thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vĩnh biệt Bạch Thu Hà

1. Sổ tay ghi chép của Đào

Qua lỗ khoá nhỏ:

Phạm Xuân Cầu một tay cầm thanh gỗ trắng dẹp, to hơn cả cây thước bảng, tay kia cầm ly nước, hễ hắn đặt ly nước xuống sau khi uống một ngụm, thì tay kia lại liên tiếp nện cây thước bảng vào mông và đùi người đàn bà, vợ hắn. Người vợ nép sát vào tường như muốn nhờ bức tường che chở nhưng vô phương, những cú đánh cứ bình thản liên tiếp nện vào người đàn bà, từng cú một, đều đặn. Người vợ như không còn sức để khóc nữa, miệng nho nhỏ van lạy trong khi môi Phạm Xuân Cầu mấp máy điều gì. Cửa ván ngăn phòng đóng rất chặt, cái lỗ khoá hỏng thông nhà chỉ để vừa một mắt, tôi không nghe gì, chỉ thấy chừng đó động tác đều đều lập đi lập lại. Người đàn bà càng nép mình và cây thước bảng càng tiếp tục nện. Mệt mỏi và căng thẳng, tôi bỏ cuộc.

Ngày hôm sau:

Bà vợ vén quần vén mông đưa cho mẹ tôi và bọn chúng tôi coi: nguyên cả một khoảng mông và hai bắp đùi đỏ bầm lên. Vết đánh còn mới chưa kịp thâm tím lại. Nguyên khoảng mông và hai đùi đỏ đều như thoa một lớp son sơn đậm, kể từ đầu gối trở lên. Mẹ bảo tôi đi với cô vợ Phạm Xuân Cầu ra hãng máy bay điền dùm cô cái hoá đơn gởi hàng. Cô gởi một va ly và một thùng các-tông khai là đựng quần áo về Sài Gòn. Rồi hốt hoảng về nhà, lo đi chợ nấu cơm chờ chồng về ăn.

Ngày hôm sau:

Tôi đi với cô lên ga xe lửa. Cô kêu đau quá, thậm chí ngồi lên xích lô cũng không nổi. Mẹ bảo tôi cho cô vịn vai lần bước. Dìu cô lên tới ga, tôi chờ cô chen lấn vào mua vé. Chuyến tàu ngày chạy lúc 10 giờ sáng, nắng yếu ớt dọi vào trong toa, cô thò đầu qua cửa sổ đưa khăn tay lên lau mắt; khi tàu chạy, giơ khăn vẫy vẫy tôi.

Hai tuần lễ sau:

Có thư của cô Sen gửi tới. Mẹ tôi đọc rồi nói cô đã về tới nơi bình an. Cô gửi lời cám ơn mẹ đã cho mượn đủ tiền tàu về nhà và gửi trả đủ số tiền mượn lại. Mẹ nói, cô không dám về lại địa chỉ cũ nữa, sợ Phạm Xuân Cầu vô kiếm, kiếm được sẽ tiếp tục khảo của.

Qua lỗ khoá hỏng:

Bé Liên ngồi xếp bằng khóc ri rỉ. Hai môi nhỏ khô tróc vảy, tiếng khóc chắc tắt nghẹn trong cổ nó. Có thể nó vừa khát nước vừa khát sữa. Tôi hỏi mẹ tại sao nó khóc, mẹ tôi khẽ suỵt. Rồi không biết bắt đầu từ đâu, tôi hiểu câu chuyện đầu đuôi là tại Phạm Xuân Cầu khảo tiền vợ nhưng không được. Cũng như người vợ trước, mẹ của bé Liên đã bán hết cả tư trang vàng bạc đưa cho Phạm Xuân Cầu tiêu, giờ không có tiền đưa cho Cầu nữa nên Cầu ra lệnh mẹ bé không được đụng tới bé. Một ngày chỉ cho uống sữa một lần, không được bồng ẵm, không được thay tã, không được tắm rửa lau mặt. Bé Liên ốm rút lại như người mất hết nước mà Phạm Xuân Cầu vẫn cương quyết không ra khỏi nhà. Cầu ở nhà để canh mẹ con bé Liên.

