thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôi sao buồn bã nhất [I]
(Diễm Châu dịch)
 

CHÚNG TA VÀ TRÁI ĐẤT

 
Bao nhiêu là sao rơi rụng đêm nay...
Quỷ thần của đêm tối như nắm trong tay trái đất
và thổi trên những tia sáng lóe như trên một nhùi lửa
thật dữ tợn, để làm bùng lên.
Đêm nay khi rơi rụng
bao nhiêu là sao, tấm thân phù thủy trẻ trung của em
bừng cháy trong tay tôi
như giữa những ngọn lửa của một dàn hỏa.
 
Điên cuồng,
tôi vươn đôi cánh tay như những lưỡi lửa,
để khiến tuyết tan trên đôi vai trần của em
và để nghiến ngấu, thật ham hố, để nuốt chửng trong tôi
tất cả, sức mạnh, dòng máu, niềm tự hào, mùa xuân của em.
Vào hừng đông, khi ngày sẽ thắp sáng đêm,
khi tro của đêm tối sẽ lịm chết trong gió
ở xa xa về phương tây,
vào hừng đông của ngày này, tôi muốn cả chúng ta nữa cũng trở thành
tro,
chúng ta, và trái đất.
 
 

EVÀ

 
Khi con rắn đưa trái táo cho Evà, nó nói với nàng
bằng một giọng thánh thót
qua chùm lá như một chiếc chuông nhỏ bằng bạc.
Có điều là sau đó, nó còn thì thầm vào tai nàng
một điều gì đó
nhỏ, thật nhỏ,
một điều gì đó không có trong Kinh thánh.
 
Cả đến chính Thượng đế cũng chẳng nghe ra điều nó thì thầm với nàng,
mặc dù, phải, ngài đã dỏng tai nghe ngóng.
Và Evà thời giữ kín chẳng thốt lấy một lời
cùng Ađam.
 
Từ đấy, người đàn bà giấu dưới đôi mi mắt một điều bí ẩn
và chớp chớp hàng mi như muốn nói
nàng biết một điều gì đó
mà chúng ta, chúng ta không biết,
một điều gì đó mà không một ai biết,
không, cả đến Thượng đế nữa.
 
 

TRONG RUỘNG LÚA

 
Những hạt lúa mì nứt tung vì lượng vàng gia tăng.
Đây đó, những giọt đỏ hoa anh-túc,
Và, trong ruộng lúa,
một thiếu nữ
hàng mi dài như những bông lúa mạch.
Đưa mắt, nàng thâu góp những gié lúa sáng tươi của trời,
và hát.
 
Tôi nằm nghỉ dưới bóng mấy bông anh-túc,
không thèm muốn, không ân hận, không luyến tiếc
cũng chẳng nhiệt tình bồng bột, chỉ có xác thân
và đất sét.
Người thiếu nữ hát,
tôi lắng nghe.
 
Trên đôi môi ấm áp của nàng hồn tôi sinh ra.
 
 

HÃY CHO TA, HỠI NÚI, MỘT THÂN XÁC

 
Hỡi thân xác chóng qua, ta chỉ có mi,
thế nhưng
ta không choàng lên đầu mi những đóa hoa trắng và đỏ
bởi phần đất sét còm cõi của mi
quá nhỏ hẹp đối với tấm linh hồn khủng khiếp
ta mang.
 
Hãy cho ta một thân xác,
hỡi các ngươi, những núi
cùng biển!
a! hãy cho ta một thân xác khác để chứng điên cuồng của ta
có thể tràn ra đầy đủ!
Hỡi đất rộng, hãy là tấm thân ta,
hãy là lồng ngực của trái tim hoang dại này,
hãy trở thành chốn ở của những cơn giông tố đang đè bẹp ta,
hãy là chiếc bình chứa đựng sự bướng bỉnh của bản thân ta!
 
A! lúc ấy, qua vũ trụ
có lẽ người ta sẽ nghe những bước chân lớn lao của ta vang dội
như ta thực sự là ta,
hỡi đất thánh thiêng!
 
