thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ngày Ấn Độ [I]

 

Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn với diện tích 3,268,000 km2, với số dân trên một tỷ, đông vào hạng thứ nhì trên thế giới, mà đa số thuộc thành phần trẻ. Dân Trung Quốc đông nhất, trên một tỷ ba, nhưng thành phần già nhiều hơn. Ấn Độ đang bừng bừng trỗi dậy để có thể sẽ vượt lên hàng nhất nhì thế giới về các mặt kinh tế, khoa học, kỹ thuật trong vòng năm mươi năm nữa, như nhiều nhà nghiên cứu tiên đoán. Nhiều nước hiện nay liên minh với Ấn Độ trên nhiều lãnh vực như kinh tế, khoa học, quân sự, v.v... Nước Mỹ cũng đã hơn một lần khẳng định rằng Ấn Độ là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ trong thế kỷ thứ 21 này.

Ấn Độ lại là cái nôi của loài người, có nền văn minh xưa cổ nhất, là cha đẻ của triết học, của chuyện thần thoại, của kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, và đặc biệt là ngôn ngữ. Tiếng Phạn (Sanskrit), một thứ tiếng rất cổ nhưng không phải là tử ngữ, là một trong hơn 20 thứ tiếng chính yếu của Ấn Độ hiện được sử dụng tại tiểu bang Uttarakhand, là nguồn gốc của tiếng Ấn Độ hiện đại. Giới nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng tiếng Phạn còn hoàn hảo hơn tiếng Hy Lạp, phong phú hơn tiếng La tinh, và tinh tế hơn cả hai. Đó là thứ ngôn ngữ của văn thơ, kịch nghệ, triết học, khoa học, tôn giáo.

Cả thế giới đang nhìn Ấn Độ bằng con mắt khâm phục.

Tôi đến Ấn Độ lần thứ nhất vào đầu xuân năm 2007. Trước khi đặt chân lên Ấn Độ, tôi có dịp thăm một số nước khác. Lần đầu tiên đến Trung Quốc, tôi vẫn có cảm tưởng như mình đã đến đó rồi. Ngoài những kiến trúc cổ của Trung Hoa, ngoài những toà nhà cao tầng theo kiến trúc Tây Phương, cũng vẫn chữ Hán tràn ngập mọi nơi, trên các tên đường, cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn, dinh thự. Cũng những âm thanh, tiếng động, cảnh vật thiên nhiên và con người ấy cùng với sinh hoạt khá sôi nổi, hấp dẫn. Lớn lao hơn, vĩ đại hơn nhiều nhưng không khác mấy so với Chợ Lớn ngày xưa ở Việt Nam, hoặc các China Towns rải rác ở nhiều nơi trên thế giới. Còn những nước khác ở Châu Âu, Úc, nét Tây Phương rất rõ như nơi tôi đang sống là Mỹ. Mễ Tây Cơ trông cũng quen, Nhật Bản, Đại Hàn đẹp, sạch sẽ, ngăn nắp, tuy có những sắc thái riêng biệt, vẫn không gây ngạc nhiên lắm. Các nước tại Đông Nam Á lại càng na ná Việt Nam. Tóm lại, những nơi tôi đã qua, ảnh hưởng của Tây Phương, của văn minh hiện đại mang tính toàn cầu hoá là điều không ai có thể chối cãi được. Nhưng Ấn Độ thì khác. Đến Ấn Độ, tôi cảm thấy lạ lùng.

Từ Los Angeles bay qua Hồng Kông, ở lại đó mấy ngày, rồi bay qua Ấn Độ, đáp xuống phi trường Mumbai (tên cũ là Bombay) thuộc tiểu bang Maharashtra miền Tây Ấn, tôi vẫn mang tâm trạng của một du khách hiếu kỳ vừa phải, nghĩa là không ngạc nhiên mấy so với những nơi mình đã đến. Vâng, thì phi trường quốc tế Sahar của Mumbai trông cũng lớn lao, khang trang, náo nhiệt như những phi trường ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp, và tôi nghĩ rằng mình cũng sẽ gặp những gì mình đã thấy nhiều lần. Nhưng khi chiếc xe nhỏ đưa chúng tôi đi càng xa phi trường hướng về một khu ngoại ô của Mumbai, cảnh vật, con người, nhà cửa, đường sá, súc vật, cây cối, v.v... càng khiến tôi bỡ ngỡ.

Đường sá chật hẹp với những “ổ đà điểu” chứ không phải “ổ gà” như nhiều con đường ở Việt Nam. Chiếc xe chở chúng tôi qua những khu thương mại sầm uất chạy ngoằn ngoèo né tránh những xe khác, né tránh người, súc vật đi ngược, đi xuôi, đi ngang, và như đã nói, phải để ý tránh những lỗ hủng, những “ổ đà điểu”, hoặc bí quá thì chạy băng qua luôn. Hành khách ngồi trên xe lắc lư như những con đồng đang lên. Những chỗ nhồi mạnh, đầu hành khách có khi đụng trần xe.

Giống như ở nước Anh, xe cộ ở đây giữ bên trái. Đủ loại xe chạy trên những con đường đông nghẹt, xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh, xe lôi, xe kéo, xe đẩy, xe ngựa, xe hơi, xe tải. Lại có cả xe thồ do lạc đà kéo thay vì ngựa kéo như loại xe ngựa tại Sài Gòn vào thời gian trước năm 1960. Xe không thể chạy nhanh được dù chạy khá ẩu, còi bấm liên hồi, lưu thông khó khăn. Bên trên hoặc bên dưới bảng số sau của xe tải đều có gắn thêm tấm bảng nhỏ ghi nguệch ngoạc hai chữ blow horn, ý nói xe nào muốn qua mặt thì nhấn còi cho nó biết để nó nhường đường. Mà phải nhấn còi thật nhiều lần, bằng không chiếc xe tải đằng trước không chịu nhường đường hoặc vì không nghe tiếng còi, hoặc còn đang bận đối phó với những trở ngại trước mặt. Xe hơi khá nhiều, xe gắn máy ít hơn, xe đạp càng hiếm.

