thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dưới một vì sao nhỏ (I)
(Diễm Châu dịch)
 
VIỆT NAM
 
Này mụ, mụ tên chi? – Tui nỏ biết.
Mụ sanh năm nào, mụ từ đâu tới? – Tui nỏ biết.
Tại sao mụ lại đào hầm dưới đất? – Tui nỏ biết.
Mụ trốn ở đây bao lâu rồi? – Tui nỏ biết.
Tại sao mụ lại bội nghịch với kẻ tới giúp đỡ? – Tui nỏ biết.
Mụ lại không biết rằng chúng ta chẳng có ý làm hại mụ sao? – Tui nỏ
biết.
Mụ theo bên nào? – Tui nỏ biết.
Đang lúc chiến tranh mụ phải chọn lựa chứ? – Tui nỏ biết.
Thế làng mụ có còn không? – Tui nỏ biết.
Xấp nhỏ này là con mụ? – Già.
 
                                                        1967
--------------------------------
* «Tui nỏ biết»: Tôi không biết. «Già»: Phải. (người dịch)
 
 
GHI CHÚ TỪ MỘT CUỘC THÁM HIỂM CHƯA DIỄN RA Ở HI-MÃ-LẠP-SƠN
 
A, Hi-mã-lạp-sơn là thế đó.
Núi chạy đua với núi lên trăng.
Lúc khởi sự của chúng được ghi lại
trên tấm bố của trời thảng thốt, rách toang.
Những chiếc lỗ bấm vào một sa mạc mây.
Lao vào không gì hết.
Tiếng vọng – một vật chế âm trắng.
Lặng lẽ.
 
Yê-ti,* ở dưới ấy chúng ta có ngày Thứ Tư,
có bánh mì và những tập vần.
Hai lần hai là bốn.
Ở dưới ấy, những bông hồng thì đỏ
và những bông hoa tím thì xanh.
 
Yê-ti, tội ác không phải là tất cả
những gì chúng ta bận bịu ở dưới ấy.
Yê-ti, không phải hết mọi bản án ở đấy
đều có nghĩa là tử hình.
 
Chúng ta đã thừa hưởng được hy vọng –
tặng phẩm của quên lãng.
Người sẽ thấy cái cách chúng ta
sinh nở giữa những phế tích.
 
Yê-ti, dưới ấy chúng ta có Shakespeare.
Yê-ti, chúng ta chơi độc tấu
vĩ cầm. Đêm xuống
chúng ta bật đèn lên, Yê-ti.
 
Ở trên này chẳng phải trăng cũng chẳng phải đất.
Những giọt lệ đông giá.
Ôi Yê-ti, nửa-người trăng,
hãy quay lui, hãy nghĩ lại!
 
Ta đã kêu lên điều này với người Yê-ti
ở bên trong bốn bức vách của cơn tuyết lở,
trong lúc giậm chân ta cho ấm
trên làn tuyết
không cùng.
 
                                                        1957
----------------------------
* Yeti (tiếng Tây-tạng): Người rừng hay người-gấu. (người dịch)
 
 
BỐN GIỜ SÁNG
 
Giờ của đêm qua ngày.
Giờ của sườn phải qua sườn trái.
Giờ của những kẻ ba mươi tuổi.
 
Giờ sẵn sàng cho tiếng gáy của con gà.
Giờ mà trái đất chối bỏ chúng ta.
Giờ mà một làn hơi lạnh đến từ những vì sao đã tắt.
Giờ mà «liệu-có-còn-lại-điều-gì-của-chúng-ta».
 
Giờ trống rỗng.
Giờ vô vọng.
Vực thẳm của mọi giờ.
Không ai được dễ chịu vào bốn giờ sáng.
Nếu loài kiến được dễ chịu vào bốn giờ sáng –
chúng ta hãy chúc mừng kiến. Và cầu cho năm giờ tới
nếu chúng ta phải tiếp tục sống.
 