Khi ta yêu,
a! ta sẽ cất lên trời cao,
ta sẽ nâng lên trời cao hết mọi vùng biển,
tựa như những cánh tay hoang dại và nóng bỏng
lên trời cao
để ôm ghì lấy
bẻ gãy tấm thân của trời,
hôn lên các tinh cầu lấp lánh.
 
Khi ta căm hờn,
dưới gót chân đá tảng ta sẽ đạp nát
những mặt trời thảm hại
lang thang,
và, có lẽ, ta sẽ mỉm cười!
Nhưng, hỡi thân xác chóng qua, ta chỉ có mi...
 
 

TĨNH LẶNG

 
Có biết bao là im lặng chung quanh tôi khiến tôi dường như nghe
những tia sáng trăng va chạm vào cửa sổ.
 
Trong lồng ngực tôi
một tiếng nói lạ xa thức giấc,
và một khúc hát trong tôi cất lên, một nỗi nhớ không phải là của tôi.
 
Người ta bảo các bậc tổ tiên chết đi mà không biết tới thời gian,
với, trong đường mạch, một dòng máu còn trẻ
với, trong máu họ, những đam mê khủng khiếp
với một mặt trời chói sáng trong những đam mê,
sẽ tới,
tới nơi chúng ta
tiếp tục
một cuộc đời không sống.
 
Biết bao là im lặng chung quanh tôi khiến tôi dường như nghe
những tia sáng trăng va chạm vào kính cửa.
 
A! ai biết được, hỡi hồn thiêng, mi sẽ hát ca trong lồng ngực nào,
cả mi nữa, khi những thế kỷ đã trôi qua,
trên những sợi dây êm dịu của im lặng,
trên cây hạc cầm, – mi sẽ hát ca nỗi nhớ thương bị bóp nghẹn của mi,
cả mi nữa,
và niềm vui sống đã nát tan của mi? Ai biết được? Ai biết được điều ấy?
 
 

TÔI ĐÃ DỪNG LẠI BÊN EM

 
Tôi luôn luôn tìm kiếm bóng của hàng mi
trên một khuôn mặt. Tôi đã tìm kiếm nó giữa địa lý
của những câu truyện cổ Đông phương và của Tây phương.
Và tôi không hề gặp.
 
Chỉ mãi thật lâu sau tôi mới tìm được nó ở đây. Ở đây,
nơi quê hương tôi và nơi nòi giống tôi.
Tôi đã dừng lại bên em, khi im lặng của em
bảo: « Đừng động tới tôi! »
 
Tôi đã dừng lại bên em,
sau khi đã khám phá ra rằng mái tóc em là một ngọn lửa
không bao giờ bị gió dập tắt.
Và bên điều kỳ diệu giản đơn nhất,
tôi đã ở lại — như phải vậy.
 
 

NÚI VÀ MÂY

 
Những ngọn núi được tạo thành
khi những đám mây của khởi nguyên
trút bỏ lớp chì nặng nề,
lớp đất sét nặng nề.
 
Những ngọn núi được tạo thành khi những đám mây,
muốn lang thang và trở thành nhẹ nhõm,
đã bỏ lại bên dưới chúng, trong gió,
gánh nặng của mình trên mặt đất.
 
Từ đấy núi ở lại,
như đống chì, đống đất,
và nhìn về những ngày của khởi nguyên.
 
 

BÀI CA GIẤC NGỦ

 
Thật là dịu êm giấc ngủ bên một dòng nước chảy,
bên dòng nước nhìn thấy hết, nhưng không hề có hoài niệm.
Thật là dịu êm giấc ngủ nơi
ta quên ta như ta quên một chữ.
Giấc ngủ là chiếc bóng
mà nấm mồ tương lai của chúng ta
phóng lên chúng ta, trong không gian câm nín.
Thật là dịu êm giấc ngủ, thật là dịu êm.
 
