thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Nhà thơ? Kẻ gây tội ác? Người điên?" và những bài thơ khác
(Diễm Châu dịch)
 

Phương thức

 
Muốn tự tử
phải chờ ăn xong bữa điểm tâm đã.
Vào bữa điểm tâm tốt nhất là nên uống một ly
sữa.
Sữa chứa nhiều sinh tố A.
Sinh tố A phòng các bệnh về
con mắt.
Mắt dùng để nhìn.
Cần phải nhìn
thế giới.
 
Muốn tự tử
phải gây ít tiếng động hết sức.
Thật nhẹ nhàng
như một con ruồi lướt qua
giữa những sợi giây vĩ cầm
với một tiếng vang óng mướt như lụa hay có lẽ
một thoáng mơ hồ tiếng thở dài.
 
Và những vụn bánh
phải ném cho chim chóc
để chúng tiếp tục sống.
Để chúng tiếp tục
sống.
 
                                         (1970)
 
 

Trẻ nhỏ

 
Trẻ nhỏ họp lại với nhau trong những đêm sầu xứ.
Trẻ nhỏ họp lại với nhau trong những phiên họp ban chấp hành.
Trẻ nhỏ có kinh nghiệm.
Một vài đứa không biết về con thiên nga.
 
Trẻ nhỏ có căn cước. Chứng chỉ khai sinh.
Sổ sức khỏe. Giấy khai tử.
Trẻ nhỏ chọn người lãnh đạo
để đọc diễn văn ngợi ca con ngựa đu.
 
Trẻ nhỏ đánh cướp máy bay bắt cóc các viên bộ trưởng.
Trẻ nhỏ di cư tới tận cùng trái đất.
Trẻ nhỏ bá cáo về cha mẹ.
Trẻ nhỏ đấu tranh cho các quyền của búp-bê.
Trẻ nhỏ hợp với những bộ áo da lông cừu non.
Trên không những tấm bánh ngọt lập lờ trôi nổi.
Trẻ nhỏ nhớ tới thời Đế quốc La-mã
và buồn bã gật gật những mái đầu nho nhỏ.
 
Trong vườn trẻ rộng lớn của các dân tộc
trẻ nhỏ chơi banh và
nhổ hột anh-đào vào nhau.
Chúng bật một mặt trời nhân tạo
một mặt trời mọc lên như một trường hợp giảm khinh.
Rồi trẻ nhỏ dẹp đồ chơi lại
và hăm hở khởi sự hoàn thành
những trẻ nhỏ mới.
 
                                         (1972)
 
 

Chim

 
Đứa trẻ đó sinh ra đã nghịch thường.
Một ngọn núi lửa thét vang từ miệng nó
và đông đặc lại trong không.
Đôi mắt nó lóe lửa
khiến ngôi nhà bốc cháy.
Chỉ có thể nhìn được đứa trẻ đó khi nó thiu thiu ngủ.
Lúc ấy trông nó tựa như một thiên thần
té lộn đầu.
Nhưng đứa trẻ ấy biết một điều gì đó
và cố báo trước cho chúng ta một điều gì đó.
Để làm thế
nó đã gia nhập một khóa hòa âm.
 
Sau năm mươi năm
đứa trẻ kia quyết định trở thành chim.
Lúc này nó bay quanh quất khu hàng xóm.
Ta có thể nhận ra được nó lúc chiều muộn
khi đột nhiên nó vút lên và thét vang
«Hỡi giống người!»
và hết thảy các loài chim khác
kêu ré lên tản mác.
 
                                         (1972)
 
 

Lời kêu gọi

 
Hỡi các vị thần linh của toàn thế giới hãy đoàn kết lại!
Hãy thành lập một đảng duy nhất có tim và gan tập thể.
Và cứu lấy người giao sữa
kẻ vào lúc năm giờ sáng
vắt những sương mù của ban mai
và ca một điệu ca nói tới tự do.
 
                                         (1974)
 
 

Không bị kiểm duyệt

 
Tôi
sinh trong phòng thí nghiệm
theo giả thuyết là mồ côi
tôi xin khai
rằng em gái tôi
sinh trong một căn buồng của thế kỷ XX
đã đánh mất con búp-bê bằng máy của tôi
từng thay thế cho tôi
thiên thần.
 
