thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sơn ca
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
MICHEL BUTOR
(1926~)
 
Sơn ca
 
Các bạn biết rõ là ở bên Trung quốc
hoàng đế là người Trung quốc
và mọi người chung quanh ngài
đều là người Trung quốc
 
Nhưng đó là điều không phải lúc nào cũng thật
bởi lẽ vị hoàng đế Marco Polo được diện kiến
là người Mông cổ nhưng quả thật ông
muốn mình Trung quốc hơn mọi người Trung quốc khác
 
Và vị hoàng đế thầy Attiret[1] được diện kiến
là người Mãn châu cũng như những
người tiếp nối triều Thanh
buổi sinh thời Hans Christian Anderson
 
Lịch sử xưa lắm rồi
và chính vì thế mà
ta phải lắng nghe nó
trước khi nó đi vào quên lãng
 
Lâu đài của Hoàng đế
là tuyệt vời nhất thế gian
toàn là những loại đồ sứ tinh vi
người ta chỉ có thể chạm vào rất cẩn trọng
 
Trong vườn người ta thấy
những loại hoa kỳ diệu nhất
và gắn vào những đóa hoa đẹp nhất
là những chùm chuông bạc
 
Gió làm những chuông bạc nhỏ ngân nga
để những khách dạo chơi
trong vườn của Hoàng đế
không thể đi qua mà không nhìn thấy chúng
 
Mọi thứ ở đây đều được tính toán tuyệt diệu
tính toán trải ra xa đến nỗi
chính người đứng đầu làm vườn
chưa bao giờ đi được đến cùng
 
Nếu ta tiếp tục bước đi
ta sẽ đến một rừng cây quyến rũ
với những cây to lớn
và những hồ sâu không đáy
 
Rừng cây đi xuống đến biển
và những thuyền bè lớn có thể tiến vào
đến tận những cành cây
tổ ấm của sơn ca
 
Con sơn ca hai buổi hoàng hôn
dưới ánh Trăng và vào lúc sao
mai băng qua bầu trời
lớn giọng hót hết mình
 
Khi nghe chim hót lão ngư ông
mệt mỏi trở về căn lều của mình
tìm thấy lại chút can đảm cần thiết
cho cả ngày hôm sau
 
Từ khắp mọi miền trên thế giới
những du khách đến đây
để thăm viếng Hoàng cung
và có khi cả lâu đài và vườn
 
Nhưng khi họ nghe tiếng sơn ca
họ bảo đây mới chính là cái đẹp nhất
và khi trở về họ bàn tán với nhau
các bác học và nhà thơ viết về đề tài này
 
Vị Hoàng đế lại là người thích sách vở
nhất là loại sách mô tả những kỳ quan
vô số trong vương quốc của mình
của cung điện và những ngôi vườn của mình
 
Hoàng đế quyền uy của Nhật
gửi cho ngài một cuốn tuyệt đẹp
trong đó người ta ca đến tận mây con sơn ca
mà ngài chưa nghe nói tới bao giờ
 
Ngài ra lệnh đi tìm con sơn ca
khắp ngôi vườn và khắp vương quốc
chỉ có một cô bé gái trong nhà bếp
mới có thể cho biết sơn ca ở đâu
 
Người ta đặt chim lên một cái sào đậu bằng vàng
ngay chính giữa triều đình
và chim hót cách hót cảm động đến nỗi
chính Hoàng đế cũng phải nhỏ lệ
 
Hoàng đế quyền uy của nước Nhật
biết rõ được hết mọi chuyện này
bèn sai đưa đến một cái hộp to tướng
với một biểu tượng sơn ca
 
Đây là một con chim máy
hoàn toàn bằng vàng và bạc
khảm đầy ngọc qúi
cất tiếng hát khi ta lên giây thiều
 
Hai con chim thử song ca
nhưng tiếng hót nghe không hay lắm
chúng không cùng một cảm quan nhịp điệu
và con sơn ca thật bay mất
 
Trong khi con kia đi qua hết những thành công
người ta đem nó trình diện các vị đại sứ
cho đến một ngày nọ nó bị hỏng máy
và người ta rất khó có thể sửa lại
 
Mấy năm sau đó
Hoàng đế Trung quốc
lâm trọng bệnh
nằm rầu rĩ trên cái giường lộng lẫy của mình
 
Mọi người trong triều đình nghĩ
là ngài sẽ qua đời
bèn bỏ ngài yên một chỗ để vồn vã
bên cạnh người được chỉ định kế vị
 
Thần chết đã ngồi trên ngực ngài
nó đã lấy mất cái ngai vàng
thanh kiếm vàng và chiếc mũ hoàng đế
và lắc đầu như một người Trung quốc
 
Và Hoàng đế giờ chỉ muốn được nghe nhạc
nhưng ngài quá yếu không sao có thể
khéo léo lên dây thiều con chim máy
và không có ai ở đó để giúp ngài
 
Thế là gần cửa sổ cất lên
một tiếng hót ngọt ngào đến nỗi
ngay cả thần chết cũng lắng tai nghe
và còn yêu cầu chim hót thêm nữa
 
Muốn nghe chim hót thì một bài
ngươi hãy trả lại hoàng đế thanh kiếm vàng
một bài nữa hãy trả lại cái cờ vua
và bây giờ thì trả lại chính vương miện
 
Họa mi ngợi ca nghĩa địa yên tĩnh
tỏa hương hoa tầm xuân và cây cơm cháy
trên bãi cỏ xanh tươi tốt nhờ
nước mắt của những người sống sót
 
Và thần chết bấy giờ muốn được
đến ngơi nghỉ trong ngôi vườn của ngài
và thế là nó bay qua cửa sổ
dưới dạng một làn sương trắng
 
Một mình trong phòng ngài
nơi ai nấy đều nghĩ ngài đã băng hà
ngài mặc vào được chiếc long bào
với vương miện thanh kiếm và cờ
 
Họa mi bảo hoàng đế nó sẽ trở lại thăm ngài
khi nào ngài rút về một mình
vào buổi hoàng hôn hay buổi sớm mai
để giúp ngài lo gánh nặng Vương quốc
 
Và khi đám đông những triều thần
mở cửa phòng ngài
để bảo đảm hôm nay đúng là ngày
vị Hoàng đế mới lên ngôi
 
Hoàng đế cũ tươi tỉnh sảng khoái cất tiếng chào
miệng mỉm cười trước sự bấn loạn của họ
trong khi con chim bay đi
để giúp lão ngư ông mang gánh nặng của mình
 
 
----------------
Dịch từ nguyên tác "Le rossignol" (Cathay, Gyroscope [Le génie du lieu 5] 1996) trong Anthologie nomade của Michel Butor, Poésie/Gallimard, 2004)
 
_________________________

[1]Frère Attiret: Thầy Attiret thuộc dòng Tên (Jésuite), sinh quán ở Dijon, được mướn làm họa sư trong ngôi nhà đồng quê của hoàng đế Khang-hi, cách Bắc kinh vài dặm. Chú thích của người dịch.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021