thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuộc nổi loạn của người da đỏ
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

Donald Barthelme (1931– 1989) Cây viết truyện ngắn nổi tiếng với kỹ thuật “cắt dán” hậu hiện đại đặc trưng với cái cười u sầu.
       Barthelme là thư ký tòa soạn của tạp chí văn học nghệ thuật Location và làm giám đốc Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Houston, Texas. Năm 1964, ông in tập truyện đầu tiên, Come Back, Dr. Caligari (“Hãy trở lại, Bác sĩ Caligary”). Tiểu thuyết đầu tiên, Snow White (1967; “Bạch Tuyết”) ban đầu đăng tải trên The New Yorker. Những tập truyện khác của ông là Unspeakable Practices, Unnatural Acts (1968; “Những cung cách hết nói nổi, những hành vi trái tự nhiên”), City Life (1970; “Cuộc sống đô thị”), Sadness (1972; “Nỗi buồn”), Sixty Stories (1981; “60 truyện ngắn”) và Overnight to Many Distant Cities (1983; “Qua đêm ở bao thành phố xa xôi”). Ngoài ra ông còn viết ba tiểu thuyết: The Dead Father (1975; “Người cha đã chết”), Paradise (1986; “Thiên đàng”) và The King (1992; “Ông vua”, in sau khi ông mất). Ông tin rằng thực tại ngày nay chỉ có thể mô tả được bằng những mẩu rời rạc và phần lớn truyện ngắn của ông thể hiện niềm tin này.
       Truyện ngắn sau rút từ tập Unspeakable Practices, Unnatural Acts, đặc trưng cho kỹ thuật cắt dán của ông. Truyện gồm vô số mẩu rời trong cuộc sống thị dân Mỹ được ráp thành chuỗi, thành câu, do đó, trở nên khó hiểu với người nước ngoài, mà theo giới phê bình, vì ông muốn miêu tả cuộc sống u ám và phi lý quanh ông.

 

Chúng tôi phòng thủ thành phố bằng hết sức có thể. Những mũi tên của người Comanche[1] bay dầy đặc. Những cây chùy của người Comanche gõ cành cạch trên hè phố vàng và mềm. Có những công sự bằng đất dọc theo đại lộ Mark Clark và các hàng rào được viền bằng dây kẽm sáng loá. Mọi người đang cố gắng để hiểu. Tôi nói với Sylvia. “Em có nghĩ cuộc sống này là tốt đẹp không?” Cái bàn bày đầy những táo, sách, đĩa nhạc. Nàng nhìn lên “Không.”

Những toán lính nhảy dù và quân tình nguyện đeo băng trên tay canh gác những toà nhà cao và bẹt. Chúng tôi thẩm vấn tên tù binh Comanche. Hai người trong bọn chúng tôi đẩy ngửa đầu y ra sau trong khi một người khác đổ nước vào mũi y. Thân người y co giật, y ngạt thở và bật khóc. Không tin tưởng bản báo cáo vội vàng, cẩu thả và cường điệu về con số thương vong ở những quận ngoại vi nơi cây cối, đèn đuốc và những con thiên nga đã bị biến thành những cánh đồng trống rực lửa chúng tôi cấp phát xẻng đào công sự cho những đại đội trang bị vũ khí hạng nặng để chúng tôi không bị tấn công bất ngờ từ phía đó. Và tôi ngồi đó càng lúc càng say và càng lúc càng thấy yêu đắm đuối hơn. Chúng tôi nói chuyện.

“Em có biết Dolly của Fauré không?”

“Phải Gabriel Fauré không?”[2]

“Phải.”

“Vậy thì em biết” nàng nói. “Có thể nói là em chơi bài đó trong một số lúc nào đó, khi em buồn, hay hạnh phúc, tuy rằng nó đòi hỏi tới bốn bàn tay.”[3]

“Rồi làm sao xoay xở?”

“Em tăng tốc,” nàng nói, “không lý tới phân số nhịp.”