Tháng sau:

Một bà xơ áo trắng thoáng lái chiếc xe đậu trước nhà Phạm Xuân Cầu. Má Liên đi chợ. Nhà vắng, chỉ có mình Phạm Xuân Cầu ở nhà. Tôi biến sắc, chạy áp mặt vào lỗ khoá. Cầu đang mấp môi nói chuyện với bà xơ rồi thong thả ký vào một mảnh giấy theo tay chỉ của bà. Bà xơ quấn bé Liên vào một cái khăn rộng và đem bé ra xe. Lát sau, mẹ bé về, tôi thấy cô gục đầu, hai mắt đỏ ngầu, nước mắt ràn rụa, má sưng húp, cặp lông mày tỉa cong có những sợi thưa giựt giựt.

Không ngày tháng:

Có cánh tay ai đập nhẹ vào người tôi. Giật mình mở mắt, nghe mẹ thì thào:

"Phạm Xuân Cầu nó trúng gió sắp chết rồi!"

Tôi vùng dậy theo mẹ chạy ào vào nhà ông ta. Cầu to lớn, nằm ngay đơ thẳng đuột trên giường. Hai hàm răng vàng choé cắn ngang một chiếc đũa tre. Hàng xóm hối thằng em tôi đái vô tô sủi bọt vàng rồi ghè Cầu ra mà đổ vô miệng. Cầu nuốt ực ực, mắt trợn ngược, tôi sợ quá bỏ chạy về nhà. Nghe mọi người kêu ơi ới lấy sả gừng tóc rối lẹ lên đánh gió cho ổng.

Năm sau:

Chị Hương, chiêu đãi viên ở tiệm kem Lan Anh bỏ nghề về làm vợ Phạm Xuân Cầu. Sau khi bé Liên bị đem cho bà xơ, không ai biết mẹ bé đã trốn đi bằng ngã nào. Rồi tôi thấy chị Hương có bầu. Những khi Cầu đi làm, chị mở cửa kêu chúng tôi vô chơi và chị chạy qua chạy lại lăng xăng hỏi mẹ tôi chuyện này chuyện nọ:

"Bà bác à, có bầu ăn mích có sao hông hả bác?"

"Bà bác nè, con thèm ăn chè, thèm ăn thịch, chắc là con đẻ con trai?"

Chị người Nam, nói "thịt" và "mít" rất lạ.

Rồi chị đẻ ra thằng Tí. Thấy tôi đi học về, chị thường nhờ tôi qua đưa võng dùm thằng Tí để chị đi giặt đồ. Mẹ tôi hay nói:

"Con Hương mới có hai mươi mấy tuổi, còn con nít trân!"

Sau đó, sở của Phạm Xuân Cầu đổi ông ta đi Sài Gòn hay Cầu xin đổi đi gì đó, Cầu dọn nhà đem vợ con theo. Cả xóm thở phào, từ đây hết sợ thằng mật vụ theo dõi rình cả xóm. Tới đó, tôi mới biết Phạm Xuân Cầu làm nghề mật vụ.

Nghỉ hè:

Đột ngột, hai vợ chồng Phạm Xuân Cầu lại trở về! Căn nhà cũ sang cho một người chị họ ở, Cô Sáu bán gạo, giờ hai vợ chồng Cầu lại về thăm. Chị Hương đem bưởi Biên Hoà tíu tít qua tặng má tôi, tôi hớt lẻo ngồi nghe trộm chuyện. Chị kể thằng Tí đã lớn, sắp đi học, và chị đã sanh thêm hai đứa nữa, con Hương Lan và con Hoàng Oanh. Chị phát âm chữ Oanh cũng rất đặc biệt, nghe như là Hoàng Hoanh. Ở chỗ tôi, bưởi Biên Hoà rất quí và rất mắc, tôi nghĩ chắc chị Hương đã giàu rồi mới đem cho món quà sang trọng này, tôi vui vui. Chị quay qua thấy tôi thì ồ lên một tiếng:

"Cha, dạo này lớn dữ, sắp ra mã con gái rồi nghen! Mặt sắp hết lông ben rồi hả?"

Tôi xẻn lẻn nhìn lên chị cười.

2. Theo lời kể của Cô Sáu bán gạo

Công chuyện rốt ráo chóng vánh bất ngờ hơn hắn tưởng. Từ lúc Cầu rót ly trà mật ong nóng pha thuốc ngủ cho mẹ uống cho tới khi bà ngã gục xuống bàn chỉ trong tích tắc. Con vợ núp sẵn sau tấm màn xông ra phụ khiêng bà già đặt trên giường, Cầu có hơi khựng lại chùn tay một chút, nhưng thấy bà già mê man trong giấc ngủ im lìm, hắn kéo vội mền đắp lên tận ngực cho mẹ.