Tôi
Kinh nghiệm
Thử nghiệm  Rốt cuộc  Thành công
được trưng bày trên những sân banh
đứa con tập thể của nền y khoa
với chiếc nút thòng lọng thân thương trên cổ
tôi yêu cầu kẻ lương thiện nào sẽ tìm thấy nó
hãy trả lại tôi con búp-bê của tôi
mà người ta không thể thay thế bằng
một thiên thần.
 
Dấu hiệu đặc biệt của con búp-bê:
nó nói rõ hai chữ không bị kiểm duyệt
ba má.
 
                                         (1974)
 
 

Không có gì chắc chắn

 
Anh có thể trở thành một người điên
Anh có thể đổi chỉ tệ điên lấy thiên tài.
 
Không có gì chắc chắn.
 
Trong mười chứng nhân
có mặt tại tòa
người thứ mười một sẽ làm chứng
rằng anh có tội.
 
Họ có thể đem đến cho anh một dân tộc trong một chiếc cặp da.
Anh có thể say mê nó vì sợ
hay vì yêu mến.
 
Anh có thể trồng các thứ rau
đầu độc anh.
 
Bộ sưu tập vũ khí của anh
có thể bắn anh chết.
 
Anh có thể gặp may ngày mai
dẫu ngày mai là thứ Ba.
 
Không có gì chắc chắn.
 
Cả đến chứng ung thư trong tổ chức tế bào của tôi
cũng không chắc chắn được ngày mai.
 
                                         (1974)
 
 

Ngôi nhà của tuổi trẻ lặng lẽ

 
Ở trung tâm cho thuê phản kháng
quán ăn đã mở.
 
Một hồ rượu vang đỏ
chảy bên những khung cửa sổ.
 
Thử thách lịch sử
bạn có thể bơi trong đó.
 
Tiếng hoan hô không phải lúc nào
cũng báo hiệu thắng lợi ở đây.
 
Trên tất cả người ta ưa
lối đánh cờ thí toàn quốc.
 
Nơi những phòng chơi
họ giành được những thất bại vẻ vang.
 
Một vài người lượm những trái dâu dại
và bằng chứng thích đáng.
 
Dưới cánh buồm căng của chăn mền
họ thường lướt êm vào giấc ngủ.
 
Những người khác trừng trừng nhìn cánh cửa ra vào
như thể sự giải thoát có thể tới bằng lối ấy.
 
Một đôi người nghĩ tới một xứ khác ở bên trên
nơi này đối với họ quá bức sốt.
 
Ngôi nhà của Tuổi trẻ lặng lẽ
xám như một con bồ câu.
 
                                         (1978)
 
 

Những câu hỏi tại một buổi đọc thơ

 
Chị ưa thích màu gì?
Ngày may mắn nhất?
Bài thơ vượt quá trí tưởng của chị?
Chị không có một hy vọng nào sao?
Chị làm chúng tôi sợ.
Tại sao lại bầu trời đen
tại sao lại thời gian bị bắn hạ?
Bàn tay rỗng   một chiếc nón trôi trên đại dương?
Tại sao lại một tấm áo cưới
với một vòng hoa tang?
Những hành lang bệnh viện
thay vì những lối đi trong rừng?
Tại sao lại quá khứ chứ không phải tương lai?
Chị có đức tin? Hay không có?
Chị làm chúng tôi sợ.
Chúng tôi xa lánh chị.
 
Tôi cố ngăn chận họ.
Họ lao thẳng vào lửa.
 
                                         (1982)
 
 

Từ một chuyến đi

 
Chúng ta ở trên cùng một chuyến máy bay.
Cùng một bên cánh chói lòa con mắt.
Chúng ta đã ăn một dĩa sà-lách Trung-hoa với trái ô-liu.
 
Anh ngồi đó với chiếc áo sơ-mi thường lệ.
Anh hút thuốc vẫn những điếu Winston ấy.
Đôi mắt anh xem xét những mặt hồ mây.
Vết nhăn bên má trái anh.
Nét méo xệch trên miệng anh.
Ấy bàn tay anh đang nắm lấy tờ nhật báo.
Nụ cười anh đã mỉm cười với cô chiêu đãi viên.
 
