thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười bài thơ
 
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
 
LANGSTON HUGHES
(1902-1967)
 
 

Thơ

 
Để vẽ chân dung một người trẻ tuổi châu Phi theo kiểu Gauguin
 
Tất cả những tiếng trống của rừng già vang dội trong máu ta,
Và tất cả những vầng trăng man dại và nóng hổi của rừng già long lanh nơi đáy hồn ta,
Ta kinh hãi cái nền văn minh này —
     Quá cứng cỏi,
          Quá mạnh bạo,
               Quá lạnh lùng.
 
 
 

Sợ

 
Chúng tôi khóc giữa những toà nhà chọc trời
Như tổ tiên chúng tôi
Đã khóc giữa những cánh rừng dừa của châu Phi
Bởi vì chúng tôi cô đơn,
Trong đêm tối,
Và chúng tôi sợ.
 
 
 

Mảnh đất của chúng ta

 
Bài thơ dành cho một pa-nô trang trí
 
Chúng ta cần có một mảnh đất đầy mặt trời,
Những mặt trời sáng chói,
Và một mảnh đất có những dòng nước thơm tho
Nơi mà hoàng hôn
Là vành khăn êm ả
Toả hồng và rực vàng
Thay vì cái mảnh đất nơi mà cuộc sống quá buốt giá.
 
Chúng ta cần phải có một mảnh đất đầy cây cối,
Những thân cây to rậm,
Nhánh cành trĩu nặng két vẹt líu lo,
Và rực rỡ như ban ngày,
Thay vì cái mảnh đất nơi mà chim chóc đều xám ngắt.
 
A, chúng ta cần phải có một mảnh đất chan hoà niềm vui,
Tình yêu và niềm vui và rượu nho và ca khúc,
Thay vì cái mảnh đất nơi mà niềm vui là tội ác.
 
Ô, người em dịu hiền, hãy trốn nhanh!
A, hãy trốn nhanh, hỡi người em yêu dấu!
 
 

Vẫn còn đây mà

 
Tôi bầm dập vì bị đánh đập.
Mơ ước của tôi đã bị gió cuốn trôi.
Tuyết biến tôi thành băng, mặt trời nướng tôi.
          Như thể tất cả
          Đều muốn ngăn chặn không cho tôi
Được cười, được yêu, được sống —
          Nhưng tôi bất cần!
          Tôi vẫn còn đây mà!
 
 
 

Vé tàu đi không về

 
Tôi nhặt đời mình lên
Và vác nó theo
Và đặt nó xuống
Ở Chicago, ở Detroit,
Ở Buffalo, ở Scranton,
Ở bất cứ nơi nào
Miền Bắc hay miền Đông —
Trừ Dixie.
 
Tôi nhặt đời mình lên
Và chở nó trên xe lửa
Tới Los Angeles, tới Bakersfield,
Tới Seattle, tới Oakland, tới Salt Lake,
Tới bất cứ nơi nào
Miền Bắc hay miền Tây —
Trừ miền Nam.
 
Tôi đã chán ngấy
Luật pháp của Jim Crow,
Bọn người độc ác
Và khiếp sợ,
Những kẻ treo cổ thiên hạ rồi bỏ chạy
Những kẻ khiếp sợ tôi
Và khiến tôi khiếp sợ.
 
Tôi nhặt đời mình lên
Và mang nó đi thật xa
Với tấm vé đi không về —
Lên miền Bắc.
Qua miền Tây.
Đi mãi!
 
 
 

Ku Klux

 
Chúng dẫn tôi tới
Một nơi thật hoang vắng.
Chúng bảo: “Mày có tin
Sự cao cả của chủng tộc trắng không?”
 
Tôi bảo: “Thưa ngài,
Thành thật mà nói,
Con sẽ tin bất cứ điều gì
Nếu được ngài thả cho đi ngay.”
 
Tên da trắng bảo: “Ê bồi,
Thế sao mày vẫn còn
Ở đó
Và mày muốn giết tao?”
 
Chúng nện vào đầu tôi
Và đạp cho tôi ngã.
Rồi chúng đá tôi
Dưới đất.
 
Một thằng hách dịch bảo: “Này thằng mọi,
Hãy nhìn kỹ mặt tao —
Và bảo rằng mày tin
Sự cao cả của chủng tộc trắng.”
 
 
 

Bayou xanh

 
Tôi đã bước
Theo bayou xanh
Và tôi đã thấy mặt trời lặn.
 
Tôi nghĩ ngợi về lão Greeley
Và nghĩ tới Lou
Và tôi đã thấy mặt trời lặn.
 
         Người da trắng
         Bắt tôi làm việc cả ngày
         Và tôi lao động cực khổ
         Cho một đồng lương tí teo —
         Thế rồi một người da trắng đã tới
         Cưỡng chiếm người đàn bà tôi yêu.
 
Tôi phải giết lão Greely.
 