Hì hục khoảng mươi lăm phút trong buồng tắm nay đã được biến thành nhà kho, Cầu và vợ đã suýt rú lên vì lưỡi dao đào đã đụng vào hũ kêu "cảng" lên một tiếng lớn. Vợ hắn đưa tay bịt miệng, mắt trợn tròn, tròng trắng đảo lên đảo xuống. Xe mới ra khỏi thành phố chừng nửa tiếng, Cầu hồi hộp lắm. Thằng bạn y tá cam đoan thuốc ngủ sẽ công hiệu được mười hai tiếng đồng hồ, đủ cho mình về tới nhà. Lúc đi, Cầu đã cẩn thận chốt kỹ cái cửa, còn mờ đất chưa kịp sáng, chắc là không ai phát giác ra là bà già đang ngủ say trong nhà.

"Uống cà phê sữa không? Uống cho nó tỉnh chút đi!"

"Uống thì uống, có ngủ mẹ được gì đâu mà tỉnh?"

Càng tỉnh, Cầu càng giật mình theo dõi quan sát vợ. Thật ra nó tỉnh táo hung tợn hơn mình tưởng. Mắt vẫn trố ra như thường lệ, con vợ sau khi ực một hơi hết ly cà phê sữa theo kiểu như ực hết một hơi bia, gọi mua hai cái bánh mì kẹp chả, chuyền cho Cầu một cái rồi im lặng gặm. Ngon lành. Thỉnh thoảng, chắc tại nhai mau, nó hơi nghẹn, dừng lại chốc lát, rồi lại ngốn ngấu như cũ. Cầu sợ quá, nuốt không vô. Sữa lạt nhách, cà phê thì đắng rát trong cổ, trống ngực lại đang đập liên hồi. Số vàng đếm được hai chục lượng đựng trong hộp sắt, hắn lẹ làng tháo ra, bọc vào cái túi may sẵn ở ngực áo. Cái áo vải phập phồng lên xuống theo trống ngực. Hộp sắt, thứ hộp in-nóc-xi-đáp như hộp kim y tá, đã được chôn trở lại. Sau khi lấp đất, Cầu cẩn thận xếp mấy miếng gạch bông rồi kéo cối giã gạo đặt lên như cũ. Ít ra là cho tới mùa gặt tới mới có người khiêng nổi cái cối đá, hoạ may chừng đó bà già mới biết là có dấu đào.

Hai chục lượng, thật không ngờ. Cầu khổ công bao lâu xếp đặt kế hoạch, tập dượt huấn luyện con vợ, kết quả xứng đáng hơn điều hắn mong đợi.

3. Nước đái thằng Tèo

"Tôi thấy những nhân vật tiểu thuyết thường không đúng như những người thật việc thật mà tôi được gặp như Phạm Xuân Cầu. Nhân vật dẫu có chọc trời khuấy nước, gian xảo anh hùng, tay nhuốm máu vân vân, đóng quyển truyện lại hay đứng lên vì hết phim đèn bật thì không chết thẳng cẳng cũng ngáp ngáp. Tụi bạn hàng xóm tôi nói là, tại gặp Phạm Xuân Cầu thì ông trời đi chơi chỗ khác."

"Tên Phạm Xuân Cầu là tôi ghi lại theo giấy tờ đàng hoàng chớ không dám bịa, vì thời đó có phong trào Liên gia tương trợ của Ngô tổng thống, mẹ tôi làm thơ ký cho liên gia, chị tôi tuy mới học lớp hai cũng đánh vần thạo và nói tên ông mỗi khi mẹ sai cầm biên lai qua nhà thâu tiền liên gia."

" Vợ ổng tên gì tôi không biết. Hồi đó xóm tôi ở cạnh một cái nhà chứa công khai rất lớn, nghe nói ông Cầu làm thơ ký ở đó. Vợ ông Cầu trước là vợ của một tài tử cải lương nổi tiếng, bả thường khoe với lối xóm như vậy. Nghe lời đường mật dụ dỗ của ổng nên theo về làm vợ. Trước đó, hình như ổng đã có một đời vợ trước. Hai vợ chồng nuôi một đứa con nuôi đặt tên Liên, chắc nó là con lai của một chị điếm nào đó đẻ ra mà phải đem cho. Nhà điếm thuở đó thỉnh thoảng tôi thấy có mấy ma-xơ áo trắng lâu lâu lại ghé nhà điếm ẵm mấy em nhỏ bỏ vào xe đem về trại mồ côi nuôi."

"Người lớn trong xóm tôi hay hăm tụi em bé còn ẵm ngửa: Mày mà khóc đêm quá thì tao đem cho bà xơ quách!"