Người trên đường đông như kiến. Đàn ông một số ít mặc âu phục quần tây áo sơ mi, áo veste, một số rất đông quần dài xắn lên quá đầu gối, áo vải bèo nhèo, chân mang dép nhựa, đầu trần tóc hơi xoắn hoặc có chít chiếc khăn vải. Họ dáng người tầm thước, không lớn con hơn người lao động Việt Nam là bao. Đàn bà cũng có người quấn mình trong chiếc áo sari yểu điệu, mặt thì có đính vài viên đá quý ở sống mũi, ở cằm, trán thì được quẹt vào chút son đỏ, nhưng phần đông áo quần lam lũ, luộm thuộm. Và đen, những người càng rách rưới càng đen — da mặt đen, da tay, da chân đen hơn, đen láng ở người trẻ, đen nhăn nhúm, dày cộm ở những người già.

Súc vật cũng chen người chạy lon ton trên đường. Gà trống, gà mái đi kiếm ăn hai bên đường, có những con gà mái dẫn theo những bầy gà con đông đảo, quấn quýt. Chó, có lẽ phần nhiều là chó hoang, gầy gò bước tới bước lui phân vân. Heo đen nhẻm, hai răng nanh thò ra, lông bờm dài dựng đứng, bụng khá thon, thoạt trông tưởng heo rừng, nằm ủi đất khô bên đường đầy rác rến. Dê trông vui hơn. Năm bảy con dê được một cô gái hay bà già dẫn đi. Những phụ nữ này trông không nghèo khổ cho lắm, tay cầm một chùm dây mỏng mảnh, đầu kia của dây quàng quanh cổ mỗi con dê. Bảo là được dẫn đi nhưng đúng ra những con dê tung tăng đó chạy trước người dẫn, khi gặp xe hơi chúng cũng biết chạy giạt qua một bên đường, có con còn bé chưa biết sợ xe thì chủ của nó vói tay kéo cái đầu nó lại tránh bánh xe đang lăn chậm. Thỉnh thoảng đoàn lạc đà mươi con đi hàng một đủng đỉnh, chậm chạp, lưng chở đầy hàng hoá xộc xệch.

Nhưng bò mới là con vật khoan thai, nhàn nhã hơn cả. Bò đi đâu cũng được người ta nhường bước. Có con đang đi bỗng đứng lại rồi nằm đại xuống giữa lòng đường nghỉ xả hơi, thì xe cộ giảm tốc độ để khỏi đụng chạm, hoặc đi vòng để tránh. Lại có con bò ngang nhiên dúi mỏ vào mớ rau, mớ hoa quả, vẫn không bị người bán hàng xua đuổi hay đánh đập. Cùng lắm, người ta mang những thứ đó tránh đi nơi khác. Từ đấy người ta cho rằng bò là con vật linh thiêng của người Ấn Độ. Không ai dám làm trái ý bò, không ai dám giết bò, giết bò bị kết tội nặng như giết người. Lẽ dĩ nhiên người Ấn Độ không ăn thịt bò. Nhưng cho rằng người Ấn Độ thờ bò, có lẽ không đúng. Tôi thỉnh thoảng gặp những chiếc xe thồ chở mía, chở nông sản kéo bởi một hay hai con bò, và người chủ xe vẫn được ngồi trên xe điều khiển. Có điều là họ không dùng roi quất bò tới tấp khi muốn xe chạy nhanh hơn. Người và bò sống thân ái bên nhau, tử tế với nhau, nương tựa nhau. Có người giải thích rằng con bò hiền từ giúp đỡ con người được rất nhiều việc, lại có sữa cho trẻ em của người bú, và ngay cả người lớn lỡ lâm bệnh cũng dùng sữa bò, trong khi chính con bò chỉ ăn cỏ mọc hoang ngoài đồng, ngoài ruộng, ngoài vườn. Người Ấn Độ cảm kích vì cái lòng tốt ấy của bò từ đời này qua kiếp khác trải dài mấy ngàn năm, lâu ngày in sâu vào trong lòng và trở thành tập quán xem con bò là hình ảnh của người mẹ luôn luôn hy sinh vì con.

Quán xá hai bên đường mọc lên như nấm, không thành hàng lối, cái thụt vô, cái lồi ra, và đặc biệt là không có lề đường. Nhiều sạp hàng nằm ngay dưới những khóm dừa hoặc cây bồ đề. Bồ đề thì đâu cũng có, dáng cây đẹp, tàng lá rậm và xanh. Và cũng rất lạ là người đứng bán hầu hết thuộc nam giới. Họ cũng biết rao hàng, nói thách, cân đồ, nhận tiền, thối tiền lia lịa đâu ra đấy chẳng khác gì các chị bán hàng ở các chợ Việt Nam. Vậy các cô, các chị, các bà Ấn Độ trốn đâu cả? Họ ở nhà lo nuôi con, lo việc bếp núc, giặt gịa. Nghĩa là làm tất cả công việc nội trợ, để đàn ông xông pha bên ngoài. Phụ nữ cũng biết làm việc đồng áng. Quả thế, trên những cánh đồng khô cằn có cả nam lẫn nữ làm lụng. Cũng thấy xuất hiện trên những đám ruộng lúa, ruộng khoai, ruộng mía vài ba người mặc chiếc sari, khăn san dài quàng quanh cổ rũ xuống tà áo trước bay phất phơ trong gió. Có lẽ họ là những bà chủ ra đồng coi sóc đám nông dân. Áo sari Ấn Độ đẹp không kém áo dài Việt Nam.

