thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG ĐÊM TRẮNG (II): Thương mến | Trò chuyện | Bên trên địa cầu | Những cánh cửa | Thần chú
(Diễm Châu dịch)
 
THƯƠNG MẾN
 
Chuyện ấy có thể
                           tồn tại lâu dài sao?
Thật là bất công quá.
Từ đâu tới và từ khi nào tới
                                         cái thói
lãng quên người sống,
                                 tán dương những kẻ đã chết?
Thiên hạ cực nhọc,
                            thiên hạ uống rượu,
thiên hạ lần lượt ra đi
và, để dành cho lịch sử, người ta cất lời
ca tụng họ ở lò thiêu.
Vậy thời cái gì đã làm cho Maïakovsky chết?
Và kẻ nào đã đặt vũ khí vào tay ông?
Lẽ ra ta đã phải,
                  bất kể tiếng nói của ông,
                                                  bất kể những biểu kiến nào đó,
Lẽ ra ta đã phải, trong lúc ông còn sống,
                                                    tặng ông một chút gì thương mến.
Thiên hạ,
             những người còn sống,
                                             cả một phường!
Thương mến chỉ hợp với những kẻ đã chết.
 
 
TRÒ CHUYỆN
 
Người ta bảo tôi:
                           -- «Anh thật là can đảm.»
Tôi can đảm?
                      Nhưng can đảm ở đâu vậy?
Thật đơn giản, tôi cho là bất xứng
chuyện luồn cúi với bọn khiếp nhược.
Tôi chả «san bằng» một điều gì hết.
Thật đơn giản tôi đã chọn làm bia
                               dối trá và khoa trương.
Tôi chỉ có những bài mình viết làm vũ khí
                                    nhưng không một bài nào là của tên chỉ điểm.
Nếu tôi bênh vực người có thực tài,
bêu riếu bọn văn nhân giả mạo,
ấy chẳng phải một nghĩa vụ tầm thường sao?
A! hãy chấm dứt cái chuyện tôi can đảm!
 
Tôi nghĩ tới sự hổ thẹn
của con cháu chúng ta,
                                    khi, thanh toán điều xấu xa, ô nhục,
chúng sẽ nhớ tới
                             cái thời buổi lạ lùng này
khi sự ngay thẳng bình thường nhất
                                             được gọi là can đảm.
 
 
BÊN TRÊN ĐỊA CẦU
 
Tôi bay cao trên trời
cao thật cao khiến nhè nhẹ tan hòa vào đấy.
Sự bay bổng này không phải là không vất vả,
tuy nhiên, tôi cũng chẳng hối tiếc gì.
 
Như thế đó tôi xa rời đời tôi,
một cuộc đời chả bao giờ mãn nguyện
và tôi thật sự lấy làm kinh ngạc
vì chẳng có gì có thể làm mình ngạc nhiên.
 
Đợt sóng cũng xử sự như vậy:
sóng trào dâng tiến công những vùng đất
và rồi thật mau chóng lánh xa
như người ta xa lánh bổn phận.
 
Trên những tình cảm lộn xộn,
trên một thế giới nóng nảy tôi bay lượn.
Tôi chữa trị cho mình các chứng đau của trái đất
bằng sự chinh phục không gian.
 
Đột nhiên tôi thèm muốn chút hào nhoáng ư?
Thì này đây, trong vẻ hoàn toàn lộng lẫy của chúng,
Caracas, con thuyền với những sắc màu sặc sỡ,
Curaçao và cuộc thao diễn kỵ mã của mình.
 
Nhưng tôi thấy, nhờ những đôi mắt khác,
người ta bán mọi thứ và bán mình ra sao,
người ta cười nhạo thế nào – liệu tôi có phải than khóc? –
những gì đáng ta kính trọng.
 
Địa cầu trong cảnh suy đồi của nó
trôi qua dưới người tôi, mang những nấm mộ
tôi không rõ của ai. Trong lặng thinh
nó khẩn cầu người ta che chở.
 
Thấm nhiễm chính máu mình
và tràn ngập một nỗi đau thầm kín,
nó là nỗi khốn cùng
thắt họng toàn vũ trụ.
 
Khắp nơi người ta đã xây dựng những căn cứ,
khắp nơi những đạo binh, những đường biên
và biết bao điều dơ bẩn đè nặng
khiến nó cảm thấy tự thẹn với chính mình.
 
