thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
KHỞI ĐẦU CHẤM DỨT KHỞI ĐẦU
(bản dịch Diễm Châu)
Lời toà soạn:
Ngay sau TUYỂN TẬP THƠ PALESTINE HIỆN ĐẠI, độc giả Tiền Vệ lại được thưởng thức TUYỂN TẬP THƠ và KHỞI ĐẦU CHẤM DỨT KHỞI ĐẦU của YEHUDA AMICHAI, nhà thơ lẫy lừng trong văn chương Do-thái đương đại, cũng qua bản dịch tuyệt hảo của nhà thơ Diễm Châu.
        Như thế, nhà thơ Việt Nam của chúng ta, với một hồn thơ không biên giới, đã đứng vào giữa hai dân tộc Palestine và Israёl với ước nguyện nối liền nhịp cầu hoà bình bằng thi ca. Việc làm này mang một ý nghĩa vô song, nhất là trong lúc này.
 
 
Đôi lời của người dịch:
YEHUDA AMICHAI (xin đọc là a-mi-khai), sinh tại Würzburg, Đức năm 1924, cùng với gia đình di cư qua Palestine năm 1936, từng tham dự cuộc chiến giành độc lập của Israёl năm 1948 (trong ngành pháo binh, trên sa mạc Neguev) và chiến dịch Sinai năm 1956.
        Xuất hiện đồng thời với Nathan Zach và David Avidan trên tạp chí Likrat (Thơ) ở Giê-ru-sa-lem từ những năm 1950, Amichai là một trong những thi sĩ đã đem lại cho thi ca tiếng Hy-bá nguồn hứng khởi hiện đại. Ông còn là một tiểu thuyết gia, người viết truyện ngắn và tác giả một số kịch bản. Ngoài công việc sáng tác, ông dạy học ở Giê-ru-sa-lem. Năm 1982, Yehuda Amichai được tặng «Giải thưởng Israёl» cho toàn bộ tác phẩm. [...]
        Trên đây là trích mấy dòng tiểu sử Amichai mà tôi đã ghi nhân dịp xuất bản Tuyển tập thơ đầu tiên của Yehuda Amichai trong “tủ sách Thơ”, Trình bầy (1991, khổ 14 x 21). Tuyển tập này đã được bổ sung một số bài mới và in lại trong TLT (“Tư liệu thơ”), Trình bầy (1999). Kể từ những ngày ấy, tôi vẫn ao ước dịch thêm một số bài khác để «hoàn chỉnh» tuyển tập thơ của Yehuda Amichai. Công việc này tôi chưa thực hiện được thì nghe tin ông mất, vào tháng Chín năm 2000.
        Tập sách nhỏ này cũng là một «tuyển tập thơ» của Yehuda Amichai: gồm 38 bài trong tập Patuah sagur patuah (Khởi đầu chấm dứt khởi đầu, phần «mở khép mở») do nhà Schocken in tại Tel Aviv năm 1998, tức là chỉ hai năm trước khi tác giả mất; cộng thêm 7 (bảy) bài trích trong Akhziv, Caesarea ve-ahava a'hat, một tập thơ khác của Amichai, cũng do nhà Schocken in, năm 1975.
        Bản dịch và cách sắp xếp thứ tự các bài (một số bài trích từ Akhziv, Caesarea ve-ahava a'hat được ghép vào giữa các bài của phần «mở khép mở») dựa theo bản Pháp văn của Michel Eckhard-Elial: Début fin début, Editions de l'éclat, Nîmes, 2001; sách song ngữ.
(Lộ-trấn, 26-XI-2001)
 
________________________________
 
Yehuda Amichai (1924-2000)
 
KHỞI ĐẦU CHẤM DỨT KHỞI ĐẦU
 
 

MỞ KHÉP MỞ

(Patuah sagur patuah, 1998)
 
 
Thượng đế là những bậc thềm đi lên
tới một nơi không còn nữa, hay chưa có
những bậc thềm là lòng tin tưởng của tôi, những bậc thềm niềm thất vọng của tôi
Gia-cóp tổ phụ chúng ta đã học biết điều ấy trong mộng
các thiên sứ chẳng làm gì khác hơn là trang hoàng cho những nấc thang
như một cây thông Giáng sinh
và tiếng hát của những nấc thang ấy chỉ là một tiếng hát tán dương
dành cho Thượng đế của những nấc thang.
 
 

*

 
Khi Thượng đế rời khỏi trái đất, ngài đã bỏ quên Lề luật
với những người Do-thái và từ đấy họ tìm kiếm ngài
lớn tiếng kêu gọi ngài: ngài đã quên điều gì đó, ngài đã quên,
và những người khác nghĩ rằng những tiếng kêu ấy là lời cầu nguyện của người Do-thái.
Và từ đấy họ hăm hở tìm kiếm trong Thánh kinh những dấu chỉ
về nơi ngài ở như đã có nói: «Hãy hỏi Thượng đế ngài ở đâu,
hãy kêu gọi ngài để ngài lại gần.» Nhưng ngài ở xa.
 
 

*

 
Ngay để cầu nguyện một mình cũng cần phải có hai:
luôn luôn có một kẻ đu đưa
và người thứ nhì không đu đưa là Thượng đế.
Nhưng khi cha tôi cầu nguyện ông đứng yên tại chỗ
thật thẳng và bất động, buộc Thượng đế phải đu đưa
như một cây sậy và nguyện cầu cha tôi.
 
 

*

 
Sau Auschwitz không có thần học:
làn khói trắng bốc ra từ những ống khói ở Vatican
có nghĩa là các hồng y đã lựa cho mình một giáo chủ.
Ấy một làn khói đen đã bốc ra từ những lò thiêu ở Auschwitz
để nói rằng Thượng đế vẫn chưa quyết định về việc chọn lựa dân ngài tuyển trạch.
Sau Auschwitz không có thần học:
những con số trước bạ trên cánh tay người tù tuyệt diệt
là những số điện thoại của Thượng đế
những con số không có lời đáp
ngày nay lần lượt bị gỡ bỏ.
 
Sau Auschwitz có một thần học mới:
những người Do-thái chết trong thời Tai ương*
lúc này đã trở nên giống như Thượng đế của họ
kẻ không có hình ảnh và kẻ không có thân xác.
Họ không có hình ảnh và họ không có thân xác,
họ không có thân xác.
 
