thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đứa bé nuôi rắn độc

 

Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
Tàn Tuyết tên thật là Trịnh Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.

 

______________________________

 

ĐỨA BÉ NUÔI RẮN ĐỘC

 

Tướng mạo Sa Nguyên rất bình thường, không thể tìm ra một điều đặc biệt nào ở nó. Khi không nói, gương mặt nó trơ trơ, tuy vậy, cũng không hẳn giống khuôn mặt của người chết.

“Nó lúc nào cũng ngoan ngoãn,” mẹ Sa Nguyên nói với tôi, “nhưng dở một cái là nhất định không ra khỏi cửa, cứ ru rú trong nhà như vậy thì biết cái gì. Vấn đề này xảy ra khi nó sáu tuổi. Hồi đó thừa lúc tôi và cha nó không để ý, nó đã trốn đi, chúng tôi phải đi tìm rất lâu, cuối cùng mới phát hiện nó đang ngủ trong bụi hoa hồng ở công viên, nó nằm ngửa, dang tay dang chân với bộ bất cần. Sau đó, nó nói với chúng tôi rằng cái mà nó nhìn thấy không phải là hoa hồng, mà là rất nhiều rắn, nó còn nói thấy rất rõ cả xương xẩu bên trong của chúng, rồi nó bị một con rắn cắn và ngã lăn ra ngủ. Thật ra, lúc đó Sa Nguyên chưa từng nhìn thấy rắn thật, chỉ thấy chúng qua ti vi, chúng tôi sợ quá, phải tăng cường trông nom không để nó ra khỏi cửa.”

Khi chúng tôi nói chuyện, Sa Nguyên ngồi trong phòng, gương mặt bất động đối diện với cánh cửa tủ gỗ. Tôi ngạc nhiên đến nỗi cứ luôn thò đầu ngó qua chỗ nó.

“Không phải lo, nó đã không nghe được từ lâu, muốn để ngoài tai cũng được. Sau đó có một bác sĩ khuyên chúng tôi đem nó đến nơi có phong cảnh đẹp, để nó tiếp xúc với nhiều người, như vậy tình hình sẽ cải thiện tốt hơn. Chúng tôi đến bãi biển. Ban ngày Sa Nguyên thường đùa chơi cùng những đứa trẻ lang thang khác trên bờ biển, nhưng nó rất dễ mệt mỏi. Chúng tôi vẫn chú ý trông nom nó, nó là đứa trẻ khiến người ta không lúc nào có thể yên tâm được. Chỉ cần mệt, là nó lăn ra ngủ ở bất cứ chỗ nào, hết sức tuỳ tiện. Buổi tối khi rửa chân, nó cũng có thể vừa rửa vừa ngủ. Chúng tôi cho rằng việc rửa chân của nó, thực tế chỉ là một động tác mang tính máy móc, còn não bộ của nó thì đã nghỉ ngơi từ lâu rồi. Sang ngày thứ ba, có một đứa bé con nhà đánh cá chạy vào phòng chúng tôi giơ ngón tay chảy máu lên nói rằng đó là do Sa Nguyên cắn. Chúng tôi hỏi Sa Nguyên, nó cười ngơ ngẩn nói rằng đó là đầu một con rắn, nó không cắn, thì thằng bé kia sẽ cắn nó.

