thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ký ức, ký ức | Làm gì đây? | Trong khi chúng ta uống rượu | Gặp gỡ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
LESZEK SZARUGA
(1946~)
 
Leszek Szaruga là một trong những nhà thơ và người viết tiểu luận nổi tiếng của Ba-lan. Ông sinh năm 1946 ở Varsovie, bắt đầu cho xuất hiện những bài viết của mình từ 1967, và suốt nhiều năm tiếp theo đã gửi thơ và nhiều tiểu luận văn học đến các nhà xuất bản Ba-lan, nhưng không được chấp nhận, ngoài tập Giấy căn cước [Dowod osobisty] — tuy các nhà xuất bản ở Cracovie sẵn sàng ấn hành nhưng lại không qua được khâu kiểm duyệt.]Từ 1978, Szaruga hợp tác với Zapis ở Varsovie và Puls ở Lodz [do Jacek Bierezin chủ trương, và sau đó chính ông cũng là thành viên trong ban biên tập] là các tạp chí văn chương phổ biến ngoài vòng kiểm duyệt của Nhà nước. Từ 1980 đến 1988, nhiều tập thơ của Leszek Szaruga được ấn hành bí mật, trong số có: Những câu thơ [Wiersze] (Poznan, 1980), Không có thơ [Nie ma poezji] (Cracovie, 1981), Thời dịch hạch [Czas morowy] (Varsovie, 1982), Sương mù [Mgly] (Gdansk, 1987). Đến năm 1991, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba-lan đã sụp đổ, sách ông mới bắt đầu chính thức xuất bản, với các tập Rốt cuộc [Po wszystkim] (Cracovie, 1991), Chìa khoá vực thẳm [Klucz od przepasci] (Cracovie, 1994), và một tập tiểu luận quan trọng: Cuộc chiến đấu giành phẩm giá: Thơ Ba Lan những năm 1939-1988. Phác thảo những vấn đề chính yếu [Walka o godnosc. Poezja polska w latach 1939-1988. Zarys glownych problemow] (Wroclaw, 1994). Từ 1993 đến nay, Leszek Szaruga không ngừng sáng tác và cho xuất bản nhiều tác phẩm thơ và tiểu luận văn học và chính trị, đồng thời tham gia giảng dạy văn chương Ba Lan ở Đại học Szczecin.
 
 

Ký ức, ký ức

 
Thời gian không không thể xoá nhoà cặn bã để lại
trên những bài thơ, những bài ca, sách vở:
“Đại tây dương, Đại tây dương – họ hát trong những ngôi đền cổ –
Mi đã lênh đênh xa tít mù, mi vẫn ở gần thôi, hỡi Đại tây dương,
                                                              người em gái của châu Âu.”
Trong giấc mộng ta trở lại Đại tây dương, ta thốt lên những lời
không ai hiểu nổi, ta chèo ngược dòng thời gian, ta chết dần.
Ta sống lâu trong cái chết ngày càng lớn dần trong ta như một
                                                                                         luồng sáng.
Và ta không còn nhớ nước Ba-lan chìm ngập, cả những
                                                                             vết thương của nó,
cả những phế tích của nó. Đất nước giống như một áng mây
                                                                            bị gió đánh tan,
như
một trò chơi trẻ con không qui luật, cũng không có cơ chiến thắng.
 
 
 

Làm gì đây?

 
Ta sinh ra mới ngày hôm qua: Làm gì? Ta nhâm nhi
chữ đời sống và ta nhìn cái chết rơi xuống vực thẳm
như thác lũ: làm gì đây? Ta nhâm nhi
chữ tự do và ta lay động những xích xiềng trên thân thể ta, ta kéo
lê quả tạ của ký ức ta: làm gì đây? Ta nhâm nhi
chữ cách mạng, ta đoán cái chết và sự khiếp sợ. Ta đoán
niềm tin mới chỉ hôm qua đây thôi
đã để lộ chính là nhà tù.
 
1973                                  1978
 
 

Trong khi chúng ta uống rượu

 
trong khi chúng ta uống rượu
tổ quốc chúng ta hấp hối
bạn bè chúng ta chết dí trong tù
máy ronéo quay chậm
 
chúng ta in truyền đơn
để cho biết là chúng ta còn sống
chỉ thế thôi chúng ta có thể
bị mười năm tú
 
gần ngay đây thôi một đội tuần tra
lại bắt một người anh em của ta
ta uống rượu chúc sức khoẻ anh chàng
anh chàng có thể đem xài trong tù
 
1982                                    1985
 
 

Gặp gỡ

 
Chúng ta lại gặp nhau. Tình cờ
Em chạm vào tay ta. Nụ cười của em
Mở ra những đại lộ mới. Em
vẫn là em. Ta nhìn em đi qua
Phía bên kia đường và biến mất
Vào đám đông. Ta
đưa bàn tay lên miệng. Ta là
kẻ đang đi qua. Một mảnh vụn ký ức.
 
 
-------------
“Ký ức, ký ức” dịch từ bản tiếng Pháp “Mémoire, mémoire” của Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet trong Témoins - Quarante-quatre poètes polonais contemporains 1975-1990 (Saint Jean Du Bruel: Les Ateliers du Tayrac, 1997). “Làm gì đây?” và “Trong khi chúng ta uống rượu” dịch từ bản tiếng Pháp “Tandis que nous buvons” và “Que faire?” của Alice Catherine Carls trong Panorama de la littérature polonaise du XXè siècle, 1014 trang (Paris: Les Editions Noir sur Blanc, 2000). “Gặp gỡ” dịch từ bản tiếng Anh “Meeting ” của Frank L. Vigoda trong tạp chí przekladaniec - Số đặc biệt «Contemporary Polish Writing», 2001. Nhân đây người dịch xin vô cùng cám ơn ban biên tập tạp chí przekladaniec ở Krakow, đặc biệt là Ms. Agnieszka Romanowska đã ưu ái gửi tặng số báo quí báu nói trên.
 
 
 
Đã đăng:
... chúng ta bối rối: trong lò luyện này, / trên sân khấu này, cái gì chúng ta cũng quan tâm. / Còn chúng ta thì chẳng ai quan tâm... | ... Thế là đêm. Dập tắt / một thời đại. Nhà thơ mang trong mình cái chết. / Ông để cái chết nhiễm vào từ ngữ của mình... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Mi sống trong một căn nhà tồi tàn / một cái lỗ đen ngòm trên trái đất / một cái xà lim ngày càng hẹp / một lỗ mắt tối mù của cơn gió xoáy / trong một xứ sở chịu ép dưới sự căng thẳng / của sợ hãi, dối trá và bạo lực... | không có gì là vĩnh cửu – hắn bảo – / để sống người ta phải chọn / giữa cái xấu và cái xấu hơn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021