-------------------------------------
* Shoah: tai ương, thảm họa; ở đây chỉ cuộc tàn sát tập thể người Do-thái vào thời Đệ Nhị Thế chiến. (người dịch)
 
 

*

 
Cả hôm nay nữa, có khi tôi hãy còn tin
như ngày xưa. Khi ấy nếu như ta hát «đây là cuộc chiến đấu cuối cùng»
hoặc ta nói «đây là bữa ăn chót», tôi đã tin ở điều ấy.
Kể từ đấy, đời tôi
đã đầy những cuộc chiến đấu cuối cùng và những bữa ăn chót (như
ước nguyện cuối cùng của người tử tội). Và khi người ta nói
Rosh ha-shana, ngày «đầu năm»
chỉ có cái đầu là tôi nhớ, chứ không phải
những bàn tay và không phải những ống chân
của thời gian đi qua. Những mức độ công bằng và khoan dung đã tựa như
kích thước của giày dép: cả hôm nay nữa
tôi vẫn thường mua giày dép
lớn hơn không bó sát đôi chân. Lúc này tôi đã biết
những gì đã thay đổi
và tại sao. Tôi đã biết ai đã ăn bằng đĩa của tôi
và ai đã ngủ trên giường tôi. Và nếu người ta bảo tôi «tôi sẽ trở lại»
tôi vẫn còn chờ
và khi người ta bảo «tôi không trở lại nữa», tôi vẫn
chờ và khi người ta bảo «đừng đặt những câu hỏi»
tôi đã bắt đầu đặt những câu hỏi và tôi không bao giờ ngừng.
 
 

*

 
Tôi muốn sống cho đến khi nào những từ thoát ra từ miệng tôi không còn phải
chỉ là những nguyên âm và phụ âm, mà có lẽ chỉ là những nguyên âm,
chỉ là những âm vang êm dịu,
linh hồn ở trong tôi vẫn còn là ngoại ngữ cuối cùng
mà tôi học tập.
Và tôi muốn sống cho đến khi nào hết thảy những con số đều trở thành thánh thiêng,
không chỉ là một, hoặc bảy hoặc mười hai hoặc ba,
mà là hết thảy những con số, hăm ba kẻ đã ngã xuống
trong cuộc giao tranh ở Huleikat,
mười bảy cây số của nơi chốn thần tiên, băm tư
đêm, một trăm hăm chín đêm ân sủng,
một ngàn ba trăm năm
ánh sáng, bốn mươi ba phút hạnh phúc
(con số năm của đời tôi vẫn còn là một ẩn số). Lịch sử
bốn ngàn năm và bốn mươi lăm phút khảo hạch
cuối cùng ở nhà trường.
Không có con số cho những ngày và đêm –
rồi chúng cũng sẽ có –
và khi nào vô tận trở thành thánh thiêng, tôi sẽ được nghỉ ngơi dứt khoát.
 
 

*

 
Như thế đó lời ngợi ca đã đi qua như một chuyến tàu dài dặc
không cuối không đầu, không khởi sự không kết thúc.
Tôi luôn luôn ở bên cây rào cản hạ thấp và tôi thấy hết:
những toa hành khách và những toa lịch sử, những toa
đầy chiến tranh, những toa chật ních những người
phải tuyệt diệt, ở những khung cửa là khuôn mặt của đàn ông đàn bà
những kẻ phải phân cách nhau và lên đường,
những ngày kỷ niệm, những giờ lâm chung, những lời kinh nguyện
và lòng nhân từ và nhiều toa trống rỗng.
Như thế đó các con tôi đi qua hướng về tương lai chúng
như thế đó Thượng đế đã đi qua trên khuôn mặt Mai-sen*
nơi sa mạc rộng lớn,
ông không nhìn thấy gương mặt ngài ông chỉ biết kêu lên
Chúa ôi, Chúa ôi, Chúa nhân từ và thương xót,
đầy ân sủng
và đầy sự thật. Như thế đó đã đi qua lời ngợi ca.
Và cây rào cản
bao giờ cũng hạ thấp, mãi cho tới tận cùng của đời tôi.
 
---------------------------------------------------------------
* Moϊse, người giải phóng dân Do-thái và đưa dân tộc ra khỏi Ai-cập về xứ Canaan. Xin xem Thánh kinh. (người dịch.)
 
 

*

 
Tôi đã nhảy ngay từ nỗi sợ mất mát tới nỗi sợ mất chính bản thân,
tôi đã không thể ở lại khá lâu giữa hai nỗi sợ ấy, trên khoảnh đất nhỏ
trung lập và êm dịu của vĩnh cửu và của cuộc đời tôi bèo bọt.
Những bàn tay tìm kiếm là tay tôi, để kiểm nghiệm,
hy vọng và tuyệt vọng,
chúng luôn luôn lục soát trên những mặt bàn, giữa đám giấy tờ và những ngăn kéo,
và nơi những tủ áo hoặc đám áo quần đã biết tới sự mất mát của tôi.
Chính là với đôi bàn tay vẫn tìm kiếm những gì đã mất ấy,
tôi mơn trớn khuôn mặt em
và với đôi bàn tay nghi ngại sự mất mát ấy tôi ôm siết lấy em,
tôi chạm tới mắt em, môi em, như một người mù
để đo lường để lầm lạc, đo lường rồi lầm lạc,
bởi đôi bàn tay nghi ngại sự mất mát
cũng là đôi bàn tay duy nhất để yêu.
 
Ngày tôi thấy một nhạc sĩ vĩ cầm kéo đàn, tôi đã hiểu rằng giữa
bàn tay phải của ông và bàn tay trái của ông, khoảng cách duy nhất
phân cách chúng
là khoảng cách của cây vĩ cầm. Nhưng ôi khoảng cách và ôi âm thanh tuyệt vời biết bao!
 
 

*

 
Cha tôi đã là Thượng đế mà không biết thế. Ông không ban cho tôi
Thập giáo điều trong sấm sét và thịnh nộ,
lửa và mây bão
mà là trong âu yếm và yêu đương với những từ
vuốt ve và dịu dàng,
cùng những «Lời van xin». Ông đã hát theo một điệu:
«Con hãy nhớ và tuân theo». Ông van nài và khóc trong lặng lẽ giữa những Giáo điều:
xin con đừng kêu tên Chúa vô cớ, vô cớ,
xin con đừng làm chứng dối chống lại kẻ kề cận. Ông đã siết chặt lấy tôi mà thì thầm:
xin con đừng trộm cắp, ngoại tình, giết tróc.
Ông đặt hai bàn tay mở rộng
trên đầu tôi để chúc phúc ngày Yom Kippur*. Con hãy tôn kính,
hãy mến yêu, để cho tháng ngày của con
được dài lâu trên trái đất. Và tiếng của cha tôi cũng thật trắng như tóc ông.
Rồi ông quay mặt lại phía tôi lần chót
như ngày ông chết trong tay tôi: ta muốn thêm
hai điều răn khác nữa.
Điều thứ mười một: xin con đừng thay đổi.
Và điều thứ mười hai: hãy thay đổi, con hãy thay đổi.
Đó là những gì cha tôi đã nói, và ông đã quay khỏi mặt tôi,
ông đã bỏ đi
và biến vào chốn xa xăm kỳ dị của ông.
 
