thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Được bao nhiêu hay bấy nhiêu | Người thành Troie | Ở cửa hàng | Về hội hoạ | Thề thốt | Ý nghĩa | Thân xác ta ơi, hãy nhớ | Những ngày năm 1903 | Để chúng tới | Những gì tôi đem lại cho nghệ thuật
Bản dịch Diễm Châu
 
 
CONSTANTIN P. CAVAFY
(1863–1933)
 
 

ĐƯỢC BAO NHIÊU HAY BẤY NHIÊU

 
Nếu mi không thể sống cuộc đời mi muốn,
thì ít ra hãy cố làm sao, được bao nhiêu
hay bấy nhiêu: đừng phí phạm nó
trong quá nhiều những quan hệ xã giao,
trong quá nhiều náo động và những lời rườm rà.
 
Đừng hạ thấp nó bằng cách dấn nó vào bất kỳ lúc nào,
kéo lê nó đây đó và phơi bày nó
trước cái hư ảo thường nhật
của những liên hệ và giao du
tới độ biến nó thành một kẻ quấy rầy xa lạ.
 
 

NGƯỜI THÀNH TROIE

 
Các nỗ lực của chúng ta, khốn nạn thay cho chúng ta;
các nỗ lực của chúng ta cũng tựa như của người thành Troie
Chúng ta gần thành công; chút nữa thôi
hẳn chúng ta sẽ đứng thẳng dậy; và chúng ta bắt đầu
lấy lại hy vọng và can đảm.
 
Nhưng luôn luôn có điều gì đó tới ngăn chận chúng ta.
Ấy chính Achille trỗi dậy trước mặt chúng ta tử miệng hố
để khiến chúng ta hãi hùng với những tiếng la hét lớn của y. —
 
Các nỗ lực của chúng ta cũng tựa như của người thành Troie.
Chúng ta tin rằng với quyết tâm và gan dạ
chúng ta sẽ có thể đổi thay dòng định mệnh,
và chúng ta ở lại bên ngoài để chiến đấu.
 
Nhưng khi tới lúc nguy kịch,
gan dạ và quyết tâm tan biến;
tâm hồn chúng ta bấn loạn, âu lo khiến nó tê liệt;
và chúng ta chạy khắp chung quanh thành lũy,
tìm cách cứu nguy bằng bỏ trốn.
 
Tuy nhiên, sự sụp đổ của chúng ta đã chắc chắn. Trên kia,
trên lũy thành kia, tiếng than vãn đã bắt đầu.
Ấy kỷ niệm tháng ngày và đam mê của chúng ta là điều họ khóc thương.
Ấy chính chúng ta là những kẻ Hécube và Priam thương khóc thật cay đắng.
 
---------------
NGƯỜI THÀNH TROIE: nói tới cuộc chiến đấu giữa Hector và Achille. Hécube và Priam là đôi vợ chồng nhà vua ở Troie. (Chú thích theo Ange S. Vlachos). Cuộc vây hãm thành Troie đã được Homer «bất tử hóa» trong tâp truyện thơ Iliad. (Người dịch)
 
 

Ở CỬA HÀNG

 
Ông quấn lấy chúng cẩn thận, ngay ngắn,
trong lụa quý màu xanh lục.
 
Những bông hồng bằng hồng ngọc, những bông huệ bằng ngọc trai,
những bông vi-ô-lét bằng ngọc tím. Ấy là theo quan diểm của ông — hệt như
 
ông đã muốn thế, đã thấy thế là đẹp. Chứ không phải như
ông đã học nhìn chúng trong thiên nhiên. Ông sẽ giữ chúng trong rương,
 
để làm chứng cho nghệ thuật của ông mà sự táo bạo không thua gì tài khéo.
Nếu tình cờ, có người khách bước vào cửa hàng,
 
thì ấy là những thức khác—những bảo vật huyền hoặc — ông sẽ đưa  ra từ những hộp đựng nữ trang để bán,
những vòng đeo tay, những dây chuyền, những vòng cổ, và nhẫn cưới.
 
 

VỀ HỘI HỌA

 
Tôi ưa công việc của tôi và làm việc rất cẩn thận.
Nhưng hôm nay công việc trì trệ khiến tôi thất vọng.
Thời tiết đè nặng. Nét mặt nó
sa sầm. Trời không ngừng gió và mưa.
Tôi chỉ muốn được nhìn thấy hơn là nói.
Trên bức tranh này giờ đây tôi ngắm
một chàng trẻ tuổi đẹp trai nằm dài, bên suối nước,
hẳn là mỏi mệt vì đã chạy nhiều.
Chàng mới đẹp làm sao; một buổi trưa thần thánh nào hẳn đã
chiếm đoạt chàng để khiến chàng thiu thiu ngủ.—
Tôi ở lại thật lâu để nhìn ngắm chàng như thế.
Và nghệ thuật, một lần nữa, lại trả lại cho tôi những sức mạnh mà nó đã lấy đi.
 