Và khi người ta quay tới cảnh trên giường tôi tự hỏi bạn cảm thấy thế nào dưới những con mắt của người quay phim, dàn dựng, bọn say rượu và lũ người trong phòng phối âm: hào hứng? kích động? Và khi họ quay cảnh dưới vòi sen tôi chà giấy nhám một cánh cửa ruột lõm một cách cẩn thận để đạt bằng những minh hoạ trong văn bản và những chỉ dẫn thầm thì của một tay đã giải quyết được vấn đề này. Tôi đã làm tất cả những cái bàn khác, một cái khi sống với Nancy, một khi sống với Alice, một khi sống với Eunice, một khi sống với Marianne.

Những người da đỏ hợp thành những làn sóng cứ như đám người rải trong một quảng trường bị giật mình vì một điều gì bi thảm hay một tiếng động lớn, bất ngờ tích tụ dội vào những hàng rào chướng ngại chúng tôi đã dựng lên bằng những hình nhân trong các cửa hiệu, lụa, các bản phân công phân nhiệm được lập một cách cẩn thận (bao gồm cả những bảng mô tả mức tăng tiến thứ tự của các màu khác), rượu vang trong những keo bự và váy đầm. Tôi phân tích thành phần của hàng rào chướng ngại gần tôi nhất và thấy có hai cái gạt tàn, bằng gốm, một cái nâu sậm và một cái nâu sậm có vệt màu cam ở mép; một cái chảo thiếc; những chai vang đỏ hai lít; những chai Black & White ba xị, rượu mạnh Bắc Âu, cognac, vodka, gin, rượu Xeres Tây Ban Nha, một cánh cửa ruột lõm viền gỗ linh sam trên những cái chân bằng sắt đen; một cái mền có sọc xanh nhạt chen đỏ cam; một cái gối đỏ và một cái gối xanh; một giỏ đựng giấy vụn đan bằng rơm; hai bình cắm hoa thủy tinh; những cây ruột gà để khui rượu và dụng cụ khui hộp; hai dĩa lớn và hai cái tách, bằng sứ màu nâu sậm; một tấm ảnh lớn màu vàng chen tía; một cây sáo Nam Tư chạm trổ bằng gỗ màu nâu sậm; và các món khác. Tôi xác định mình chẳng biết gì cả.

Các nhà thương rắc vào các vết thương bằng những thứ bột mà giá trị của chúng chưa hoàn toàn xác định, những món tiếp liệu khác đã cạn kiệt rất sớm ngay trong ngày đầu tiên. Tôi xác định mình chẳng biết gì cả. Các bạn bè giúp tôi tiếp xúc với một cô tên là R., giáo viên, không chính thống theo họ nói, tuyệt vời theo họ nói, thành công với những trường hợp khó khăn, những lá cửa chớp bằng thép gắn ở cửa sổ khiến căn nhà an toàn. Tôi vừa được biết qua một Phiếu thưởng Đau khổ Quốc tế rằng Jane đã bị một thằng lùn đánh đập trong một quán rượu trên phố Tenerife nhưng Cô R. không cho tôi nói về chuyện đó. “Anh không biết gì cả,” cô nói, “anh chẳng cảm thấy gì cả, anh bị nhốt trong một sự xuẩn ngốc khủng khiếp và man rợ nhất, tôi khinh bỉ anh, anh yêu, Mon cher, anh cưng. Anh có thể tham dự nhưng anh không được tham dự bây giờ, anh phải tham dự sau, một ngày hay một tuần hay một giờ, anh làm tôi phát ốm. . .” Tôi chẳng buồn đánh giá những nhận xét đó như Korzybski[4] chỉ dẫn. Nhưng điều đó thật khó. Rồi họ rút lui trong một đòn nghi binh gần bờ sông và chúng tôi tràn ồ ạt vào khu vực đó với một tiểu đoàn tăng cường được thành lập vội vàng với những lính Zouave[5] và tài xế taxi. Đơn vị này bị nghiền nát trong buổi chiều của cái ngày bắt đầu bằng những cái muỗng và những lá thư trong hành lang và dưới các cửa sổ nơi người ta nếm cái quá khứ của quả tim, cơ quan bắp thịt hình chóp giữ việc duy trì sự tuần hoàn của máu.

