thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mẹ tôi
Viết tặng mẹ tôi,
người đã sống suốt đời vì các con.

 

 

MẸ TÔI

 

Mẹ tôi có mười người con, bà sinh bảy anh em chúng tôi, còn ba cô em gái nhỏ là con của người vợ lẽ của ba tôi. Mẹ tôi thương yêu tất cả chúng tôi, bà nuôi nấng, dạy dỗ, rồi cưới vợ, gả chồng cho từng đứa. Giờ đây bà có hai mươi người vừa con, dâu, rể và hơn hai mươi đứa cháu nội, ngoại.

 

*

 

Mẹ tôi mồ côi cha từ thuở lên ba, mồ côi mẹ lúc mười ba tuổi, bà luôn khao khát tình phụ tử và tình mẫu tử. Bà lớn lên bên cạnh một người chị dâu trưởng nhân hậu. Người chị dâu trưởng của mẹ tôi có một người con trai đầu lòng bằng tuổi mẹ tôi nên bà đã thương yêu mẹ tôi như một người con, cho mẹ tôi đi học cùng với con trai của bà.

Mẹ tôi là một người thông minh, cùng với thời của bà, phụ nữ hiếm có ai đi học mà học giỏi như bà. Mẹ tôi đã từng là thư ký kế toán tại quận Vĩnh Xương – Nha Trang, vì thương con mà bà thôi việc ở nhà để nuôi dạy con cho chu đáo. Mẹ tôi viết chữ rất đẹp. Trước khi chúng tôi bắt đầu đi học lớp một, ở nhà bà dạy cho chúng tôi tập viết, tập đọc và làm toán cộng toán trừ, cho nên khi đến trường, chúng tôi không hề bỡ ngỡ với sách vở.

Mẹ tôi thích âm nhạc, bà biết hát nhiều bài hát thời tiền chiến của Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Đình Chương ..., giọng bà trong trẻo và cao vút. Bà cũng thích xem phim của châu Âu nên biết nhiều tài tử nổi tiếng thời 1945–1970. Ba tôi cũng thích âm nhạc, ông biết đàn mandoline. Ba mẹ tôi thường tuyển chọn những phim hay rồi đưa cả nhà đi xem.

Mẹ tôi là một người phụ nữ luôn hy sinh cho chồng con, bà phục sức rất đơn giản, ăn uống rất dễ dàng không kén chọn, luôn nhường nhịn thức ăn ngon cho chồng con. Bà thích đọc sách, đặc biệt là loại sách học làm người và sách về triết lý của đạo Phật. Chúng tôi lớn lên, được đọc những sách mà mẹ tôi mua về để trong nhà, được nghe những bài nhạc tiền chiến hay. Mẹ tôi thường bảo rằng bà đã chẳng cần phải la hét hoặc giảng giải gì nhiều, các con của bà lớn lên trong không gian của sách vở và âm nhạc, cách bà dạy dỗ chúng tôi thật đơn giản mà vô cùng hữu hiệu.

Mẹ tôi là một người rộng rãi, thương người. Bà giúp đỡ gia đình hai bên, những người họ hàng sống ở miền quê nghèo khổ. Bà mang cháu của chồng và của mình về nhà nuôi cho đi học tới nơi tới chốn, và những người cháu này đã là con nuôi của ba mẹ tôi. Mẹ tôi thương ông bà nội tôi lắm. Bà kể với tôi rằng, bà đã bằng lòng làm vợ ba tôi dù chưa hề biết mặt ba tôi trước đó nhưng vì người chị dâu đã đi hỏi thăm và biết được ông bà nội tôi là những người nhân từ, ông nội tôi là một người học giỏi, bà nội tôi hiền hậu, dịu dàng. Mẹ tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên luôn muốn có cha mẹ, bà đã nghĩ rằng tình yêu sẽ đến sau hôn nhân, nhưng để có được cha mẹ hiền là một điều may mắn cho bà.

Mẹ tôi là một người rất cởi mở và thân thiện, bà gần gũi với các con và bạn bè của chúng, bà xem chúng tôi như những người bạn của bà. Bà trao đổi, chuyện trò thân mật, thường kể cho chúng tôi nghe chuyện cuộc đời của bà, những kinh nghiệm bà đã trải qua làm cho chúng tôi thân thiết và tin tưởng nơi bà. Chúng tôi đưa bạn bè về nhà chơi, bà làm quen với bạn của từng đứa con. Bà rất ân cần và thương mến những người bạn thân của chúng tôi, dần dà họ trở thành những đứa con nuôi của bà, vì thế mà mẹ tôi có rất nhiều con nuôi.