“Chúng tôi ở bãi biển được một tháng, phong cảnh đẹp nơi đây chẳng có ảnh hưởng gì tốt đẹp đối với Sa Nguyên, năm đó nó chín tuổi. Từ đó về sau, năm nào chúng tôi cũng đi du lịch, qua sa mạc, đến ao hồ, vào rừng sâu, tới thảo nguyên; Sa Nguyên vẫn không hề khá hơn, nó ngồi trên toa xe lửa cứ y như ngồi ở nhà, không cả nhìn ra ngoài khung cửa, cũng không nói chuyện với ai, có thể nó gần như không biết đến cuộc lữ hành của mình. Đương nhiên, tôi và cha nó đều biết rằng từ nhỏ nó đã như vậy, không hề quan tâm đến những chuyện chung quanh mình, nói thế nào nhỉ, có lẽ là nó thiếu nhạy cảm đối với sự vật mới. Năm trước chúng tôi phát hiện trên cánh tay phải của nó có nhiều vết thương, khi gạn hỏi, nó dẫn chúng tôi đến một căn phòng trống, bên trong tối đen như mực. Khi nó bật đèn pin lên, chúng tôi nhìn thấy một ổ rắn hoa bên trong chiếc thùng giấy. Cha nó kinh hoàng hỏi, nó nói: ‘Con bắt mỗi nơi một con gom vào đây.’ Thật kỳ quái, chẳng phải suốt ngày nó ở cùng một chỗ với chúng tôi đó sao? Chúng tôi vẫn để ý trông nom nó mà! ‘Chẳng hề có chuyện lúc nào cũng ở sát nách cha mẹ đâu, đó chỉ là hiện tượng bề ngoài thôi.’ Nó lại tuỳ tiện chen vào một câu.

“Sau khi cha nó dỗ cho nó đi chỗ khác, tôi đã tìm một cái cuốc và băm nát mấy con rắn độc nhỏ ấy đi. Khi trở về, chúng tôi thức thâu đêm suốt sáng để đề phòng nó bỏ đi. Nhưng hai ngày sau, trên tay nó lại xuất hiện vết thương mới, nhất loạt đều là hai dấu răng đo đỏ giống nhau. Nó còn nói với chúng tôi: ‘Cha mẹ sao lại phải khổ sở như vậy chứ, cha mẹ không hiểu rằng con chỉ ở bên cha mẹ với cái vẻ bên ngoài. Tuy con ngồi ở đây, nhưng có chỗ nào mà con chẳng thể đi? Rắn rất nhiều, chúng nó thường lạc đường, con chỉ đi gom chúng lại một chỗ, để chúng không bị cô đơn. Đương nhiên việc làm ấy cha mẹ không thấy, hôm qua con tìm thấy một con rắn bên cái tủ sách, chỉ cần con muốn tìm là có thể tìm được. Lúc nhỏ, con sợ bọn rắn ấy lắm, lại còn từng cắn một cái đầu rắn nữa kia, bây giờ nghĩ lại thật buồn cười.’ Nó quay sang nói với tôi như vậy.”

Hôm đó, Sa Nguyên ngồi xoay lưng lại phía chúng tôi, rồi bỗng nhiên nó giơ tay vỗ vỗ vào đầu. Chúng tôi chạy đến, mẹ Sa Nguyên xoay nó quay về phía chúng tôi, vẻ mặt của nó rất bình thản. Tôi lựa lời hỏi rằng nó ngồi một mình ở đây làm gì? Như vậy chẳng phải là buồn lắm sao?

“Lắng nghe.” Nó trả lời câu hỏi của tôi một cách đơn giản.

“Vậy đã nghe được gì nào?”

“Chưa thấy gì cả, rất yên tĩnh. Nhưng đến chín giờ tối, tình hình sẽ khác.”

“Con cứ thờ ơ như vậy, thì cha mẹ biết sống làm sao?” Mẹ Sa Nguyên lại bắt đầu than thở.

“Không vứt bỏ cái gì hết.” Sa Nguyên từ tốn nói, “Con sinh ra là để đi bắt rắn.”

Tôi bắt đầu khuyên mẹ Sa Nguyên không nên quan tâm đến chuyện của nó nữa, theo tôi, thằng bé ấy tuy có hơi kỳ lạ, nhưng trời sinh như vậy, nói không chừng nó sẽ làm nên việc lớn cũng nên.

“Chúng tôi không mong nó làm nên được đại sự gì cả,” mẹ Sa Nguyên nói, “nó cũng như cha nó thôi, đều là người bình thường, nhưng nó lại làm những chuyện đáng xấu hổ, nuôi rắn độc khiến người khác phát khiếp, cuối cùng thì nó muốn làm gì đây? Thế này thì chẳng đáng sợ như sinh ra một con rắn độc hay sao? Chúng tôi không lúc nào được yên, bị nó làm cho khô héo tàn tạ, đáng sợ nhất là bây giờ hầu như nó không bước ra khỏi cửa, nhưng vẫn làm được những chuyện kỳ quái và nó luôn đạt được mục đích.”