Từ trong xe tôi nhìn mải miết cảnh vật bên ngoài. Một người gốc Nepal ngồi cạnh tôi bảo anh ngạc nhiên lắm sao, Ấn Độ là thế đấy, anh đến đây lần đầu phải không, và cũng có thể là lần cuối đấy nhé. Tôi hỏi tại sao, anh đáp tại vì du khách sẽ mau chán, tại vì Ấn Độ không phải là xứ sở của du lịch, tại vì có rất ít các thứ ăn chơi, cờ bạc, rượu chè, nhậu nhẹt, giải trí, tại vì điều kiện vệ sinh tồi tệ, dơ bẩn, bụi bặm, hôi hám, tại vì tệ nạn ăn xin, tại vì những xóm làng nghèo khổ mạt rệp thê thảm... Để kết thúc một chuỗi dài “tại vì” ấy, anh ta hóm hỉnh bảo chữ INDIA lấy từ những chữ đầu của câu nói I Never Do It Again — tôi không bao giờ làm việc đó nữa, nghĩa là tôi sẽ không bao giờ trở lại Ấn Độ nữa. Tôi nghi ngờ nhận xét của anh ấy, do đó hơn một năm sau tôi trở lại Ấn Độ. Anh ta lại nói thêm rằng chúng ta đang nhìn mặt trái của tấm huy chương, một cường quốc Ấn Độ với bộ mặt lem luốt này, cái tương phản quả quá lớn. Nhưng tôi nghĩ khác. Tôi nhận thấy rằng cái lầm than ấy không phải là mặt trái của Ấn Độ, mà là một mặt của một viên đá quý vốn có rất nhiều mặt mà tôi đang tìm hiểu. Tôi chỉ băn khoăn ở chỗ nhà nước dường như quá nôn nóng trong nỗ lực phát triển nhanh chóng những mặt khác nên đã đặt nhẹ vấn đề phúc lợi và mức sống của đại đa số quần chúng. Nhưng chính cuộc sống lầm than, miễn là đừng đi đến chỗ khốn khổ cùng cực, vẫn có cái giá trị riêng của nó. Đó là cái giá trị của con người nghèo khổ mà vẫn còn nhân tính. Có thể nó còn đáng sống hơn những cuộc sống phè phỡn nhưng vong thân, tha hoá

Chúng tôi ngủ qua đêm tại một khách sạn tương đối sạch sẽ trong một khu phố náo nhiệt. Những ngày kế tiếp chúng tôi có dịp đi nhiều nơi. Xe chạy qua nhiều con đường thường rất hẹp, được sửa chữa vội vàng, đầy ổ gà, và lắm bụi. Bụi mù mịt. Cây cối, vườn tược, nhà cửa, phố xá, làng mạc nằm dọc theo những con đường ngắn, đường dài, hoặc đường quốc lộ đều bị tô lên những lớp bụi vàng, bụi xám, bụi đen. Cây cối khá nhiều nhưng không đem lại đủ tươi mát cần thiết trước sự tấn công tới tấp của bụi và bụi. Xe cộ cũ kỹ, xập xệ, những lớp sơn tróc, những hình vẽ trang trí tuỳ tiện quét lên hông xe, cửa xe, mui xe. Những dòng xe chạy lấn nhau, ép nhau, lao vào nhau trên những con đường không có lằn ngăn chia cho hai dòng xe ngược chiều. Nhưng chuyện lạ là ít khi có tai nạn. Chúng tôi ngồi trên xe nhiều lúc thót bụng khi thấy chiếc xe chạy ngược chiều lao tới trong khi xe của chúng tôi cũng chẳng chịu nhường đường. Thế mà do những tín hiệu lạ lùng nào đó phát ra từ những làn sóng bí mật trong đầu hai tài xế, cả hai xe đều giạt ra tránh nhau đúng lúc. Và điều lạ lùng hơn nữa, tài xế và phụ xế của xe chúng tôi không hề bực bội chửi thề, hoặc lầm bầm mắng mỏ vì những lần chạm trán như thế, kể cả những lúc bị xe chạy ngược chiều ép phải nhường gần hết con đường, buộc lòng phải chạy chếch xuống đám ruộng cạnh đường. Thế lỡ gặp những đoạn đường hai bên không có ruộng hoặc đất trống thì sao? Trường hợp đó đã xẩy ra.

Tôi đang chăm chú nhìn đàn lạc đà đi hàng một ven bờ sông cạn nước bỗng giật nẩy mình lao người ra phía trước. Chiếc xe đang chạy nhanh bỗng thắng gấp. Cũng may hai tay tôi níu được lưng ghế. Ngay trước mặt là một chiếc xe tải dí sát vào đầu xe của chúng tôi. Hai xe thắng lại kịp thời, hai tài xế thò đầu ra. Lại một màn to tiếng cãi vả, mắng nhiếc nhau chứ gì, tôi thầm nghĩ. Tiếng động cơ, tiếng còi của những xe khác, tiếng người gần đấy gọi nhau quá ồn ào khiến hai tài xế đang đối đầu càng phải la to hơn nữa, bằng thứ ngôn ngữ tôi không thể hiểu. Có lẽ tiếng Hindu. Quái lạ, khoảng năm ba phút sau, hai tài xế mỉm cười vẫy tay với nhau, xong tìm cách cùng lùi xe lại và từ từ xe này tiến tới, xe kia de lui, để có thể tránh nhau sát rạt. Hỏi ra mới biết không phải họ gây lộn, họ nhân tiện phải ngừng xe lại thì trao đổi cho nhau biết tin tức của những đoạn đường sắp đến, nơi này đường chạy thông suốt, nơi kia kẹt cứng, phải chờ đợi trong một thời gian nào đấy, nơi nọ phải tìm đường khác mà chạy. Cảnh tượng này làm tôi nhớ tới chuyến đi Sa Pa của tôi cách đây khá lâu.