                                                        1957
 
 
TRÊN DÒNG SÔNG HÉRACLITE
 
Trên dòng sông Héraclite
Con cá câu những con cá
Con cá gọt một con cá với một con cá mài sắc,
Con cá xây dựng con cá, con cá cư ngụ con cá
Con cá rời bỏ con cá bị bao vây.
 
Trên dòng sông Héraclite
Con cá yêu con cá
Đôi mắt em sáng như những con cá trên trời,
Chúng ta hãy cùng nhau bơi lội tới biển chung cuộc,
Em sẽ là băng đảo đẹp nhất trong các băng đảo – chàng nói.
 
Trên dòng sông Héraclite
Con cá sáng chế Con Cá của những con cá
Con cá nguyện cầu Con Cá, ngợi ca Con Cá
Cầu xin Con Cá cho một cuộc bơi lội dễ dàng hơn.
 
Trên dòng sông Héraclite
Tôi con cá dị thường, tôi con cá khác biệt
(Dẫu ấy chỉ là cá-cây hay cá-đá)
Đôi khi tôi soạn những con cá nho nhỏ
Mà lớp vẩy lấp lánh như một ánh sáng thật chóng vánh
Khiến người ta ngỡ là làn mi chớp chớp của bóng tối.
 
                                                        1958
 
 
TÔI QUÁ GẦN
 
Tôi quá gần chàng để chàng có thể
mơ tới tôi
Tôi không bay lượn trên nền trời của chàng, và cũng
chẳng phải tôi
lẩn tránh chàng dưới những rễ cây.
Tôi quá gần.
Con cá trong màng lưới, ấy chẳng phải tiếng tôi
chàng mượn để hát;
chiếc nhẫn này lăn lăn, ấy chẳng phải chiếc nhẫn của tôi.
Tôi quá gần, một ngôi nhà lớn bốc cháy
và ấy cũng chẳng phải tôi kêu cứu. Quá gần
để tiếng chuông vang vang
chàng có thể ngỡ là tự mái tóc tôi đung đưa,
và quá gần để lọt vào chàng như một người khách
trước mặt kẻ ấy mở ra mọi vách ngăn.
Không, không còn bao giờ nữa cái chết sẽ thật nhẹ nhõm,
thật mịt mờ, thật xa lạ với xác thân tôi,
như ngày xưa khi chàng mơ tới tôi. Quá gần,
tôi quá gần. Tôi nghe rít lên những từ ấy,
tôi thấy con rắn của chúng sáng lên bất động,
được đu đưa quấn quít nơi đôi cánh tay chàng. Chàng đang ngủ,
lúc này chàng thân thiết hơn với cô thâu ngân
của gánh xiếc dạo, nơi có một con sư tử,
và cô ta chàng mới chỉ gặp có một lần
thế nhưng chàng đã thuộc về cô ta hơn
là về tôi gần như đã chết khô bên cạnh chàng.
Chính là vì cô ta, vì cô ta mà chàng đã trải rộng
những thung lũng mùa Thu của chàng, mà chàng dựng
ngọn núi tuyết của chàng dưới tầng xanh. Tôi tôi quá gần
để có thể từ trời cao rớt xuống chàng. Tiếng kêu của tôi
có lẽ sẽ chỉ là cái gì đánh thức chàng. Tôi kẻ đáng thương,
tôi chỉ có mình tôi,
A tôi kẻ đã từng là cây phong, kẻ đã từng là rắn mối,
kẻ đã lóe ra từ bao thế kỷ, bao ngày tháng, bao đền thờ,
kẻ đã lóng lánh, kẻ đã là vô số những lớp da
và những màu sắc. Và,
ôi toàn thắng và phong nhiêu và kiều diễm,
tôi kẻ đã có thể thôi hiện hữu, tan biến dưới mắt chàng choáng ngợp!
Đã quá gần để chàng có thể mơ tới tôi!
Từ đầu chàng đang thiêm thiếp cánh tay tôi thoát ra
đau nhức và như thể bị kim châm.
Và đối diện tôi lúc ấy, trỗi dậy, và tôi
nhìn ra họ, những thiên sứ bị đọa đày.
 
