thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những hiểm nguy của ký ức | An toàn | Trách nhiệm | Một người đàn bà một con chim | Ngã tư đường những cơn ác mộng | Thiên nhiên | Địa ngục tại gia | Ký ức chết
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
Jean Tardieu là nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và là một trong những người viết về nghệ thuật độc đáo nhất của nước Pháp. Ông sinh ở Saint-Germain-de-Joux năm 1903, trong một ngôi làng nhỏ ở Jura, xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ: cha là họa sĩ Victor Tardieu (sau này là người sáng lập trường Mỹ thuật Đông dương ở Hà Nội), mẹ là một nhạc sĩ đàn harpe, môn đệ của Saint-Saëns. Là một trong những gương mặt quen thuộc của sinh họat văn nghệ Paris, những bài thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên tạp chí La nouvelle revue française năm 1927 đã được nhiều người chú ý và ngưỡng mộ. Sau thời gian quân dịch ở Việt Nam trở về Paris (1932), ông từng tham gia in ấn và xuất bản sách báo Kháng chiến, bắt đầu kết thân với Aragon, Éluard, Queneau, Seghers và Frénaud, tiếp tục làm thơ, viết kịch, làm việc cho Viện Bảo tàng quốc gia, rồi nhà xuất bàn Hachette, và hoạt động lâu năm trong ngành phát thanh. Jean Tardieu mất ngày 27 tháng Giêng năm 1995 ở Créteil, để lại cho hậu thế một gia tài thơ ca và sân khấu đồ sộ, không những trên quê hương ông mà còn khắp thế giới.
      Ngoài những vở kịch nổi tiếng (trong Théâtre de Chambre, 1955; Le Professeur Froeppel, 1978; La cité sans sommeil, 1984; những vở kịch in trong La comédie du drame, 1984 - trong số đó có L’Épouvantail; L’Archipel sans nom, 1991), những bài văn xuôi đầy chất thơ (La Part de l’ombre, 1972), những công trình tìm kiếm hình thức thơ ca (Formeries, 1976), tự truyện (On vient chercher Monsieur Jean, 1990), và nhiều bài viết tuyệt đẹp về nghệ thuật tạo hình, những tác phẩm thơ Jean Tardieu để lại cho chúng ta như Accents, Le témoin invisible, Jours pétrifiés, Monsieur Monsieur, Une voix sans personne, Histoires obscures, Colloques et Interpellations, Margeries... cho thấy một tiếng nói luôn luôn tươi, mới, và mỗi bài thơ là một sân khấu không cường điệu trong đó chữ viết và sự im lặng, đêm và ngày, mơ và thực cùng một lúc biểu hiện bi kịch của con người.
      Năm 2001 Nhà Trình bày đã xuất bản Thư Hà Nội* của ông với một bài viết về tác giả và thời gian đi quân dịch của ông ở Hà Nội, đồng thời giới thiệu và chú thích tường tận Lettre de Hanoï (Gallimard, 1997), tác phẩm chỉ được phép ấn hành sau khi tác giả qua đời.
Hoàng Ngọc Biên
 
-----------------
* Jean Tardieu, Thư Hà Nội, bản dịch của Nguyễn Thu Hồng và Hoàng Ngọc Biên, 96 trang, ảnh bìa của nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân (Hà Nội), in chung với bài viết Jean Tardieu: Những ngày Hà Nội của Hoàng Ngọc Biên, Nhà xuất bản Trình bầy, 2001.
 
 
 
JEAN TARDIEU
(1903-1995)
 
 

Những hiểm nguy của ký ức

 
Họ thường tụ họp nhau, để chiến đấu
chống lại những kỷ niệm rất dai dẳng.
Mỗi người ngự trong một chiếc ghế bành
và ai nấy bắt đầu kể chuyện.
 
Những tai nạn xuất hiện trước tiên
đến tình yêu, rồi đến những luyến tiếc bẩn thỉu
sau cùng là những kỳ vọng khó dập tắt được.
Tất cả những hình ảnh ấy được tô vẽ
trên vách tường, giữa đám hoa giấy.
 