 

CHIẾC NÔI

 
Tôi quá mỏi mệt
và tôi đau khổ.
Tôi tin rằng mình đau khổ vì quá nhiều tình cảm.
 
Trên các sườn đồi, hừng đông đã mở những hàng mi
và những con mắt đỏ ngầu vì mất ngủ.
 
Tuyệt vọng, tôi đã hỏi:
Này mặt trời,
làm sao mi còn có thể cảm thấy một niềm vui điên cuồng
khi trỗi dậy?
 
Và buổi sáng hôm ấy mất ngủ,
khi lê bước nặng như chì,
trong một xó tối tăm tôi đã bắt gặp một chiếc nôi.
Những con nhện đang dệt những thế giới nho nhỏ của chúng ở đó
và những con mọt đang gặm nhấm im lặng của nó.
 
Mơ màng tôi đã nhìn nó.
Ấy là chiếc nôi
trong đó một bàn tay, nay đã già vì cuộc đời tôi,
từng đu đưa
giấc ngủ đầu tiên và có lẽ giấc mơ đầu tiên của tôi.
 
Với những ngón tay của kỷ niệm,
tôi đã lần mò
thật chậm rãi,
thật dịu dàng,
như một người mù quá khứ của tôi
và không hiểu vì sao
tôi đã sụp xuống
nức nở trên chiếc nôi của mình.
 
Tôi quá mỏi mệt
vì những mùa xuân,
vì những bông hồng,
vì tuổi trẻ,
 
và vì tiếng cười.
Tuyệt vọng, tôi đã tìm kiếm tôi nơi chiếc nôi cũ kỹ,
với đôi tay tôi đã tìm kiếm tôi
chính bản thân tôi
— thơ dại.
 
 

NĂM CỦA LỐI NGOẶT

 
Em còn nhớ chăng năm của lối ngoặt?
Biết bao lần một giờ phút hoài nghi
đã thúc đẩy chúng ta cắt đứt!
Không phải là vì chúng ta muốn vậy,
mà là vì chúng ta được lệnh truyền như thế.
Mỗi lần một chuyện họa hiếm,
một hoàn cảnh hi hữu lại đã ngăn chận chúng ta.
Chúng ta đi trên bờ cát
và trong những dấu vết in sâu mà chúng ta để lại,
lặng lẽ, nước biển dâng lên.
Em còn nhớ chăng? Mỗi lần
một chuyện họa hiếm,
một hoàn cảnh hi hữu lại đã ngăn chận chúng ta.
Con thuyền cắm sâu thêm đôi chút dưới sức nặng
khi những tia sáng trăng rọi xuống đó.
 
 

TÔI KHÔNG DẪM ĐẠP VÀNH HOA NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA THẾ GIỚI

 
Tôi không dẫm đạp vành hoa những điều kỳ diệu của thế giới
và không giết chết
bằng lý trí những điều huyền nhiệm gặp gỡ
trên đường tôi đi
nơi những đóa hoa, những con mắt, trên những vành môi hay những nấm mộ.
Những kẻ khác dùng ánh sáng
hủy diệt vẻ quyến rũ tàng ẩn trong bóng tối
khôn dò của những vùng sâu thẳm,
nhưng tôi,
với ánh sáng của mình tôi làm lớn dậy điều không thể nhận biết—
và như vầng trăng với những tia sáng trắng
thay vì giảm bớt lại gia tăng, khi rọi ánh lung linh,
vào nét mê hoặc của đêm tối,
tôi tôi cũng đem lại cho chân trời âm u
những rung rinh rộng lớn của điều huyền nhiệm thánh thiêng,
và tất cả những gì không được ai hiểu
biến thành những điều bí hiểm còn lớn hơn nữa
dưới mắt tôi—
bởi tôi yêu
cả những đóa hoa những con mắt những vành môi lẫn những nấm mộ.
 