-------------------------------------------------
* Yom Kippur: ngày đền tội, cầu phúc lành của người Do-thái. (người dịch)
 
 

*

 
Tôi tự hỏi với tốc độ nào đã xẩy đến với tôi
những điều của quá khứ, với tốc độ của những dòng nước của tuyết
từ Hermon đổ xuống Biển Chết hay với tốc độ
của một dòng dung nham nặng nề và chậm rãi chảy sau khi núi lửa phun
hay với tốc độ của những giọt nước trong một hang động.
Tôi không biết điều ấy. Trên bàn tôi có một tảng đá bể.
trên đó có đề chữ Amen, tảng đá của một nấm mộ Do-thái đã có cả một ngàn năm.
Đặt trên đám giấy tờ để chận giữ
nó là một món trang trí, đồ chơi của định mệnh và lịch sử.
Trên bàn tôi, mảnh lựu đạn vỡ
không giết chết tôi thong dong như một con bướm.
 
 

*

 
Tôi là con của định mệnh, ham hố định mệnh, sống bên
và xa lạ với định mệnh. Khi tôi cởi quần áo
trước khi đi ngủ,
một đồng tiền từ túi quần tôi rơi xuống mặt đất,
tôi không hay biết là cái thứ tiền rổn rảng này quyết định
có lẽ định mệnh và đoạn kế tiếp của đời tôi.
Tôi là một con súc sắc để chơi trò định mệnh, mặt ngửa
mặt sấp. Khi tôi rơi xuống lại tôi quyết định số mệnh tôi
và số mệnh những người khác.
Tôi đã không hay biết là trên những nét mặt tôi và những nếp nhăn của nó
có ai đó sẽ tạo một bản đồ dạo mát, có lẽ một bản đồ chiến tranh,
thật lâu sau tôi, Và cả người ấy nữa cũng không hay biết gì hết.
 
 

*

 
Ngôi nhà nơi chúng ta yêu nhau trước tiên đã bị phá hủy,
ấy rất có thể là một đoạn câu bình thường trong Thánh kinh,
bị phá hủy không phải là do những kẻ tiên tri điều bất hạnh,
những người Chaldée hoặc người La-mã
mà là do các công nhân. Thay vào đó lúc này là một lỗ hổng thật lớn
như để cầu kinh từ chốn vực sâu và đem lại
một ngôi nhà lớn hơn.
Các kiến trúc sư không biết rằng khi họa kiểu ngôi nhà
họ đã theo những đường nét của thân xác chúng ta, những tấm thân được tạo ra cho ái tình.
Họ đã để lại bức tường phía nam, và khung cửa sổ quay về Thung lũng cây Thập giá
đã giữ những lá cửa kéo Giê-ru-sa-lem của nó, tựa như đôi cánh,
Căn buồng của chúng ta lúc ấy là một thiên thần. Và kẻ hiếu kỳ đã dò xét
những đêm hè của chúng ta hôm nay là một ông già mơ tưởng
có lẽ tới chúng ta, hay có lẽ ấy chính là Thượng đế.
Chúng ta đã tạo ra cho nhau nhiều vui thú và nhiều nước mắt,
và tất cả những gì ở bên kia nước mắt và vui thú
sẽ được ngợi ca trong thế giới sẽ tới và trong mọi thế giới sẽ tới.
 
(Xin xem tiếp các bài trong phần
«mở khép mở» ở phía sau «Akhziv…»)
người dịch
___________________________________________________________
 

AKHZIV

(Akhziv, Caesarea ve-ahava a'hat, 1975)
 
 
Hãy trở lại vào mùa đông tới
ấy những lời tương tự
đã nâng đỡ đời tôi
và khiến tháng ngày của tôi đi qua,
từng ngày một, như một hàng lính bên trên cây cầu
sắp nổ tung.
 
Hãy trở lại vào mùa đông tới.
Ai chưa từng nghe thấy những lời ấy? Ai sẽ trở lại?
 
 

*

 
Nếu những luyến tiếc khởi sự
giữa những ngôi nhà này ở bên bờ biển này,
chúng ta đã thật xa.
 
Những người đàn bà khóc mướn của lòng tôi đã
khởi sự quá sớm – tôi hãy còn ở đây –
khởi sự than van rên rỉ, dứt khỏi người tôi máu và cát biển
và rong rêu; khởi sự đưa nắm tay đập vào tảng đá lớn,
đập vào cát, đập vào ngực mi.
Từ khuôn mặt tôi biển rút đi.
Khuôn mặt tôi: lòng biển, khô cạn
với những khe nứt và những khối đá và những ngọn gió ác độc.
Ấy như thế đó tôi đã chín
và khuôn mặt tôi hãy còn mang
dịu êm và xanh lục ký ức về biển.
 
 

*

 
Gió, mi đã hoài phí gió
biết bao. Đi từ cát tới cát,
từ tôi tới em, từ một mùi hương tới một mùi hương khác.
Gió, hoài phí biết bao!
 
Mây, mây hoài phí biết bao,
không mưa, chỉ đổi thay đôi chút
những sắc màu của Galilée
cho chúng ta.
 
Cuộc đời tôi, cuộc đời hoài phí
biết bao. Ngày hôm nay. Tại đây.
 
 

*

 
Chính ở nơi đây chúng ta đang sống lựa lọc
như biển giữa những điều cần phải
ít nhiều gì giữ lại.
«Cần phải mang theo chúng ta những gì nhỉ?»
«Năm tới tôi vẫn còn mang bộ y phục này.»
«Khi nào anh mới ngừng yêu?» Bạn bè chúng ta đã lui về vùng đất màu hoàng thổ.
Bàn tay đưa lên lúc vĩnh biệt cảm thấy gì
khi nó trở lại
bên tấm thân đã nguôi ngoai? Chuyện gì đã xảy ra
cho nó dọc đường? Đem lại gì cho chúng ta sự hiểu biết
rằng Thập tự quân, hay người La-mã hay những kẻ đi chinh phục khác người Y-pha-nho
đã xây dựng cái hải cảng ảm đạm đang sụp đổ này?
Hiểu biết nọ tiêu khiển lỗ tai chúng ta,
như một điệu nhảy múa nơi cửa miệng
đầy cát của cái máy phóng thanh.
Lịch sử là một cuộc giải trí
vào một buổi chiều hoang vắng bên bờ biển,
lọc lựa như chúng ta giữa những gì cần phải giữ lại hoặc không.
Tồn tại được bao lâu đá vôi? Và cẩm thạch đen?
Kéo dài được bao lâu năm tới
và lớp vôi đang sụp đổ trong cuộc tình của nó
và đám cát qua cái chết của nó đã sống cho vĩnh cửu và gió?
 
