thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phục sinh ở Nữu Ước
(bản dịch Diễm Châu)
 
tặng Agnès
 
Flecte ramos, arbor alta, tensa laxa viscera
Et rigor lentescat ille quem dedit nativitas
Ut superni membra Regis miti tendas stipite...
(Fortunat, Pange lingua.)
 
Hãy trĩu lá cành, hỡi tàng đại thụ, hãy nới bớt nỗi căng nơi tạng phủ,
Khoan chút đã niềm khắc nghiệt tự nhiên,
Đừng co kéo tứ chi của Vua trên thê thảm quá...
(Remy de Gourmont, Tiếng la-tinh huyền bí.)
 
 
Lạy Chúa, hôm nay là ngày Thánh danh Chúa,
Con đọc thấy trong một pho sách cổ công nghiệp của Người ngày Thương khó,
 
Và nỗi thống khổ của Người và những nỗ lực và những lời lành thánh
Đang khóc đều đều êm dịu trên trang sách.
 
Một thày tu của thời xa xưa nói với con về cái chết của Người.
Ông vạch lại câu chuyện của Người bằng những chữ nạm vàng
 
Trong một cuốn sách nguyện, đặt trên đầu gối.
Ông nắn nót từng chữ thật sùng kính mượn cảm hứng từ Người.
 
Núp sau bàn thờ, khoác chiếc áo choàng trắng,
Ông ngồi trau chuốt từng nét thật chậm rãi từ thứ Hai tới Chúa nhật.
 
Những giờ phút ngừng lại trên ngưỡng cửa nơi ông ẩn lánh.
Ông, quên mình, cúi xuống bức chân dung Người.
 
Vào lúc kinh chiều, khi những quả chuông râm ran trên tháp,
Ông thày tu không rõ ấy là tình yêu của mình
 
Hay ấy chính tình yêu của Người, lạy Chúa, hay Cha Người
Đang đập mạnh trên những cánh cửa của tu viện.
 
 
Cũng như kẻ tu hành này, chiều nay, con lo âu.
Trong căn buồng kế bên, có một kẻ buồn rầu và câm nín
 
Đang chờ sau cánh cửa, chờ con lên tiếng gọi!
Ấy là Người, là Chúa, là con, -- là Cõi Đời đời.
 
 
Con không biết rõ Người trước đây, -- cũng như lúc này.
Con không bao giờ cầu kinh khi con còn nhỏ.
 
Thế nhưng, chiều nay, kinh hoàng con đã nhớ tới Người.
Tâm hồn con là một góa phụ tang tóc phục dưới chân cây Thập giá;
 
Tâm hồn con là một góa phụ mặc đồ đen, -- ấy là Mẹ Người
Không nước mắt không hy vọng, như Carrière đã vẽ.
 
Con biết rõ tất cả những pho tượng Chúa chịu nạn treo trong các bảo tàng viện;
Nhưng chiều nay, lạy Chúa, Người đang bước bên con.
 
 
Con bước những bước dài xuống khu thành phố dưới,
Lưng còng, tim gợn nếp, đầu óc bỏng sốt.
 
Nương long Người mở rộng như một mặt trời lớn
Và đôi tay Người khắp chung quanh chập chờn những tia lửa.
 
Tất cả những cửa kính của các ngôi nhà đều đầy máu
Và những người đàn bà, ngồi sau cửa, tựa những bông hoa máu,
 
Những tà hoa dị kỳ héo úa, những bông lan,
Đài mở ngửa dưới ba vết thương của Người.
 
Máu thánh Người hấng được, họ không bao giờ uống.
Họ bôi môi đỏ loét và trên mông mặc hàng ren.
 
Những bông hoa Thương khó thời trắng, như những ngọn nến,
Ấy là những bông hoa dịu hiền nhất trong khu Vườn của Đức Nữ Đồng trinh.
 
Chính là vào giờ này, vào khoảng giờ thứ chín,
Lạy Chúa, Người đã gục đầu xuống Trái tim.
 
Con đang ngồi bên bờ đại dương
Và con tưởng tới một bài thánh ca Đức,
 
Bài thánh ca nói tới, với những lời rất dịu, rất thanh, rất giản dị,
Vẻ đẹp của khuôn mặt Người trong khổ nạn.
 