                                                        1960
 
 
VIỆN BẢO TÀNG
 
Có những chiếc dĩa nhưng không có sự thèm ăn.
Có những chiếc nhẫn nhưng không có ái tình
từ ít nhất là ba trăm năm nay.
 
Có cây quạt, nhưng màu sắc đi đâu hết?
Có thanh kiếm, nhưng đâu rồi nỗi hờn căm?
Cây huyền cầm không còn vang lên ban chiều vào lúc nhá nhem.
 
Thiếu vĩnh cửu người ta đã thu lượm
cả chục ngàn vật cũ kỹ.
Một người canh gác mốc meo mơ mơ màng màng nhè nhẹ
hàm râu mép sững lại bên trên một tủ kính.
 
Những món kim khí, đất nung, lông chim
lẳng lặng ca khúc khải hoàn trong thời gian.
Duy có cây trâm của một người đàn bà Ai-cập hân hoan
bật ra một tiếng cười nhọn hoắt,
 
Vòng triều thiên đã sống còn sau mái đầu.
Bàn tay đã thua cuộc với cái bao tay.
Chiếc giầy bên phải đã thắng bàn chân.
 
Còn về tôi, tôi vẫn sống, hãy tin tôi đi.
Cuộc tranh đua của tôi với chiếc áo vẫn kéo dài.
Nhưng sao mà nó mới bướng bỉnh!
Sao mà nó vẫn muốn tồn tại sau tôi!
 
                                                        1962
 
 
TRẠI ĐÓI GẦN JASŁO *
 
Hãy ghi lại. Hãy ghi. Bằng mực thường
trên một tờ giấy thường: người ta đã không cho họ ăn,
tất cả đều chết đói. Tất cả. Bao nhiêu?
Đây là một đồng cỏ lớn. Mỗi người
được bao nhiêu cỏ? Hãy ghi: tôi không biết.
Lịch sử thường tính chẵn những bộ xương khô bỏ số lẻ.
Một ngàn lẻ một vẫn chỉ là một ngàn.
Con số một này, làm như đã chẳng bao giờ có:
một cái phôi thai tưởng tượng, một cái nôi trống rỗng,
một tập sách vần mở ra cho không ai hết,
ấy không khí nó cười, nó la, và nó lớn lên,
cái cầu thang cho một khoảng trống chạy xuống vườn,
cái chỗ của không ai hết trong một hàng người.
 
Chúng ta đang ở trên đồng cỏ này, nơi chuyện ấy đã xẩy ra.
Và đồng cỏ câm nín như một người chứng bị mua chuộc.
Rực nắng. Xanh tươi. Đó bên một rừng cây
để nhai những rễ cây để hớp lấy dưới lớp vỏ -
một liều lượng cảnh trí mỗi ngày,
cho tới khi ta trở thành đui. Trên cao một con chim
lướt qua những vành môi với bóng
của đôi cánh thật bổ dưỡng. Những quai hàm mở ra,
những chiếc răng lập cập.
 
Ban đêm lưỡi liềm lấp lánh trên trời
và gặt hái những tấm bánh ước mơ
Những bàn tay của các pho tượng thánh xạm đen bay bay
với những chiếc ly trống rỗng giữa những ngón tay.
Trên chiếc xiên thép gai
một người lảo đảo.
Người ta hát với đất trong miệng. Một ca khúc rất hay
nói rằng chiến tranh đánh thẳng vào tim.
Hãy ghi, ở đây sao mà im lặng.
Phải.
 