 

*

 
Hãy gia tăng những đợt sóng  hãy gia tăng những con mắt
hãy gia tăng những thử thách  hãy gia tăng muối,
hãy gia tăng nỗi buồn  hãy hát lên những đêm  hãy gia tăng
những vỏ sò cát cát  toàn bộ
 
Để nói: hãy tiếp tục sống.
Cuộc đời chúng ta: một vài phân
điên rồ và thịt da mềm mại
giữa bộ xương khô cứng ở bên trong
và khí trời khô cứng ở bên ngoài.
 
 

*

 
Biển bảo tồn bằng muối,
Giê-ru-sa-lem bằng khô hạn.
Chúng ta rồi sẽ đi đâu?
Lúc này, trong những buổi chiều chính xác, cần phải chọn lựa
không phải là giữa hành động và sống
mà là chọn lựa một cuộc đời
mà những giấc mơ làm chúng ta thương tổn ít hơn
trong tương lai những đêm tối của chúng ta.
 
 

*

 
Muối mỏi mệt nói: này đây họ
đã trở lại, hai người đó những kẻ muốn
được bao phủ bằng mùi vị muối.
Mùi vị của riêng họ không đủ, cũng như muối của riêng họ
họ không biết chán ái tình của riêng họ.
Họ thường tới đây
để khỏi quên đi, nhưng rồi họ sẽ quên.
 
(Đến đây chấm dứt bảy bài trích
trong «Akhziv...»)
người dịch
 
___________________________________________
 
MỞ KHÉP MỞ (tiếp theo)
(Patuah sagur patuah, 1998)
 
 

*

 
Làm sao họ sẽ sử dụng cuộc tình của chúng ta
để bắt chước trên đồ bản của họ
đường nét của đôi hông em và đường nét của cánh tay tôi
khi vạch những đường biên giới giữa những xứ chưa được biết tới?
Làm sao màu sắc của đôi mắt em và đôi mắt tôi
sẽ cùng phấp phới trên những lá cờ của các dân tộc
mới trong tương lai của thế giới.
Và làm sao bằng những từ trao đổi ban đêm họ sẽ ký những mật ước những tuyên cáo độc lập những hợp đồng
thắng lợi và thất bại.
Làm sao họ sẽ sử dụng chúng ta! Bằng những cử chỉ ân ái của chúng ta
họ sẽ tạo ra những máy móc thật tinh sảo của thế kỷ tới
và những vị thế yêu của chúng ta sẽ được dùng làm mẫu mực cho
những cuộc điều động binh sĩ: nụ hôn và vòng ôm siết, chiếm lĩnh,
kềm kẹp, đài phóng hỏa tiễn.
Dựa theo những lúc ngừng nghỉ trong cuộc yêu đương của chúng ta họ sẽ tính toán những giới hạn
và viễn ảnh dịu êm của ngày thế mạt
trong im lặng đời đời và tình yêu của thế giới.
 
 

*

 
Chúng ta đã chia sẻ ngôn ngữ giữa chúng ta, em những nguyên âm
tôi những phụ âm để tạo lập cùng một ngôn ngữ duy nhất
và nhiều chuyện khác. Em lắng nghe, tôi lắng nghe:
cuộc đời chúng ta là một, cái chết thì nhiều, Thượng đế nữa cũng nhiều.
cuộc đời chúng ta là một và cuộc tình chúng ta một cuộc tình duy nhất.
 
 

*

 
Những người tình phó thác cho nhau những dấu ngón tay
và vô số những bằng cớ, những lời nói và chứng từ.
Một chiếc áo thêu, một cuốn nhật ký có đề ngày, một chiếc đồng hồ.
Sáng sáng họ vạch đường cắt bóng của thân xác họ
như cảnh sát thường vạch bằng phấn đường viền của cái thây ma
trên mặt đường.
Những người tình giam cầm nhau,
họ tuân thủ luật im lặng
và ngay cả khi họ lìa bỏ nhau
họ vẫn tạo những bức chân dung để nhận diện, như cảnh sát
hay căn cước về tư pháp, để nói: chàng đấy, nàng đấy.
 
 

*

 
Khi ta chụp ảnh biển hoặc sa mạc ở hút mắt
ta phải đặt một vật gì lớn thật gần:
một cành cây, một chiếc ghế, một góc nhà, một hòn núi đá,
để cảm thấy vô tận và quên biển
và sa mạc. Khi tôi yêu em, tôi yêu bàn tay em
khuôn mặt em, mái tóc em, tiếng nói em thật gần
và tôi quên cái vĩnh cửu của khoảng cách và những cùng đích vô hạn.
Khi chúng ta chết, vẫn sẽ còn biển, sa mạc và Thượng đế
mà chúng ta đã quá ưa nhìn qua cửa sổ.
Vĩnh biệt vĩnh biệt kẻ gần và người xa vĩnh biệt Thượng đế thực.
 
 

*

 
Mọi người đàn bà đang yêu đều là Sarah mẹ chúng ta. Bà lắng nghe sau cánh cửa
bọn đàn ông nói về vẻ đẹp của thân hình bà và về tương lai bà,
bà cười trong lòng bàn tay hũm xuống, như một thứ khuôn,
cây kèn bầu * của tương lai, cơn ho húng hắng của con chồn đầy mưu chước.
Mọi người đàn bà đang yêu đều là Rachel và Léa.
Họ trao đổi với nhau hồn xác
thời giờ và xống áo, phấn thoa mặt và nước hoa. Những mùi vị ban ngày và
gia vị ban đêm,
những hơi thở của ban đêm và những tiếng xôn xao của ban ngày, cặp đùi và vú,
để trở thành duy một thân xác: Rachel và Léa, Racheléa.
Và như thể Gia-cóp đã ngủ với hai người:
người đầu tiên nồng nàn và nóng bỏng biết mình sắp chết
khi sinh nở
người thứ nhì, nguôi ngoai, hiền dịu và nặng nề
của hết mọi thế hệ mãi đến tôi.
Khuôn mặt của mọi người đàn bà đang yêu
tựa như khuôn mặt của vầng trăng mỗi tháng,
khuôn mặt tròn đầy trước cánh cửa mở ra, khuôn mặt lấp ló
nơi cửa sổ.
Mọi người đàn bà đang yêu đều là Rébecca bên bờ giếng. Nàng nói:
«Anh hãy uống và cho đàn lạc-đà của anh uống». Cô Rébecca
của chúng ta ngày nay nói:
«Khăn lau ở trong ngăn kéo phía trên tủ áo trắng
đối diện với cửa vào.»
 
