thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGHỆ THUẬT THI CA
 
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
 
Lời người dịch:
 
Nhân ngày giỗ đầu tiên (28.12.2006-28.12.2007) của nhà thơ Diễm Châu (1937-2006), tôi xin dịch và gửi đến linh hồn anh hai bài thơ cùng nhan đề ARTE POÉTICA [Nghệ thuật thi ca] của Vincente Huidobro (Chile, 1893-1948) và Roque Dalton (El Salvador, 1935-1975). Tôi chọn dịch hai bài này vì khi nghĩ đến anh, một nhà thơ đã hiến cả một đời cho thơ, tôi chợt nhớ anh đã dịch bài thơ "Nghệ thuật thi ca" của Bắc Đảo mà tôi rất thích; và ngay sau đó tôi lại liên tưởng đến những bản dịch khác của những bài thơ về "Nghệ thuật thi ca" mà chính anh và vài người bạn thân của chúng ta đã dịch.
 
Sau khi giới thiệu hai bài thơ của Huidobro và Dalton ngay dưới đây, tôi xin đăng lại những bài thơ do Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên và Nguyễn Phan Thịnh dịch, để tất cả trở thành một chùm thơ gọi chung là NGHỆ THUẬT THI CA — một bó hoa của lòng tưởng nhớ.
 
____________
 
 
 
VINCENTE HUIDOBRO
Nhà thơ Chile
(1893-1948)
 

Nghệ thuật thi ca

 
Thơ như một chiếc chìa khoá
Mở nghìn cánh cửa.
Một chiếc lá rơi; cái gì chợt bay qua;
Hãy để tia mắt sáng tạo nên vạn vật
Và tâm hồn người nghe run rẩy với lời thơ.
 
Hãy phát minh những thế giới mới và chăm sóc ngôn từ của bạn;
Tính từ, khi nó mất sinh khí, hãy giết nó đi.
 
Chúng ta sống trong thời đại của những hệ thần kinh.
Bắp thịt treo vắt vẻo,
Như một hồi ức, trong những viện bảo tàng;
Nhưng chúng ta chẳng suy nhược hơn vì điều ấy.
Cường lực thực sự
Ngự trị ở trong đầu.
 
Sao lại hát ca về hoa hồng, hỡi các Thi Sĩ!
Hãy để nó tự trổ bông trong những bàì thơ;
 
Bởi chỉ vì chúng ta
Mọi thứ đều sống dậy dưới ánh Mặt Trời.
 
Thi sĩ là một tiểu Hoá Công.
 
 
____________
 
 
 
ROQUE DALTON
Nhà thơ El Salvador
(1935-1975)
 

Nghệ thuật thi ca

 
Niềm lo âu có thực.
 
Người đàn ông ấy sử dụng những đổ vỡ xưa cũ của mình như một tấm gương soi.
 
Chỉ một giờ đồng hồ sau khi đêm xuống
người ấy nhặt những mảnh vụn cay đắng của ngày qua
rồi đau đớn áp chúng vào trái tim mình
và tháo mồ hôi như một kẻ tham lam vẫn chưa chịu buông bỏ
giam mình vào căn phòng sâu hút, cô đơn.
 
Ở đó, hắn hút thuốc không ngừng
thêu dệt những mạng lưới thảm hại trên trần nhà
chán ghét những nhánh hoa tươi
bộ da ngột ngạt của hắn ruồng bỏ hắn
hắn nhìn chòng chọc hai bàn chân lạnh ngắt
hắn tin cái giường của hắn là nấm mộ mỗi ngày
các túi của hắn trống rỗng
hắn đói
hắn khóc.
 
Nhưng những người kia, những kẻ khác,
hân hoan phơi lồng ngực dưới ánh mặt trời
hay trước ánh mắt lùng sục của những tên sát nhân
họ nhấc miếng bánh mì ra khỏi lò nướng
như một lá cờ chống nạn đói
họ reo lên với lũ trẻ con những tiếng cười vang dội làm đau cả không khí
họ làm đầy bụng những người đàn bà diễm phúc bằng những bước chân trẻ con bé bỏng
họ nghiêm trang chẻ những tảng đá như những trái cây bướng bỉnh
họ trần truồng đứng hát vào ly nước mát
họ khoái trá đùa cợt nắm lấy cặp sừng của biển cả
họ xây những tháp hải đăng vi vút giữa cõi hoang vu gió cuốn
họ say sưa như ông Trời ở bất cứ nơi đâu
họ giương nắm đấm chống chỏi với sự tuyệt vọng
nâng những ngọn lửa báo oán trước tội ác
đem tình yêu sâu thẳm vô hạn
đương đầu với lưỡi hái tàn độc của hận thù
 
Niềm lo âu có thực, vâng.
 
Cũng có thực như sự tuyệt vọng
tội ác
hay thù hận.
 
Tiếng nói của nhà thơ sẽ nói cho ai!
 
 
____________
 
 
 
BẮC ĐẢO
Nhà thơ Trung Quốc
(1949~)
 
Bản dịch Diễm Châu
 

Nghệ thuật thi ca

 
Cái bàn
ấy những gì còn lại
của chốn ở bao la này nơi tôi cư ngụ
chung quanh những đầm lầy hút mắt
ánh trăng
phóng lên tôi những soi rọi khác nhau
mộng mơ còn dựng nơi xa xăm ấy
chiếc bóng mong manh những dàn gióng đã từ bỏ
những vết bùn nhơ này trên trang giấy trắng
con hồ-ly đã kiên trì nuôi dậy đó
hướng về tôi phe phẩy chiếc đuôi đỏ rực
nói với tôi những lời tán dương hoặc hăm dọa
 
thế rồi cố nhiên còn có em
ngồi trước mặt tôi
những ánh chớp biếc xanh lấp lánh trong tay em
biến thành củi khô tan thành tro than
 
 
____________
 
 
 
CZESŁAW MIŁOSZ
Nhà thơ Ba-lan
(1911-2004)
 
Bản dịch của Nguyễn Phan Thịnh
 

Nghệ thuật thi ca

 
Tôi đã luôn luôn khát khao một hình thức khoảng khoát hơn
nhằm thoát khỏi những ràng buộc của thi ca hay văn xuôi
để chúng ta hiểu nhau mà không phải giãi bày
những nỗi đau siêu phàm trước tác giả hay người đọc.
 