Có một hôm, tôi tình cờ gặp mẹ Sa Nguyên từ căn phòng trống bước ra, mặt mũi tiều tuỵ, tay cầm một cái cuốc, khi tôi hỏi, mới biết là bà lại đi diệt ổ rắn, giết được tám con. Mái tóc của bà nhanh chóng phai màu, bước đi già nua lọm khọm. Phía sau bà, là cha Sa Nguyên –- một ông già mắt chớp liên tục. Cuối cùng là Sa Nguyên bước ra, khom lưng, vẻ mặt hiền lành, nó gật gật đầu khi trông thấy tôi và nói:

“Cháu đã tạo được một nơi giết chóc đặc biệt hoành tráng rất thú vị, tám sinh mệnh bị tiêu diệt trong một lúc. Với chúng nó, hoàn toàn không có gì khủng khiếp bằng, điều khiến cháu kinh ngạc là không hiểu tại sao cái tay cầm cuốc lại có thể tự tin như vậy được.”

Tôi hỏi nó rằng có phải chính nó đã dẫn cha mẹ nó vào cái phòng trống ấy hay không. Nó xác nhận, cha mẹ nó đòi đến đó, và nó lập tức dẫn hai người đi, nó luôn có một sự tò mò đối với các hành vi của cha mẹ nó. Khi nó nói những điều này, thì bà mẹ đang ngước lên bầu trời xa xôi, đôi mắt thất thần, còn cha nó thì buông một câu: “Nếu ai quá mẫn cảm, thì cuộc sống của người ấy sẽ gặp nhiều khó khăn, phong cảnh đẹp có thể khiến người ta mở rộng tầm mắt.”

Tôi phát hiện ra rằng, trong ba người bọn họ, thì người ủ rũ nhất là bà mẹ, còn Sa Nguyên thì luôn có vẻ bình thản. Thoáng chốc, tôi bỗng nhiên hiểu ra tất cả, giữa ba người có một thứ quan hệ tế nhị, một thứ kềm chế đặc biệt. Mà chuyện này chính là một minh chứng rõ ràng. Thì ra, Sa Nguyên hoàn toàn không dẫn cha mẹ đến căn phòng trống, có thể nó dẫn họ đến một nơi nào đó, nhưng đây có phải chỉ là bởi tính cách hiền lành của nó?

Tôi nhớ lại lúc Sa Nguyên còn nhỏ. Rõ ràng, nó là một đứa trẻ rất hoạt bát, khuôn mặt biểu cảm. Mẹ của Sa Nguyên rất tự hào, nhưng lại có vẻ bất an, bà từng lặng lẽ nói với tôi rằng Sa Nguyên rất dễ mệt mỏi, đặc biệt là không thể nghe người khác nói chuyện, chỉ cần ai nói chuyện với nó, thì mí mắt nó sụp xuống, rồi lát sau đã ngáy khò khò, “cứ như cây xấu hổ, nhưng nó hoàn toàn không xấu hổ gì cả.” Đến năm tuổi, nó vẫn giữ thói quen ấy, về sau nó mới học cách tự khống chế mình, nhưng đó cũng chỉ là vẻ bề ngoài. Người khác nói chuyện với nó, mới được vài câu, nó đã ngáp liên hồi, nếu nói nữa, thì nó vừa nhìn vừa ngủ. Lúc đó, nó hoàn toàn không chán ghét cuộc sống du lịch, mà ngược lại còn thích thú nữa là khác, vì như vậy sẽ không còn phải nghe người khác nói nữa.