                                                        1962
---------------------------------
*Xin đọc là 'Dát-xuô', một khu làng ở Ba-lan. (người dịch)
 
 
TỪ VỰNG
 
       «La Pologne? La Pologne? * Không phải ở đó lạnh khủng khiếp sao? » Bà ta hỏi, rồi thở dài nguôi ngoai. Gần đây có quá nhiều xứ xuất hiện khiến chuyện an toàn nhất để nói tới là khí hậu.
       «Thưa Bà,» tôi muốn đáp, «các nhà thơ của dân tộc tôi thường thực hiện mọi công trình văn chương của họ khi đeo găng tay ấm. Tôi không có ý nói rằng họ không bao giờ cởi những chiếc găng tay ấy; thực ra, họ có tháo ra, nếu trăng vừa đủ ấm. Trong những đoạn thơ gồm bằng những tiếng ho khan khan, là vì chỉ có thứ ấy mới có thể nhận chìm tiếng gào thét liên hồi của những cơn bão tố, họ ngợi ca cuộc sống giản dị của những người đi chăn giống thú hải tượng** của chúng tôi. Các nhà văn Cổ điển của chúng tôi thường dùng những tảng băng nhũ phủ đầy mực khắc ghi những bài ca thi của họ trên những đống tuyết bị chà đạp. Những kẻ còn lại, các nhà thơ thuộc phái «Suy đồi» của chúng tôi, than trách số phận họ với những bông tuyết thay vì nước mắt. Kẻ nào muốn tự trầm cần phải có sẵn một lưỡi rìu bên cạnh để chặt băng. Ôi, thưa bà, thưa bà rất thân mến.»
       Đó là những gì tôi muốn nói. Nhưng tôi đã quên mất cái từ chỉ hải tượng trong tiếng Pháp. Và tôi cũng không chắc về chữ băng nhũ và cái rìu.
       «La Pologne? La Pologne? Không phải ở đó lạnh khủng khiếp sao?»
       «Pas du tout,» *** tôi lạnh lùng đáp.
 
                                                        1962
---------------------------------
* «Ba-lan? Ba-lan?» (tiếng Pháp)
**walrus (Anh), morse (Pháp): thú lớn ở Bắc cực , con đực có răng nanh thật lớn từ phía trên.
***«Hoàn toàn không phải vậy.» (tiếng Pháp)
 
 
MỘT CUỘC GẶP GỠ BẤT NGỜ
 
Chúng ta đối xử với nhau quá lễ độ;
chúng ta nói gặp lại bạn sau bao năm trời thật là mừng.
 
Lũ cọp của chúng ta uống những sữa.
Đàn diều hâu của chúng ta đặt chân lên mặt đất.
Bầy cá mập của chúng ta đều chết đuối hết thảy.
Đàn sói của chúng ta ngáp dài ở bên kia cái chuồng bỏ ngỏ.
 
Rắn rít của chúng ta đã từ bỏ sấm sét,
lũ khỉ đột của chúng ta những trò bay nhảy vút cao,
bầy công của chúng ta đã khước từ bộ lông vũ.
Đàn dơi dơi bay khỏi mái tóc của chúng ta đã từ lâu.
 
Chúng ta im lặng ở giữa câu,
gương mặt toàn là những nụ cười, vô phương cứu chữa.
Loài người chúng ta
thật không biết cách trò chuyện với nhau.
 
                                                        1962
 
 
NÓI CHUYỆN VỚI ĐÁ
 
Tôi gõ vào cửa trước nhà tảng đá.
«Chỉ có mình ta, hãy cho ta vô.
Ta muốn vào bên trong ngươi,
nhìn quanh,
hít thở đã đầy ngươi.»
 
«Đi đi,» đá nói
«Ta đóng chặt.
Cho dù mi có đập ta tan thành từng mảnh,
hết thảy chúng ta vẫn khép kín.
Mi có thể nghiền chúng ta ra thành cát,
chúng ta vẫn không để mi vô.»
 