Và khi em gọi tên anh
anh đáp: xin lỗi, bà đã nhầm tôi với một ai khác –
anh đã nói điều ấy với một giọng nói mà em biết rõ.
 
Và mặc dù bảy năm đã trôi qua
kể từ đám ma anh
anh vẫn không thay đổi gì hết.
Có lẽ trên người anh cái chết có hơi dư thừa đôi chút.
Một chiếc đồng hồ trống rỗng trên cườm tay anh
và bên kia khung cửa máy bay
đêm màu hồng.
 
Anh đưa cho em tấm danh thiếp của một người xa lạ.
Anh chìa bàn tay lạnh giá.
Mí mắt đã chết của anh
phản chiếu trong khung cửa.
 
Đèn đã bật lên.
xin cột dây đai ở ghế ngồi
Trái đất tới gần.
Những vòng hoa tang của đám đông chào đón.
 
                                         (1982)
 
 

Người gác-dan cuối cùng

 
Người gác-dan cuối cùng nói:
Không, đây không phải một câu chuyện cổ của Grimm
đây là một xứ sở.
Những Người Nọ đánh bại những Kẻ Kia
tặng những kẻ kia một chuyến du ngoạn
tới quần đảo Canary.
May những cô bé quàng khăn đỏ để xuất cảng
đã trở thành quen với con sói.
(Hansel và Gretel ở nước ngoài
vẫn chưa trở lại.)
Những Kẻ Kia lúc này là những kẻ lái xe
ở những trạm Xe điện ngầm.
Họ bán vé và hỏi hành khách
bao nhiêu nắng?    giờ nào?
Ngày lúc này đã dài hơn. Chưa phải lúc.
Chó sói chết đói. Những cô bé quàng khăn đỏ
đồ xuất cảng bị trả lại
được gửi về thị trường trong nước.
Ngoài chuyện đó ra những cuộc bầu cử được tổ chức
cho các nhà làm ảo thuật và những người leo dây giỏi.
Những cuốn sách về thảo dược và kiểu đầu «húi cua»*lại hợp thời trang.
Các bà già tàn úa
xoay tít trước các cửa hàng
trên những vòng ngựa gỗ.
Năm giờ sáng sắp tới
nhưng nặng nề vô định.
Duy có vẻ đẹp điên rồ của cảnh vật
đôi khi còn bắt kịp tôi
và chúng tôi chết như bất cứ thứ gì khác
đã sống khoảng thời gian vắn vỏi của mình.
Giờ trò chuyện đã mãn.
Đằng sau người gác-dan cuối cùng của thảm họa
cánh cổng khép lại.
 
                                         (1985)
----------------------------
* hớt ngắn. (người dịch)
 
 

Ngày đầu xuân

 
Vào bốn giờ sáng khi
tôi thấy bà tôi
bay trên thành phố
với một cái túi đi chợ
lại đôi giày mòn của bà
tấm áo choàng trùm lên giấc ngủ –
tôi ra sức ngăn chận bà
bằng tiếng rì rầm của người Tầu.
Tôi kéo tấm màn lưới
Tôi lau những phiêu vật bám ở cầu thang.
Bà tôi đứng sắp hàng.
Lim dim nhìn quanh quất kiếm mồi.
Chả có ai giải quyết được gì lúc này.
Để có lợi cho ai cả.
 
Ngày đầu xuân
di cư từ cuốn lịch.
 
                                         (1985)
 
 