--------------------------
* ocarina. (người dịch)
 
 

*

 
Tôi đã thấy trong một khoảng sân của Giê-ru-sa-lem, tôi đã thấy những hạt mềm
giãi ra trên một tấm vải để phơi khô ngoài nắng, và tôi đã muốn
là người chép sử của chúng, thuật lại cho chúng lịch sử của những trái dưa hấu
và những trái bí đao nơi chúng xuất phát. Tôi xin cát
nhớ lại hòn đá và xin hòn đá nhớ lại
tảng đá lớn
và xin tảng đá lớn nhớ lại ngọn núi lửa và lửa.
Và tôi tôi quên mất những gì đã xẩy ra mùa hè năm ngoái
và cả đến những gì đã có hôm qua, thứ Tư. Nhưng tôi nhớ
bài hát mà các thày Lévi * đã hát
ở đền thờ vào thứ Tư.
 
-------------------------------------------
* Lévites: những thày tư tế thuộc chi phái Lévi, hiến trọn đời phục vụ đền thánh (ở Giê-ru-sa-lem). (người dịch)
 
 

*

 
Những hối tiếc thuộc giống đực và số nhiều, như Elohim*
Sự tiếc nuối ở giống cái là người đàn bà không ký ức về giống đực.
Tôi đã thấy một người đàn ông chuồi một lá thư dưới một cánh cửa đóng,
hôm sau, lá thư vẫn còn đó
như một cái sọc trắng dưới cánh cửa. Tôi đã thấy anh ta trở lại
nhiều lần khác và cái sọc trắng vẫn nhấp nháy
như một món đồ lót của người đàn bà yêu dấu.
Những hối tiếc động chạm tới tất cả. Nếu cỏ mọc trước cửa
có lẽ là kẻ tiên tri của sự hủy diệt hoặc của niềm an ủi,
những hối tiếc ở trong tiếng rống của con bò cái tơ
đem tiếng những hối tiếc của nó cho con người.
 
--------------------------------------------------------------------
* Elohim: từ chỉ Thượng đế trong tiếng Hy-bá. (người dịch)
 
 

*

 
Sự chính xác của nỗi đau và sự mịt mờ của hạnh phúc. Tôi nghĩ
tới sự chính xác mà người ta thường dùng để mô tả
những đớn đau của họ với vị y sĩ.
Cả đến những người không biết đọc biết viết cũng thật chính xác:
ấy là một thứ đau nó kéo, nó xé, nó cắt lìa,
cái đau này thiêu đốt, cái đau nọ nhức nhối hoặc chạy quanh. Nó ở chỗ đó,
Phải, đúng là nó đấy. Phải, hạnh phúc làm mờ mịt tất cả.
Tôi đã nghe nói
sau những đêm tình ái và hội hè: thật là tuyệt vời,
tôi cảm thấy mình như ở tầng trời thứ bảy. Cả đến nhà phi hành liên hành tinh từng bay lượn
trong không gian cột chặt vào con tàu cũng chỉ có thể kêu lên:
thật huy hoàng lộng lẫy, tôi không đủ chữ để mô tả.
Sự mịt mờ của hạnh phúc và sự chính xác của đớn đau:
và tôi muốn mô tả thật chính xác cái đau buốt
cái hạnh phúc câm nín và niềm vui. Những nỗi đau đã dạy tôi nói.
 
 

*

 
Tôi biết rằng những sợi dây nối kết tôi với hạnh phúc của tôi thật nhỏ bé.
Nhưng chính là bằng những sợi dây đó tôi đã dệt cho mình một thứ y phục vững chắc,
gần như một tấm áo giáp mềm, nó giúp tôi
che đậy sự trần truồng của tôi, theo chiều dọc theo chiều ngang, và bảo vệ tôi.
Đôi khi tôi thấy dường như cuộc đời tôi không đáng với
lớp da trên thân thể tôi và bao phủ nó, cũng chẳng đáng với cả đến
những chiếc móng trên mấy đầu ngón tay tôi mà tôi vẫn thường dùng để bấu víu lấy đời tôi.
Tôi tựa như một người đưa cổ tay lên mắt
để coi giờ, dẫu như y chẳng có đồng hồ.
Và đôi khi tiếng ọc ọc của chút nước cuối cùng
trôi đi từ bồn tắm đối với tôi cũng trở thành
tiếng hót họa mi.
 
 

*

 
Chính là vì một cái tôi sống động mà tôi nói: ước chi nó được nghỉ yên.
Tôi muốn có hòa bình bây giờ khi tôi còn sống.
Tôi không muốn chờ đợi như người Hassid nọ muốn một chân ghế bằng vàng ở Thiên đường, tôi muốn
cái ghế với bốn chân,
một cái ghế thường bằng gỗ. Tôi muốn có hòa bình với tôi bây giờ.
Cuộc đời tôi đã trải qua mọi thứ chiến tranh:
từ những cuộc giao chiến với bên ngoài
tới những cuộc giao chiến ở bên trong giữa bốn con mắt. Các khuôn mặt
bao giờ cũng chỉ là khuôn mặt của chính tôi, khuôn mặt của người bạn
cũng như khuôn mặt của kẻ thù.
Những cuộc chiến của một thời kỳ khác, gậy, đá, lưỡi rìu, từ ngữ,
dao cùn và sắc bén, tình yêu và oán thù,
Những cuộc chiến hiện đại: liên thanh, hỏa tiễn,
từ ngữ, mìn nổ, tình yêu và thù oán.
Tôi không muốn làm tròn lời tiên tri của cha mẹ tôi
rằng cuộc đời là một cuộc chiến tranh
tôi muốn sự bình yên của toàn thể thân xác tôi và của toàn thể linh hồn tôi.
Ước gì tôi được nghỉ yên.
 