Phải chăng tôi hoàn toàn có lý
khi, trong nỗi đắng cay sâu xa
và sự hoài nghi nặng nề,
chỉ thấy những điều ô nhục?
 
Quả thực, bọn côn đồ chà đạp địa cầu,
ánh mắt lạnh lùng và không chút tình thân,
nhưng dân cày đối với nó đã không tiếc
những vuốt ve mơn trớn nồng nhiệt nhất.
 
Nó mang trên mình những tàn thuốc và đờm rãi,
những món quà của đủ mọi loài vô lại,
nhưng thợ mỏ, phải, thợ mỏ lại lay tỉnh nó
bằng những nắm tay thật anh em.
 
Người ta nghe ở đó những kẻ bị quỷ ám
phóng ra không dứt những tiếng quân la
nhưng em, đẹp và thanh thản,
bằng những gót nhẹ, em đặt bước trên địa cầu.
 
Nếu biết bao điều bất hạnh đã khiến nó tan nát
và biết bao ngôn từ đã làm nó ngạt thở,
thì, không một dân tộc nào của nó lại xấu xa,
chỉ xấu xa là một vài người nào đó.
 
Hỡi địa cầu, mi hãy xoay, hãy xoay!
Đừng dừng lại, hỡi kẻ kiêu hãnh!
xin hãy gia ơn cho ta:
đừng bỏ trốn ta quá lâu.
 
Cái chết sẽ biến ta thành thể chất của mi,
cùng nhau chúng ta sẽ mãi mãi hợp nhất,
và cùng nhau chúng ta sẽ xoay quanh
đầy tiếng xôn xao của sự sống.
 
Ta sẽ là mi, hỡi địa cầu,
ta sẽ nghe bên trên chúng ta,
như một dấu chỉ điềm lành,
bước qua bao nhiêu là thế hệ khác.
 
Vô hình giữa những chiếc bóng,
phóng những mầm đọt lên trời,
ta sẽ kiêu hãnh lắng nghe họ
bước trên mặt địa cầu, trên ta.
 
 
NHỮNG CÁNH CỬA
 
Một chiếc xắc tay báu vật,
đôi chút hãi hùng trong mắt,
những sợi tóc uốn lọn hai bên thái dương
thành những chấm hỏi.
Và này đây
                  buồn bã
                               và nặng nề
a! đây là nhà nàng.
Không bao giờ
                      tôi được biết
                                          khu mộ địa chung quanh
và, tạ ơn Trời, tôi đoán thế,
sẽ chẳng bao giờ rành rẽ.
Trước cửa nhà nàng, nơi tôi đưa nàng về,
chúng tôi rời nhau mau lẹ:
một nụ hôn, một cái vuốt ve
nhưng ánh mắt nàng làm tôi khổ sở
ánh mắt ấy vấy một nỗi buồn
tựa như sự sợ hãi.
Tôi không lạ gì cái trò chơi ấy của phụ nữ:
Ta ôm nhau
                  và ta mơn trớn,
bước qua cánh cửa
                           là ta quên.
Phải,
những cánh cửa đã làm tôi khôn ra.
Quá thường khi,
                         ở nơi này nơi kia,
tôi đã bị xúc phạm nặng nề.
Chính bởi thế
                     mặc dù tôi hoàn toàn không muốn,
bởi không còn tin tưởng vào ai,
trên ngưỡng cửa nhà em
                                    tôi đã bỏ em lại
và nguyền rủa,
                       nguyền rủa cánh cửa nhà em.
Ký ức tôi trung thực với tôi.
«Anh đừng ngủ quên», nó bảo.
Trong đôi cánh tay em
                                  em nâng niu chiều chuộng tôi
nhưng em sẽ trở thành người đàn bà nào khác
ngay khi cánh cửa nhà em khép lại?
 
 
THẦN CHÚ
 
Những đêm xuân em hãy nghĩ đến tôi
và những đêm hè em hãy nghĩ đến tôi.
Những đêm thu em hãy nghĩ đến tôi
và những đêm đông em hãy nghĩ đến tôi.
Tôi không có đó với em mà ở đây,
lang thang, như thể, trong một xứ khác.
Trên tấm trải giường mới nơi em chập chờn thiếp ngủ,
tấm trải giường này như biển dưới thân hình em dã dượi,
em hãy buông mình cho đợt sóng, đợt sóng uể oải
chỉ một mình em với tôi như với vùng biển ấy.
 