Lúc đó vào mùa đông, mưa rả rích hết đợt này đến đợt khác, một màu trắng đục trùm lên những nếp nhà cheo leo hai bên đường, lên đồi núi xa xa mịt mùng. Trời lạnh buốt. Đường đi xấu, nhiều đoạn đường mới sửa tạm, chắp vá, lầy lội. Bên ngoài tiêu sơ ảm đạm, nhưng trong xe thì khác. Hầu hết hành khách là người ngoại quốc chuyện trò rì rầm, vẻ mặt tươi tỉnh, ai nấy đều có vẻ trông cho mau đến cái thị trấn miền núi nổi tiếng ấy trong khi xe chạy chậm chạp và lóc chóc như rùa bò trên con đường lên dốc gồ ghề. Bỗng nhiên xe chúng tôi dừng lại. Đằng trước khoảng 20 mét, một xe khác từ phía trên dốc đổ xuống cũng dừng lại. Đấy là một đoạn đường rất hẹp, nước mưa làm trôi hết đất bùn để lại mấy tảng đá trái lổm ngổm. Hai chiếc xe không thể nào tránh nhau được, cho nên hai tài xế nhảy xuống xe đến nói với nhau điều gì đó. Sau một hồi khá lâu, tài xế xe chúng tôi trở lại xe mặt hằm hằm, rồi leo lên xe nổ máy cài số cho xe từ từ tiến lên. Tài xế xe đối diện cũng làm như thế, cho xe từ từ bò xuống. Hành khách xôn xao, có người chồm tới lắc vai tài xế, anh ta không thèm để ý. Hai chiếc xe trông như hai con dế khổng lồ chuẩn bị đá. Khi hai cái cảng của đầu xe vừa chạm vào nhau, hai tài xế mới chịu thắng lại, tắt máy, và lại hùng hổ nhảy xuống xe cùng một lúc. Lần đối đầu này dữ dội hơn lần trước, những tiếng la lối tục tằn tuôn ra ào ào, tay chân múa may loạn xạ. Sắp đánh nhau tới nơi rồi, tôi đoán. Đằng sau chiếc xe đối diện đã có thêm ba bốn chiếc khác nối đuôi chờ. Tôi nhìn lui. Sau lưng xe của chúng tôi, cái đuôi dài hơn nhiều. Du khách lên thăm Sa Pa đông gấp bội du khách từ trên đó xuống. Sau một hồi cãi cọ, tài xế xe bên kia bỏ đi đến ngồi trên tảng đá bên đường, tài xế xe chúng tôi cũng đến ngồi trên gốc cây bên đường đối diện. Hành khách bực bội, nhăn nhó, có mấy người đến chỗ hai tài xế đang ngồi nói năng gì đó. Chẳng có kết quả. Cuối cùng, một hành khách từ một chiếc xe đậu đằng sau xe phía bên kia bước tới, rút ví lấy giấy tờ gì đó rồi gọi hai tài xế đến cho xem mảnh giấy, nói mấy câu. Hai tài xế tỏ vẻ nể sợ, vội trở lại xe của mình và nổ máy. Phụ xế của hai bên ra dấu cho những xe đậu đằng sau lùi lại, dần dần hai đoàn xe thay phiên nhau một chiếc lên dốc, một chiếc xuống dốc. Phải mất cả tiếng đồng hồ lưu thông mới trở lại bình thường.

Tài xế Ấn Độ là quả là một hiện tượng lạ lùng. Họ lái xe rất giỏi, đồng thời cũng rất bạo, nhưng hiếm khi để xẩy ra tai nạn. Đặc biệt nhất là họ lặng lẽ như những chiếc bóng. “Họ được thấy chứ không được nghe”, mớ tóc dày, bù xù, bám đầy bụi, con mắt hơi buồn và hàm răng trắng nổi lên trên khuôn mặt đen sì. Thoạt trông dễ nghĩ rằng họ hung dữ, nhưng thật ra họ rất hiền khô và lễ phép. Quá lễ phép là đằng khác. Đến chỗ nghỉ ngơi để giải khát hoặc ăn uống, họ không bao giờ ngồi cùng bàn với hành khách. Nếu được mời khẩn khoản, họ chỉ nhận một ít món ăn rồi tìm một nơi khác hoặc trở lại xe ngồi ăn một mình. Mỗi khi xe đến chỗ dừng tạm họ vội vàng nhảy ra khỏi xe rồi đưa tay đỡ hành khách từ trên xe xuống, nói một vài tiếng Ấn Độ không cần ai hiểu là nói gì, xong đứng nguyên chỗ chờ đỡ hành khách lên lại xe, một cách trân trọng.

Chúng tôi cũng có dịp đến những nơi nghèo khổ hơn nhiều, nghèo khổ một cách khó tưởng tượng nổi. Những ngôi nhà, hay nói đúng hơn, những túp lều, không có cửa nẻo, mái lá rách bươm, phên vách ọp ẹp được tô lên bên ngoài bằng lớp phân bò trộn rơm khô băm nhỏ. Những túp lều quá nhỏ và quá thấp khiến người đi ra vào phải khom gập mình xuống. Nhưng không có cửa như đã nói thì làm sao ra vào? Thông thường đóng cửa lại để ngăn mưa, gió, nắng, bụi, hoặc ngăn kẻ gian, hoặc không cho người khác dòm ngó vào bên trong, hay mở cửa ra khi cần. Nhưng những túp lều ấy không có cửa. Trên vách đất mặt tiền có trổ sẵn lỗ trống vừa người lom khom chui qua. Nhìn xuyên qua lỗ khuyết ấy có thể thấy một gia đình đông đảo nằm ngồi trên nền đất hoặc trên một chiếc giường tre nhỏ. Bên cạnh giường là nồi, niêu, thúng, rổ, dao, cuốc, cào, v.v... Bên phía trên giường gần nóc chòi thường có cây sào bắt ngang treo lủng lẳng chùm lựu, trái bầu, trái bí, hoặc cái áo, cái quần cũ. Bên dưới giường một vài em bé bò chơi với con chó hay con mèo.

