thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lại trái đất | Khúc bi thương cho N.N. | Phục hồi
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
CZESŁAW MIŁOSZ
(1911-2004)
 
 

Lại trái đất

 
Mọi thứ trên trái đất này thật là khó hiểu.
Sự quyến rũ của sông nước. Sự quyến rũ của trái cây.
Sự quyến rũ của hai bầu vú và mái tóc dài của người thiếu nữ.
Màu phấn hồng, màu đỏ son, màu những ao hồ
Chỉ thấy ở những Hồ Xanh gần Wilno.[1]
Và những đám đông không nắm bắt được tụ thành đàn, đến với nhau
Trên những đường nhăn của vỏ cây, trong con mắt của kính thiên văn,
Dự một tiệc cưới không bao giờ dứt,
Khích động đôi mắt nhìn, một điệu múa ngọt ngào
Trong những yếu tố khí, biển, đất và những hầm sâu,
Để trong một lúc ngắn ngủi không có sự chết
Và thời gian không tự tháo dãn như một cuộn chỉ
Người ta ném vào một vực thẳm.
 
 
 

Khúc bi thương cho N.N.

 
Hãy cho ta biết đường đi có quá xa đối với em.
Em vẫn có thể vượt những ngọn sóng ngắn của biển Baltic
và qua khỏi những cánh đồng Đan mạch, qua khỏi một cánh rừng sồi,
có thể đối mặt với biển, và ở đây, ngay thôi, đứng trước
bán đảo Labrador,[2] mùa này trắng toát.
Và nếu như, em trước nay vẫn mơ một hòn đảo lẻ loi,
Nếu như em sợ những thành phố và những ánh đèn chớp dọc xa lộ
em có một đường mòn băng qua cảnh hoang dã đi thẳng
tới những chỗ nước tuyết tan xanh đậm, với dấu chân nai và tuần lộc[3]
xa mãi tận vùng Sierras và những mỏ vàng bỏ hoang.
Dòng Sacramento River có thể đưa em đến
giữa những đồi mọc đầy những cây sồi gai.
Thế rồi chỉ thêm một bụi bạch đàn nữa, là em gặp ta.
 
Thật thế, khi bụi cây thạch thảo[4] nở hoa
và những buổi sáng xuân trời quang đãng trên vịnh
ta miễn cưỡng nghĩ đến ngôi nhà giữa những hồ nước
và đến những màn lưới giăng dưới bầu trời Lithuania.
Căn lều nhà tắm nơi trước đây em từng bỏ áo ra
Nay đã vĩnh viễn đổi thành một đồ pha lê trừu tượng.
Bóng đêm mật ngọt ở đấy, gần hiên nhà,
và những con cú con lạ lùng, và mùi da thuộc.
 
Thời ấy làm sao con người sống nổi, ta thực không nói  đuợc.
Kiểu cách và y phục thoáng lóe lên, không rõ ràng,
không tự đáp ứng, hướng tới một chương kết thúc.
Có gì đáng kể khi chúng ta mơ tưởng tới những vật thể như chính chúng
                                                                              tự thân hiện hữu?
Quen sống những năm tháng lửa khói đã làm cháy nám những con ngựa
                                                                                  đứng trước lò rèn,
những cột trụ nhỏ trên bãi họp chợ, những bậc cấp bằng gỗ và bộ tóc giả
                                                                                của Mama Fliegeltaub.
 
Chúng ta học được nhiều thứ, điều này em biết rõ:
như thế nào, dần dà, những gì không thể lấy đi
người ta đã lấy mất. Con người, cảnh vật.
Và trái tim không chết khi người ta nghĩ lẽ ra nó phải chết,
chúng ta mỉm cười, trà và bánh mì đặt nằm trên bàn.
Và nỗi ân hận duy nhất đã không biết thương yêu
những tro than khốn khổ ở Sachsenhausen[5]
với tình thương tuyệt đối, vượt quá cả sức người.
 