 

*

 

Ba mẹ tôi rất hoà thuận, ông bà chẳng bao giờ cãi vả nhau. Mẹ tôi kể rằng thời gian bà cùng ông đi làm việc là lúc mà bà đã đóng vai trò như một người bạn của ba tôi. Ba mẹ tôi có cùng chí hướng về chính trị, tôn giáo, nên thường hay bàn luận với nhau về thời cuộc, đi đâu cũng có nhau. Thời gian đó bạn bè của ba mẹ tôi gọi ba mẹ tôi là cặp vợ chồng tiêu chuẩn. Cho đến một hôm, tôi nghe ba mẹ tôi to tiếng với nhau, rồi ly tách vỡ. Đêm đó tôi nghe mẹ tôi khóc, tiếng ba tôi dỗ dành. Mấy ngày sau đó nhà tôi không có tiếng cười nói của mẹ, không khí nặng nề, tôi chẳng biết vì sao nhưng cũng chẳng dám hỏi ai.

Vài tháng sau đó, trong lúc ba tôi đi công tác xa, tôi nghe mẹ bảo “nhà mình có thêm em, một đứa con gái.” Lúc đó tôi mười một tuổi, thật vô tư, tôi chẳng hỏi xem em từ đâu đến, im lặng một chốc tôi nói “em bé nhỏ nhất nhà mình tên là Thư, vậy mình đặt cho em tên là Thi nghe má”, mẹ tôi gật đầu đồng ý. Có lẽ lúc đó chẳng ai trong gia đình còn tâm trí để nghĩ đến chuyện đặt tên cho em, ngoài tôi. Trong trí nhớ của tôi, mọi việc trong nhà lúc đó dường như không có gì thay đổi, ba vẫn đi làm hàng ngày, mẹ vẫn ở nhà chăm sóc chúng tôi, chúng tôi vẫn đi học và vui chơi như không có gì đặc biệt xảy ra.

Thời gian trôi qua, tôi dần dà hiểu rằng, ba tôi đã có một người vợ lẽ. Mẹ tôi trở nên thầm lặng hơn, thỉnh thoảng tôi nghe mẹ tôi thở dài, bà mất ngủ, ngày một gầy hơn rồi bị bệnh. Tôi bắt đầu để ý đến mẹ, biết thương mẹ hơn, gần gũi mẹ, đỡ đần cho mẹ công việc nhà và luôn muốn làm cho bà vui. Cho đến một hôm bà kể với tôi rằng “Đêm hôm trước má nằm mơ thấy Phật Bà Quan Âm. Con ơi, má sẽ không còn đắm chìm trong cơn ác mộng nữa. Từ đây má sẽ không buồn rầu suy nghĩ về chuyện của ba má nữa, má phải sống vì các con...”

Sau đó không lâu, mẹ tôi nói với tôi rằng bà sẽ bắt đầu ngồi thiền vào nửa đêm, nếu tôi muốn học thiền thì bà sẽ đánh thức tôi dậy để cùng ngồi thiền với bà. Lúc đó tôi đâu biết thiền là gì, chỉ muốn cùng làm gì đó với mẹ cho bà vui nên tôi đồng ý. Bà chỉ cho tôi cách ngồi thế nào, tay để đâu, thở thế nào cho đúng và nhớ là đừng suy nghĩ gì cả trong lúc ngồi thiền. Hàng đêm bà gọi tôi dậy, rửa mặt cho tỉnh táo rồi chui vô mùng ngồi thiền. Tôi ngồi chẳng bao lâu thì ngủ gục, nhưng đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng bảo mẹ tôi đánh thức tôi nửa đêm để ngồi thiền với bà, bà nhìn tôi cười thật tươi “con cứ tập được chút nào hay chút đó”. Phần tôi thì chẳng có gì thay đổi nhưng mẹ tôi thì ngủ ngon hơn, ngày càng tươi tỉnh hẳn ra, bà trở nên linh hoạt và vui vẻ như xưa. Tinh thần mẹ tôi mạnh mẽ như thế đó.