Hello money, hello money, please! Tiếng nói thì thầm nghe sát bên tai. Tôi đi nhanh thêm, tiếng nói ấy vẫn theo sát. Tôi không quay đầu lại nhìn, cố thản nhiên như không nghe thấy gì. Con đường dốc nghiêng thoai thoải khá dài vì có nhiều đoạn gấp khúc hoặc uốn quanh. Tuy là một con đường nhiều người đi, nhưng không được chăm sóc kỹ lưỡng, đất đá lởm chởm, bụi bặm, cỏ mọc lan ra nhiều nơi. Đó là đường lên Khổ Hạnh Lâm (Dhungeshwari). Hai bên đường rất nhiều người ăn xin ngồi chầu chực. Mấy câu trong bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp tự nhiên hiện lên:

Chùa nấp sau rừng cây
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Những người ăn mày thường tới các cổng chùa. Cũng phải thôi, ở đó, ở các chùa, những người hành hương thường phát bồ đề tâm từ bi hỷ xả, bố thí nhiều hơn ở những nơi khác. Nhưng ăn mày ở đây nhiều quá. Phải đông gấp ba, gấp bốn lần so với số người ăn mày tại Chùa Hương trong bài thơ nổi tiếng nói trên. Trẻ, già, trai, gái, và các em bé tí đều có mặt. Người già đông nhất, tóc bạc phau nổi bật lên trên lớp da mặt, da cổ, da tay đen đúa, nhăn nheo, dày cộm. Thanh niên, thiếu nữ trông cũng không đến nỗi lem luốc, thanh niên thì quần tây dài áo sơ mi, mang dép nhựa hoặc giày, thiếu nữ thì thỉnh thoảng cũng có người quấn mình trong cái áo sari; những em bé mắt đen, to, ngây thơ, dễ thương. Có bé một hai tuổi bước đi lững chững chưa vững nhưng đã biết chìa tay nói lí nhí vài ba tiếng líu lo. Có lẽ có khá nhiều em bé nói được vài câu xin tiền trước khi biết nói chuyện khác. Họ chờ những người hành hương, những du khách từ ngôi chùa trên đỉnh đồi đi xuống, những người này thường bố thí nhiều hơn là khi họ trèo dốc đi lên. Nhưng cũng có lẻ tẻ năm ba người đi theo đám người lên dốc xin cầu may. Cho gì họ cũng lấy, tiền, bánh, kẹo, mì gói, trái chuối, củ khoai, vân vân. Một anh chàng đi theo vịn vào vai, nâng cùi chỏ, đẩy lưng một thiếu phụ đang leo dốc mệt nhoài. Người đàn ông đi bên cạnh thiếu phụ hơi cao giọng:

“Don’t touch her!”

“I just helped her,” anh chàng lễ phép trả lời và ngửa tay xin tiền.

Nhưng khi các đoàn người xuống dốc, đám người ngồi hai bên đường mới túa ra đi theo nườm nượp. Có khi họ níu áo người ta, hoặc ngồi bệt ngay xuống đất chận người ta lại xin tiền. Những lúc ấy, mấy người mặc đồng phục không huy hiệu, lính bảo vệ hay cảnh sát tôi không rõ, can thiệp ngay bằng cách cầm cây gậy xua xua.

Người đi theo tôi nãy giờ vẫn kiên nhẫn nói thì thầm bên tai tôi, hello money, hello money, please. Tôi nhận ra giọng đàn bà, hay đúng hơn, giọng thiếu nữ. Tiếng nói trong trẻo, rất nhỏ, nhưng gần quá, nên tôi vẫn nghe rõ. Tôi nghe thấy cả một mùi hương mà tôi không gặp hơn mấy mươi năm nay. Hồi còn trẻ, hồi mới lớn, giác quan còn bén nhậy, có khi nhận ra mùi hương ấy. Không phải mùi phấn son như trong một câu thơ mà tôi nhớ mang máng, của Đinh Hùng thì phải, “Mùi phấn son thơm mùa hạ cũ”. Không, đây là mùi da thịt con gái không son không phấn. Tôi tự trách là vì vừa đi theo đoàn đem lòng thành kính lên lễ Phật tại Khổ Hạnh Lâm, thế mà bây giờ mới xuống dốc đã thắc mắc phân biệt mùi này với mùi nọ.

Khổ Hạnh Lâm là nơi xưa kia Đức Phật Thích Ca trên con đường đi tìm chân lý đã ghé lại trong sáu năm trời tu khổ hạnh, ép xác. Có lúc mỗi ngày Ngài chỉ ăn một hột mè, một hột cơm, thân thể hao mòn, gầy đét, còn xương với da. Đây là một ngọn đồi không cao, từ đó tôi nhìn quanh nhưng không thấy rừng đâu cả, thế sao gọi là Khổ Hạnh Lâm? Có lẽ khu rừng cách đây hơn 2500 sinh thời của Đức Phật nay đã biến thành một vùng đồng bằng khô cằn lác đác nhô lên mấy ngọn đồi mà ngọn đồi này là một. Đứng ở đỉnh đồi này tôi cố nhìn xem có thấy được con sông Niranjarà (Ni Liên Thuyền) hay không, gần đây thôi, nhưng không thấy. Trước đây mấy hôm tôi đến bên bờ sông Ni Liên Thuyền nhìn lòng sông khá rộng, khô cạn, chạy dài mút mắt. Ngày xưa, bên bờ sông này, Đức Phật thọ nhận bát sữa của một thiếu nữ Bà La Môn, nàng Sujata, từ bỏ lối tu ép xác, khổ hạnh, quyết chọn con đường Trung Đạo để đi tìm đường giải thoát. Như rất nhiều sông ngòi khác của Ấn Độ, sông Ni Liên Thuyền cũng nằm phơi lòng cát trắng, cát vàng dưới ánh mặt trời. Người ta đi bộ qua lại dòng sông, trẻ em đá banh, đùa giỡn đây đó. Không phải chỉ con sông Ni Liên Thuyền bị khô cạn, nhiều con sông khác nay chỉ còn là một lạch nước nhỏ chảy đứt khúc giữa dòng, trừ sông Hằng mênh mông dài hơn ba ngàn cây số, và một số sông lớn khác.