Nhưng chính em là điều lúc này tôi muốn, ngay tại đây giữa cuộc nổi loạn này, với những con phố vàng bệch, và những ngọn lao ngắn ngủn, xấu xí, hung hiểm có gắn lông nhắm vào cổ họng và những thứ tiền tệ vỏ sò không lý giải được trong lá cỏ. Chính những khi ở bên em tôi được sung sướng nhất, và chính vì em mà tôi làm cánh cửa ruột lõm này cái bàn với những chân bằng sắt uốn. Tôi giữ Sylvia bằng vòng cổ hình vuốt gấu của nàng. “Dẹp bọn da đỏ của em đi,” tôi nói. “Chúng ta còn rất nhiều năm để sống.” Có một thứ chất thải nào đó chảy dưới cống, dòng chảy bẩn thỉu, hơi vàng vàng gợi nghĩ tới phân, hay sự bồn chồn, một thành phố vốn chẳng biết nó đã làm gì để xứng với chứng hói đầu, những lỗi lầm, thói bội tín. “Nếu may mắn anh sẽ sống sót tới buổi lễ sáng,” Sylvia nói. Nàng bỏ chạy đi theo đường Chester Nimitz, gào lên những tiếng lanh lảnh.

Rồi người ta được biết rằng bọn chúng đã xâm nhập vào khu biệt cư của chúng tôi và những người trong khu biệt cư thay vì kháng cự đã gia nhập cuộc tấn công êm thấm và phối hợp tốt ấy với những súng tự chế, điện tín, hộp nhỏ trên dây xà tích, khiến cho đoạn chiến tuyến do IRA trấn giữ bị phình ra và sụp đổ. Chúng tôi gửi thêm heroin vào khu biệt cư, và lan rừng, đặt hàng thêm một trăm ngàn đoá hoa màu nhạt hương dịu nữa. Trên bản đồ, chúng tôi xem xét tình hình với những cư dân nghiện ngập của nó và những xúc cảm cá nhân đơn thuần. Những phần của chúng tôi thì xanh dương còn của chúng thì xanh lá cây. Tôi đưa bản đồ xanh dương và xanh lá cây cho Sylvia. “Những phần của em thì xanh lá cây” tôi nói, “Anh cho em heroin lần dầu cách nay cả năm rồi.” Sylvia nói. Nàng bỏ chạy dọc theo ngõ George C. Marshall, gào lên những tiếng lanh lảnh. Cô R. đẩy tôi vào một căn phòng lớn sơn trắng (lắc lư và nhảy múa trong ánh sáng dịu, và tôi thấy kích động! Và có những người đang nhìn xem nữa!) trong đó có hai cái ghế. Tôi ngồi trên một cái còn cô R. ngồi trên cái kia. Cô mặc một chiếc váy xanh dương có một hình ảnh màu đỏ. Chẳng có gì nổi bật ở cô ta. Tôi thất vọng vì sự tầm thường của cô, vì sự trơ trụi của căn phòng, vì sự thiếu vắng những cuốn sách.

Bọn con gái trong khu phố của tôi quấn cổ bằng những chiếc khăn xanh dương thả dài đến tận gối. Có khi bọn con gái giấu những tên Comanche trong phòng của chúng. Những cái khăn quấn cổ xanh tụ lại trong một căn phòng tạo nên một đám sương mù xanh khổng lồ. Block mở cánh cửa. Anh ta mang vũ khí, hoa, những ổ bánh mì. Và anh ta thân thiện, tử tế, nhiệt tình, nên tôi liên hệ một chút lịch sử trò tra tấn, lược lại các văn bản kỹ thuật trích dẫn những nguồn tư liệu hiện đại tốt nhất, tiếng Pháp, Đức và Mỹ, và chỉ ra những con ruồi đã tập hợp lại để đề phòng một màu sắc mới và lạnh nào đó.

“Tình hình thế nào?” tôi hỏi.