 

CÙNG BẠN ĐỌC

 
Đây là nhà tôi. Phía bên kia là mặt trời và khu vườn với những tổ ong.
Các người, các người bước qua trên đường và các người nhìn qua hàng chấn song
chờ tôi lên tiếng. — Biết bắt đầu từ đâu?
Hãy tin tôi, hãy tin tôi đi,
ta có thể nói về mọi chuyện lâu giờ:
về số mệnh và về con rắn mang điềm lành,
về các vị tổng lãnh thiên sứ cày xới bằng lưỡi cày của họ
những khu vườn của người ta,
về trời cao mà chúng ta đều hướng tới mà lớn dậy,
về oán thù và suy sụp, về buồn phiền và những khổ nạn
và nhất là về cuộc vượt qua lớn.
 
Nhưng từ ngữ là nước mắt của những kẻ có lẽ đã thật muốn
mà không thể khóc.
Cay đắng biết bao là mọi ngôn từ,
bởi vậy — xin các người hãy để tôi
câm nín cùng đi giữa các người,
tới gặp các người với đôi mắt khép.
 
 

THÁNH THI

 
Nỗi cô quạnh che giấu của người luôn luôn làm tôi đau,
lạy Chúa, nhưng tôi làm gì được?
Còn nhỏ, tôi đã nô đùa với người,
tôi đã tháo gỡ người bằng tưởng tượng như người ta lắp ráp một món đồ chơi.
Sau này tính cục cằn hung dữ của tôi đã thắng thế,
những tiếng hát của tôi chết dần
và không bao giờ cảm thấy người gần gụi
tôi đã lạc mất người vĩnh viễn
trong đất, trong lửa, trong nước và trên không.
Từ hừng đông tới hoàng hôn
tôi chỉ là bùn nhơ và thương tích.
Người người đã tự giam mình trên trời như trong một cỗ áo quan.
A, giá như người không còn thân thuộc với cái chết
hơn là với sự sống
hẳn là người sẽ nói với tôi. Dẫu như người ở đâu,
dưới lòng đất hay trong cổ tích, hẳn là người sẽ nói với tôi.
 
Lạy Chúa, xin hãy tỏ lộ khuôn mặt của người trong gai góc ở trần thế
để tôi hiểu được những gì người trông đợi ở tôi.
Liệu tôi có phải nắm bắt lưỡi đòng nhuốm độc đang vút qua
do những kẻ tìm cách gây thương tích cho người bên dưới cánh phóng lên từ mặt đất?
Hay người cũng chẳng đòi hỏi gì hết?
 
Người là sự bất di bất dịch, hằng thức câm nín
(tự thân đã viên mãn a là a),
người không đòi hỏi gì, cả đến một lời nguyện cầu.
 
Người thấy đó, các vì sao đang bước vào vũ trụ
đồng thời với những nỗi buồn han hỏi của tôi.
Đêm không có lấy một khung cửa sổ trổ ra thế giới.
Lạy Chúa, từ nay tôi sẽ ra sao?
Xin hãy để tôi tự hủy nơi người, tự trút bỏ xác thân tôi
như một manh áo quần để rơi lại trên đường.
 
 

CUỘC VƯỢT QUA LỚN

 
Mặt trời tới tột đỉnh cầm cân ngày.
Trời cao trao mình cho những dòng nước ở dưới thấp.
Với những con mắt hiền lành bầy thú khi đi qua
nhìn bóng mình trên những dòng sông, không kinh hãi.
Những chùm lá sâu thẳm khép lại mái vòm
trên một câu chuyện dài và xưa.
 
Không có gì mong mỏi khác hơn thế.
Duy có máu tôi kêu réo qua những khu rừng
đuổi theo tuổi nhỏ xa xăm,
như một con nai già
tìm kiếm con nai cái lạc lõng trong cõi chết.
 
Có lẽ nàng đã chết dưới những ngọn núi đá.
Có lẽ nàng đã bị đất vùi chôn.
Tôi hoài công trông đợi tin nàng,
chỉ có những hang động vang vang,
và những dòng suối muốn chìm vào sâu thẳm.
 