Hello money, hello money, please! Theo lời dặn của người hướng dẫn, khi có việc phải đi gấp, thì đừng cho ai tiền cả. Hễ cho một người, những người khác sẽ ùa tới bao vây, có khi giành giật, gây phiền phức. Cho nên tôi cố thản nhiên đi, không quay đầu lại nhìn người xin tiền kiên nhẫn và dai dẳng này. Cô ta đã đi theo tôi qua khỏi hai quãng đường xuống dốc khá dài. Tôi nghe tiếng nói, tiếng bước chân, hơi thở. Tôi sắp đi đến chỗ chiếc xe của chúng tôi đậu ở cuối bãi. Tôi nhìn người hướng dẫn đi trước tôi cách bốn năm người, rồi nhìn vợ tôi và vài người đi bên cạnh, thấy chẳng ai để ý đến tôi. Trước khi bước lên xe, tôi cho tay vào túi áo ngực rút đại ra một tờ giấy bạc rupee, không quay đầu lại, chìa tay ra sau. Như đã biết trước, cô ta nắm lấy tờ giấy bạc và nói thank you. Khi đã lên xe ngồi vào chỗ, nhìn qua cửa kính, tôi nhận ra, như đã đoán trước, đó là một cô gái. Một cô gái xinh đẹp, khoảng 17, 18 tuổi. Tôi nghĩ thầm nếu cô này ghi danh thi “nhà nhà hoa hậu, khóm khóm hoa hậu, phường phường hoa hậu, quận quận hoa hậu” thế nào cô cũng trúng vài giải, sẽ được nhiều tiền hơn là đi xin. Cô vẫy vẫy tay với tôi trước khi quay về với đám người ăn xin đông đảo đang đứng gần đó.

Khi xe đã bắt đầu lăn bánh, một em bé độ năm, sáu tuổi chạy theo xe một quãng ngắn miệng cười thật dễ thương chìa tay ra đằng trước như thể muốn xin thêm xin tiền. Em bé làm bộ đùa chơi.

Nhưng không phải chỉ tại cổng chùa mới có ăn xin. Ở Ấn Độ, ăn xin có mặt ở mọi nơi tôi đã đi qua. Chẳng hạn trên lối vào các đền đài, các vườn hoa, các thắng cảnh, các khu bán hàng rong dọc những con đường nhỏ, v.v... Đang tiến bước bỗng thấy một bà già, một thiếu phụ, hoặc một em bé vội vàng đi lom khom ngay trước mặt mình tay cầm cây chổi quét nhanh bụi bặm hay rác rến hay lá cây trên lối ta sắp giẫm lên, thế là sau đó ta nên rút tiền ra cho. Đến một ngôi chùa hay ngôi đền, vừa cổi giày ra để đi vào bên trong là có người tới mang giày đi lau chùi để được nhận tiền thù lao rất nhỏ. Đang đi trong đoàn du khách bỗng chợt thấy một người đàn bà khá tươm tất và khá xinh đẹp, hầu hết các bà Ấn Độ trẻ tuổi trong chiếc áo quốc phục sari đều đẹp, tay ẵm một em bé kháu khỉnh, ta đưa mắt nhìn, thiếu phụ nhìn lại mỉm cười, và chìa tay xin tiền.

Lẽ dĩ nhiên người ta có quyền xin, còn mình có quyền cho hay không cho. Cho thì người nhận vui, không cho cũng không sao, cũng vui vẻ, nhã nhặn. Tôi nhớ lần về thăm Việt Nam cách đây không lâu nhiều lúc phải né tránh mấy người ăn xin khi trong túi không có sẵn tiền lẻ vì nếu người ta xin mà mình không cho, có khi gặp phải những phản ứng chẳng đẹp chút nào — chửi thề, vỗ đít, hay tệ hơn thế. Tôi cũng nhớ hồi mới qua Mỹ cách đây 20 năm, đi trên đường lớn gặp một người ăn mặc đàng hoàng hơn tôi lại chìa tay xin tiền. Tôi không đoán được người ấy gốc gác nước nào. Tôi ngạc nhiên quá và lúng túng không biết cho chát như thế nào thì vừa, đành lục trong túi quần được 10 cents lấy ra cho. Người ấy hung hăng cầm lấy đồng dime ném mạnh xuống đường sau cái quắc mắt dữ tợn kèm theo mấy tiếng gầm gừ.

Cho tập thể thì rất thoải mái. Chẳng hạn như chở một xe nào gạo, nào mì gói, nào bắp, hoặc bánh kẹo, đồ chơi con nít để, đem đi “bố thí”. Đến các làng nghèo, ta cứ đậu xe tại một bãi đất trống nào đó, người dân làng biết ngay, túa ra. Họ ngoan ngoãn nghe lời chỉ dẫn và nhận đồ một cách vui vẻ, trật tự, chứ không giành giật hoặc bao vây người cho. Hoặc đến các trường học nhỏ, không cần báo trước, mời thầy giáo, cô giáo đang đứng lớp ra ngoài hiên nói vài câu, thế là các thầy, các cô cho học trò ra sân trường sắp hàng ngay ngắn để nhận quà.