Tôi gõ vào cửa trước nhà tảng đá.
«Chỉ có mình ta, hãy cho ta vô.
Ta tới hoàn toàn vì tò mò.
Chỉ có sự sống mới dập tắt được điều ấy.
Ta có ý dạo qua lâu đài của ngươi
rồi đi thăm một chiếc lá, một giọt nước.
Ta không có nhiều ngày giờ.
Ngươi hãy động lòng vì ta phải chết.»
 
«Ta làm bằng đá,» đá nói,
«và bởi đó phải giữ bộ mặt nghiêm chỉnh.
Đi đi.
Ta chẳng có sức để cười đâu.»
 
Tôi gõ vào cửa trước nhà tảng đá.
«Chỉ có mình ta, hãy cho ta vô.
Ta nghe ngươi có nhiều gian phòng trống rộng lớn ở trong,
không ai nhìn thấy, vẻ đẹp của chúng thật vô dụng,
im lìm, không vang vọng tiếng bước chân của bất kỳ ai.
Hãy nhìn nhận rằng chính ngươi, ngươi cũng chẳng rành rẽ chúng.»
 
«Rộng lớn và trống rỗng, khá đúng,» đá nói,
«nhưng chẳng có một căn buồng nào.
Đẹp, có lẽ, nhưng không vừa ý
những giác quan kém cỏi của mi.
Mi có thể biết được ta, nhưng mi sẽ không bao giờ biết hết được ta.
Toàn thể mặt ngoài của ta quay về phía mi,
tất cả những gì ở bên trong ta quay đi hướng khác.»
 
Tôi gõ vào cửa trước nhà tảng đá.
«Chỉ có mình ta, hãy cho ta vô.
Ta không tìm nơi trú ẩn đời đời.
Ta không phải là không hạnh phúc.
Ta không phải là không nhà cửa.
Thế giới của ta thật đáng trở lại.
Ta sẽ bước vào và ra tay không.
 
Và bằng chứng rằng ta đã có đó
sẽ chỉ là những từ
những từ không một ai sẽ tin.»
 
«Mi không được vô,» đá nói.
«Mi thiếu cái ý thức tham gia.
Không một ý thức nào khác có thể bù lại được cái ý thức tham gia thiếu sót của mi.
Cả đến thị giác được gia tăng để trở thành thấu suốt
cũng chẳng ích lợi gì cho mi nếu thiếu ý thức tham gia.
Mi không được vô, mi chỉ có ý thức về chuyện ý thức kia phải là gì mà thôi,
mi chỉ có mầm hạt của nó, tưởng tượng.»
 
Tôi gõ vào cửa trước nhà tảng đá.
«Chỉ có mình ta, hãy cho ta vô.
Ta không có tới hai ngàn thế kỷ
bởi thế hãy cho ta vô dưới mái nhà ngươi.»
 
«Nếu mi không tin ta,» đá nói,
hãy hỏi chiếc lá, nó sẽ cho mi hay cùng một điều ấy.
Hãy hỏi một giọt nước, nó sẽ nói điều chiếc lá đã nói.
Và, sau hết, hãy hỏi một sợi tóc trên chính đầu mi.
Ta đang muốn bật ra tiếng cười, phải, tiếng cười, tiếng cười rộng khắp,
mặc dù ta chẳng biết cười cợt ra sao.»
 
Tôi gõ vào cửa trước nhà tảng đá.
«Chỉ có mình ta, hãy cho ta vô.
 
«Ta không có cửa,» đá nói.
 
                                                        1962
 
 
CẢM TƯỞNG KỊCH TRƯỜNG
 
Trong bi kịch tôi thấy hồi thứ sáu là quan trọng nhất:
khi họ trỗi dậy từ bãi chiến trường sân khấu,
chỉnh lại bộ tóc giả và y phục,
rút lưỡi dao ra khỏi ngực,
gỡ sợi dây thòng lọng ra khỏi cổ,
đứng thành hàng giữa những người sống
đối diện với khán giả.
 