Ở một ngôi nhà thờ, tại Sienne, trong một hầm mộ
Con đã thấy cùng một khuôn mặt ấy, trên tường, sau một lớp màn.
 
Và trong một viện ẩn tu, tại Bourrié-Wladislasz,
Khuôn mặt ấy được đắp vàng nổi trong một tấm khung.
 
Những viên ngọc thạch đục mờ thế cho đôi mắt
Và các nông dân quỳ gối hôn lên mắt Người.
 
Khuôn mặt ấy in trên tấm khăn của bà Vêrônica
Và bởi thế mà nữ thánh Vêrônica là nữ thánh của Người.
 
Ấy là thánh tích quý báu nhất được rước qua những cánh đồng,
Chữa lành mọi người đau yếu, mọi kẻ độc ác.
 
Thánh tích ấy còn làm cả ngàn phép lạ khác,
Nhưng con không bao giờ được chứng kiến cảnh tượng này.
 
Có lẽ vì, lạy Chúa, con thiếu đức tin và sự ngay lành
Để nhìn thấy vẻ Đẹp của Người tỏa rạng.
 
Tuy nhiên, lạy Chúa, con đã thực hiện một chuyến đi thật hiểm nghèo
Để chiêm ngưỡng trong một khối ngọc xanh, nét chạm chìm của hình ảnh Người.
 
Xin hãy khiến khuôn mặt con, lạy Chúa, khuôn mặt đang úp trên đôi tay
Để rơi xuống đó cái mặt nạ âu lo, nỗi âu lo đang siết chặt tim con.
 
Xin hãy khiến đôi tay con, lạy Chúa, đôi tay đang úp trên miệng
Không phải liếm lớp bọt của nỗi tuyệt vọng cùng cực.
 
Con buồn bã và đau. Có lẽ là vì Người,
Có lẽ là vì một kẻ khác. Có lẽ là vì Người.
 
 
Lạy Chúa, đám đông những người nghèo khổ mà Người đã xả thân cứu chuộc
Đang có mặt ở đây, dồn đống, như súc vật, trong các trại tế bần.
 
Những con tầu đen bát ngát từ khắp các chân trời tới
Đổ họ xuống, hỗn độn, trên những cầu tầu.
 
Có những người Ý, người Hy-lạp, người Tây-ban-nha,
Người Nga, người Bảo-gia-lợi, người Ba-tư, người Mông-cổ.
Ấy là bầy thú của gánh xiệc đã nhảy qua những kinh tuyến.
Người ta ném cho họ một miếng thịt đen, như ném cho những con chó.
 
Hạnh phúc của họ lúc này là cái khẩu phần dơ bẩn đó.
Lạy Chúa, xin đoái thương các dân tộc đang đau khổ.
 
 
Lạy Chúa, trong những khu biệt lập lúc nhúc đám người Do-thái nghèo hèn
Họ từ Ba-lan tới và đều là những kẻ chạy trốn.
 
Con biết rõ, họ đã đưa Người ra xử;
Nhưng con cam đoan với Người, họ không phải hoàn toàn xấu.
 
Họ ở trong những cửa tiệm dưới những cây đèn bằng đồng,
Bán quần áo cũ, những huy hiệu và những cuốn sách.
 
Rembrandt rất ưa vẽ họ với những lớp áo quần phế thải
Chính con, chiều nay, con đã mặc cả mua một chiếc kính hiển vi với họ.
 
Than ôi! Lạy Chúa, Người sẽ không còn đó, sau lễ Phục sinh!
Xin thương xót những người Do-thái trong những túp chòi lụp xụp.
 
 
Lạy Chúa, những người đàn bà hèn mọn đã theo Người tới Golgotha,
Đang lẩn trốn. Ở phía trong cùng những quán rượu tồi tàn, trên những chiếc ghế dài dơ bẩn,
 
Họ ô uế vì sự cùng khổ của loài người.
Những con chó gặm xương họ, và trong hớp rượu rhum
 
Họ che giấu sự trụy lạc chai lì đâ tróc vẩy của mình.
Lạy Chúa, con muốn xỉu khi một người đàn bà trong bọn họ nói với con.
 
Con muốn được là Chúa để yêu thương những người làm điếm.
Lạy Chúa, xin Chúa thương xót những người làm điếm.
 