 

*

 
Khi tôi chết tôi sẽ để cho những người đàn bà đơn độc chăm sóc tới việc tắm rửa cho tôi
tôi sẽ phó thác cho những đôi mắt xinh đẹp của họ chuyện cất khỏi
đôi vành tai tôi những lời cuối cùng nghe thấy,
và tẩy chùi trên môi tôi những lời cuối cùng đã thốt ra
xóa đi những hình ảnh của mắt tôi và những âu lo trên trán tôi
gập đôi cánh tay tôi lại trên ngực, như những ống tay áo
của một chiếc sơ-mi đã là ủi.
Chùi bóng thân xác tôi bằng dầu thơm để tấn phong tôi
làm vua của cái chết trong chỉ một ngày
và sắp đặt giữa cặp đùi tôi, như một lẵng trái cây,
những ngọc hoàn và cái giống của tôi bên cạnh cái rốn và đám lông quăn,
một bức tĩnh vật lộng lẫy của những thế kỷ đã qua,
một bức tĩnh vật thật tĩnh trên nền nhung thẫm.
Họ sẽ mơn trớn những cửa khổng trên người tôi bằng những chiếc lông chim
để nghiệm xem tôi có còn sống.
Chan hòa nước mắt và niềm vui họ sẽ xoa bóp cho tôi một lần cuối
khiến toàn thế giới qua tôi rung động cho tới ngày chót.
Một người sẽ hát lời kinh nguyện cùng Thượng đế đầy yêu thương,
bằng một giọng dịu êm nàng sẽ hát lên cùng Thượng đế về lòng mẹ
để nhắc nhở với ngài rằng tình yêu xuất phát từ người mẹ, tình yêu đích thực,
nguồn xuất phát đích thực, tình yêu đích thực, ân sủng đích thực.
Đối với cuộc đời tôi, ấy là những gì tôi muốn khi tôi chết, đối với cuộc đời tôi.
 
 

*

 
Yehuda Halevi hát: «Trái tim tôi ở phương Đông, và tôi ở mút cùng phương Tây».
Ấy là cuộc chu du của người Do-thái, cách vận dụng của con tim Do-thái giữa Đông và Tây
giữa cái tôi và trái tim, khứ hồi, chỉ một lần đi hay một chuyến về.
Chắc chắn là lang thang, kẻ lữ hành không ngừng, như người Do-thái Freud,
giữa thể xác và linh hồn, giữa linh hồn và linh hồn, và chết giữa hai thứ.
Thế giới này là thế giới nào nơi trái tim ở một nơi và thân xác ở nơi khác
(gần như một trái tim giật ra từ thân xác và ghép vào một thân xác khác).
Tôi nghĩ đến những người lấy tên một nơi chốn làm tên họ
một nơi chốn xa lạ mà họ sẽ không bao giờ biết tới. Tôi nghĩ đến người họa sĩ
vẽ theo hình chụp khuôn mặt của một người xa lạ.
Tôi nghĩ đến sự lang thang của người Do-thái không phải sự lang bạt
của đàn chim thiên cư
được sắp đặt theo mùa hè và mùa đông, theo sự sống và sự chết, mà là theo
những luyến tiếc của tâm hồn,
chính bởi thế mà có biết bao người chết và Thượng đế nơi miệng họ có tên là Nơi chốn.
Lúc này khi họ đã tìm lại được nơi chốn ấy, Thượng đế đã bắt đầu
bỏ đi nơi khác, họ sẽ không còn gọi ngài bằng Nơi chốn nữa mà bằng những Nơi chốn,
Thượng đế của những Nơi chốn.
Cả đến sự phục sinh của những người chết cũng là một cuộc chu du dài.
Cái gì còn lại,
ấy là những chiếc va-li trên tủ áo.
 
 

*

 
Tôi không phải là một trong sáu triệu người
đã chết của thời Tai ương*, cũng chẳng phải cả đến một kẻ thoát nạn
hay một trong sáu mươi ngàn người ra khỏi xứ Ai-cập
nhưng tôi đã tới đất hứa qua đường biển,
tôi không phải thuộc về những người ấy nhưng lửa và khói
còn lại nơi tôi, và những cột lửa và khói
chỉ cho tôi
con đường ngày và đêm. Tôi luôn luôn tìm kiếm trong tuyệt vọng
lối ra cấp cứu và những nơi êm dịu,
sự trần truồng của trái đất để bỏ trốn trong yếu đuối
và trong hy vọng. Tôi vẫn còn thèm muốn trút lấy
nước hằng sống trong lời câm nín của tảng đá lớn và sự hỗn độn.
Rồi ấy là im lặng không hỏi đáp.
Lịch sử Do-thái và lịch sử thế giới
là một cái cối xay nghiền nát tôi đôi khi
tới thành bột; khi thì năm theo mặt trời lấn qua
năm theo mặt trăng, khi thì nó làm chậm lại.
Chúng nẩy lên và cho cuộc đời tôi một chuyển động bất tuyệt
nhưng tôi đôi khi rơi vào khoảng phân cách chúng
để ẩn mình hay để chìm đắm.
 
--------------------------
* Shoah. (người dịch)
 
 

*

 
Cuộc đời tôi là người làm vườn của thân xác tôi. Đầu não tôi
một ôn thất khép kín
với những thức kỳ hoa và dị thảo,
nhạy cảm và nóng nảy.
Khuôn mặt là một khu vườn kiểu Pháp vẽ bằng những hình thể chính xác và
những khoảng vòng tròn
những khối cẩm thạch và những tác phẩm điêu khắc, những nơi để nghỉ ngơi,
tiếp xúc, cảm nhận, nhìn ngắm
và khuất dạng trong một mê lộ xanh của những lối mòn: không được dẫm chân lên, không được hái.
Phần thân trên ở bên trên rốn là một khu vườn Anh quốc có một vẻ tự do
không góc cạnh cũng chẳng có nền lát, tựa như thiên nhiên và con người, được tạo theo hình ảnh của chúng ta,
đôi bàn tay của nó cột nó lại với đêm tối rộng lớn ở chung quanh.
Phần thân dưới của tôi, dưới lỗ rốn, khi thì là
một khu dự trữ tự nhiên
khủng khiếp, hoang dại và tuyệt vời, được phòng ngừa nhưng không được bảo tồn,
khi lại là một khu vườn Nhật-bản, tập trung ẩn ý và
những động tác khoan thai,
những ngọc hoàn và bộ phận bằng đá nhẵn nhụi, một vùng thảo mộc
mờ tối ở chính giữa và những lối mòn chính xác đầy hiểu biết
và dịu khuây. Và những giáo điều của cha tôi và những mệnh lệnh của mẹ tôi
là những tiếng chim hót và khúc ca. Và người đàn bà mà tôi yêu
là nhiều mùa và thời tiết, và lũ trẻ đang nô đùa
là các con tôi. Và cuộc đời này là cuộc đời tôi.
 
 

*

 
Paul Celan, về thời cuối các từ đã trở thành họa hiếm
mỗi từ đã trở thành quá nặng đối với thân xác anh
khiến Thượng đế đã buông anh như một trái cân trĩu xuống,
một khoảnh khắc nhỏ, để nghỉ mệt và lau mồ hôi.
Rồi ngài đã buông anh để nâng một trái cân nhẹ hơn,
một nhà thơ khác. Nhưng những bọt sủi cuối cùng
cất lên từ miệng anh chìm đắm đã là
cái cô đọng sau chót, cái tinh chất nhẹ nhàng
của sức nặng đời anh.
 