Những lần cúi chào cá nhân và tập thể:
một bàn tay trắng trên một trái tim đã bị thương,
một cái nhún gối chào của người tự sát,
một cái gật đầu của kẻ bị chặt đầu.
 
Những lần cúi chào của từng cặp:
cơn thịnh nộ đưa cánh tay cho sự dịu dàng,
nạn nhân say đắm nhìn vào mắt kẻ tra tấn,
nhà cách mạng hồ hởi cùng bước với tay bạo chúa.
 
Vĩnh cửu bị di nát dưới một gót hài ánh vàng.
Đạo lý bị xua đi với một vành nón.
Sự sẵn sàng lặp lại tất cả những điều ấy ngày mai, một sự sẵn sàng bất trị.
 
Một hàng người đã chết trước đấy từ lâu
ở các hồi ba và bốn và giữa các hồi.
Sự trở lại nhiệm mầu của những kẻ đã tan biến không để lại một dấu tích.
 
Ý nghĩ rằng ở hậu trường những kẻ kia vẫn kiên trì chờ đợi
không cởi bỏ phục sức
không chùi rửa phấn son
khiến tôi xúc động hơn là những tràng diễn từ bi thảm.
 
Nhưng thật sự lâng lâng là khi màn hạ
và những gì còn có thể thoáng thấy ở bên dưới:
đây một bàn tay vội vàng nắm bắt một đóa hoa,
đó một bàn tay khác chụp lấy một thanh kiếm rớt.
Chỉ mãi tới lúc ấy một bàn tay thứ ba, vô hình,
mới hoàn thành trách vụ:
nắm chặt lấy cổ họng tôi.
 
                                                        1972
 
 
CA NGỢI NHỮNG GIẤC MƠ
 
Trong mơ
tôi vẽ như Vermeer van Delft.
 
Tôi nói tiếng Hy-lạp trôi chảy
và không nguyên với những người còn sống.
 
Tôi lái xe
cái xe nghe lời tôi.
 
Tôi thật tài ba,
tôi viết những bài anh hùng ca.
 
Tôi nghe thấy những tiếng nói từ trời
thường không kém gì các vị thánh.
 
Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên
trước tài chơi dương cầm của tôi.
 
Chả cần ai giúp
tôi bay khá điệu nghệ.
 
Trượt chân từ trên mái
tôi rớt xuống lớp cỏ mềm.
 
Hô hấp ở dưới nước
tôi chả thấy gì khó khăn.
 
Tôi không thể phàn nàn:
chính tôi đã khám ra huyền đảo Atlantis.
 
Thật đỡ biết bao khi tỉnh lại
ngay trước khi mình phải chết.
 
Tôi xoay qua một lối khác thật thoải mái
khi những cuộc chiến tranh bùng nổ.
 
Tôi hiện hữu, nhưng không bắt buộc phải là
một đứa con của thời đại.
 
Mấy năm trước
tôi thấy hai mặt trời.
 
Và mới hôm kia một con chim Bắc cực.*
Rõ như thế này này.
 
                                                        1972
-----------------------------
* «penguin». (người dịch)
 