“Tình hình cũng rõ ràng,” anh ta nói. “Chúng tôi giữ khu nam còn chúng giữ khu bắc. Các khu còn lại thì yên tĩnh.”

“Còn Kenneth?”

“Cô kia thì không yêu Kenneth,” Block nói thẳng. “Cô ta yêu cái áo khoác của hắn. Khi cô ta không mặc nó thì cô ta rúc bên dưới tấm áo ấy. Có lần tôi thấy cái áo tự nhiên trôi xuống cầu thang. Tôi nhìn vào trong thì thấy, Sylvia.”

Có lần tôi cũng thấy cái áo khoác của Kenneth tự nó trôi xuống thang nhưng đó là một cái bẫy và bên trong là một tên Comanche thục một phát với con dao ngắn xấu xí của y vào chân tôi khiến tôi khụyu xuống và bị quăng khỏi hàng rào lan can qua một cửa sổ và rơi vào một tình thế khác. Không tin rằng thân xác bạn vốn dĩ thông minh và tinh thần to béo, tuôn chảy của bạn vốn dĩ phẫn nộ và xuất chúng là những khối lượng ổn định mà người ta có thể theo điện tín để trở về đó hơn một lần, hơn hai lần, hay hơn một số lần nào đó nên tôi nói “Thấy cái bàn không?”

Ở quảng trường Skinny Wainwright các lực lượng xanh lá cây và xanh dương chao đảo và chiến đấu. Các trọng tài chạy ra trên sân kéo theo những dây xích. Và rồi phần xanh dương bành trướng, còn phần xanh lá cây thu nhỏ. Cô R. bắt đầu nói. “Một cựu quốc vương Tây Ban Nha, một tay thuộc dòng Bonaparte, đã có thời sống ở Bordentown, New Jersey. Nhưng chẳng ích gì.” Cô ngừng lại. “Chỉ có Chuá mới thỏa mãn được nỗi đam mê của đàn ông bị khơi dậy vì nhan sắc của đàn bà. Điều đó rất tốt (ấy là Valéry) nhưng đó không phải cái mà tôi phải dạy cho anh, đồ già dịch, thối tha, bẩn thỉu, chốn sâu thẳm trong tim tôi ạ.” Tôi cho Nancy xem cái bàn. “Thấy cái bàn không?” Cô lè cái lưỡi đỏ như mũ hồng y ra. “Tôi đã từng làm một cái bàn như vậy,” Block nói thẳng. “Khắp cái nước Mỹ này người ta đã làm những cái bàn như thế. Tôi e rằng chẳng có ai bước vào một căn nhà của người Mỹ mà không tìm thấy ít nhất một cái bàn như thế, hay những dấu vết của cái bàn đã từng có mặt ở đó, như những chỗ phai màu trên tấm thảm chẳng hạn.” Và sau đó trong vườn, những người của Lữ đoàn kỵ binh thứ 7 chơi nhạc Gabrieli, Albinoni, Marcello, Vivaldi, Boccherini. Tôi nhìn thấy Sylvia. Nàng đeo một băng vải vàng, bên dưới khăn quàng cổ dài màu xanh dương. Tôi gào lên “Sau cùng thì em ở phía bên nào?”

“Loại hình đàm luận duy nhất mà tôi tán đồng,” Cô R. nói bằng giọng căng thẳng, khô khốc của mình, “là những lời nguyện phụng vụ[6]. Tôi tin rằng các bậc thầy và giáo sư của chúng ta cũng như các công dân bình thường phải tự giới hạn vào những gì có thể được phát biểu một cách an toàn. Nên khi tôi nghe những từ như hợp kim thiếc, rắn, trà, rượu Xeres Fad 6, khăn trải bàn, cách bố trí cửa nẻo, vòng nguyệt quế, xanh dương phát ra từ miệng một viên chức nào đó, hay một người trẻ non nớt nào đó, tôi không thấy thất vọng. Xếp theo chiều đứng thì cũng được,” Cô R nói, “như trong

hợp kim thiếc

rắn

trà

rượu Xeres Fad 6

khăn trải bàn

cách bố trí cửa nẻo

vòng nguyệt quế

xanh dương.