Em đã tập quen với những mùa đông mới ẩm ướt,
với một biệt thự nơi máu của chủ nhân người Đức
trên tường đã được rửa sạch, và hắn không bao giờ trở lại.
Và cả ta cũng chỉ chấp nhận những gì có thể, thành phố và đất nước.
Người ta không thể bước đi hai lần trên cùng một hồ nước
trên những chiếc lá bu lô[6] thối rữa,
chẻ đôi một tia nắng nhỏ.
 
Tội lỗi, em và anh? Không phải là một tội lớn.
Bí mật? em và anh? Không phải là những bí mật quan trọng.
Không phải thế khi chúng dùng khăn tay thắt hàm lại, luồn một chiếc
thánh giá nhỏ vào những ngón tay,
và đâu đó có tiếng chó sủa, và ngôi sao đầu tiên lóe sáng.
 
Không, không phải vì đường quá xa
mà em không đến thăm ta được ngày hay đêm ấy.
Từ năm này qua năm khác nó lớn dần trong ta cho đến khi nó bắt rễ,
như em thôi ta cũng đã hiểu ra: nó là sự dửng dưng.
 
                                                            Berkeley, 1963
 
 

Phục hồi

 
Ta đây – tại sao phải sợ vô lý như thế?
Đêm sẽ sớm tàn, bình minh sẽ lên.
Hãy nghe đây: đã vang dội những tiếng tù và của mục đồng.
Sao trời đã phai nhạt trên nền ánh sáng đỏ.
 
Con đường mòn thẳng tắp: chúng ta đang ở bìa rừng.
Một tiếng chuông ngân từ ngôi làng dưới thấp
Và trên những hàng dậu gà trống cất tiếng chào buổi ban ngày;
Đất tràn trề hạnh phúc và mầu mỡ, bốc khói.
 
Ở đây trời vẫn còn tối. Như một con sông ngập nước,
Sương phủ kín những bụi việt quất.
Nhưng bình minh với đôi chân cà kheo lướt dài trên nước,
Và quả cầu mặt trời vừa lăn vừa ầm ĩ rung chuông.
 
                                                            Trong “Thế giới”, 1943
 
------------------
[1] Wilno: tên thủ đô của Lithuania – thuộc Ba Lan 1920-1939.
[2] Labrador: bán đảo của Canada, giữa Đại Tây dương, vịnh Hudson và sông Saint-Laurent.
[3] caribou: một giống nai sống ở Canada, Bắc Mỹ - có khi viết là cariboo.
[4] manzanita: một loại cây bụi xanh quanh năm, thuộc họ thạch thảo, vỏ cây nhẵn thường màu cam hay đỏ, cành cứng và xoắn, lá hình bầu dục rất đẹp, hoa hình quả chuông màu tím hồng hoặc trắng, trái màu đỏ mọng, mọc trên chỗ đất ấm và khô, đặc biệt ở những vùng cao, như phía tây Bắc Mỹ, từ nam British Columbia ở Canada, Washington, xuống tới California và New Mexico.
[5] Trại tập trung ở Đức, cách Berlin 35 kilômét, xây năm 1938, đơn vị 47 Hồng quân Xô viết giải phóng ngày 22 tháng 4, 1945. Số nạn nhân ước tính từ 30 đến 35.000.
[6] alder: cây tống quán sủi, một loại cây thuộc họ bu lô, thường mọc ở những nơi đầm lầy ao hồ.
 
 
“Lại trái đất” trích từ Thơ mới Ba Lan, Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu, 160 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1993. “Khúc bi thương cho N.N.” dịch từ bản tiếng Anh “Elegy for N.N.” của Czeslaw Milosz và Lawrence Davis; “Phục hồi” dịch từ bản tiếng Pháp “Retrouvailles” của Monique Tschui và Jil Silberstein [bản dịch được tác giả duyệt] trong Czeslaw Milosz, Un enfant d’Europe (Editions l’Âge d’Homme, 1980).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021