thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ XX: "Giấc mộng của Robert Louis Stevenson, nhà văn và người lữ hành"]
(Diễm Châu dịch)

 

Một đêm tháng Sáu năm 1885, vào tuổi mười lăm, trong lúc đang ở trong một căn buồng của bệnh viện Édimbourg, Robert Louis Stevenson, nhà văn và người lữ hành tương lai, nằm mộng. Ông mộng thấy mình đã trở thành một người đứng tuổi và ông đang ở trên một con tàu buồm. Con tàu lúc ấy có những cánh buồm căng gió và đang đi trên không. Còn ông, ông đang cầm lái và lái tàu như người ta lái một trái khí cầu. Con tàu buồm lướt trên Édimbourg, rồi băng qua những ngọn núi ở Pháp, xa dần Âu châu và bắt đầu bay trên một đại dương màu thiên thanh. Ông biết rằng ông đã đáp chuyến tàu này là vì hai buồng phổi của ông không sao hít thở được, và ông đang cần không khí. Vào lúc này ông hít thở thật đều đặn, những làn gió trút đầy hai buồng phổi ông khí trời tinh khiết và cơn ho của ông cũng đã dịu êm.

Con tàu buồm đậu trên mặt nước và bắt đầu lướt mau. Robert Louis Stevenson đã trương hết buồm lên và để mặc gió chỉ đường cho mình. Vào một lúc nọ ông nhận ra một hải đảo ở chân trời, và khá nhiều chiếc xuồng dài, do những người sạm nắng chèo lái, tới đón ông. Robert Louis Stevenson thấy rằng đám xuồng ấy sắp hàng hai bên ông và chúng chỉ đường cho ông theo; trong lúc làm như thế, thổ dân hát những bài hát nhẹ nhàng vui tươi và phóng những vòng hoa trắng lên boong tàu.

Khi ông tới cách đảo chừng một trăm mét, Robert Louis Stevenson buông neo và, dùng một cái thang dây nhỏ, ông trèo xuống mãi tận chiếc xuồng chính đang chờ ông dưới thành tàu. Ấy là một chiếc xuồng rất oai nghiêm, với một hình tổ vật thật lớn ở trước mũi. Thổ dân ôm hôn ông, rồi quạt cho ông bằng những tàu lá cọ thật lớn, trong lúc họ hiến ông những trái cây rất ngọt.

Đón chờ ông trên đảo là đám phụ nữ và trẻ em, đang tươi cười nhảy múa, và họ đã choàng quanh cổ ông những tràng hoa. Ông đầu làng tiến lại gần ông và chỉ cho ông đỉnh núi. Robert Louis Stevenson hiểu rằng ông phải lên tới đó, nhưng ông không biết tại sao. Ông nghĩ rằng, với sự hô hấp kém cỏi ông sẽ chẳng bao giờ lên tới được đỉnh núi, và ông đã tìm cách giải thích điều ấy cho các thổ dân bằng những điệu bộ phỏng chừng. Nhưng họ đã hiểu từ trước và đã chuẩn bị cho ông một cái ghế khiêng, bện bằng cói và lá cọ. Robert Louis Stevenson ngồi vào đấy, bốn thổ dân lực lưỡng đẩy cái ghế khiêng lên vai và bắt đầu leo núi. Khi lên, Robert Louis Stevenson khám phá ra một toàn cảnh không thể giải thích: ông thấy xứ Tô-cách-lan và nước Pháp, châu Mỹ và Nữu-ước, và trọn cuộc đời đã qua của ông, lúc ấy hãy còn đang tới. Dọc theo những sườn núi, cây cối tốt lành và những thức hoa ăn thịt sâu bọ thấm đầy không khí một mùi hương giải thoát cho hai buồng phổi ông được quang đãng.