Máu câm nín,
a giá những tiếng động im đi, có lẽ ta sẽ nghe
những bước chân của con nai cái qua cõi chết.
 
Tôi ngập ngừng cất bước trên đường,—
và như một kẻ sát nhân bịt lại
một tiếng kêu chiến bại,
tôi đưa hai nắm tay đóng chặt mọi nguồn suối
để chúng im lặng vĩnh viễn,
vĩnh viễn.
 
 

MỘT NGƯỜI NGHIÊNG MÌNH TRÊN MIỆNG GIẾNG

 
Tôi nghiêng mình trên mặt biển
hay trên một miệng giếng
của một suy tưởng thảm hại? — chẳng biết nữa.
 
Hồn tôi lăn xuống mãi cùng đáy,
tựa một chiếc nhẫn trườn khỏi
một ngón tay gầy gò vì bệnh tật.
Hãy tới, hỡi chung cuộc! hãy rải tro lên mọi sự.
Không còn một tiếng kêu nào khiến ta sửng sốt,
cũng chẳng còn một con đường nào ta muốn sớm vượt qua.
Hãy tới, hỡi chung cuộc.
 
Một lần nữa tựa khuỷu tay
lên mặt đất tôi nhỏm dậy
và nghe ngóng.
Có tiếng nước vỗ vào mạn bờ ở xa xa.
Ngoài ra không còn gì hết, không còn gì hết
không còn gì hết.
 
 

IM LẶNG GIỮA NHỮNG SỰ VẬT XƯA CŨ

 
Cận kề là ngọn núi của tôi, núi dấu yêu.
Bao quanh mình có những sự vật xưa cũ
những sự vật che phủ rêu từ những ngày đầu sáng thế,
vào buổi chiều của bảy mặt trời đen
tạo nên tăm tối thật toàn vẹn,
tôi hẳn là hạnh phúc.
Quả là khá yên tịnh trong vòng vành
duy trì toàn bộ những tấm ván cong của vòm trời,
Nhưng tôi nhớ tới thời tôi chưa hiện hữu,
như nhớ tới một thủa nhỏ đã xa vời,
và siết chặt lấy tôi là nỗi hối tiếc vì đã không ở lại
xứ sở không tên.
Rồi tôi lại tự nhủ:
sao trên trời cũng chẳng gây tiếng động gì lớn.
Phải, tôi hẳn là hạnh phúc.
 
 

THÀY TU GIÀ TRÊN NGƯỠNG CỬA NÓI VỚI TÔI THẬT NHỎ

 
Hỡi người trai trẻ đang dẫm cỏ ở nơi ta ẩn dật
hãy cho ta hay hoàng hôn có còn xa?
 
Bởi ta muốn trút tấm linh hồn
cùng một lúc với những con rắn
bị những người chăn cừu mang chày vồ đập nát lúc tảng sáng.
Ta đã chẳng cong queo vặn vẹo như chúng trong bụi đất đó sao?
Cả ta nữa, ta đã chẳng bò sát như chúng dưới mặt trời đó sao?
 
Đời ta đã là tất cả những gì mọi người mong muốn:
khi thì ác thú,
khi thì bông hoa,
khi lại là tiếng chuông ánh ỏi — tranh cãi cả với trời.
 
Lúc này ở đây ta im lặng và sự trống rỗng của nhà mồ
khua động vào tai ta như một quả chuông bằng đất sét.
Ta đợi chờ trên ngưỡng cửa hơi mát của chung cuộc.
Liệu ta có còn phải chờ lâu nữa? hãy lại đây hỡi người trai trẻ,
hãy lấy một nắm đất
và rải lên đầu ta thay vì nước và rượu.
Hãy rửa tội cho ta bằng bụi cát.
 
Bởi bóng tối của thế gian đã lướt qua trên hồn ta.
 