 

*

 
Giê-ru-sa-lem luôn luôn thay đổi sở thích, như vua David
cũng đã thay đổi sở thích và khuôn mặt để thoát khỏi cái chết.
Những người đã chết muốn giống như những kẻ sống lại, và những người còn sống
muốn giống như những người đã chết,
hòa bình mang một mặt nạ chiến tranh hãi hùng và chiến tranh
thay đổi sở thích thiên hòa bình. Và chúng ta những người ở bên trong
chính là bằng những bộ y trang kỳ dị, thân hình ngay đơ, một vẻ mặt thanh cao siêu thoát
mà người ta đã phô bày chúng ta trong tủ kính lịch sử
cho những kẻ hành hương, những khách du lịch và các thiên sứ tối cao. Chúng ta
đã hết sức mong muốn
giả bộ là những người điên vì vui sướng trong những cửa tiệm âm u
«trần truồng và không hổ thẹn» như ở vườn Địa đàng.
Và các thánh nhân đã lên trời trong xa xăm quá khứ
và các phi hành gia sẽ lên trời trong tương lai xa xăm
làm như thể họ bỏ trốn nó để lên các tầng cao, là vì
so với Giê-ru-sa-lem, cả không gian nữa cũng là vô tận
nó chắc chắn hơn, che chở hơn, như một ngôi nhà thật sự.
 
 

*

 
Khi Giê-ru-sa-lem chịu cảnh tang tóc, những người thăm viếng và ủi an
không để cho nó được một ngày và một đêm ngơi nghỉ,
ý vị hơn nữa là họ không hề nhắc tới người quá cố hay cuộc đời của người ấy,
mà chỉ bàn thảo với nó về những công chuyện của thế giới và trong ngày.
Đầy ắp những cuộc chuẩn bị, nó không có thì giờ để để tang,
nó vẫn chưa hiểu rằng nó vừa là người chết
vừa là kẻ để tang. Người ta sẽ không để cho nó ngồi một mình.
Nhưng nó vẫn giữ những nơi chốn cầu nguyện xưa,
như một bà mẹ giữ căn buồng của một đứa con đã tử trận:
bà sẽ không thay đổi gì hết ở đó, bà sẽ không mở bức màn.
 
 

*

 
Giê-ru-sa-lem tựa như một hòn đảo Atlantide đã mất tích ngoài biển.
Tất cả đã biến mất nơi nó, tất cả đã chìm đắm. Đó là Giê-ru-sa-lem ở bên dưới
thuộc phía dưới. Và từ đáy thẳm lại trồi lên những bức tường đã bị phá hủy
và những gì còn lại của các tôn giáo, như những con tàu bị đắm của lời tiên tri,
phủ đầy rỉ sét. Không phải rỉ sét mà là máu chẳng hề khô đi.
Những bình bằng đất nung tràn đầy rong rêu và san hô của thời gian và cuồng nộ của thời gian,
những đồng tiền của những ngày xưa cũ: quá khứ truyền lại cho bọn lái buôn.
Nhưng Giê-ru-sa-lem cũng có những kỷ niệm rất trẻ
những kỷ niệm tình ái của đêm qua, trong sáng
và lanh lẹ như những mình cá xinh đẹp giẫy giụa trên mặt lưới.
Nào, ta hãy ném chúng trở lại với Giê-ru-sa-lem!
 
 

*

 
Giê-ru-sa-lem là một vòng ngựa gỗ quay quay và xoay vòng
chung quanh thành phố cổ và mọi khu phố của nó để
trở lại với cổ thành.
Không thể nào bước xuống. Ai nhảy ra khi đang chạy liều mạng sống của mình
và ai xuống vào hồi cuối lại phải trả tiền
để lại đi những vòng khác không dứt.
Thay vì những thớt voi và ngựa gỗ nhiều màu
có những tôn giáo lên lên xuống xuống và cũng xoay vòng
chung quanh trục của chúng theo điệu nhạc đã thoa dầu trơn tru của những nơi cầu nguyện.
Giê-ru-sa-lem: một cây đu. Đôi khi tôi lên trời, tôi kêu
như một đứa trẻ mà hai ống chân đong đưa ở những nơi cao,
con muốn xuống, ba ơi, con muốn xuống,
cho con xuống đi ba.
Và hết thảy các vị thánh nhân cũng lên trời như thế
như một đứa bé kêu: ba ơi, con muốn ở lại mãi trên cao,
đừng bắt con xuống nhá, lạy cha của chúng con, đức vua của chúng con.
Hãy để chúng con ở trên cao, lạy cha của chúng con, đức vua của chúng con!
 
 

*

 
Ở Giê-ru-sa-lem tất cả đều là tượng trưng, cả đến hai người tình
như con sư tử, hay cái mái vòm thiếp vàng và những cổng thành.
Khi thì các thứ tượng trưng ấy quá mềm không thể yêu nhau
khi lại quá cứng như đá, nhọn hoắt như đinh.
Chính bởi thế mà người ta yêu nhau trên một tấm nệm có 613 cái lò-xo
như con số của những giới răn quy định:
nên làm, đừng làm, điều ấy tốt cho ái tình
cho những thú vui của nó. Người ta phát âm khi nghe những tiếng chuông
và những tiếng kêu của kẻ báo giờ cầu nguyện, bên giường ngủ những đôi giày trống rỗng
như ở lối vào một giáo đường Hồi.
Và trên trụ cửa có đề:
Các người hãy yêu bằng tất cả trái tim và tất cả linh hồn.
 
 

*

 
Tại sao lại Giê-ru-sa-lem. Chứ không phải Babel với ngọn tháp và vô số những ngôn ngữ của nó,
tại sao lại không phải Saint-Petersbourg với những bí mật
của những đêm trắng không kém gì y phục của vị đại tư tế
Petersbourg với những cái tên thay đổi: Saint-Peter Saint-Lénine.
Tại sao lại không phải La-mã với những hang toại đạo,
tại sao lại không phải La Mecque và tảng đá đen,
tại sao lại không phải Vancouver và đàn cá hồi lội ngược đại dương bằng cách bò sát bụng
để leo trèo một ngọn núi thật khó khăn vất vả
như những kẻ hành hương, những người sám hối với những vây và vảy cá,
chết khi lên tới đỉnh cao.
 