 
Lạy Chúa, con đang ở khu những người trộm lành,
Những kẻ lang thang, bần cùng, oa trữ đồ trộm cắp.
 
Con nghĩ tới hai tên trộm cướp ở bên Người trên giá gỗ,
Con biết Người đã đoái thương mỉm cười với nỗi rủi ro của họ.
 
Lạy Chúa, một trong hai người muốn có được một sợi giây thòng lọng,
Nhưng cái đó, sợi thừng ấy, đâu có cho không, cái đó giá hai mươi xu.
 
Lão lý luận như một triết nhân, tên cướp già đó.
Con đã tặng lão á-phiện để lão lên thiên đường mau hơn.
 
Con cũng nghĩ tới những nhạc sĩ lang thang ngoài đường phố,
Tới người kéo vĩ cầm mù, tới người cụt một tay đang quay quản cầm,
 
Tới cô ca sĩ nón rơm với những bông hồng bằng giấy;
Con biết chính họ là những kẻ ca hát suốt thiên thu.
 
Lạy Chúa, xin bố thí cho họ, thứ gì khác hơn ánh đèn khí,
Lạy Chúa, xin bố thí cho họ xu hào rủng rỉnh ngay ở dưới thế này.
 
 
Lạy Chúa, khi Người chết, tấm màn đã rẽ ra,
Những gì người ta thấy đằng sau, không một ai nói tới.
 
Đường phố trong đêm tựa một vết rách,
Đầy vàng và máu, lửa và rác.
 
Những kẻ mà Người đã dùng roi xua đuổi khỏi đền thờ,
Đang thẳng tay quất lên người qua lại bằng những điều xằng bậy.
 
Ngôi sao biến đi từ tủ đựng Giao ước và thánh tích ngày đó,
Đang bốc cháy trên những bức tường trong ánh sáng chói chang của các tuồng hát.
 
Lạy Chúa, cái Ngân hàng thắp đèn sáng kia cũng tựa như cái két sắt,
Nơi đông tụ Máu thánh Người ngày tử nạn.
 
Các đường phố vắng vẻ dần và đen tối thêm.
Con lảo đảo như một người say trên hè phố.
 
Con sợ những vạt bóng to lớn mà những ngôi nhà chiếu xuống.
Con sợ. Có kẻ theo rõi con. Con không dám quay đầu lại.
 
Một bước chân khập khễnh nhảy tới mỗi lúc một gần.
Con sợ. Mặt mày con choáng váng. Và con cố tình dừng bước.
 
Một tên vô lại thật ghê rợn đưa mắt nhìn con
Một cái nhìn nhọn hoắt, rồi bước qua, hiểm độc, như một lưỡi dao găm.
 
Lạy Chúa, mọi sự không có gì thay đổi kể từ ngày Người thôi là Vua
Sự Xấu đã lấy Thánh giá Người làm nạng.
 
 
Con bước xuống những bậc cấp hư hỏng của một quán nước
Và giờ đây con đang ngồi trước ly trà.
 
Con đang ở tiệm Tầu, những người như bằng cả tấm lưng
Mỉm cười, cúi xuống, nhẵn nhụi như những pho tượng mập bằng sứ.
 
Cửa tiệm nhỏ bé, tường quét vôi đỏ
Và những tấm tranh màu kỳ quái lồng khung tre.
 
Ho-Kousai đã vẽ cả trăm vẻ khác nhau của một ngọn núi.
Khuôn mặt Người sẽ ra sao nếu do một người Tầu vẽ?...
 
Ý nghĩ sau cùng này, lạy Chúa, thoạt đầu đã khiến con mỉm cười.
Con nhìn thấy Người lùn xủn trong cảnh chịu nạn.
 
Nhưng có lẽ người họa sĩ ấy, dẫu sao, cũng đã vẽ cuộc khổ nạn của Người
Ác nghiệt hơn là các họa sĩ phương Tây.
 
Rất có thể những lưỡi dao vặn vẹo đã xẻ thịt da Người,
Những kềm kẹp và cào bén đã chuốt những đường gân,
 
Có lẽ Người đã bị cùm cổ,
Có lẽ Người đã bị nhổ móng tay và răng,
 
Rất có thể có những con rồng đen khổng lồ bổ xuống đầu Người,
Và phun lửa vào gáy,
 
Có lẽ Người đã bị cắt lưỡi và móc mắt,
Có lẽ Người đã bị xuyên cọc.
 