Công dân của một nước nhỏ

 
Công dân của một nước nhỏ
bất cẩn sinh bên bìa Âu châu
được kêu gọi tới để suy ngẫm về tự do.
Ở tình trạng trừ bị y chưa bao giờ nghĩ tới điều đó.
Y bỏ dở cuộc nuôi cá voi buổi sáng.
Y lật tự điển.
Có vài lần trong đời
y đã từng băng ngang tự do với một chiếu khán thông quá.
Đôi khi y dừng lại đấy để ăn trưa
và uống một ly nước cam.
Đôi khi ấy là
những trạm xe điện ngầm.
Những ống tay áo đen đường hầm.
Những toa tàu kéo dây cáp trên miệng vực.
Thế nhưng y bao giờ cũng trở lại.
Với sưu tập cá voi của y.
Với tiệm giặt hóa học tiến bộ
vừa mới được tặng
huy chương tốc hành.
Với những Hãng lớn
chính thức bác bỏ tình hình khí tượng chung.
Với những câu lỡ miệng
loan báo những thay đổi lớn.
Với lãnh địa tự do tư của y
nơi y tản bộ
khoác một tấm áo-nổi
với một hộp cứu thương đeo trên vai.
Những không gian này chào đón y ban đêm.
Y bị sợ hãi, dưới dạng chiếc găng tay đen của một người, săn đuổi.
Rốt cuộc «Bình minh Bắc cực» đã xuất hiện với y.
 
Y tự tay
treo cổ mình
ở quảng trường thắng lợi.
Y đã chọn lựa gì? – y tự hỏi.
Điều phi lý nhỏ hơn
hay một vấn đề còn lớn hơn nữa?
 
                                         (1985)
 
 

Những biến cố

 
Một con cá cắn phải lưỡi câu. Mà chẳng buồn thở dài.
Trên bờ người câu cá thở dài. Con cá thật còm cõi.
Một con cá thứ nhì may mắn thoát khỏi mồi nhử.
Trong họng một con cá thứ ba nó đã nhận ra được điều ấy.
 
Một người mắc bệnh ung thư vẽ một bức tranh
và chết khi trên tấm tranh đó mặt trời lặn.
Một bệnh nhân khác bình phục. Trong vườn nhà người ấy trồng
giống cúc vàng.*   Rồi tự treo cổ bằng thắt lưng.
 
Một con bướm đêm lọt vào qua khung cửa khép.
Mở cuộc Kháng chiến chống lại bóng tối
nhưng đã chết trong ánh sáng. Và nhận được một huy chương
vì thắng lợi vẻ vang này. Vì cái chết chóng vánh.
 
Bằng một nhát chổi người coi nhà đã xua đuổi một mối tình đầu.
Con diều của những ý nghĩ đột ngột tới đụng phải những vách nhà.
Trẻ nhỏ đi học. Những người đàn bà bước về phía trẻ nhỏ.
Những người đàn ông bước về phía đàn bà. Cuộc đời tiếp tục theo dòng.
 
---------------------------
* des soucis. (người dịch)
 
 

Những tấm kính

 
Thật là buồn khi phải nhìn qua những tấm kính hình thuôn này.
Những người đàn bà nghế ngái lay lắc chút phấn hồng trên má.
Bên cạnh họ bước qua những hành khách buồn.
Đằng sau họ là một phong cảnh. Quân đội bước.
 
Trong phong cảnh có những chiếc bàn. Trên bàn có rượu.
Ở một bàn có một người thiếu nữ. Trong người thiếu nữ có một tiếng cười.
Trong tiếng cười một nỗi buồn. Và tất cả hệt như ở rạp xi-nê
trong những tấm kính hình thuôn này. Trong người thiếu nữ có một tiếng cười.
 
Thật là buồn khi phải nhìn. Những người đàn bà nửa tỉnh nửa mê.
Trong những người đàn bà có tình yêu. Trong tình yêu một kết thúc.
Thế rồi chỉ còn lại những tấm kính hình thuôn
và nỗi buồn. Những hành khách. Trong tình yêu một kết thúc.
 
Trong các hành khách có một chuyến tàu. Trong họ những vòng bánh nện mạnh.
Trong những vòng bánh có vĩnh cửu. Trong vĩnh cửu có sự sợ hãi.
Trong nỗi sợ có im lặng. Và trong im lặng là im lặng lớn nhất.
Trong những hành khách có một chuyến tàu. Và những vòng bánh quay quay.
 
Thật là buồn khi phải nhìn. Quân đội bước.
Trong người lính có một viên đạn. Và trong viên đạn là cái chết.
Trong cái chết có tất cả và chả có gì hết trong cái chết.
Trong tiếng cười là một nỗi buồn. Trong tình yêu một kết thúc.
 