 

HERACLITE BÊN HỒ

 
Bên những dòng nước xanh những lối mòn tụ tập.
Nơi đây những im lặng thật nặng nề và bị con người lảng tránh.
Im đi, này con chó đang hít gió, mi hãy im đi!
Đừng làm kinh hãi những kỷ niệm đang tới
che giấu những khuôn mặt rầu rĩ trong chính đám tro tàn.
 
Tựa trên những khúc cây đã cắt tôi đọc tương lai tôi
trong lòng bàn tay một chiếc lá mùa thu.
Hỡi thời gian đang trôi, khi mi tìm con đường ngắn nhất
mi bắt đầu từ đâu?
 
Những bước chân tôi vang vang trong bóng tối
bởi tôi không biết những trái nào quá chín
đang rụng rơi từ một cội cây vô hình.
A, tiếng suối già mới rồ giọng làm sao!
 
Mọi dấu hiệu của bàn tay
chỉ là thêm một điều không chắc chắn.
Những đớn đau muốn chìm xuống
niềm bí ẩn của đất.
 
Những gai góc mà tôi phóng ra từ bên bờ
bao vây tôi và sóng nước làm tan vỡ hình ảnh tôi.
 
 

TỪ TRỜI CAO TỚI MỘT KHÚC CA TUYỆT TÁC

 
Từ trời cao tới một khúc ca tuyệt tác.
Nghe thấy nó là các trinh nữ mà vẻ đẹp bước chân không
trên những chồi non. Nó ở khắp nơi và nghe thấy nó còn có cả tôi và em.
 
Các thày tu đã giam nhốt những lời kinh nguyện của họ
trong những hầm kín dưới lòng đất. Tất cả những lời kinh ấy đã ngừng lại,
thở hắt ra nơi bị giam cầm.
 
Chúng ta rỉ máu qua những bàn tay, qua đầu óc và qua đôi mắt.
Thật là hoài công em vẫn còn tìm kiếm nơi những gì em muốn tin.
Trái đất đầy tiếng rì rầm của những điều huyền nhiệm,
nhưng nó quá gần những bàn chân
và quá xa đầu óc.
Tôi đã nhìn, đã bước đi và lúc này tôi hát:
biết khẩn cầu ai, phủ phục trước điều chi?
 
Có ai đó đã bỏ chất độc vào những giếng nước của con người.
Không hay biết, cả tôi nữa, tôi cũng đã nhúng hai bàn tay
vào nước ấy, và lúc này tôi vừa đi vừa kêu la:
Không không, tôi không còn xứng đáng
sống giữa cỏ cây và giữa sỏi đá.
Hỡi những sự vật bé mọn,
hỡi những sự vật to lớn,
hỡi những sự vật hoang dại — hãy hủy diệt trái tim ta
 
 

HỒN THIÊNG CỦA THÔN LÀNG

 
Hỡi con, hãy đặt đôi tay con lên đầu gối ta.
Thiên thu, con thấy không, sinh ra ở trong làng.
Nơi đây những suy tưởng tới không vội vã,
và trái tim đập những tiếng thưa hơn,
như thể nó không còn đập trong lồng ngực con nữa
mà ở đâu đó dưới lòng đất.
Nơi đây cơn khát được cứu rỗi có thể nguôi ngoai,
và nếu con cảm thấy đôi chân con rỉ máu
con có thể tựa chúng lên chính đất sét.
Chiều tới,
hồn thiêng của thôn làng phớt qua chúng ta.
Nó lướt qua tựa như mùi cỏ khô kín đáo,
tựa như làn khói lan xuống từ một mái hiên bằng rơm,
tựa như bầy dê con nô dỡn trên những nấm mộ ở cao hơn.
 