Tôi hướng tới các chất lỏng và màu sắc,” cô nói, “nhưng anh, anh có thể hướng tới một điều gì khác, bồ của tôi, cưng của tôi, cây thảo nhi của tôi, cậu bé của tôi, của riêng tôi. Bọn trẻ,” Cô R. nói, “ngày càng hướng đến những phức hợp khó ưa khi chúng cảm được bản chất của xã hội chúng ta. Một số ngườøi,” Cô R. nói, “hướng tới những ý tưởng ly kỳ hay thói thông thái nhưng tôi thì bám chặt vào con chữ cứng chắc, nâu, như thứ quả hạch. Tôi có thể minh chứng rằng ở đây đã có đủ hưng phấn mỹ học để thỏa mãn bất kỳ ai ngoại trừ một thằng khùng ngốc.” Tôi ngồi im lặng nghiêm trang.

Những mũi tên bốc lửa soi đường tôi đi tới trụ sở bưu điện ở quảng trường Paton nơi những thành viên của Abraham Lincohn Brigade mời chào những lá thư, bưu thiếp, những tấm lịch cuối cùng tả tơi của họ. Tôi mở một lá thư ra nhưng bên trong là một đầu mũi tên bằng đá lửa của người Comanche do Frank Wedekind trình bày trong một sợi dây chuyền vàng trang nhã cùng những lời chúc mừng. Chiếc bông tai của em chạm vào tròng kiếng của tôi khi tôi chồm tới trước để chạm vào cái chỗ mềm nhũn, đã tàn hủy, trước đây từng có chiếc máy trợ thính. “Ngừng ngay lại! Ngừng ngay lại!” Tôi thúc giục, nhưng người phụ trách vụ Nổi loạn không chịu nghe lẽ phải nữa và không chịu hiểu rằng điều đó là thật và rằng nguồn cung cấp nước của chúng tôi đã bốc hơi sạch và lòng tin của chúng tôi không còn được như xưa nữa.

Chúng tôi nối dây điện vào hòn dái tên Comanche bị bắt. Và tôi ngồi đó càng lúc càng say và càng lúc càng thấy yêu đắm đuối hơn. Khi chúng tôi gạt cầu giao thì y nói. Tên y là, y nói, Gustave Aschenbach. Y ra đời ở L., một thị trấn thuộc tỉnh Silesia. Y là con của một viên chức cấp cao của ngành tư pháp, và tổ tiên của y đều là các quan chức, thẩm phán, viên chức cấp bộ... Và bạn chẳng bao giờ đụng tới một cô gái theo cùng một cách hơn được một lần, hai lần, hay một số lần cho dù bạn có muốn giữ, ôm đến cỡ nào, hoặc một cách nào đó xác định bàn tay, hay dáng vẻ của cô ta, hay một tính chất, hay sự vụ nào đó mà bạn từng biết trước đây. Ở Thụy Điển, những trẻ con Thụy Điển đã reo hò vui vẻ khi chúng tôi xoay xở chẳng làm chuyện gì đáng kể hơn việc thoát ra khỏi một chiếc xe buýt chất đầy với các gói đồ, bánh mì, batê gan và bia. Chúng tôi tới một nhà thờ cổ và ngồi trong ô dành cho hoàng gia. Tay chơi phong cầm đang tập dượt. Và rồi vào khu đất thánh cạnh nhà thờ. An nghỉ ở đây là Anna Pederson, một phụ nữ tốt bụng. Tôi ném một tai nấm trên ngôi mộ. Viên chức chỉ huy bãi rác đã báo cáo qua đài phát thanh rằng rác đã bắt đầu di chuyển.