Ban ngày, hỡi người xa, tôi chẳng muốn em tưởng nghĩ.
Cứ việc đảo lộn tất cả, tùy thích, ban ngày,
cứ việc làm khói và rượu tràn lan,
cứ việc bắt buộc ta phải nghĩ tới chuyện khác!
Ban ngày, em cứ nghĩ, như em thích
nhưng, ban đêm, xin chỉ nghĩ đến mình tôi.
 
Khi những chuyến xe lửa huýt còi,
khi gió xé mây tan tành từng mảnh,
em hãy nghe, trong gọng kềm đang ép nát người tôi,
tới mức nào tôi cần thấy mắt em khép lại vì hạnh phúc
và tay em, trong căn buồng nhỏ hẹp này,
siết chặt lấy thái dương tôi tới làm tôi đau nhức.
 
Ở giữa chốn im lặng sâu xa nhất,
dưới cơn mưa rào đang reo vang,
làn tuyết lấp lánh, trong
những giấc mơ em ban chiều, tôi xin em, hãy nghĩ đến tôi.
Những đêm xuân em hãy nghĩ đến tôi
và những đêm hè em hãy nghĩ đến tôi.
Những đêm thu em hãy nghĩ đến tôi
và những đêm đông em hãy nghĩ đến tôi.
 
----------------------------
Đã đăng:
 
Ghi chú của người dịch:
YEVGENY YEVTUSHENKO, nhà thơ Nga hiện đại, sinh năm 1933, sống ở Tây-bá-lợi-á tới mãi 1944. Kế đó, ông học tại Viện văn học Matx-cơ-va (1951-1954).Tập thơ đầu tiên của ông, tựa là Kẻ chinh phục tương lai, được xuất bản năm 1952. Ông bắt đầu nổi tiếng về thơ vào khoảng giữa những năm 1950. Sang những năm 1960, Yevgeny Yevtushenko trở thành một trong những nhà văn có uy tín nhất ở Liên Sô: người đọc (và nghe ông đọc) thơ ông hết sức đông đảo. Thơ ông vào thời kỳ này có tầm quan trọng lớn về xã hội... Nhiều bài đã được Dmitri Shostakovich dùng để soạn nhạc, như bài «Babii Yar» thời danh mở đầu cho «Hòa tấu khúc thứ mười ba» (mặc dù đã phải sửa đổi một số lời).
 
Trong bộ Lịch sử văn học Nga, thế kỷ XX, tập 3 [Histoire de la littérature russe, le XXè siècle *** (Fayard, Paris, 1991)], các tác giả đã dành cho Yevtushenko những đoạn dài: người ta cho rằng thơ ông đánh dấu một giai đoạn đổi thay quyết liệt trong lịch sử nước Nga và thơ Nga, nhưng cũng ghép cho ông những từ như «hãnh tiến», «cơ hội», được chế độ của ông K. «dung dưỡng»... Trong cuốn Những tiếng nói trong tuyết, bà Olga Andreyev-Carlisle (cháu của văn hào Nga Léonide Andreyev) đã để cả chương 8 ở phần III để viết về Yevtushenko và các bạn nghệ sĩ của ông. Ở một chương khác trong sách còn có một khúc «phim» ngắn rất linh hoạt về Yevtushenko [Des voix dans la neige (François Maspéro, Paris, 1964)]. Theo chứng từ của một số các nhà văn học Nga, Yevtushenko được coi như khá tích cực bênh vực tự do: người ta ghi nhận «những can thiệp công khai» của ông kéo dài mãi tới thời Gorbachev...
 
Để dịch các bài trong tuyển tập Những đêm trắng của Yevtushenko, tôi đã sử dụng một số bản Pháp văn của Serge Romensky và Paul Chaillot: Trois minutes de vérité (Julliard, Paris, 1963) và của Élisabeth Soulimov: De la cité du Oui à la cité du Non (Grasset, Paris, 1970). Tựa đề chung cho tuyển tập, tôi đặt theo một bài của Yevgeny Yevtushenko...

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021