Ngồi ở bàn là một thiếu nữ. Trong người thiếu nữ có một trái tim.
Trong trái tim có một người lính. Trong người lính một viên đạn.
Và trái đất đã ôm ghì lấy thân hình người lính.
Và người thiếu nữ khóc. Các hành khách bước qua.
Đêm lạnh soi mình trong những tấm kính hình thuôn.
 
 

Một con mắt chim ưng

 
Tôi sống đã 75 năm
thế nhưng tôi chỉ nhớ có một giờ
ở thị trấn nhỏ Vejer de la Frontera
trong giờ ấy chả có gì xẩy ra ngoài sự sống.
Tôi đã đọc cả ngàn cuốn sách
thế nhưng tôi chỉ nhớ có một câu:
« Giờ thì ta hỏi: chẳng phải là điên rồ sao
khi chết vì sự kinh hoàng của cái chết? »
Tôi đã từng thán phục các nhà danh họa
thế nhưng trước mắt tôi bây giờ là một đám khói lê thê
trên nền giấy dán tường màu trời bạc phếch.
Những dàn đại hòa tấu đã im bặt.
Từ một chiếc đồng hồ không chống lại sự thẩm thấu
thời gian đang rỉ ra.
Càng lúc tôi càng chẳng suy tư một điều gì hết.
Trong một quán ăn vắng vẻ
người hầu bàn dọn cho tôi
một con mắt chim ưng.*
 
                                         (1990)
-------------------
* a hawk's eye. (người dịch)
 
 

Giã từ mọi người

 
Giã từ mọi người.
Tôi cho thuê thế giới
với đầy đủ tiện nghi.
Những tủ áo núi đồi.
Những tấm thảm bình nguyên.
Những núi lửa thùng chứa.
Những lục địa và bán đảo vô rương.
Không khí đóng hộp.
Những mũ trùm hồ nước
cắm lông cói.
Những sa mạc đồng hồ cát.
Những đại dương trong lon bia.
Những dải ánh sáng Bắc cực trên bàn.
Những mạng lưới bản đồ quấn quanh
người ta     thú vật     cỏ cây.
Những tấm khăn choàng dây leo.
Những nghĩa địa phủ đầy rỉ sét.
Mạng nhện thời gian    một con chim cu chạy bằng thạch anh.
 
Nơi viện dưỡng tế *
tôi tới thăm quê hương.
Trên một đồng cỏ phủ một tờ báo
một cái chai bị đập bể.
Trong khung cửa sổ, một đốm lửa ma trơi.
 
Giã từ mọi người.
Đằng sau cánh cửa
một con cá voi bằng đá hoa cương
đang chờ tôi.
 
                                         (1990)
-------------------------------
* Theo bản Pháp văn của Isabelle Macor-Filarska và Grzegorz Splawinski: «Trong ngôi nhà của những người không thể chữa trị ». (người dịch)
 
 

Nhà thơ? Kẻ gây tội ác? Người điên?

 
Ông quan niệm thế giới của mình từ khởi đầu tới chấm hết.
Một vùng giấy nhạt mờ nơi ông trồng những bông bách nhật hồng.
Ông ghê sợ tưởng tượng
cõi sa mạc ném cát vào mắt và miệng ông.
Khi ông tưởng tượng một trận lụt
thành phố chìm dưới nước.
Ông yêu một nhà thơ cũng là một người buôn bán vũ khí.
Ban đêm ông đọc thơ của người ấy.
Illuminations, Một mùa ở địa ngục
Ông chết cùng với người.
Thế nhưng không lâu lắm.
Thực tế sôi sục khắp chung quanh.
Những cỗ áo quan mọc lên trên đồng cỏ.
Thay vì một khu rừng     ấy một thứ rừng tóc giả nhồi phấn
Thay vì không khí    ấy những thứ phong lan khói mờ.
Là người yêu thiên nhiên
ông chăm sóc một dòng sông trong bồn nước.
Ông trốn tránh ngọn hải đăng
rọi vào ông những điềm triệu.
Ông chết một lần thứ nhì
vì một cơn đau tự do
Rồi lại
tìm nơi ẩn tránh trong ngôn ngữ
một thứ như hết mọi loài sống
đã sẵn sàng độc ác và phản bội.
Tiếng thét của quá khứ đánh thức ông dậy.
 