Họ nghĩ là như thế có thể tập quen
với những nọc độc do ký ức họ chuyển đến.
– Tuy nhiên tôi, sau cánh cửa,
tôi thấy HIỆN TẠI bỏ trốn với những bí ẩn của nó.
 
(Trong Accents)
 
 

An toàn

 
Những tiếng kêu răng rắc của bàn tủ không thể
đủ làm ông bận tâm suốt thời gian
(bởi lẽ từ lâu ông vẫn chờ đợi
cái không bao giờ có thể xuất hiện)
ông ngồi bên cạnh cửa sổ
như một con người muốn trầm tư
và, không đối tượng, ông bắt đầu đếm.
 
Nhưng khi đi vào con số một triệu
tám trăm sáu mươi bốn ngàn,
ông dừng lại và, thở dài một hơi sâu,
ông nhìn ngắm những mái nhà trong thành phố.
 
(Trong Accents)
 
 

Trách nhiệm

 
                         Gửi Guillevic
 
Và trong lúc ấy mặt trời làm gì?
– Nó tiêu hết những của cải ta đã đem cho nó.
 
Thế biển làm gì? – Ngu ngốc, cứng đầu,
nó cứ mở rồi đóng những cánh cửa không cho ai cả.
 
Thế cây cối? – Chúng không còn đủ lá cho
những con chim không hót được đang chờ ngày tới.
 
Thế còn sông? Thế còn núi? Thế còn những thành phố?
– Tôi không biết nữa, tôi không biết nữa, tôi không biết nữa.
 
(Trong Jours pétrifiés)
 
 

Một người đàn bà một con chim

 
Con chim to tướng bay trên cánh đồng
giữ cùng nhịp với thung lũng và núi đồi,
chúng ta nhìn thấy chim bay rất lâu
trên bầu trời vô tận
trời không phải ngày cũng chẳng phải đêm.
Một con cò? Một con đại bàng? Đồng loạt
đường bay im lặng của cú nâu
và cánh bay sải huy hoàng
của vị thần đã biến thành chim...
 
Đôi mắt ta ngoảnh đi một lúc
bỗng thấy điều huyền diệu đáp xuống:
đấy là con gái của bình minh và của đam mê
thiên thần sa xuống cánh đồng chúng ta với một thân hình
phụ nữ hơn chính tình yêu và dài tha thướt đôi chân chạm mặt đất bởi
         gió trong cánh bay
còn giữ nàng lơ lửng. Rốt cuộc bộ lông vũ trắng mượt mà khép lại trên
người đàn bà pha lê. Nàng như không trông thấy chúng ta
cũng chẳng thấy lạ khi mặt hồ
trước bước chân mình đã trải... dài
nàng nhào xuống miệng mỉm cười với chính mình
sung sướng được nhớ lại
những ngày trước
và thời khắc bấy giờ không giới hạn... Trong mặt nước thủy tinh nàng
         đan dệt
những dấu hiệu của một ngôn ngữ lạ lùng
rồi đôi cánh vung vẩy, những hạt trai viền quanh,
sáng ngời trở lại và lạnh băng,
đôi chân nàng nện lên đất... Như ta vẫn còn nhìn thấy nàng đây
đầu hơi nghiêng về phía trước
và toàn thân gần như đã tách rời,
đúng như chúng ta đã nhìn thấy nàng bay lên và biến mất trên nền trời
         xanh.
 
Chính từ lúc ấy ta biết được
bằng ý nguyện tinh tế nào và những động tác bí ẩn nào
chúng ta có thể bay khi chung quanh đều yên ngủ.
 
(Trong Histoires obscures)
 
 

Ngã tư đường những cơn ác mộng

 
Những con người bị giấc mộng mình săn đuổi,
giữa giấc ngủ giữa lo sợ cùng tụ lại
trên một khoảng đất trống mở ra làn nước
cống, đen hơn cả đêm đen.
“Tôi, - một người nói, - tôi chạy và con chó cắn tôi
thế nhưng bà láng giềng đã hấp hối rồi
một con ngựa đưa tôi đi hạnh phúc đang chờ tôi...”
 