Khi cha mẹ đi ngắm cảnh, nó ngồi một mình, lắng nghe những âm thanh hỗn loạn của các động vật nhỏ phát ra. Nó luôn luôn có thể chỉ ra một cách hết sức chính xác nơi con chuột đồng đang đào hang, nơi nào con rắn kim hoàn đang trườn, có lẽ cả đời nó tập trung vào việc luyện tập loại thính giác đặc biệt ấy, nhưng những thanh âm trò chuyện của con người bị loại ra khỏi thính giác của nó. Nó luyện tập như vậy đến nay đã có thể thông qua những ý nghĩ manh nha để đạt đến mục đích nào đó. Nhìn bề ngoài, nó là một đứa bé tính tình hiền hoà, những đứa trẻ kiểu như nó khiến người ta dễ mất cảnh giác, chuyện đứa bé con nhà người đánh cá bị cắn chính là một ví dụ. Bây giờ thì đến lượt cha mẹ của nó. Cuối cùng nó đối xử với người và vật chung quanh như thế nào, đây thực là một câu đố nan giải. Ví dụ dường như nó xót thương những con rắn nhỏ, nhưng lại xui cha mẹ mình đi tàn sát chúng, việc này thật khó hiểu. Không thể nói rằng phong cảnh đẹp không có tác dụng đối với nó, có thể chính cảnh đẹp đã thai nghén nên loại tính tình như nó, mỗi người đều có những cảm nhận về phong cảnh rất khác nhau. Nói như vậy, nỗi khổ tâm của cha mẹ nó chỉ gợi ra tác dụng ngược lại với kỳ vọng của họ.

Bỗng một hôm, Sa Nguyên không còn cái vẻ trầm tư mặc tưởng như trước nữa, thái độ của nó đối với cha mẹ cũng chuyển từ ngoan ngoãn sang thân thiện. Khi tôi đi, thấy cả nhà ba người bọn họ đều có vẻ rất hoà thuận, trên khuôn mặt mẹ của Sa Nguyên cũng lộ vẻ tươi cười, mười mấy năm qua, người mẹ này đã hoàn toàn bị suy sụp vì con, mà bây giờ, những nếp nhăn trên mặt bà như từ từ giãn ra, bà vui vẻ nói với tôi: “Thằng Sa Nguyên bây giờ đã khôn ra rồi, thử nghĩ xem, tôi đã giết biết bao nhiêu rắn độc vì nó!” Khi bà nói, Sa Nguyên ngồi bên cạnh cười híp mắt phụ hoạ.

Tôi không tin sự việc lại đơn giản như vậy, tôi ngầm cảm thấy rằng vẻ mặt tươi cười của Sa Nguyên kia có điều giả dối. Tuy bây giờ nó không nuôi rắn độc nữa, nhưng ai biết đâu nó lại chẳng bày ra một trò mới gì đó? Tôi quyết tâm nói chuyện thân thiện với nó một chút xem thế nào.

“Cháu không cần tìm chỗ nuôi rắn nữa rồi,” Sa Nguyên trả lời tôi, “chúng ở ngay trong bụng của cháu, đương nhiên không phải là lúc nào cũng nằm im trong đó, mà khi cháu muốn là chúng sẽ đến, nhất là con rắn hoa nhỏ mà cháu thích.”

Tôi chăm chú nhìn cái thân thể ngày càng gầy hao đi của nó, và hỏi nó rằng mẹ nó có biết việc này hay không? Nó nói không cần, vì con rắn nhỏ không chiếm không gian, nếu nó không nói, thì sẽ không có chuyện gì xảy ra, mọi người đều vui vẻ. Tôi lại hỏi nếu như vậy sức khoẻ của nó có bị ảnh hưởng gì không? Nó chăm chú nhìn tôi một thoáng, rồi bỗng nhiên có vẻ mơ màng mông lung, vừa ngáp vừa nói: “Trong bụng ai mà lại chẳng có mấy thứ như vậy? Người ta không biết cho nên mới mạnh khoẻ. Cháu luôn buồn ngủ, chú nói cũng nhiều rồi, cháu rất ít khi nói nhiều như vậy, chú thực là một quái nhân.”

Tôi còn muốn hỏi nữa, nhưng đầu nó đã gục xuống trước ngực, ngủ đứng bên bàn.