Hình như người Ấn Độ quan niệm của cải trần gian là của chung. Người dư san sẻ cho người thiếu là chuyện thường. Do đó người cho không hãnh diện, người nhận không ngại ngùng. Tôi liên tưởng đến những nhà tu khất sĩ. Có phải những vị ấy ngày ngày cầm bát đi xin ăn cốt để dẹp bỏ cái ngã vốn kiêu mạn của con người nơi bản thân mình? Hay là để cho kẻ bố thí có dịp phát huy lòng từ tâm? Từ đó một phần nào quan hệ giữa người và người bớt lạnh lẽo, cuộc sống máy móc hàng ngày bớt tính cách vô cảm hiện đang lan tràn trên các đô thị lớn trên thế giới. Đi trên đường phố hay đường quê của Ấn Độ ta có cảm tưởng gần như đi trên những nơi thân thuộc của quê hương.

Trong một bài trước tôi ca tụng Taj Mahal. Nhưng cũng phải nói rằng Ấn Độ là đất nước của những thái cực. Nếu Taj Mahal và rất nhiều đền đài khác của Ấn Độ là những kiệt tác của kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, thì trái lại cũng có rất nhiều thành phố trông không hấp dẫn một chút nào vì cái lối xây cất nhếch nhác, luộm thuộm, và không theo một quy hoạch nào cả. Đã thế, nhiều nhà cao tầng, hoặc nhà trệt được xây nửa chừng rồi bỏ dở. Có nhiều công trình bỏ dở khá lâu, rêu xanh mọc đầy trên những vách tường không mái che, cốt sắt bên trong những lớp bê tông cong queo, rỉ sét. Một ý nghĩ đến với tôi. Họ chỉ làm, không cần làm xong; trong cuộc sống tạm bợ này, họ chỉ đi, không cần đến. Hầu hết đường phố đều không có lề đường, và nhà cửa thì cái thụt vào, cái nhô ra, người đi bộ muốn tránh xe phải đứng nép sát vào cửa trước của một ngôi nhà nào đó. Tôi chưa đến những đô thị miền nam Ấn Độ, nghe nói miền nam giàu có hơn miền bắc nhiều, do đó nhà cửa đẹp đẽ hơn chăng, nhưng ngay tại thủ đô New Delhi, cũng có nhiều khu rất bê bối, cũng những ngôi nhà xây nửa chừng rồi bỏ dở, cũng không có lề đường, cũng quần áo phơi tùm lum trước cửa lớn, cửa sổ, cũng sơn quét bừa bãi. Như nhiều chiếc xe đò, xe tải với nhiều lớp sơn cẩu thả, chữ viết ngoằn ngoèo trên hông xe, sau đuôi xe.

Rất hiếm thấy những khu ăn uống, nhậu nhẹt, những làng ngon, làng nướng, thịt bò né, thịt chó đủ món, như ở nhiều nơi tại Việt Nam, hay tại Trung Quốc. Người Ấn Độ hầu hết đều ăn chay, vì lý do tôn giáo cũng có, hoặc vì họ không muốn sát sinh, hoặc vì họ muốn có bữa ăn thanh đạm, lành mạnh, hoặc vì họ nghèo chăng. Nhiều lần vào các khách sạn, tôi để ý thấy khu dành cho thực khách ăn mặn và thực khách ăn chay không khác nhau mấy. Khu ăn mặn cũng toàn là các món ăn chay cộng thêm thịt gà, hoặc thịt dê chẳng hạn. Họ ăn rất nhiều cà ri. Có một món giống như chè để tráng miệng cũng có mùi cà ri. Dường như họ đã thân thuộc với mùi cà ri lâu đời rồi cho nên ăn gì cũng được miễn là có cà ri vào là khoái khẩu. Đa số không uống rượu, kể cả bia. Tôi chưa bao giờ gặp người say rượu, hay thở ra nồng nặc mùi rượu. Một chàng trẻ tuổi giúp tôi vài việc; để trả ơn, tôi mời anh ta đi ăn một nơi nào kha khá do anh chọn lựa. Anh bèn dẫn tôi tới một cái quán ăn mà anh cho là đặc biệt vì có bán cô-ca cô-la. Tại các nhà hàng lớn thức ăn cũng không nhiều lắm so với những quán bên đường, nhưng lẽ dĩ nhiên có nhiều thức uống và rượu.

Tôi chưa gặp những khu giải trí, ca múa, nhảy nhót, v.v... Hỏi thì được biết người Ấn Độ bình dân không ham những thú vui ấy lắm. Họ cũng không khá về các môn thể thao. Cứ để ý những cuộc tranh tài thể thao như thế vận hội, hoặc bóng tròn (bóng đá) vô địch thế giới, vô địch châu Á, hoặc quyền Anh quốc tế chẳng hạn, ta thấy ngay Ấn Độ ít khi đoạt các huy chương dù họ có trên một tỷ dân. Không phải vì thể chất của họ thua kém Nhật, Tàu, Đại Hàn, không phải vì họ không nhanh nhẹn, cứ xem tài xế Ấn Độ lái xe là đủ biết, không phải phải vì họ tối dạ, sinh viên Ấn Độ nổi tiếng giỏi trên thế giới, nhiều nhà khoa học, giáo sư Ấn Độ làm vẻ vang cho nước họ, thế tại sao họ kém về những môn tranh tài thể thao? Câu trả lời chỉ có thể là họ không muốn ganh đua cho lắm, không muốn tỏ ra hơn kẻ khác tuy họ có tiềm năng rất lớn.