Một người khác rên xiết: “Tôi ra khỏi thân thể tôi,
tôi thay nhà thay mặt
tôi chẳng biết tôi là ai,
thế tuy nhiên tôi có chiếc nhẫn đeo tay này
khi nhìn thấy nó tôi khóc mà chẳng hiểu”.
 
Và mọi người gần như trần truồng cười hụt cả hơi
họp ở đàng xa kia thành một nhóm run lập cập
vì đã khám phá ra một kho tàng
trên mặt những đá lát không gì chói sáng
ngoài một mảnh chai
màu lục bảo và ngọc lam trong máu của suối dòng.
 
Và như thế hết người này đến người khác ra đi
xô đẩy bởi hơi thở của giấc mơ
cuốn trôi hết mọi người.
 
(Trong Histoires obscures)
 
 

Thiên nhiên

 
Đó là một con chim đang đến gần vừa bay vừa khóc
Là một áng mây đang vừa nói vừa mơ
một tảng đá lăn để giết thì giờ
một cây sậy ngắm mình trong mặt gương hồ
cây rừng
sừng sững như những người và người.
Tất cả họp thành một đám đông đợi chờ
– nhưng con người, – vắng bóng, vắng bóng, vắng bóng...
 
(Trong Histoires obscures)
 
 

Địa ngục tại gia

 
Trong bí ẩn của một hành lang u tối
tận cuối một tấm gương mơ hồ
một người bắt gặp hình bóng của mình.
 
Muốn thấy mình sao anh thấy mình đúng thế,
hãnh diện vui sướng đắc thắng
và nhất là trẻ, a y như một vị thần!
 
Nhưng hình bóng kia xoá mờ và biến mất
trong tiếng động của những cái ống rì rầm
và đột nhiên anh thấy mình không còn trái tim:
 
trong gương (tấm gương hơi rung
mỗi khi xe hơi chạy qua)
hiện ra một cư dân mới
từ từ tách ra từ từ tách ra,
một loại cho có cái lưng tròn
hướng lên vuông trời trong sân nhà
sủa cái chết và ném một cái nhìn đẫm lệ
 
(Trong Histoires obscures)
 
 

Ký ức chết

 
Bên cạnh những tường ngăn mạ vàng ở các văn phòng
nơi có những hành lang trôi tuốt trong những mặt kính
vô tận
mỗi cánh cửa, mỗi cột trụ
đều che giấu một kẻ giết người đang buồn chán và
ngáp dài:
giờ khắc thì dài mà tiền công thì thấp.
 
Tuy nhiên bên ngoài dưới bóng râm những tòa nhà
có nhiều cửa chính đang che mưa cho
một người đàn bà đang đứng sáng láng như mặt tủ kính,
đôi mắt nhìn trống rỗng.
 
– Alô!... – Vâng tôi đây!... – Tới giờ rồi!...
– Nghe đây... Anh ở đâu vậy?... Anh đang ở đâu vậy?...
– Ai đầu giây thế?... ai thế?... Tôi không nghe được!...
Biển đã lăn tràn vào các đường phố:
ngày mai cát sẽ ở dưới chân những đoàn người.
Bấy giờ nhà khảo cổ đứng giữa đất đá
sẽ lẫn lộn những thế kỷ và những tháng ngày của chúng ta
và cái vỏ điện thoại hoen rỉ
sẽ không đem cho ông một bí ẩn nào
về tiếng vo ve của những lời nói chúng ta.
 
(Trong Histoires obscures)
 
 
--------------------
”Những nguy hiểm của ký ức”, “An toàn”, ”Trách nhiệm”, “Một người đàn bà một con chim”, “Ngã tư đường những cơn ác mộng”, “Thiên nhiên”, ”Địa ngục tại gia” và “Ký ức chết” dịch từ “Les dangers de la mémoire”, “Sécurité”, “Responsable”, “Une femme un oiseau”, “Le carrefour des cauchemars”, Nature”, “L’enfer à domicile” và “Mémoire morte” trong Jean Tardieu, Le fleuve caché - Poésies 1938-1961 (Poésie/Gallimard, 1998).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021