 

*

 
Ở Giê-ru-sa-lem hai người tình nói chuyện với nhau
có cái hứng khởi của những người hướng dẫn: họ đưa ngón tay chỉ trỏ,
chạm tới, giải thích: ấy đôi mắt của cha tôi đó, đôi mắt em đang nhìn thấy
trên khuôn mặt tôi, ấy cặp đùi nhẵn nhụi em đã thừa hưởng được
của một bà mẹ xa xăm thời Trung Cổ, tiếng tôi là tiếng nói đã có
từ ba ngàn năm, đây là màu mắt em, tác phẩm lắp ghép bằng những mẩu nhỏ của hồn em,
những địa tầng của nó. Chúng ta là những nơi thánh.
Và trong những hang động xưa người ta có thể ẩn mình và viết
những cuộn giấy bí mật và nằm dài ở đó trong đen tối.
Khi tôi thấy trong một cái hang đã bị lãng quên ở Ein-Kerem
đám lông một con gà trống và tấm áo bị xé rách của một người phụ nữ
tôi đã nổi cơn ghen dữ dội, gần như trong Thánh kinh.
Và trong khoảnh sân của cô nhi viện ở bên cạnh cái hang đó
đột nhiên là tiếng ồn ào náo động của những em gái nhỏ
và các dì phước ở tu viện, một con dê cái điên rồ,
đàn chó sủa.
Rồi là im lặng và một bức tường đen.
 
 

*

 
Đôi khi Giê-ru-sa-lem là một thành phố của những lưỡi dao:
cả đến những hy vọng hòa bình cũng được mài bén để chặt đứt trong
thực tế khó khăn chúng cùn nhụt hoặc gãy.
Những cỗ chuông ở các thánh đường đã có quá nhiều nỗ lực hòa bình,
khiến chúng trở nên nặng nề, như một cái chày tán nát
trong cối giã
những tiếng nói nặng nề, nghiêm trọng và khích động. Và khi
người ca sinh ở thánh đường và kẻ nhắc giờ cầu nguyện của giáo đường Hồi cất tiếng hát
trỗi dậy tiếng kêu sắc nét:
đức chúa của chúng ta Chúa của hết thảy là một Chúa
duy nhất và sắc bén.
 
 

*

 
Có những ngày mà mọi người đều nói: tôi đã có đó
tôi có thể làm chứng, tôi ở kế bên tai nạn,
vụ nổ, vụ đóng đinh thập giá, tôi gần như đã bị thương,
gần như đã bị đóng đinh,
tôi đã thấy cô dâu chú rể dưới tàn lọng hôn nhân, tôi lúc ấy gần như hạnh phúc,
tôi đã rình mò chỗ ăn nằm của David và Batsheva, tình cờ
lúc ấy tôi đang ở trên mái, tôi đang sửa chữa giàn ống,
tôi đang hạ xuống một lá cờ,
chính mắt tôi đã thấy phép lạ dầu tự thắp sáng lại
trong đền thờ,
tôi đã thấy tướng Allenby tiến vào qua cổng Jaffa,
tôi đã thấy Thượng đế.
Và có những ngày mà tất cả đều tại ngoại: lúc ấy tôi không có mặt tại đấy,
tôi không nghe thấy,
chỉ có một tiếng nổ ở xa xa, và tôi đã bỏ chạy,
tôi có thấy khói,
nhưng lúc ấy tôi đang đọc báo. Lúc ấy tôi ở nơi khác.
Tôi không thấy Thượng đế. Tôi có những người làm chứng.
Và Thượng đế của Giê-ru-sa-lem là một Thượng đế của tại ngoại muôn thủa:
ngài không có đấy, ngài không nhìn thấy gì hết, không nghe thấy gì hết
ngài ở nơi khác. Vả lại, ngài là Nơi chốn.
 
 

*

 
Tôi đã dạy cho các con tôi bước đi và bây giờ chúng rời bỏ tôi
tôi đã dạy cho chúng nói với thế giới
và bây giờ chúng dạy tôi nói với trái tim tôi,
tôi đã dạy cho chúng ngủ nghê và tôi vẫn thức ban đêm.
Lạc đà tôi có cái bướu những tình cảm. Tôi là một con gấu
của những âu lo. Những âu lo
tôi duy trì dưới một lớp mỡ và lông.
Tôi là một con đại thử
mà cái túi đã rỗng tuếch. Trên hồn tôi có một chỗ dành riêng cho nỗi đau
như trên những tờ in sẵn nơi người ta cho biết cái gì cần phải cắt ra và gửi đi.
Đầu tôi là một cái khuôn và trái tim tôi một chỗ để xe và hai bàn tay tôi vô dụng
Những thay đổi như thế thỉnh thoảng lại xảy ra cho tôi.
Trao đổi vai trò, thay đổi nơi chốn, trao đổi và thay đổi,
tôi là chuyên viên về những luyến tiếc mong manh
và những thèm khát dễ tan biến. Nếu như tôi là một thiên thần
hẳn là tôi sẽ chóng mỏi mệt vì phải bay bằng chính đôi cánh của tôi.
 
 

TRÁI BOM DO-THÁI CỦA THỜI GIAN

 
Trên bàn tôi một mẩu đá có khắc chữ Amen, một mảnh vụn vỡ
thoát được từ hàng chục ngàn tấm mộ thạch bị bể
trong những nghĩa địa Do-thái. Tôi biết rằng tất cả những mẩu vụn ấy
lúc này đã dồn đầy trái bom lớn Do-thái của thời gian
cùng với những gì còn lại khác: những mảnh vụn vỡ của những phiến đá ghi khắc Thập giáo điều
và của những ban thờ, những thập giá và những chiếc đinh đã rỉ sét dùng để đóng đinh trên thập giá
và của những gì còn lại khác nữa: những dụng cụ bếp núc và những dụng cụ thánh thiêng,
những hài cốt,
giày dép và kính đeo mắt, những bộ phận nhân tạo và răng giả,
những ve chất độc tuyệt diệt đã trống rỗng. Tất cả
dồn đầy trái bom lớn Do-thái của thời gian cho tới mãi ngày tận thế.
Và dẫu như tôi biết tất cả về nó và về ngày tận thế
mẩu đá ở trên bàn tôi đây lại cho tôi sự bình yên
nó là một hòn đá của sự thật không còn bị chối cãi
hòn đá hiền triết hơn cả điểm kim thạch, mẩu vụn của phần mộ
nó là hoàn hảo của hoàn hảo.
Bằng chứng của tất cả những gì đã xảy ra
và của tất cả những gì sẽ mãi mãi xảy ra: amen và tình yêu.
Amen, và ước chi ý Chúa được thể hiện.
 
 
Đã đăng:
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021