Bọn lớn đã đi học như chị tôi thì nghe doạ: Đứa nào làm biếng trốn học, cũng đem cho bà xơ luôn..."

"Bà xơ, cái mũ trắng to xoè, loắt choắt trong bộ đồ rộng thùng thình cũng màu trắng, đôi giày đen đi thoăn thoắt, con nít xóm tôi mấy đứa gặp bà mà hồn vía không bay lên mây! Thằng Xoa đi học đã đọc được truyện còn quả quyết là với cái nón rộng vành như vậy, bà xơ có thể bay lên được: Tụi mày thấy bả giống con bươm bướm không?

"Nhưng tôi thì tôi sợ nhất là Phạm Xuân Cầu. Căn bếp nhà ông có mấy cái lỗ nhỏ có thể vạch ra dòm trộm suốt lên nhà trên, tôi thường ghé mắt vào tìm Liên. Con bé thật đẹp, mới biết bò, bụ bẫm, miệng phun nước phì phì mỗi khi ngồi nghịch cây quạt lá một mình. Bà vợ ông Cầu thình lình ra mở cửa. Không nạt rầy tôi mà lại ngoắc tôi vào, cho ẵm em bé làm tôi sung sướng biết ơn."

"Tôi nhắc chuyện con bé vì tôi rất thương nó. Còn chị của tôi thì hay theo mẹ tôi hóng chuyện nơi mấy bà vợ của ông Cầu. Nghe nói vợ trước của ông Cầu là do chị tôi dẫn dùm đi trốn. Còn chị Hương, má của Tí sau này mỗi khi bồng Tí đi chơi gặp tôi thường nói: Tí mai mốt lớn cũng được to con như anh Tèo vậy!

"Mấy đứa trong xóm kể với nhau là Phạm Xuân Cầu ác độc lắm, suýt đánh chết mấy người vợ, ăn cướp vàng của mẹ ổng, đến nỗi mẹ ổng giận quá ba mươi Tết nhảy sông tự tử. Đáng lẽ trời phạt Cầu trúng gió chết rồi, mà tại nhờ nước đái của tôi hay quá, uống vào Cầu lại sống lại. Tôi xấu hổ, phải chi hồi đó đừng mắc đái, người lớn đừng hối tôi đái, có lẽ Cầu đã chết. Bây giờ mỗi ngày một lớn, tôi vẫn không quên được chuyện cũ. Tôi thấy người lớn thật bừa bãi, họ nói sao cũng được, nói sao cũng đúng. Tôi rất bực bội người lớn!"

4. Tiệc rượu

"Trời rót mưa tự trên xuống, người bậy bạ mới làm nước ở dưới đất phun lên, nước mắt chảy xuôi không bao giờ chảy ngược, ông bà mình nói lâu nay chưa từng sai, thằng nào nghiệm theo lời đó thì sống, dại chết đáng đời..."

"Giang hồ gần hai mươi năm, qua chỉ nhớ thuộc nằm lòng lời dạy đó của một bậc đàn anh. Đánh đuổi tra khảo cũng chỉ là tra khảo mấy con vợ của mình, có đứa đánh vì nó lấy trai, có đứa đục vì nó dám qua mặt mình dấu tiền làm của riêng. Trộm cướp cũng trộm cướp của bà già, tui không đụng phạm pháp luật, cũng là làm bổn phận con dân biết tôn trọng nhà nước. Đó không phải là cách nước tự trên trời rớt xuống thì là cái gì? Bà già tui nhảy sông không chết, sống lại, rồi cũng không kiện cáo gì tui, mấy con vợ lãng tích giang hồ, không chừng nghĩ bụng cũng có điều sai quấy nên cũng im miệng, chú tính bụng dạ đàn bà giận đó rủa đó rồi thôi, tụi nó bụng đâu đủ lớn để ghim gút thâm sâu như đàn ông mình. Là chuyện nước mắt chảy xuôi. Chú em nói hồi nhỏ chú sợ tui, ờ thì cả xóm ai cũng sợ, nhưng qua hỏi chú em, qua có từng làm điều gì ác đức mích lòng bà con chòm xóm chưa, có trộm cướp hiếp đáp giựt nhà giựt vợ gì của chòm xóm chưa, chưa, không, không bao giờ! Đối với người dưng, qua muốn họ sợ qua mà không cần thương. Người dưng nước lã bụng dạ trống không tự trên trời rớt xuống ở đâu tới thương mình là có chuyện bậy bạ. Chú nói sao, thí dụ mấy ông thầy trên chùa, mấy ông cha nhà thờ, ôi chú ôi, hồi tôi ở tù gặp cha cố với thầy chùa thụt két nhà thờ hoặc ngủ bậy với vợ người bị thằng chồng vác dao chém chí mạng, thưa kiện lung tung một hồi rồi cũng vô tù ngồi cả đám."