 

THỀ THỐT

 
Y thề hứa đều đặn      sẽ bắt đầu một cuộc đời khá hơn.
Nhưng khi đêm tới      với những gợi ý riêng của đêm,
với những thỏa hiệp,      và với những hứa hẹn;
nhưng khi đêm tới      với sức mạnh của đêm,
sức mạnh của thân xác kêu gào y đòi hỏi y, cuồng loạn
y lại lao mình vào vẫn một thú vui tuyệt mệnh ấy.
 
 

Ý NGHĨA

 
Những năm tháng của thanh xuân tôi, cái cuộc đời phóng dật ấy —
từ đây, sao mà tôi nhận biết rõ ràng ý nghĩa.
 
Biết bao là hối tiếc thừa thãi, và diễu cợt...
 
Nhưng lúc ấy tôi không thấy ý nghĩa của chúng.
 
Giữa thanh xuân phóng đãng của tôi
hình thành những đòi hỏi của thơ tôi,
phác ra những đường nét nghệ thuật của tôi.
 
Bởi thế mà những hối tiếc đã chẳng bao giờ thật gắt gao.
Và những quyết định kìm hãm, đổi thay của tôi
chỉ lâu chừng hai tuần lễ, là cùng.
 
 

THÂN XÁC TA ƠI, HÃY NHỚ

 
Thân xác ta ơi, hãy nhớ không nguyên mi đã được yêu mến biết bao;
không nguyên những chiếc giường nơi mi đã nằm dài
mà cả tới những thèm muốn đã sáng lên tỏ tường với mi
nơi những con mắt, đã run run nơi tiếng nói — và một trở ngại
nào đó đã cản ngăn, không cho thành tựu.
Giờ đây khi tất cả những điều đó đã chìm vào dĩ vãng
thì dường như thể mi cũng đã miệt mài
trong những thèm muốn đó — chúng sáng lên biết bao
mi hãy nhớ, nơi những con mắt đang nhìn mi lúc ấy;
với mi, chúng run run biết bao nơi tiếng nói, mi hãy nhớ, hỡi thân xác của ta ơi.
 
 

NHỮNG NGÀY NĂM 1903

 
Tôi không còn tìm thấy lại được chúng — những gì trước đó tôi bỏ mất quá mau...
những con mắt đầy thơ, vẻ xanh xao
của khuôn mặt... trong đêm tối đang choán dần đường phố...
 
Tôi không còn tìm thấy lại được chúng — những gì tôi đã đạt được hoàn toàn do sự tình cờ,
và tôi đã tách rời quá dễ dàng;
để kế đó lại âu lo khổ sở thèm khát chúng.
Những con mắt đầy thơ, vẻ xanh xao ấy của khuôn mặt,
những làn môi ấy, tôi không còn tìm thấy lại được chúng.
 
 

ĐỂ CHÚNG TỚI —

 
Một ngọn đèn cầy cũng đủ.    Ánh mờ của nó,
ấy cái gì thích hợp nhất,    thuận lợi nhất cho chúng
khi những chiếc Bóng tới,    khi những chiếc Bóng của Ái tình tới.
 
Một ngọn đèn cầy cũng đủ.    Căn buồng chiều nay hãy
ở lại trong bóng mờ.    Tất cả cho mơ mộng
và những gì nó gợi ra,    nhờ chút ánh sáng này —
tôi sẽ thả lỏng    cho những viễn ảnh của mình lúc đó tuôn chảy,
để những chiếc Bóng ấy tới,    để những chiếc Bóng của Ái tình tới.   
 
 

NHỮNG GÌ TÔI ĐEM LẠI CHO NGHỆ THUẬT

 
Tôi ở lại đó mơ mộng.    Thèm muốn và cảm giác,
ấy những gì tôi đem lại cho Nghệ thuật —    những điều chỉ thoáng thấy,
những khuôn mặt hay hình nhìn nghiêng;     vài kỷ niệm mơ hồ
của những cuộc tình dang dở.    Tôi buông mình cho nó.
Nghệ thuật có thể tạo lại    Hình thù của cái Đẹp;
bổ sung cuộc đời    một cách hầu như không nhận biết,
nối liền những cảm tưởng,    đưa lại gần tháng ngày.
 
 
-------------------------------
CONSTANTIN P. CAVAFY (hay Cavafis, 1863-1933) sinh ngày 29 tháng Tư tại Alexandrie và mất tại đây cùng ngày. Vẫn được thế giới coi như nhà thơ lớn nhất của Hy-lạp ở thế kỷ XX. Một thi sĩ-sử gia. Ông tự nhận mình là «một thi sĩ của các thế hệ tương lai..., trong một thế giới sẽ suy nghĩ nhiều hơn hôm nay». Bản dịch dựa theo bản Pháp văn trong các sách của Dominique Grandmont; Marguerite Yourcenar và Constantin Dimaras; Socrate C. Zervos và Patrice Portier; Ange S. Vlachos; Gilles Ortlieb và Pierre Leyris; và của các dịch giả khác in trong cuốn Constantin Cavafy của Georges Cattaui (Nxb. Seghers, Paris, 1964). (DC.)
 
----------
Đã đăng:

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021