 
DƯỚI MỘT VÌ SAO NHỎ
 
Tôi xin lỗi sự tình cờ vì gọi đó là tất yếu.
Tuy nhiên, xin lỗi tất yếu nếu thực ra tôi nhầm.
Hy vọng hạnh phúc không giận nếu tôi cho nó là của riêng tôi.
Ước chi những kẻ quá cố quên rằng họ chỉ còn âm ỉ trong ký ức tôi.
Xin lỗi thời gian vì sự phong nhiêu của thế giới hụt mất từng giây.
Xin lỗi cố nhân vì đã xử sự với cuộc tình mới như tình đầu.
Hãy tha thứ cho tôi, hỡi những cuộc chiến tranh xa, vì đem hoa về nhà.
Hãy tha thứ cho tôi, hỡi những vết thương mở ngỏ, vì tôi đâm phải ngón tay.
Xin lỗi những kẻ đang gọi từ vực sâu vì bản ghi một vũ điệu xưa.*
Xin lỗi những người đang đuổi theo chuyến tầu vì thiếp ngủ lúc tảng sáng.
Hãy thứ lỗi cho tôi, hy vọng nhử mồi, vì tiếng cười đôi lúc của tôi.
Hãy thứ lỗi cho tôi, những chốn sa mạc, vì không ào tới với một thìa đầy nước;
và cả mi nữa, hỡi diều hâu, bao năm trời không thay đổi, vẫn trong một cái lồng ấy,
đang trừng mắt bất động, ở vẫn một địa điểm,
hãy tha thứ cho ta, dẫu mi chỉ là thú nhồi rơm.
Xin lỗi cội cây bị đốn hạ vì bốn cái chân bàn.
Xin lỗi những vấn nạn lớn vì những lời đáp nhỏ.
Hỡi Chân lý, đừng để ý quá nhiều đến ta.
Hỡi Nghiêm trang – hãy đại lượng.
Hỡi Huyền nhiệm của Sinh tồn – hãy khoan thứ cho ta bứt những sợi chỉ từ chuyến tàu của mi.
Hỡi Tâm hồn – đừng trách ta vì họa hiếm mới có mi.
Xin lỗi hết mọi người vì không thể là từng chàng hoặc nàng.
Tôi biết rằng bao lâu tôi sống không có gì có thể tha thứ cho tôi,
bởi vì tôi là trở ngại của chính mình.
Hỡi Ngôn từ – đừng trách ta đã mượn những từ lớn
rồi vật lộn để biến chúng thành nhẹ nhõm.
 
                                                         1972
-----------------------------
* minuet (Anh) hay menuet (Pháp). (ND.)
 
 
CA NGỢI EM GÁI TÔI
 
Em gái tôi không làm thơ,
và tôi không nghĩ rằng cô sẽ đột nhiên khởi sự làm thơ.
Cô giống như mẹ người không làm thơ,
và giống như cha, người cũng chẳng làm thơ.
Dưới mái nhà của em gái tôi tôi cảm thấy an toàn:
chồng của em gái tôi thà chết chứ chẳng chịu làm thơ.
Và – chuyện bắt đầu nghe như một bài thơ đã tìm được –
Không một người bà con nào của tôi lao đầu vào chuyện làm thơ.
 
Không có những bài thơ cũ trong đám hồ sơ của em gái tôi
và cũng chẳng có lấy một bài nào mới trong sắc tay của cô ấy.
Và khi em gái tôi mời tôi ăn cơm trưa,
tôi biết cô không có dự tính đọc cho tôi nghe những bài thơ của cô.
Món súp của cô được ứng chế thật tuyệt vời,
không có vết cà-phê vấy trên những bản viết tay của cô.
 
Có nhiều gia đình chả có ai làm thơ,
nhưng khi đã có – thời ít khi chỉ có một người.
Đôi khi thơ tung tóe xuống thành những ngọn thác của các thế hệ,
tạo thành những xoáy nước khủng khiếp nơi những cảm nghĩ chung.
 
Em gái tôi chăm sóc một lối văn xuôi nói thật hay
và chuyện viết lách của cô được hạn chế vào những tấm bưu thiếp ngày nghỉ,
mà nội dung năm nào cũng hứa cùng một điều:
rằng khi nào cô trở về
cô sẽ kể cho chúng tôi nghe
tất cả
tất cả
tất cả về chuyện ấy.
 