         Và màu xanh bayou
         Đã đỏ rực như lửa.
         Hãy tròng vào cổ thằng mọi
         Sợi thừng
         Và kéo nó lên thật cao!
 
Tôi đã thấy mặt trời lặn
 
         Hãy tròng dây vào cổ nó
         Và kéo lên cho thật cao!
         Ôi màu xanh bayou
         Đã trở thành ao lửa.
 
Và tôi đã thấy mặt trời lặn,
         Lặn,
                 Lặn!
Chúa ơi, con đã thấy mặt trời lặn!
 
 
 

Bối rối

 
Ở đây ở bên bờ địa ngục
Là Harlem —
Đang hồi ức những lời dối gian xưa cũ,
Những cái đá đít cũ xưa,
Xưa cổ những “Hãy kiên tâm”,
Chúng nó đã thốt ra bao lần.
 
Đừng có lo, chúng tôi còn nhớ mà.
Thế nhưng khi anh hàng xén ở góc phố
Cho biết đường đã lên hai xu,
Và bánh mì thì tăng một,
Và đã có thêm thuế mới cho thuốc lá —
Chúng tôi nhớ tới những công việc chưa hề có,
Chẳng bao giờ có,
Và bây giờ cũng không thể có
Bởi vì chúng tôi là những kẻ da màu.
 
Thế nên chúng tôi còn đứng đấy
Bên bờ địa ngục
Ở Harlem
Và nhìn ra thế giới
Và tự hỏi
Mình phải làm gì đây
Khi trực diện
Những kỷ niệm ấy.
 
 
 

Người da trắng

 
Tôi không căm thù các anh,
Bởi vì khuôn mặt các anh cũng xinh đẹp.
Tôi không căm thù các anh,
Khuôn mặt các anh cũng là những cái xoáy duyên dáng
        và huy hoàng
 
Thế nhưng cớ chi các anh lại hành hạ tôi,
Hỡi những người da trắng quá khoẻ mạnh?
Cớ chi các anh lại hành hạ tôi?
 
 
 

Blues tình mới

 
Đời tôi chẳng ra gì,
Dù có cả đống thứ Trời cũng không rõ là thứ chi.
Xin thưa cuộc đời tôi chẳng là gì cả,
Hết cái nọ tới cái kia
Chất chồng lên nhau mãi mãi trên sự bất hạnh.
 
Khi quen biết em, tôi đã
Nghĩ rằng mình vớ được một thiên thần
Khi quen biết em
Thầm nghĩ rằng mình đã nhặt được một thiên thần
Nhưng rủi thay em chỉ là hung thần
Khiến tôi đã gần như điên dại!
 
Nói đi, nói đi
Cái gì đã khiến cho tình yêu quá đau đớn?
Nói cho tôi biết đi nào
Cái gì đã khiến cho tình yêu quá đớn đau?
Nó vồ lấy ta rồi nó đạp bể ta —
Vậy mà ta vẫn phải tiếp tục yêu thương mãi mãi.
 
 
---------------
Nguồn: Dịch từ các nguyên tác “Poem”, “Afraid”, “Our Land”, “Still Here”, “One-Way Ticket”, “Ku Klux”, “Blue Bayou”, “Puzzled”, “The White Ones”, “Love Again Blues”, và có đối chiếu thêm với bản tiếng Pháp, trong tuyển tập song ngữ Anh-Pháp Langston Hughes, Poèmes (Paris: Pierre Seghers, 1955).
 
 
Đã đăng:
 
Jazz, Jive và Jam  (truyện / tuỳ bút) 
Langston Hughes không chỉ yêu nhạc jazz, mà còn tin rằng nhạc jazz có sức mạnh truyền đạt sự tri cảm xuyên văn hoá. Trong truyện ngắn “Jazz, Jive và Jam”, nhân vật Jesse B. Simple cho rằng tất cả những cuộc hội thảo nghiêm túc về vấn đề giao lưu liên chủng tộc đều vô ích. Chỉ có nhạc jazz mới dễ dàng giúp con người vượt qua những biên giới của màu da để đến với nhau. Thay vì cứ tiếp tục “gab”, “gaff” và “gas”, người ta nên “jazz”, “jive” và “jam”!... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chín bài thơ  (thơ) 
Chín bài thơ của Langston Hughes (1902-1967) — đại biểu quan trọng nhất của dòng thơ da đen Mỹ và là một trong những tên tuổi lớn nhất trong văn chương Hoa-kỳ thế kỷ 20. [Bản dịch của Thanh Tâm Tuyền, Trần Đức Uyển, và Nguyễn Đăng Thường]
 
Langston Hughes nói chuyện và đọc bài thơ “The Negro Speaks of Rivers”, một trong những bài thơ đầu tay nhưng nổi tiếng nhất của ông, viết năm 1920, lúc ông 18 tuổi. [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn, có kèm đoạn thu âm giọng nói và giọng đọc thơ của Langston Hughes năm 1959]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021