Như vậy, lạy Chúa, có lẽ Người đã phải chịu tất cả nỗi khổ nhục,
Bởi không có thế gia hình nào độc ác hơn.
 
Kế đó, có lẽ người ta đã ném xác Người cho bầy heo
Có lẽ chúng đã gặm nát bụng và ruột Người.
 
 
Lúc này con chỉ còn một mình, những người khác đã đi khỏi,
Con nằm dài trên chiếc ghế dài ở sát tường.
 
Có lẽ con đã muốn bước vào, lạy Chúa, một ngôi giáo đường;
Nhưng trong thành phố này, lạy Chúa, không có những quả chuông.
 
Con nghĩ tới những tiếng chuông đã tắt: -- đâu rồi những tiếng chuông xưa?
Đâu những bài kinh cầu đều đều và những bài ca ân đức êm dịu?
 
Đâu những buổi lễ lâu giờ và đâu những bài thánh ca tuyệt đẹp?
Đâu những nghi thức và nhã nhạc?
 
Đâu những vị giáo chủ oai vệ, lạy Chúa, đâu những nữ tu của Người?
Đâu áo lễ trắng, khăn choàng vai của các vị Thánh Nam Thánh Nữ?
 
Niềm vui của Thiên đường chìm trong bụi bặm,
Những ánh lửa huyền nhiệm không còn ngời sáng trong những cánh cửa lồng kính vẽ hình.
 
 
Hừng đông chậm tới, và trong quán nước tồi tàn
Những chiếc bóng bị đóng đinh câu-rút hấp hối trên vách.
 
Ấy cảnh Golgotha về đêm trong một tấm gương
Người ta thấy, chập chờn, ánh đỏ trên nền đen.
 
Làn khói, dưới ngọn đèn, tựa một tấm vải đã bay màu
Xoay tròn, quấn quít, khắp chung quanh thắt lưng Người.
 
Ở bên trên, ngọn đèn mờ lơ lửng,
Như đầu tóc Người, rầu buồn, chết chóc và không còn chút máu.
 
Những phản ảnh dị kỳ chập chờn trên kính cửa...
Con sợ, -- và con buồn, lạy Chúa, vĩ mình buồn quá đỗi.
 
 
«Hãy nói cho chúng tôi hay, Maria, chị đã thấy gì trên đường?»
-- Ánh sáng run rẩy, yếu ớt trong sớm mai.
 
«Hãy nói cho chúng tôi hay, Maria, chị đã thấy gì trên đường?»
-- Những sắc trắng loạn cuồng chấp chới như những bàn tay.
 
«Hãy nói cho chúng tôi hay, Maria, chị đã thấy gì trên đường?»
-- Điềm Xuân rung nhè nhẹ trong lòng tôi.
 
Lạy Chúa, hừng đông đã trườn tới lạnh lẽo như một tấm khăn liệm xác
Và phanh trần những tòa nhà chọc trời trong không trung.
 
Tiếng xao động mênh mang đã vang dội trên thành phố.
Những chuyến xe lửa đã vọt lên, gầm thét và lướt đi.
 
Những xe điện ngầm lăn bánh ầm ầm vang động trong lòng đất,
Những cây cầu bị đường sắt lắc lay.
 
Đô thị rung lên. Những tiếng kêu, lửa và khói,
Những còi hụ bằng hơi nước rồ lên khàn khàn như những tiếng hò la.
 
Một đám đông sốt nóng vì lớp mồ hôi của vàng
Chen lấn xô đẩy nhau lọt vào những hành lang thăm thẳm.
 
Đục mờ, giữa đám hỗn độn tua tủa những mái nhà,
Mặt trời, ấy gương Mặt Người bị vấy dơ vì đờm rãi.
 
 
Lạy Chúa, con đã trở về mỏi mệt, cô đơn và sầu thảm...
Căn buồng con trần trụi như một nhà mồ...
 
Lạy Chúa, con có một mình, và con lên cơn sốt...
Giường con nằm lạnh lẽo như một cỗ áo quan...
 