                                                         1976
 
 
CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ
 
Phải đưa ra những chọn lựa khác nhau.
Thay đổi, nhưng với điều kiện không có gì thay đổi.
Chuyện dễ ợt, không thể được, hơi khó, cũng đáng thử.
Đôi mắt nàng, theo yêu cầu, khi xanh thẫm, khi xám,
đen huyền, lấp lánh, thật vô cớ đẫm lệ.
Nàng ngủ với chàng như một người trong nhiều người, như một người duy nhất.
Nàng sẽ sinh với chàng bốn đứa con, không đứa nào, một đứa.
Ngây ngô, nhưng lại có những khuyến cáo hay nhất.
Yếu đuối, nhưng nàng sẽ chịu đựng.
Nàng không đủ trí óc, bởi thế nàng sẽ có,
nàng đọc Jaspers* và các tạp chí phụ nữ.
Chẳng hề có ý niệm cái đai ốc kia dùng làm gì và lại muốn xây dựng một cây cầu.
Trẻ, trẻ như thường lệ, bao giờ cũng vẫn trẻ.
Cầm trong tay một con sẻ gẫy cánh,
món tiền riêng của mình dành cho một chuyến đi xa và lâu,
một lưỡi dao băm, một miếng vải để băng bó và một ly vodka.
Nàng chạy đi đâu thế, không mệt sao?
Ồ không, chút đỉnh thôi, khá mệt, không sao.
Hoặc là nàng yêu chàng hoặc là nàng vẫn cứng đầu thế thôi.
Trong may, rủi và vì Chúa.
 
                                                         1976
-----------------------------------------
* một nhà triết học Pháp. (người dịch)
 
(còn một kỳ)
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
WISŁAWA SZYMBORSKA sinh ngày 2.7.1923 tại Kórnik trong vùng Poznan (ở phía tây Ba-lan). Năm 1931 cùng cha mẹ tới Cracovie, và năm 1945 theo học văn chương Ba-lan và xã hội học tại đại học Jagelone, Cracovie. Tập thơ đầu tiên của bà được xuất bản năm 1952. Năm 1953, bà trở thành người biên tập thi ca cho tuần báo Đời sống văn chương ở Cracovie.Từ 1952 tới 1986, đã cho in chín tập thơ và một tập tùy bút (1963). Thi phẩm gần nhất của bà mang tựa đề Chấm dứt và bắt đầu (1993). Thơ của bà đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, như Anh, Pháp, Đức, Nga, Tiệp, Hung, Hòa-lan... Bà đã được tặng giải thưởng Goethe của thành phố Frankfurt ngày 28. 8. 1991 rồi giải Herder của Áo và đến tháng Mười 1996, giải Nobel Văn chương.
 
Một số tác phẩm của Wisława Szymborska:
Thơ: Dlatego zyjemy (Chúng tôi sống vì thế đó, 1952); Pytania zadawane sobie (Những câu hỏi đặt ra cho bản thân, 1954); Wolanie do Yeti (Lời kêu gọi Người rừng, 1957); Sól (Muối, 1962); Sto pociech (Một trăm niềm vui, 1967); Wszelki wypadek (Hoàn toàn tình cờ, 1972); Wielka liczba (Một số lớn, 1976); Ludzie na Moscie (Những người ở trên cầu, 1986); Koniec i Poczatek (Chấm dứt và bắt đầu, 1993),... Tùy bút văn nghệ: Bài đọc nhiệm ý (1973). Ngoài ra, còn có một số tuyển tập thi ca như: Wiersze Wybrane (1964), Poezje Wybrane (1967), Poezje (1970)... và một số bản dịch thơ baroque Pháp.
 
Bản dịch dựa theo các bản Anh văn của Czesław Miłosz, Magnus J. Krynski & Robert A. Maguire, Susan Bassnett & Piotr Kuhiwczak, Adam Czerniawski, Stanislaw Baranczak & Clara Cavanagh; và các bản Pháp văn của Jacques Donguy & Michel Maslowski, Isabelle Macor-Filarska, và của Tuyển tập Thơ Ba-lan do Constantin Jelinski biên tập. Xin xem thêm Hoàng Ngọc Biên, Thơ mới Ba-lan, Tường trình từ một thành phố bị bao vây (Trình Bầy, Salt Lake City, USA, 1993).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021