"Mười hai tuổi, tui đã ra giang hồ. Ham chơi mất mẹ chiếc xe đạp, tui về thế nào ông già cũng giết, ổng đã từng rút cột treo tui lên xà nhà, quất túi bụi bằng dây sên xe đạp, mình mẩy đầy thẹo, hà hà, là cũng nhờ ông già. Thẹo giang hồn chém lộn cũng chưa nhiều bằng thẹo ông già mình để cho mình mà!"

"Cám ơn chú quen miệng còn gọi qua đây bằng thầy. Hồi đó cả xóm già trẻ lớn nhỏ đều kêu qua là thầy, kể như qua có chút mãn nguyện. Ông già, hồi tui còn ở nhà, sáng trưa chiều tối đều nghe rủa:

"Mày kiếp này rồi cũng là làm tôi làm mọi cho người khác đánh chửi lên đầu! Cho đi học kiếm ít chữ để sau này có ngóc đầu lên được làm thầy làm bà với thiên hạ mà không muốn, chỉ ưng tùng tam tụ ngũ theo quân trộm cướp đầu đường xó chợ, thôi, đó là số kiếp mày!"

"Qua làm theo ý muốn của ổng cả hai, ra đầu đường xó chợ kiếm ăn, rồi sau mới leo lên làm thầy. Có đói rã họng, có giang hồ thanh toán thiếu điều mất mạng mà vui không gì bằng. Bà già siết cổ siết họng trong nhà để vàng chôn hũ, người làm và con cái không bữa nào được bữa ăn no. Gạo đong mỗi bữa sáu lon thì bớt lại hai nắm, tháng ba chục ngày lợi được sáu chục nắm, vị chi gần được tròm trèm mười lon. Nước mắm pha thêm nước muối, dưa cải mặn chằng khỏi cần chấm mắm, mắm bán dạo năm năm mới bán cho nhà tui được một thùng hai chục lít."

"Chú em hỏi thăm tụi Tí, Lan, Hoanh? Sau đó, nó còn một lô một lốc ba đứa em nữa, Đen, Em, Út. Chết hai thằng rồi. Thằng Đen chết lính; Cu Em, hừ, thằng đó đánh lộn thua. Cái nghề đâm thuê chém mướn không phải là kế làm ăn lâu dài, không giữ được mạng lâu thì phải kể như sanh nghề tử nghiệp. Mấy đứa khác có vợ có chồng kiếm ăn tứ xứ. Vợ tui cũng chết rồi. Ông Chánh là thằng Tí quen chú, thằng đó không phải con tui nhưng cũng là con của má nó với ai đó. Nó biết chuyện đó nên vô can, không phải như đám con ruột kiếm cách trốn chui trốn nhủi. Chú em hỏi nó, là nó dắt chú tới kiếm tui liền mà. Lâu lâu cũng có cho tiền. Nó không mắc mớ gì tới mình, qua không phải cha ruột nó, nó không cần mắc cỡ hay trốn núp gì đâu. Ông Chánh làm lớn, quen nhiều Việt kiều, chắc chú cũng làm lớn bên bển hả?"

"Lâu ngày gặp em mới tâm sự, qua nói thiệt, Cầu này sống đội trời chân đạp đất không hổ thẹn với lương tâm xóm giềng đâu. Đó là em còn chưa nghe chuyện hồi làm lính kín, qua cũng từng ra tay nghĩa hiệp cứu giúp nhiều người. Coi tướng thấy ai hiền lành đứng đắn là qua giúp đỡ, hỏi Chánh thì biết! Nhiều ông lớn chế độ giờ cũng còn gặp cám ơn qua! Già rồi, không cần nhờ ai, cái quán cóc này cũng nuôi đủ miệng. Ngồi chơi, ăn hết miếng khô này đi, chờ qua qua qua mở cái đài."

Xương rơi gió rơi thu hà em ơi, đường dài mịch mùng sao chưa tới nơi, mây nước buồn cơn lửa binh, xót xa chuyện chúng mình, khóc than riêng em một mình, bởi xa cơ nơi chiến trường thọ tiễn nên dõ đông xơ đành dĩnh biệt bạch thu... hà.

2/1999


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021