Mẹ của Sa Nguyên phấn chấn tinh thần, cho nên trẻ ra rất nhiều. “Xem ra du lịch vẫn là điều cần thiết.” Bà vừa thu xếp hành lý vừa nói. Sa Nguyên cũng giúp mẹ một tay, trông rất vui vẻ. Nhưng lát sau, Sa Nguyên quay lại nôn oẹ. “Chuyện nhỏ,” nó vừa lau đôi môi nhợt nhạt vừa nói, và nó còn thì thầm với riêng tôi một câu: “Ấy là do con rắn hoa quậy.” Rất nhanh chóng, họ ngồi lên xe lửa và lên đường, xe chạy về hướng tây nam, hôm đó gió rất lớn.

Khoảng hai năm sau, họ mới trở về, cả ba đều có vẻ già đi, nhưng vẫn rất hoà thuận, nhìn kỹ cũng không thấy có điều gì bất thường ở họ. Hơn nữa, rõ ràng Sa Nguyên đã mập hơn trước một chút, mặt mũi cũng sáng sủa hơn. Tôi lén hỏi nó chuyện về những con rắn, nó nói rắn vẫn còn ở trong bụng, nhưng nó đã học được cách thích nghi rồi, cho nên bây giờ có nhảy cao hay chạy bộ cũng không có điều gì nguy hiểm cả, đôi khi như vậy lại còn tốt hơn cho sức khoẻ nữa cơ! Tôi hỏi nó tốt chỗ nào, nó lại ngáp dài, than rằng nghe người khác nói chuyện thật là khổ sở. Mẹ Sa Nguyên mời tôi ở lại ăn cơm tối, trong bữa cơm, người đàn bà vui vẻ líu ríu trước đó bỗng trở nên trầm tư, ít nói, hơn nữa cũng không còn tự tin như trước. Cha Sa Nguyên nói: “Chúng ta sẽ không đi du lịch nữa.” Không ai nói lời nào.

Từ đó về sau, cổng nhà họ lúc nào cũng mở toang, cha mẹ Sa Nguyên cũng không còn giám sát hành động của nó nữa, dường như họ đã mất sự hứng thú với việc ấy và có vẻ rất bải hoải. Họ sốt ruột, suốt ngày chăm chăm nhìn đồng hồ, rõ ràng là đang chờ đợi một điều gì đó. “Chờ chết,” Sa Nguyên nói và vỗ nhè nhẹ lên bụng mình, cái bụng lép kẹp như không có thứ gì bên trong. Sa Nguyên nói tình hình hiện nay là tốt, cha mẹ nó cho rằng nó không còn nuôi rắn nữa, nhưng thực tế làm sao mà thay đổi được?

Gió cuối thu từ bình nguyên thổi qua, như hát ca suốt cả ngày. Cái gia đình bí hiểm của Sa Nguyên khiến tôi càng ngày càng khó hiểu. Tôi nhớ mẹ Sa Nguyên mới có năm mươi tuổi, cha nó cũng mới năm mươi lăm, nhưng trông họ thật già nua, cử chỉ hành động của hai người đều chậm chạp khiến người khác nhìn mà lo lắng, hai người bọn họ đều bị xơ cứng mạch máu tim. “Nó đã hại chúng tôi,” cha Sa Nguyên bỗng nói, khuôn mặt đầy vẻ phức tạp, “chúng tôi đã suy sụp nhanh chóng như thế này đây.” Ông nói xong, vẻ mặt lại lập tức trở lại ôn hoà, ánh mắt dừng lại trên bả vai gầy guộc của Sa Nguyên với vẻ yêu thương hiền từ. Ba người bọn họ đều hiểu rõ lòng nhau, không cần nói.

Nói đến chuyện Sa Nguyên bỏ đi, cha mẹ nó mỗi người một phách. Người cha thì kể nó ăn cơm tối xong thì nó nói muốn ghé qua căn phòng trống xem thế nào, vì lâu không vào, không chừng trong ấy đã thay đổi rồi cũng nên. Khi đó, hai ông bà đều không chú ý đến lời của nó, bởi thực ra họ cũng đã chán nản lắm rồi. Sa Nguyên nói rồi đứng lên, liêu xiêu đi về phía cửa, gần đây nó gầy đi trông như cành củi khô. Kết quả là cả buổi tối nó vẫn chưa về, mà người nhà cũng lười đi tìm. “Chuyện này thật là phiền,” cha Sa Nguyên nói, đôi mắt đờ đẫn dán vào kính cửa sổ.