Trong chính bản chất thi ca có gì đó không nghiêm chỉnh:
một điều được nói ra mà chúng ta không biết mình đã cưu mang,
vậy nên chúng ta chớp mắt, làm như một con hổ phóng vọt ra
và đứng giữa ánh sáng, quất đuôi.
 
Đó là lý do tại sao thi ca được nói đúng là viết theo giọng đọc của một con quỷ
dù cứ khăng khăng phóng đại phải là của một thiên thần
khó mà nói từ đâu có niềm kiêu hãnh đó của nhà thơ
khi bao lần họ chịu xấu hổ vì phơi bày tính yếu đuối.
Cái một người biết điều muốn lại là một thành phố của bầy quỷ,
bọn hành xử như chúng đang ở nhà mình, nói nhiều thứ tiếng,
và bọn, chưa thỏa mãn với trò ăn cắp đôi môi và bàn tay của anh,
cố công thay đổi phận số anh vì tiện lợi của chúng.
 
Sự thật là những gì bệnh họan ngày nay được đánh giá cao,
vậy nên bạn có thể nghĩ rằng tôi chỉ đang đùa cợt
hay đã bày đặt thêm một phương pháp nữa
ngợi ca Nghệ Thuật với sư trợ giúp của mỉa mai.
 
Có một thời chỉ những quyển sách khôn ngoan được đọc,
giúp chúng ta chịu đựng đớn đau thống khổ.
điều này, cuối cùng, không như vậy nữa
khi lật qua một ngàn tác phẩm mới toanh từ những bệnh viện tâm thần.
 
Tuy nhiên thế giới này khác với những gì có vẻ
và chúng ta không giống như chúng ta nhìn thấy chính mình trong cơn điên dại.
Con người vì vậy gìn giữ lòng chính trực thầm kín,
Hầu gặt hái sự tôn trọng của thân quyến xóm giềng.
 
Mục đích của thi ca là nhắc nhở chúng ta
khó khăn biết chừng nào để vẫn chỉ là mình,
vì nhà chúng ta mở cửa, không có chìa khóa ở những cánh cửa,
và những vị khách vô hình tùy thích vào ra.
 
Những gì tôi đang nói đây, tôi đồng ý, chẳng phải là thi ca,
vì những bài thơ nên được viết hiếm hoi và miễn cưỡng,
dưới cưỡng ép bất kham và chỉ với hy vọng
rằng những thần linh thiện hảo, chứ không phải quỷ dữ xấu xa, chọn chúng ta để làm công cụ.
 
                                                                    Berkeley, 1968
(City Without Name)
 
 
____________
 
 
 
RAYMOND QUENEAU
Nhà thơ Pháp
(1903-1976)
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 

Cho một nền nghệ thuật thi ca

 
Hãy lấy một chữ hãy lấy hai chữ
Hãy đem nướng chúng như những cái trứng
hãy lấy một mẩu cảm xúc
rồi lấy một miếng to vô hại
hãy đem đun với ngọn lửa riu riu
ngọn lửa nhỏ của kỹ thuật
hãy đổ vào nước xốt bí ẩn
hãy rắc vào vài ngôi sao
hãy cho hạt tiêu vào và hãy giương buồm
Vậy ra bạn muốn đi đến đâu đây?
Muốn viết
Thật thế? Muốn viết?
 
 
 

Hướng tới một Nghệ thuật Thơ

 
Một bài thơ thật ra cũng chẳng có gì
một tí hơn so với trận gió xoáy ở Antilles
một tí hơn so với trận bão ở Trung Hải
so với một trận động đất ở Đài Loan
 
Một trận lụt trên sông Dương Tử
chỉ một lần thôi là vùi dưới nước cả trăm ngàn người Trung quốc
 
vụt một cái
thế mà nó cũng chẳng làm đề tài cho một bài thơ
Chẳng có gì
 
Trong làng ta mọi người thích loay hoay
quanh việc xây một ngôi trường mới
chúng ta sẽ bầu một xã trưởng mới và thay đổi những ngày họp chợ
chúng ta trước đây ở giữa trung tâm thế giới còn bây giờ thì
chúng ta ở gần dòng nước biển đang gặm nhắm chân trời
Một bài thơ thật ra cũng chẳng có gì
 
 
____________
 
 
 
CONSTANTIN P. CAVAFY
Nhà thơ Hy-lạp
(1863–1933)
 
Bản dịch Diễm Châu
 

Những gì tôi đem lại cho nghệ thuật

 
Tôi ở lại đó mơ mộng.    Thèm muốn và cảm giác,
ấy những gì tôi đem lại cho Nghệ thuật —    những điều chỉ thoáng thấy,
những khuôn mặt hay hình nhìn nghiêng;     vài kỷ niệm mơ hồ
của những cuộc tình dang dở.    Tôi buông mình cho nó.
Nghệ thuật có thể tạo lại    Hình thù của cái Đẹp;
bổ sung cuộc đời    một cách hầu như không nhận biết,
nối liền những cảm tưởng,    đưa lại gần tháng ngày.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021