 

*

 

Khi tôi khôn lớn đủ để hiểu được về tình yêu, về nghĩa vợ chồng, tôi đã hỏi mẹ tôi:

“Khi biết ba có vợ lẽ, tại sao má không ghen tuông? Tại sao ba má không li dị?”

Mẹ tôi đã giảng giải :

“Ghen tuông là một tính xấu. Vì má muốn các con có cha, có mẹ sống chung dưới một mái nhà. Đã sinh ra các con, má không thể tìm hạnh phúc riêng tư khác cho mình. Má thương các con, chỉ muốn sống cho các con. Từ khi ba con có vợ lẽ, má xem ba là một người bạn của má. Má không ghen tuông vì má muốn giữ danh dự cho ba con, giữ thể diện cho má, và má cũng nghĩ rằng dì của con đã sinh ra với một số phận như thế. Má không muốn tạo nghiệp xấu cho mình nếu má đối xử tệ dì con. Ba con là một người tốt, ông là một người rộng lượng và thương người. Má nghĩ ba con lầm lỡ, má muốn để ba con làm tròn bổn phận với tất cả các con. Má thương những đứa con riêng của ba, vì chúng nó vô tội, chúng nó cũng phải cần có mẹ có cha, cần được thương yêu và dạy dỗ như các con vậy. ”

Yên lặng một lát sau mẹ tôi nói tiếp:

“Má nghĩ ba có vợ lẽ là do lỗi nơi má, vì sợ sinh con nhiều, má đã tránh né ba, má đã không làm tròn nhiệm vụ của một người vợ. Làm vợ phải biết chăm sóc sức khoẻ cho chồng, phải là một người bạn và là một người tình của chồng. Khi con lớn khôn hơn nữa, con sẽ hiểu lời má.”

Mẹ tôi nói đúng, bà đã sống cho chúng tôi. Ở tuổi bốn mươi, bà vẫn còn trẻ, đẹp và bà đã từng có nhiều người thầm yêu trộm nhớ, bà có thể bước đi bước nữa, tìm hạnh phúc riêng cho đời bà. Nhờ đức hạnh và suy nghĩ sáng suốt của mẹ tôi mà thay vì trở thành những đứa trẻ bất hạnh, chỉ có cha hoặc có mẹ, chúng tôi vẫn có đủ cha mẹ, và chúng tôi không bị tổn thương về mặt tinh thần. Tôi vẫn nhớ mãi lời mẹ tôi, tôi muốn học theo cách sống của bà. Theo thời gian, trải qua từng giai đoạn trong cuộc đời, tôi nguyện sống cho đúng bổn phận của một người con, một người vợ và một người mẹ.

 

*

 

Nhiều năm trôi qua, khi mẹ tôi gần bảy mươi tuổi, bà sống chung với cô em gái của tôi. Một đêm kia, đã sau mười giờ, tôi nghe tiếng điện thoại reo.

“Alô,” tôi nói.

“Má đây. Con còn thức không?” mẹ tôi nói.

“Dạ, con còn thức. Má khoẻ không? Giờ này má chưa ngủ sao?”

“Má ngủ không được con à. Má muốn nói chuyện với con một chút.” Bà ngừng một lát, bỗng tôi nghe bà sụt sịt khóc. “Má nghĩ tại lỗi má mà ba con có vợ lẽ con à.”

“...”

Tôi cũng khóc. Mẹ con tôi đã lặng lẽ khóc, tôi chẳng nhớ là bao lâu. Tôi ôm điện thoại trong tay như đang ôm mẹ mình. Đã mấy chục năm rồi, mẹ tôi không nguôi được nỗi đau này vì bà đã chẳng có được một lời giải thích nào từ ba tôi, bà đã buồn một cách thầm lặng. Tôi biết mẹ tôi yêu ba tôi nhiều lắm, nên bà đã không trách ông lầm lỗi mà cứ tự trách mình. Từ khi ba tôi có vợ lẽ, mẹ tôi không muốn thể hiện tình cảm của bà đối với ông nên bà không còn gần gũi với ba tôi, vậy nên mỗi lần ba tôi bệnh, bà không trực tiếp chăm sóc ông nữa mà bà luôn hỏi han tôi xem sức khoẻ ông thế nào, ông ăn uống có được không, ai lo thuốc men và thức ăn cho ông. Để cho mẹ tôi an tâm, tôi luôn là người lo lắng cho ba tôi mỗi khi ông ốm đau rồi tường thuật lại cho bà mọi điều cặn kẽ. Tôi nhớ lại sau tháng tư năm 1975, ba tôi mất việc làm, mẹ tôi đã bươn bả đi buôn bán để nuôi sống cho cả gia đình mười hai người (trong đó có dì và các em cùng cha khác mẹ của tôi). Mẹ tôi là một người vô cùng nhân hậu, khi ba tôi ngã, mẹ tôi nâng, bà sống bằng cả lý trí lẫn tình thương.