Không một ai biết gì hết về ông.
Thiên hạ nói rằng khi đi qua thung lũng tuổi nhỏ
ông đã cắn phải rắn lục.
 
                                         (1990)
 
 

Đây tiếng nói của Tí hon

 
Hãy nhìn phong cảnh ấy
không gian và ánh sáng toàn nhôm.
Những khu vườn với những kiến trúc vô bổ.
Những luống khái niệm và chân lý phình ra.
 
Nơi giải trí trường
đàn ông đẻ ra những trẻ sơ sinh tái mét.
Những bà tiên đỡ đầu chạy lại. Những cô giữ em.
Chó hú.
 
Được nhốt trong những khối nhà chọc trời ống nghiệm
những đứa trẻ nhiệm mầu
đang nạo nhẵn những món lót dạ.
Con chim không còn thừa hưởng đôi cánh.
Nó được viễn khiển.
 
Các người đừng bao giờ thiếp ngủ
khi nói với các người là
chú lùn
Tí hon
đang nghẹt thở muốn chết
vì một món thuốc trường sinh hóa học.
 
                                         (1990)
 
 

Bản chỉ dẫn cách dùng

 
Tôi đang ra sức làm cho xứ sở nổ máy.
Tôi nghiên cứu bản chỉ dẫn thật kỹ càng.
Tôi xoay dân tộc qua bên trái.
Tôi xoay dân tộc qua bên phải.
Nhưng xứ sở vẫn không chạy.
Dân tộc đã chết.
Tôi đem ra thử những cuộc cách mạng.    Những cuộc nổi dậy.    Những chiếc chìa khóa khác nhau.
Tôi đặt những cuộc phục kích theo đúng những lời chỉ dẫn
nhưng xứ sở vẫn không chạy.
Dân tộc đã chết.
Cỏ mọc tràn lan trên các bãi chiến trường.
Các lý thuyết rỉ sét.
Đèn đỏ lóe sáng.
Tôi bật dân tộc lên.
Tôi tắt dân tộc đi.
Tôi ôm ghì tội ác vào ngực.
Tôi cho trẻ nhỏ
những người lính bằng sô-cô-la.
Những tên lửa bánh hạnh nhân.
Nhưng dân tộc đã chết.
Cuối cùng tôi đưa đơn khiếu nại.
Những người khiêng cáng đồnh minh
các Thiên thần Xanh lam
lắp ráp những bộ phận rời.
Nhưng dân tộc đã chết.
Có ai đó bán đi ngôn ngữ
cho những khách mua tình cờ.
Có ai khác lảo đảo
bị sét đánh
bởi chẳng có gì chạy trừ cái chết
kế hoạch chín mươi chín.
 
Từ trạm chót nghĩa trang
một chuyến tầu điện chạy ra
mang theo các nạn nhân của cuộc bạo động.
Những người kiểm soát
vẫn soát vé như thường lệ.
 
                                         (1990)
 
 

Tôi làm việc ở đây

 
Tôi làm việc ở đây. Ở Đông Âu.
Chung quanh có bầy chó. Nho nhỏ và vụng về.
Có những người buồn bã hoặc say.
Hay bi thảm như nhân vật của August Strindberg.
Trên bàn viết của tôi là một bài thơ đã đóng hộp.
Một cái găng tay.    Những lá thư.    Nơi cửa sổ – mực.
Ở giữa buồng – một chiếc ghế bành
từ ngôi mộ cổ của Tutenkhamun*.
Giấy vẫn còn thở
nhưng đã nặng nề. Với chất nổ.
Ngày giờ.    Thân xác.    Đời tôi.
Tất cả đều có thể dùng ngay rồi liệng đi
hệt như một cái áo giấy hay cái khăn ăn.
Điều chắc chắn duy nhất là chiếc bóng ở góc buồng.
Một chiếc tắc-xi đen
lớn dần lên cùng năm tháng.
                                         (1990)
--------------------------------
* có bản khác viết “Toutankhamon” hoặc “Toutânkhamon”. (người dịch)
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
EWA LIPSKA là một trong những nhà thơ Ba-lan thuộc thế hệ hậu chiến, hoàn toàn sinh trưởng dưới chế độ cộng hòa nhân dân. Sinh ngày 8.10.1945, Ewa Lipska đã viết bài thơ đầu tiên vào năm 15 tuổi và đã đoạt nhiều giải thưởng dành cho các nhà văn trẻ. Năm 1963 được nhận vào Viện Mỹ nghệ Cracovie, Ewa Lipska đã theo học ngành Lịch sử Nghệ thuật và ngành Hội họa.
 
