenal là 0 giờ (1954-1956), Thánh thi (1964), Kinh cầu cho Marilyn Monroe và những bài thơ khác (1965), Ngợi ca thổ dân châu Mỹ (1969),...
 
Thánh thi của Ernesto Cardenal đã được dịch trọn vẹn sang tiếng Việt từ những năm 1990, in lần đầu năm 1992, tái bản năm 1999. Bản dịch tiếng Việt tác phẩm 0 giờ, của Ernesto Cardenal, nói về cuộc đấu tranh và cái chết của nhà lãnh đạo Cách mạng Nicaragua là Sandino, đã được gửi tới báo Văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh, qua Ô. Nguyễn Ngọc Lương (cựu chủ nhiệm báo Tin văn), đã bị khước từ và bản thảo (duy nhất) hiện được coi như «bị thất lạc».
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021