 

KÝ ỨC

 
Em ở đâu hôm nay, tôi chẳng biết.
Ngày xưa những con kên kên bay cao hơn Thượng đế ở trên đầu chúng ta.
Tôi chìm vào ký ức, tất cả những chuyện ấy thật quá xa!
Trên những đỉnh cao già nua nơi mặt trời ra khỏi đất,
những ánh mắt thiên thanh của em vút lên mãi tới những độ cao chót.
Một tiếng lao xao của truyền thuyết bốc lên bên trên những rặng thông.
Mặt hồ thánh thiêng là con mắt tối thượng.
Trong sâu thẳm hồn tôi tới hôm nay người ta vẫn còn nói đến em.
Những dòng nước tù đọng chảy ra từ mi tôi.
Có lẽ tôi phải dọn nhà trống trải,
phải, có lẽ tôi phải phát cỏ nơi em đã đi qua.
Trên vai tôi đè nặng lưỡi hái của kẻ phủ định
và nỗi buồn cuối cùng thắt ngang lưng tôi.
 
 

TÔI NẮM TAY NGƯỜI MÙ CAO CẢ

 
Tôi nắm tay ông dẫn ông qua những khu rừng.
Chúng tôi bỏ lại phía sau những chốn đầy những điều bí hiểm.
Ở những nơi vô định trên đường chúng tôi nghỉ mệt.
Trong đám cỏ phớt tím và vấy bùn
những con ốc sên ướt át bò lên chòm râu ông.
 
Tôi nói với ông: thưa Cụ, vận hành của các vì sao thuận lợi
Nhưng ông im lặng — ông e ngại những từ.
Ông im lặng — bởi ở nơi ông mọi lời nói đều lập tức biến thành hành động.
 
Dưới vòm cây sồi rậm rạp
một bầy muỗi chụp lên người ông một vòng hào quang.
Lúc sau, khi chúng tôi lên đường lại
tôi thấy ông rùng mình:
Hỡi cụ già đui mù, xin hãy yên tâm, không có chuyện gì xẩy ra hết.
Duy ở mãi cao một vì sao
tách khỏi vòm trời với một giọt lệ vàng.
 
Dưới bóng cây chúng tôi vẫn bước tới, bước tới,
trong lúc ở phía sau, những loài thú mịt mờ
đánh hơi dấu vết chúng tôi
và từ từ ngốn ngấu vùng đất
nơi chúng tôi đã bước qua và nghỉ mệt.
 
 

TÔI ĐÃ HIỂU RA CÁI TỘI LỖI ĐÈ NẶNG TRÊN NHÀ TÔI

 
Tôi đã hiểu ra cái tội lỗi đè nặng trên nhà tôi
như một lớp rêu từ xa xưa.
Ôi, tại sao tôi đã đọc thấy nơi các vùng sao trên trời và nơi bốn mùa
khác hơn là bà cụ già đương làm sậm sợi gai ở ngoài ao?
Tại sao tôi đã ao ước một nụ cười khác hơn là nụ cười của kẻ đập đá
làm tóe những tia lửa bên đường?
Tại sao trong cái thế giới của bảy ngày này
tôi đã thèm thuồng một số mệnh khác hơn là
kẻ gióng chuông cùng đi với những người chết tới thiên đường?
 
Hãy đưa tay cho tôi, hỡi kẻ bộ hành, anh kẻ đi qua
và anh người đi lại.
Hết thảy các bầy thú ở thế giới này đều mang những hào quang thánh
ở trên đầu.
Kể từ nay tôi cũng thích được như thế:
là một người giữa mọi người,
và dứt bỏ bản thân tôi
như một con chó vẫy vùng khi ra khỏi một dòng sông khốn kiếp.
 
Tôi muốn rằng máu tôi chảy trong những con kênh của thế giới,
rằng nó làm xoay những guồng nước
của những máy xay gió trên trời.
 
Tôi chỉ là cái rùng mình hạnh phúc:
trọn một ngày ở trên tôi
những quyền uy chắp cánh đã bay theo những hình tam giác
huớng về những tâm bia sáng rỡ.
 
(còn một kỳ)
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
Lucian Blaga (1895-1961) sinh ngày 9. 5. 1895 tại Lancrăm, một khu làng ở Transylvannia, là một thi sĩ kiêm triết gia, có ảnh hưởng sâu xa và rộng khắp đối với thơ Ru-ma-ni hiện đại. Sinh thời, bị bọn chuyên chính cô lập và bôi nhọ, và chỉ được “phục hồi” sau khi đã mất!
 