Đại đa số dân chúng thuộc hạng nghèo. Họ sống một cách nhẫn nhục, không phô trương, không bày vẽ. Làng nhàng cho xong chuyện. Nhà ở thế nào cũng được, xe cộ, nếu có, không cần láng coóng, vườn tược không cần gọn gàng tươm tất, cây cối không cần chăm sóc, cắt tỉa. Hình như họ không cho cuộc đời này là quan trọng, chỉ sống cho qua ngày và mong kiếp sau tốt đẹp hơn. Cho nên cái chết đối với họ không phải là chuyện gì ghê gớm. Người chết được cho vào cái hòm đơn sơ phủ bên ngoài bằng giấy hoặc vải màu do hai người đàn ông khiêng đi trên vai, dẫn đầu bởi một người y phục sặc sỡ như hiệp sĩ thời trung cổ, tay cầm thanh kiếm, và theo sau là dăm người đàn ông trong tang quyến. Phụ nữ không đi đưa đám. Cái đám tang mộc mạc ấy bình thản đi qua những chỗ đông người để đến nơi an nghỉ cuối cùng, thường là lò thiêu. Và nếu có thể thì tro cốt được rải xuống con sông thiêng liêng của người Ấn Độ là sông Hằng. Ta không nghe tiếng than khóc đằng sau cái hòm được khiêng đi dõng dạc. Thỉnh thoảng cũng có nghe tiếng kèn đưa tang, nhưng không phải là nhạc buồn. Thật khác hẳn đám đưa tang ở quê nhà, tiếng khóc, tiếng than, tiếng kể lể lẫn tiếng kèn đám ma thỉnh thoảng văng vẳng vang lên, nghe não lòng. Mấy câu thơ của Huy Cận:

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!
Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương
Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương
Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ!
...

hẳn không được tâm đắc tại cái xứ sở lạ lùng này.

Hơn 80% người Ấn Độ theo Ấn Giáo (Hinduism), tin có kiếp lai sinh, cho nên kiếp này người nào lỡ sa vào cuộc sống lầm than thì cố mà sống trong nhẫn nhục, trong hiền hoà, trong tu tỉnh để kiếp sau được đổi đời.

Trên nguyên tắc, căn cứ vào hiến pháp, luật pháp, mọi người sinh ra đều bình đẳng, nhưng trên thực tế, bốn giai cấp trong xã hội vẫn còn tồn tại khá rõ rệt. Cao nhất là những vị giáo sĩ, giáo sư, học giả. Thứ nhì là vua chúa, chiến sĩ, quan chức hành pháp, lập pháp, tư pháp. Thứ ba là công nhân, nông dân, những người nuôi gia súc, những người cho vay tiền. Thứ tư là những người làm công, làm dịch vụ, những thợ thuyền.

Lại còn có loại người mà những giai cấp trên đụng chạm vào sẽ coi như bị ô uế, đó là “đám tiện dân” bị gạt ra ngoài lề xã hội (tạm dịch chữ the untouchable), tức là những kẻ sống trong rừng rú thành từng bộ lạc nhỏ (như người thượng tại nước ta trước kia), những người du mục, những người lo việc tống táng người chết. Tôi hỏi anh bạn trẻ người Ấn Độ vậy một người ngoại quốc như tôi chẳng hạn thì thuộc giai cấp nào. Anh trả lời rằng xưa kia người nước ngoài đều bị đối xử như “đám tiện dân”, nay họ được xem như không thuộc giai cấp nào cả.

Tôi đứng nhìn. Chỗ tôi đứng là một góc sân thượng của một tu viện nằm trên một ngọn đồi khá cao. Vùng Bodh Gaya này có nhiều đồi, thuộc tiểu bang Bihar, phía đông bắc của Ấn Độ, một trong những tiểu bang rất nghèo. Tuy thế nơi đây có nhiều chùa của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Tích Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, v.v... Hầu hết những nước có tín đồ Phật Giáo mỗi nước đều có một vài ngôi chùa tại vùng Bodh Gaya này xúm xít quanh Bồ Đề Đạo Tràng (Mahabodhi Temple), tức là ngôi Đại Tháp được xây dựng từ thế kỷ thứ hai, thứ ba, và được trùng tu nhiều lần để ghi dấu nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo. Cũng có một số đền thờ Ấn Giáo.

Một buổi chiều, từ một góc sân thượng của tu viện bốn tầng tôi nhìn ngôi Đại Tháp thật lâu khi ánh nắng còn vươn lại trên những tầng cao cho tới đỉnh tháp. Rồi tôi nhìn quanh. Tôi có thể thấy một số những ngôi chùa của các nước nói trên. Bỗng có tiếng chuông ngân nga. Càng về chiều chim từ đâu bay về Đại Tháp càng nhiều, vô số kể, kêu ríu rít một hồi lâu cho đến khi trời tối hẳn. Xa hơn, những người hành hương từng đoàn dài được hướng dẫn bởi những nhà sư áo vàng, hoặc áo đỏ thẫm, hoặc áo chàm, hoặc áo trắng, đổ về. Xa hơn nữa, nơi này đàn lạc đà đi hàng một trông giống như một vệt màu nâu nhạt di động chậm chạp trên một con đường vắng; nơi kia mấy con voi đủng đỉnh lui tới bên chòm cây xanh che khuất một phần những mái nhà ngói màu đỏ, những mái lá màu xám. Ở chân trời, tia nắng chiều còn sót toả lên không gian thành hình rẽ quạt xuyên vào trong lớp hoà âm màu đỏ, vàng, tím của mây.

Cả một vùng trời đất bao la như lặng lẽ lắng nghe tiếng chuông đang gọi những bầy chim bay về.

 

(Còn tiếp)
11/2011

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021