Các thổ dân đã dừng lại trước một cái động và ngồi khoanh chân dưới đất. Robert Louis Stevenson hiểu rằng ông phải bước vào trong động, họ đưa cho ông một bó đuốc, và ông bước vào. Trong động thời lạnh, không khí có một mùi xạ hương. Robert Louis Stevenson tiến lên trong bụng núi mãi tới một gian phòng tự nhiên mà những cuộc động đất ở xa xa đã khoét ở bên trong đá núi và trong gian phòng đó có những tảng thạch nhũ khổng lồ rủ xuống. Ở chính giữa gian phòng có một cái rương bằng bạc. Robert Louis Stevenson mở ra và thấy có một cuốn sách ở bên trong. Đó là một cuốn sách nói về một hải đảo, về những chuyến du hành, về những cuộc phiêu lưu, về một đứa trẻ và bọn hải tặc; và chính tên ông được ghi trên cuốn sách. Ông liền ra khỏi động, truyền cho các thổ dân trở về làng, và cắp cuốn sách ông trèo lên mãi tới đỉnh núi. Rồi ông nằm dài trên cỏ và ông mở cuốn sách ở trang đầu tiên. Ông biết rằng ông sẽ ở lại đó, trên đỉnh núi này, để đọc cuốn sách này. Là vì không khí thật tinh khiết, và câu chuyện cũng như không khí, nó mở hồn ta ra; và thật là tuyệt đẹp khi chờ đợi chung cuộc, ở đấy, trong lúc đọc sách.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

*Robert Louis Stevenson. Ông sinh tại Édimbourg năm 1850. Sức khỏe bất an, tuổi thanh xuân của ông được ghi dấu bằng những căn bệnh lâu dài và những thời kỳ dưỡng bệnh không dứt. Ông bị đau phổi và chết vì bệnh lao phổi. Ông đã du hành ở Âu châu, ở Hoa-kỳ và trong vùng Thái-bình-dương. Châu đảo là cuốn sách nổi tiếng nhất của ông. Để chết, ông lựa một hòn đảo xa xôi, đảo Opolu, trong vùng quần đảo Samoa. Ông được chôn cất trên đỉnh núi. Bấy giờ mới được bốn mươi bốn tuổi. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

 

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]

Mộng của mộng [kỳ X: "Giấc mộng của Henri de Toulouse-Lautrec, hoạ sĩ và người bất hạnh"]

Mộng của mộng [kỳ XI: "Giấc mộng của Achille Claude Debussy, nhạc sĩ và nhà thẩm mỹ"]

Mộng của mộng [kỳ XII: "Giấc mộng của Francisco Goya y Lucientes, hoạ sĩ và người có linh thị"]

Mộng của mộng [kỳ XIII: "Giấc mộng của Samuel Taylor Coleridge, thi sĩ và người nghiện thuốc phiện"]

Mộng của mộng [kỳ XIV: "Giấc mộng của Lucius Apulée, nhà văn và pháp sư"]

Mộng của mộng [kỳ XV: "Giấc mộng của Cecco Angiolieri, thi sĩ và kẻ phạm thánh"]

Mộng của mộng [kỳ XVI: "Giấc mộng của François Rabelais, nhà văn và thày tu xuất"]

Mộng của mộng [kỳ XVII: "Giấc mộng của Michelangelo Merisi, tức Caravaggio, hoạ sĩ và người dễ nóng giận"]

Mộng của mộng [kỳ XVIII: "Giấc mộng của Giacomo Leopardi, thi sĩ và người «điên» vì trăng"]

Mộng của mộng [kỳ XIX: "Giấc mộng của Carlo Collodi, nhà văn và người kiểm duyệt sân khấu"]

 

LỜI NGƯỜI DỊCH:

Cùng bạn đọc «Tiền Vệ»,

Tới đây là chấm dứt 20 chuyện trong Mộng của mộng của nhà văn Ý Antonio Tabucchi. Tôi xin có một lời thưa chót cùng quý bạn: như một người đọc bình thường, mở sách ra, đọc bất cứ truyện nào, tôi đã tự cho mình cái thú ấy khi trình bày các truyện với quý bạn! Thế nhưng, có nhiều người ưa thích đoc truyện theo thứ tự của tác giả, trong nguyên tác, từ trang đầu đến trang chót. Và đây là thứ tự ấy: 1. Dédale; 2. Ovide; 3. Apulée; 4. Angiolieri; 5. Villon; 6. Rabelais; 7. Michelangelo Merisi; 8. Goya; 9. Coleridge; 10. Leopardi; 11. Collodi; 12. R.L.Stevenson; 13. Rimbaud; 14. Tchekhov; 15. Debussy; 16. Toulouse-Lautrec; 17. Pessoa; 18. Maïakovski; 19. García Lorca; và 20. Freud.

Xin kính cáo bạn đọc.

Diễm Châu

 

--------------------------------------------

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021