thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anna Akhmatova
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
Joseph Brodsky [phải] trước linh cữu Anna Akhmatova.
 
 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anna Akhmatova

 
Một trang giấy và lửa, hạt và những phiến đá xay,
lưỡi bén của một chiếc búa tạ và mớ tóc cắt ngang –
Chúa giữ lại mọi thứ, đặc biệt là những lời
tha thứ và tình yêu, như tiếng nói của riêng mình.
 
Trong lời nói ấy một mạch đập tả tơi, tiếng xương vỡ khô khốc,
trong lời nói ấy cái mai kẻ đào huyệt giã nát, đơn điệu và ít nhiều âm ỉ,
bởi con người chỉ có mỗi một đời sống, lời nói từ đôi môi sinh tử
vang rõ hơn từ bông tơ trên bầu trời thế gian.
 
Hỡi hồn thiêng, từ bao biển khơi ta xin cúi mình ngưỡng mộ ngươi
đã có công tìm ra chúng – ngươi và phần người mục nát của ngươi
đang ngủ yên trong chỗ đất quê hương, nhờ có ngươi mà
con người còn nhận được lời nói giữa thế giới câm điếc này.
 
                                                                        Tháng Bảy 1989
 
 
---------------------
“Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anna Akhmatova” dịch từ bản tiếng Anh “On the Centenary of Anna Akhmatova” của chính tác giả Joseph Brodsky và dịch giả Barry Scherr trong Joseph Brodsky – The Art of a poem, Lev Loseff & Valentina Polukhina biên tập (New York: Macmillan Press Ltd, 1999).
 
Năm 1989 Brodsky được mời tham dự hội nghị Kỷ niệm 100 năm Anna Akhmatova ở Đại học Nottingham, Anh quốc, nhưng do không đi được, mấy ngày trước hôm khai mạc, ông đã gửi bài thơ mới viết của mình nhờ người bạn là Diana Myers đọc trước Hội nghị. Ngày tháng ghi thêm dưới bài thơ là do ý của tiến sĩ Myers. Do bài thơ không được xếp chung vào với những bài thơ tưởng niệm của Brodsky, và chỉ xuất hiện duy nhất qua bản tiếng Pháp của Hélène Henry [Verumne et autres poèmes (Paris: Gallimard, 1993)] người dịch muốn gửi tặng bản dịch của mình cho hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở Hà Tây và Mai Văn Phấn ở Hải Phòng – như một tư liệu. HNB.
 
 
Chân dung Anna Akhmatova [1889-1966]
của Moisei Lyangleben, 1969.
Tư liệu: Soviet Literature, 6-1989.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Anna Akhmatova 1889-1989.
 
 
Trái: Ngôi mộ nhà thơ Anna Akhmatova ở Nghĩa trang Komarovo, Leningrad, thành phố nay đã trở lại là Saint Petersburg. Ảnh: Soviet Literature, 6-1989. Số Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Anna Akhmatova 1889-1989.
 
Phải: Ký họa ngôi mộ nhà thơ Anna Akhmatova của Brodsky, trong những tư liệu Brodsky mà Lev Loseff còn giữ, và theo ông, đã được phác họa để giúp ông có một ý niệm về ngôi mộ [khoảng cuối những năm 60, trước năm 1971] trước khi ông viếng mộ Akhmatova ở Komarovo lần đầu tiên. Vẫn theo Loseff, Joseph Brodsky bấy giờ không thích kiểu dáng ngôi mộ này, và nghe nói còn có lần đã đập nát con chim trên thập giá, vì cho nó là một kiểu “phúng dụ thiếu thẩm thức”, một trong những hình ảnh “xúc phạm” đến những hình ảnh trong bài “Requiem” của Akhmatova.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021