Còn mẹ Sa Nguyên thì tựa như không thừa nhận chuyện nó bỏ đi. “Thằng bé này vốn không đáng tin cậy lắm, chúng tôi đã mỏi mắt trông chừng nó hơn mười năm nay mà không có hiệu quả gì. Nói thế nào nhỉ, nó vẫn cứ nghênh ngang chạy khắp nơi như cũ, mà chúng tôi không thể tìm đâu được. Bây giờ tôi cũng hết hơi rồi, ai biết nó có phải là con tôi hay không, có phải nó luôn luôn ở chung với chúng tôi không? Tôi không cho rằng hôm qua nó bỏ đi luôn, từ trước đến giờ tôi không có cách nào để khẳng định rằng nó hiện hữu hay không hiện hữu.”

Họ nói như vậy, tôi cũng hoang mang. Sa Nguyên là gì? Nghĩ đi nghĩ lại, trong đầu chỉ có mấy cảnh lộn xộn, vài câu kỳ quái, mà định thần lại, thì mấy câu cú ấy cũng biến mất. Về Sa Nguyên, thì ngoài cái tên ra, tôi thực sự cũng không biết gì hơn.

Khi mọi người đều cho rằng Sa Nguyên không tồn tại, thì nó lại quay về, vẫn bình thản như cũ và trông có vẻ rất hiền lành. Nó làm như vậy, cha mẹ nó càng không để ý rằng nó có hiện hữu hay không hiện hữu, bây giờ họ cũng đã thật sự mệt mỏi lắm rồi.

“Vì sao lại có cái tên Sa Nguyên nhỉ?” Tôi bỗng nghĩ ra và hỏi.

“Cứ nghĩ đến điều này là tôi bực bội, không ai đặt cho nó cái tên ấy cả, vậy cái tên ấy từ đâu ra nhỉ?” Mẹ nó ngơ ngẩn nói.

 

 

----------------
Truyện ngắn “Đứa bé nuôi rắn độc” được dịch từ nguyên tác 饲养毒蛇的小孩 [Tự dưỡng độc xà đích tiểu hài] (bản điện tử do chính Tàn Tuyết gửi tặng người dịch).

 

 

-----------

Các tác phẩm của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Hẹn  (truyện / tuỳ bút)  Hôm nay tôi và anh ta có hẹn. Anh ta là một người cùng kiểu như tôi, loại người đó do tôi tưởng tượng ra. Mấy năm gần đây, tôi hẹn hò với đủ loại người, họ đều là loại người do tôi tưởng tượng ra cả. Trong số các cuộc hẹn ấy, thì có hơn một nửa, tôi không đến, tôi chỉ gặp họ trong đầu... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Bọt xà phòng trên nước bẩn  (truyện / tuỳ bút) 
Mẹ tôi đã biến thành một chậu nước xà phòng. Không ai biết việc này. Nếu có người nào đó biết chuyện nhà tôi, hẳn họ sẽ chửi tôi là đồ súc sinh, là kẻ mưu sát hiểm độc và ti tiện. Sáng nay, bà liên hồi la gọi tôi trong bếp, đến nỗi màng tang tôi rát lên... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tai hoạ của đời tôi  (truyện / tuỳ bút) 
Cuối cùng thì tôi cũng tống khứ được con mèo của mình. Tôi nghĩ điều này sẽ có thể giúp tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi ngồi bên bàn, mắt nhắm nghiền, suy nghĩ mông lung. Tôi cố gắng định hình lại những cảm xúc rối bời, hỗn loạn của mình. Nhưng đó là ước muốn viển vông: con mèo lại trở về... [Bản dịch của Hải Ngọc] (...)
 
Chôn giấu  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nghe thím nói, mấy năm gần đây, ông bỗng sinh ra một cái thú kì lạ, là đem những thứ nho nhỏ trong nhà mang đi cho người ta. Nhưng cho ai? Không ai biết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đảo Rắn  (truyện / tuỳ bút) 
Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Sương mù  (truyện ngắn)
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021