Là người con thứ chin của một vị cố đạo Chính thống giáo Ru-ma-ni và một bà mẹ nông dân, Blaga đã gặp nhiều khó khăn trong thời còn học trung học, vì cha mất sớm (1908) và cảnh nhà túng thiếu. Tuy nhiên, ông đã cho in những bài thơ đầu tiên vào năm 1910. Và năm 1914, cho xuất bản bài đầu hết về triết học: “Ghi chú về trực giác trong Bergson”. Cùng năm ấy, theo học ở viện Thần học ở Sibiu, ra trường năm 1917. Năm sau ông theo học triết lý ở Đại học Vienna và đến năm 1920, đậu Tiến sĩ về Triết lý. Ông cho in thêm nhiều thơ và bắt đầu viết kịch. Từ 1926 đến 1939, ông làm việc trong ngành ngoại giao ở nhiều thủ đô như Vac-xa-va, Praha, Berne và Lisboa, nơi ông trở thành sứ thần của Ru-ma-ni. Blaga được bầu vào Hàn lâm viện Ru-ma-ni khi ông mới ngoài 40 tuổi (1936) và được cử vào ghế giáo sư môn triết lý văn hóa của đại học Cluj (1938)...
 
Ngày 30 tháng Chạp 1947, vua Michel thoái vị và Ru-ma-ni thiết lập chế độ cộng sản. Năm 1948, Blaga bị loại khỏi đại học và Hàn lâm viện Ru-ma-ni; sách vở của ông (thơ và triết lý,...) bị loại khỏi các thư viện và các nhà sách, bản thân ông bị cấm xuất bản. Từ 1949 đến 1959, năm ông nghỉ hưu, Blaga “được” chế độ mới cho làm một tay “thủ thư” trong thư viện của viện hàn lâm ở Cluj. Mãi đến 1953, người ta mới thấy Blaga trở lại đời sống văn nghệ như dịch giả cuốn Faust của Goethe, và tác giả một vài bài thơ (1960). Phần lớn những gì ông viết trong thời kỳ này chỉ được xuất hiện sau khi ông mất, ngày 6 tháng Năm 1961. Nay thì người ta lấy tên ông để đặt cho thư viện, nơi làm việc cuối cùng của ông. Căn nhà nơi ông sinh trở thành bảo tàng viện Blaga: bọn chuyên chính cũ nhường chỗ cho những người mới, thông minh hơn, đỡ thô kệch hơn, và dù sao thì cũng đỡ lộ liễu hơn.
 
Lucian Blaga để lại 9 tác phẩm triết lý, trong đó có ba pho lớn, mỗi pho gồm 3 cuốn, in từ 1919 đến 1977; 9 kịch phẩm, in từ 1921 đến 1965; một cuốn tiểu thuyết (1990); và 11 thi phẩm, trong đó có 7 cuốn in từ 1919 đến 1945 và 4 cuốn in trong cùng một năm 1962. Hằng năm, cứ vào cuối tuần lễ đầu tháng Năm, ở Cluj và ở nhiều nơi trên thế giới có người Ru-ma-ni, kể cả Paris, người ta lại thấy tổ chức những ngày “hội lễ Lucian Blaga”... trong dịp đó, người ta không quên phân phát những giải thưởng mang tên ông để tưởng nhớ ông...
 
Bản dịch dựa theo các bản Pháp văn của Aurel George Boeşteanu trong tuyển tập tình thi Florilegiu de dragoste (Minerva, Bucuresti, 1981); của Hubert Juin (1961), Claude Sernet (1968), và Sanda Stolojan (1992) trong các tuyển tập khác; và một vài bài do nhà thơ Horia Badescu cung cấp; lại cũng có tham khảo thêm một số bản Pháp văn khác, như của Jean Poncet (1997)...
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021