thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hà Nội 1 (lược sử hình thái kiến trúc)
 

I.

 
Sự đổi thay của Hà Nội có thể được bắt đầu
bằng việc phân tích bản đồ 1873 do người Việt lập
mô tả thành phố trong môi trường tự nhiên
trước khi có những quy hoạch lớn của người Pháp
Bị hồ Tây và sông Hồng án ngữ phía Bắc phía Đông
phía Nam của hai mảng đô thị này có những ngôi nhà lớn
bao quanh bởi tường cao tách biệt nông thôn với thành thị
Một lý giải vì sao người Hà Nội rất hay
dè bỉu những người nông dân sống cách họ chỉ vài cây số.
 

II.

 
Trên bản đồ 1885 Hà Nội không được thể hiện trọn vẹn
phần Tây Nam của thành phố là một khoảng không
Bản đồ này chủ yếu nhằm vạch ranh giới
Toàn bộ chú thích tiếng Pháp chỉ liên quan đến ba ngôi chùa
một cách rất vật chất
Người ta thấy khu nhượng địa có chức năng hành chánh
trong khi khu thành cổ dưới sự chỉ huy
của Rivière chiếm giữ từ năm 1882 có chức năng quân sự
Bên cạnh hai khu này còn một con đường khác
giành cho những công trình đồ sộ
xây dựng bởi đạo Thiên Chúa
Dĩ nhiên trên bản đồ người ta đã không vẽ
khu vực giành cho thuốc phiện và nhà thổ.
 

III.

 
Các nhà nho và thầy địa lý phản đối
phong cách châu Âu và chiều cao của tường thành
Nhưng trong bối cảnh lịch sử những năm 1880
họ được coi là những kẻ hủ bại
Việc phá bỏ bừa bãi những công trình cổ của người Việt
sau này mới được nhắc đến một cách tiếc nuối
trong sách của Claudius Madrolle hay André Masson
Vào thời điểm đó những hoạt động này hầu như
không gặp sự phản kháng. Ngoại trừ thái độ im lặng
của một thiểu số am hiểu lịch sử và vài nhà khảo cổ nghiệp dư
Phía Đông Nam hồ Hoàn Kiếm di tích còn sót lại
của chùa Quan Thưởng chỉ là một cái cổng nhỏ.
 

IV.

 
Việc nghiên cứu các di sản kiến trúc không chỉ nhằm đưa ra
những quy định mang tính tiêu chuẩn
Nếu được sử dụng đúng đắn chúng có thể cung cấp
kiến thức, kinh nghiệm và sự hữu dụng tuyệt vời.
Ví dụ, chúng ta có thể vận dụng mô hình kiến trúc
của các tòa nhà cao tầng Sài Gòn trước 1975
Các công trình này đã kết hợp giữa xây dựng chiều cao
với vẻ ngoài tinh tế và sự kiểm soát mật độ các khu nhà
Đây là một điển hình hiện đại lịch duyệt đáng nể.
 

V.

 
Chúng ta có bao giờ để ý,
rằng vẻ đẹp của Hà Nội một phần lớn nhờ vào
hằng hà sa số xe đạp và xe máy
dày đặc xen nhau trong bụi bặm
giống như đàn cá khổng lồ đoàn kết chặt chẽ
vượt qua những thăng trầm lịch sử, họ, những người này
Những người hàng ngày sống và sinh hoạt
trong nhà ống. Đã thành công trong việc
biến ngôi làng của mình thành một thủ đô.
 
Một thủ đô được yêu mến bởi người nước ngoài,
nhưng hãy còn xa lạ với nhiều người Việt Nam khác.
 
----------------------------------------
Chú thích: Bài thơ này sử dụng một số nguyên liệu ngôn ngữ trong Hà Nội, chu kỳ của những đổi thay: Hình thái kiến trúc đô thị, chủ biên: Pierre Clement và Nathalie Lancret, người dịch: Mạc Thu Hương, Trương Quốc Toàn (Hà Nội: NXB Khoa Học Kỹ Thuật, 2003), trang 103-111, 198.
 
Bài thơ hoàn toàn không phản ánh nội dung hay quan điểm của cuốn sách nêu trên.
 
Trích tập thơ vừa xuất bản Chế Tạo Thơ Ca 99-04 (xem chi tiết http://www.haophan.net/)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021