Jane! Tôi nghe nói qua một Phiếu thưởng Đau khổ Quốc tế rằng em đã bị một thằng lùn đánh đập trong một quán rượu trên phố Tenerife. Nghe không giống em chút nào, Jane. Chủ yếu là em đá vào cái hạ bộ lùn bé tí của nó trước khi nó phập được hàm răng vào cái chân bắt mắt và thơm tho của em, phải không, Jane? Mối giao du của em với Harold thật đáng chê trách, em biết mà, phải không, Jane? Harold được kết hôn với Nancy. Lại còn phải nghĩ đến Paula (con của Harold) và Billy (một con khác của Harold) nữa. Tôi nghĩ các giá trị của em thì khác thường, Jane ạ! Những chuỗi ngôn ngữ bung ra theo mọi hướng để buộc thế giới lại thành một khối dung tục, quay cuồng.

Và bạn chẳng bao giờ có thể trở lại với những lối diễn đạt thống khoái theo cùng một kiểu nữa, cái thân xác thông minh, cái tinh thần xuất chúng tóm lược được những khoảnh khắc xảy ra một lần, hai lần, hay một số lần nào đó trong các cuộc nổi loạn, hay trong làn nước. Sự nhất trí từng đợt của quốc gia Comanche đã đập tan các công sự phòng thủ bên trong của chúng tôi ở ba mặt. Block từ tầng trên của toà nhà do Emery Roth & Sons thiết kế đang bắn bằng một cái ống bơm mỡ. “Thấy cái bàn không?” “Ồ, dẹp cái bàn thổ tả của anh đi xem nào!” Các viên chức thành phố bị trói vào những gốc cây. Những chiến binh đen sạm bước đi êm ru với đế giày đi rừng của họ vào mồm ông thị trưởng. “Anh muốn được như ai?” Tôi hỏi Kenneth và anh ta nói anh muốn được là Jean-Luc Godard[7] nhưng vào sau này khi thời gian cho phép những đối thoại trong những căn phòng lớn, sáng đèn, những phòng trưng bày rầm rì với những tấm thảm Tây Ban Nha màu đen và trắng và bức tượng bí hiểm trên những cái bệ đỏ, bình thản. Cơn buồn nôn của cuộc cãi cọ chất đầy trên giường. Tôi chạm vào lưng bạn, những vết sẹo trắng, lồi cao.

Chúng tôi bất ngờ tiêu diệt được rất nhiều phe địch với trực thăng và phi đạn nhưng chúng tôi khám phá ra rằng những người bị chúng tôi giết là trẻ con và rất nhiều đứa nữa đến từ phiá bắc, từ phiá đông và từ nhiều chốn khác nơi có trẻ con chuẩn bị để sống cái đời của chúng. “Da,” Cô R. nói dịu dàng trong căn phòng màu vàng, trắng. “Đây là Ủy ban Clemency. Và xin anh cởi thắt lưng và dây giày.” Tôi cởi thắt lưng và dây giày và nhìn vào (mưa rơi từ rất cao quất tơi tả viễn tượng yên tĩnh và những dãy nhà trong trẻo ngay ngắn ở phân hạt) những đôi mắt đen hoang dại, màu sơn, những lông chim, chuỗi hạt của họ.

 

Nguyên tác: "The Indian Uprising",
trong Donald Barthelme, Unspeakable Practices, Unnatural Acts
(New York: Farrar Straus Giroux, 1968)

_________________________

[1]Thổ dân da đỏ Bắc Mỹ, sống rải rác từ sông Plate tới biên giới Mỹ-Mexico, hiện còn sống ở Oklahoma.

[2]Gabriel Fauré, 1845–1924, nhà soạn nhạc Pháp.

[3]"Dolly" Suite, op. 56, của Gabriel Fauré là một liên khúc gồm 6 bài song tấu piano. (ghi chú của toà soạn)

[4]Alfred Korzybski, 1879–1950, nhà ngữ nghĩa học người Mỹ, gốc Ba Lan.

[5]Zouave: lính tình nguyện có đồng phục sặc sỡ trong thời Nội chiến Mỹ.

[6]Lời nguyện phụng vụ (litany): Lối cầu nguyện trong buổi lễ ở nhà thờ Thiên chúa giáo, trong đó, linh mục đọc một câu và các giáo dân đáp lại bằng một câu khác, tất cả theo bài bản định sẵn.

[7]Jean-Luc Godard: đạo diễn điện ảnh Pháp.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021