thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gió tháng giêng ở phố Tàu
 
Chợ Lớn
Chỉ là nơi mở cho tôi mọi cái Tết trẻ thơ
Và cắm cổ chạy theo tiếng cười của đồng xu lì xì
Chỉ là nơi tôi chọc phá mấy bà xẩm[*] đang thắp nhang cúi lạy mâm đồ cúng
Mọi con đường đều thẳng trong một ngày xuân bình thản
 
Xóm tôi ông Tàu lấy mười hai bà xẩm
Xóm tôi ánh sáng có màu da con vịt quay
Ai cũng có tuổi thơ để chơi chim và cá
Ai cũng có cùng tiếng than “ngộ mụ líu hà!”
Và ai cũng có con đường gãy để làm đồ chơi trên đường về với ông bà tiên tổ
 
Chợ Lớn có những con chó lùn liếm tay các a muối[**]
Những con chó đực vàng khè đái vào lưng các ông già đánh cờ
Bàn cờ có bốn chân trẻ con không mang dép
những đôi chân không thích chạy trốn loài chó
Rồi bà già cầm cán chổi đi tìm ông già
Tiếng khóc của người già nghe như tiếng chuông xe cà-rem
chạy trốn tình yêu chắp vá
 
Làm cách nào mà tôi biết tôi đang đội trên đầu bầu trời xuân Chợ Lớn
Chỉ là lúc tôi để cho cơn gió tháng giêng nhẹ hều giật mất màu tóc đen
Chỉ là lúc tôi khóc ò-í-e-o-í-è
Tôi khóc thương cho những mái đầu quanh tôi đã bạc
 
Mắt tôi hứng mỏi sắc tím tím hường hường
Tôi có thể chờ được ve vuốt bằng mùi bông thược dược Trung Hoa
Có thể chờ được nhìn thấy mình trở lại nhà
được chăn dắt trong vòng tay một thím xẩm
 
Hỡi ơi trăng vàng và mùi thức ăn chiên xào Chợ Lớn
Nơi chốn cứ nuôi hoài những gốc rễ căn và màu hoa ngô đồng viễn mộng.
 
 
_________________________

[*]Xẩm: Tiếng thường gọi đàn bà người Hoa

[**]A Muối: Tiếng thường gọi các cô gái người Hoa

 
 
-----------------------------------------
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:
 
Tôi tìm thấy bài thơ “Gió tháng giêng ở phố Tàu” trên blog của nhà thơ Trần Tiến Dũng trong những ngày đón Tết. Thật thú vị, vì đây là một biến điệu, một hoá thân, một sự phục sinh dưới hình hài mới từ bài thơ “Gió tháng tư nhẹ hều”, một bài thơ mà Trần Tiến Dũng đã viết hồi tháng tư năm 2007.
 
Trong thân xác mới, bài thơ tháng tư biến thành bài thơ tháng giêng, dù khung cảnh vẫn là phố Tàu Chợ Lớn.
 
Khi tháng tư biến thành tháng giêng, thì
“Tôi chạy theo tiếng khóc đồng xu” biến thành “cắm cổ chạy theo tiếng cười của đồng xu lì xì”.
“Mọi con đường đều gãy trong một ngày bình thản” biến thành “Mọi con đường đều thẳng trong một ngày xuân bình thản”...
 
Và... còn nữa. Chúng ta hãy cùng đọc, đối chiếu, và tự hỏi về sự biến thái này.
 
Tôi có gửi email trao đổi với Trần Tiến Dũng. Anh nói bài thơ này có “số phận” mới, vì khi một cảm xúc cũ được nhìn lại trong một thời điểm mới, nó sống lại trong một diện mạo mới.
 
Tôi đồng ý với Trần Tiến Dũng. Nhà thơ là kẻ có cái phép mầu làm cho những tứ thơ cũ của mình đầu thai vào một kiếp sống mới, một kiếp sống khác...
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021