“Má ơi, đừng buồn nữa nghe má, má không có lỗi gì cả. Má đã làm tròn bổn phận của một người vợ, một người mẹ ...”, tôi nghẹn ngào chẳng biết nói gì hơn.

“Thôi con ngủ đi để mai còn dậy sớm đi làm, good night.” Má tôi nói

“Good night, má ngủ ngon nhé.”

Từ mẹ, tôi hiểu được trong tình yêu phải có tình thương chân thật làm nền tảng thì mới có những hành động, những lời lẽ và những ý nghĩ tốt đẹp dành cho nhau sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ. Và hơn thế nữa, không còn là vợ chồng của nhau thì cũng là những người bạn chân tình của nhau.

 

*

 

Mẹ tôi đã thương yêu ba đứa con gái của người vợ lẽ như con của mình, bà đã nuôi nấng và dạy dỗ chúng, chúng cũng thương mẹ tôi như mẹ ruột của chúng. Mẹ tôi đã sống hoà thuận với dì tôi, bà đã thường chỉ bảo dì tôi cách nuôi trẻ sơ sinh, hoặc cách nấu một món ăn gì đó. Gia đình chúng tôi hoà thuận, anh chị em tôi thương yêu nhau là do mẹ tôi đã hy sinh cuộc đời riêng của bà, do tấm lòng rộng lượng và từ bi của mẹ tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn không dám hỏi ba tôi tại sao ông có vợ lẽ, trong khi mẹ tôi giỏi giang, xinh đẹp, khéo léo và khôn ngoan hơn dì tôi. Tôi sợ làm ông buồn. Có lần ba tôi đã nói với chồng tôi: “Má vợ của con là một người rất giỏi con à, ba rất nể trọng má.” Một lần khác, ba tôi đã nói với anh cả của tôi trong ngày đám giỗ bà nội: “Hai người đàn bà mà ba kính trọng nhất trên đời là bà nội của con và má của con.” Có lẽ mẹ tôi nói đúng, ba tôi đã lầm lỡ.

Đối với tôi, mẹ tôi là một người tuyệt vời, bà đã là tấm gương cho tôi học suốt cuộc đời. Mẹ tôi năm nay đã ngoài tám mươi, sức khoẻ của bà suy yếu, trí óc không còn minh mẫn để tôi có thể xin ý kiến của bà khi gặp một việc khó khăn trong cuộc sống như trước kia tôi vẫn thường làm, tôi như mất đi một chỗ dựa lớn lao về tinh thần. Giờ đây mẹ tôi yếu ớt như một đứa bé, ba tôi và chúng tôi chăm sóc bà, động viên bà, làm cho bà vui và yên tâm về cuộc sống chung quanh. Gia đình chúng tôi được như hôm nay là nhờ mẹ tôi, bà đã không chọn lựa phương cách ghen ghét, đập phá khi đứng trước chuyện đổ vỡ của hôn nhân, trái lại, bà đã chọn lựa phương cách dùng tình thương để tha thứ, xây dựng và giáo dục. Mẹ tôi thường nói với tôi “hạnh phúc của má là một bầy con và cháu của má.” Tôi kính thương và biết ơn mẹ tôi vô vàn. Tôi luôn cầu nguyện cho mẹ tôi được an vui và thanh thản trong tâm hồn bà.

 

*

 

Mỗi năm đến ngày Mother’s Day, tôi mua hoa tặng mẹ tôi như một lời cám ơn mẹ đã cho tôi cuộc đời này. Mỗi lần nhận quà trong dịp này bà tươi cười nói “cám ơn con, nhờ có các con mà má mới được làm mẹ.” Tôi cũng học ở mẹ tôi điều này nữa.

Mẹ ơi, chúng con thương mẹ lắm.

 

Sydney, Mother’s Day, 05/2013

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021