Trong một số năm bà cho xuất bản rất ít và không thuộc một nhóm nào trong các nhóm văn nghệ khá đông đảo của những năm sáu mươi. Mãi đến năm 1967, tập thơ đầu tay của bà với tựa đề Wiersze (Những bài thơ) mới ra đời ở Cracovie. Từ đấy cho đến năm 1993, bà đã cho xuất bản thêm mười tác phẩm gồm thơ, thơ xuôi hoặc những tuyển tập thơ. Bà còn viết văn xuôi và kịch.
 
Từ năm 1969 hoặc 1970 bà làm biên tập viên và phụ trách về thơ tại Nhà Xuất bản Văn nghệ (Wydawnictwo Literackie). Bà cũng là người đồng-sáng lập nguyệt san văn nghệ Pismo và đã biên tập tờ báo này từ 1981 tới 1983. Bà đã đi nhiều và từng được mời làm việc một nửa năm tại đại học Iowa, Hoa-kỳ (1975-76). Năm 1990 bà trở thành người «đại diện văn hóa Ba-lan» ở Vienne. Theo tài liệu của Isabelle Macor-Filarska, in năm 1996, bà còn là «bí thư thứ nhất» của đại sứ quán Ba-lan tại thủ đô nước Áo...
 
Ewa Lipska đã được tặng nhiều giải thưởng văn nghệ cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, trong số này có giải thưởng của viện Koscielski ở Genève (1973) và Giải Robert Graves (1978). Tác phẩm của Ewa Lipska đã được dịch sang khoảng trên mười thứ tiếng ở Âu châu. Các dịch giả đầu tiên của bà có nhận xét: «Được phần lớn các nhà phê bình Ba-lan coi như người có thiên tư nhất của nền thi ca trẻ Ba-lan», Ewa Lipska gần với Wislawa Szymborska «qua nét hài hước cũng như những phản hưởng tinh thần của tác phẩm»; nhưng trong «thái độ cẩn mật phê phán đối với thực tại Ba-lan», bà lại cùng theo đuổi «những lý thuyết “Đợt sóng mới” của những người đồng thời với bà là (Stanislaw) Baranczak và (Ryszard) Krynicki» (C. Jelenski,1981).
 
Lời thơ của Ewa Lipska có vẻ giản dị như văn xuôi – nhưng không phải thứ văn xuôi «thẳng tuột». So sánh câu thơ của Lipska với câu thơ cùa những bậc đàn anh, đàn chị trong thơ Ba-lan như Wat, Milosz, Rózewicz, Szymborska và Herbert, người ta nhận thấy sự khác biệt của Lipska về cách dùng hình ảnh, ẩn dụ và nhất là thái độ nghi hoặc của bà đối với thực tại. Ở đâu đó, giữa những dòng chữ đơn sơ, những hình ảnh hài hước... vẫn len vào một thoáng buồn của một kẻ yếm thế.. không muốn chán đời, vẫn ẩn hiện đôi chút suy tư của một người liêm sỉ.. không muốn ở lại lâu với những chuyện thực ra không hẳn là riêng tư...
 
Phần thơ dịch của Ewa Lipska ở trên trích trong các tác phẩm hoàn thành từ 1967 đến 1991, sử dụng một số sách, báo Anh, Pháp của Constantin Jelenski (1981); Jacques Donguy và Michel Maslowski (1983); Susan Bassnett & Piotr Kuhiwczak (1991); Barbara Plebanek & Tony Howard (1991); Isabelle Macor-Filarska & Grzegorz Splawinski (1996); và tạp chí PO&SIE số 62 ở Pháp (1992).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021