Lạy Chúa, con nhắm mắt lại và hàm răng con đánh lập cập...
Con quá cô đơn. Con lạnh. Con kêu gọi Người...
 
Một trăm ngàn con quay vần vụ trước mắt con...
Không, một trăm ngàn người đàn bà... Không, một trăm ngàn cây đại vĩ cầm...
 
Con nghĩ tới, lạy Chúa, những giờ con khốn khổ...
Con nghĩ tới, lạy Chúa, những giờ con đi hoang...
 
Con không còn nghĩ tới Người. Con không còn nghĩ tới Người.
 
Nữu Ước, tháng Tư 1912.
 
----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
BLAISE CENDRARS (1887-1961) là một trong ba người, nói theo lời nhà thơ Pháp Philippe Soupault, «chịu trách nhiệm» về cuộc cách mạng trong Thơ Pháp hồi đầu thế kỷ XX.(Hai người kia là Guillaume Apollinaire và Pierre Reverdy). Blaise Cendrars, tên thực là Frédéric-Louis Sauser, sinh ở Thụy-sĩ ngày 1.9.1887; cha ông là người Thụy-sĩ, một nhà buôn; và mẹ ông là người Tô-cách-lan. Từ nhỏ ông đã theo gia đình qua Ai-cập rồi Ý. Và đến năm 1904, được gửi tới St.-Pétersbourg làm việc. Trở về Âu châu năm 1907, ông ghi tên học đại học Berne, Thụy-sĩ và năm 1909 học Y khoa và Triết lý. Chỉ một năm sau ông đã bỏ đi Bruxelles, Bỉ, rồi tới Luân-đôn và Paris...
 
Năm 1911 ông trở lại St.-Pétersbourg và từ đó qua Nữu-ước theo ngả Ba-lan. Tại Nữu-ước, ông đã viết những bài thơ đầu tiên ký tên là Blaise Cendrart (do hai từ «Braise» và «Cendres» ), sau đổi thành Blaise Cendrars với bài «Phục sinh ở Nữu-ước», bài thơ lớn đầu tiên của ông. «Phục sinh ở Nữu-ước» được in tại Paris năm 1912 khi Blaise Cendrars trở lại Âu châu. Từ đấy, ông cư ngụ ở Paris và liên hệ với nhiều tên tuổi trong giới văn nhân, nghệ sĩ ở đây.
 
Năm 1913 ông xuất bản tập Séquences, rồi bài thơ lớn thứ nhì và có lẽ là bài quan trọng nhất của ông: «Văn xuôi của chuyến xe lửa xuyên-Tây bá lợi á và của cô bé Jehanne de France», và khởi sự viết một số trong Mười chín bài thơ co giãn. Cùng năm ấy, ông viết bài «Panama hay những cuộc phiêu lưu của bảy ông cậu tôi», bài thơ lớn thứ ba mà ông chỉ hoàn thành vào năm sau và mãi tới năm 1918 mới xuất bản.
 
Năm 1914, khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Blaise Cendrars, cùng với chủ nhiệm tờ tạp chí Montjoie, hô hào «những người nước ngoài, bạn của nước Pháp» đi chiến đấu và chính ông đã tình nguyện nhập ngũ. Trong cuộc chiến này, Blaise Cendrars bỏ mất một cánh tay, «cánh tay cầm viết», được một vài huy chương và đến năm 1916 được Pháp cho nhập tịch. Năm 1916 cũng là năm ông viết bài «Những bái vật lớn» tại Luân-đôn.
 
Từ những năm 1920, Blaise Cendrars không còn viết những thi phẩm quan trọng. Bù lại, ông lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm văn xuôi rất thơ. Một số đã trở thành sách giáo khoa tại các trường trung học Pháp. Ông mất tại Paris ngày 21.1.1961.
 
Blaise Cendrars là một trong những nhà thơ đã mở đường cho phong trào thi ca mới của Pháp. Chứng từ của các nhà văn Hoa-kỳ như John Dos Passos, Henry Miller,... các nhà văn Bồ-đào-nha, Ba-tây, và những cuộc hội thảo, những công trình nghiên cứu,... về Blaise Cendrars cũng cho thấy tác động mãnh liệt của Blaise Cendrars đối với thi ca thế giới.
 
Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường đã dịch sang tiếng Việt «Văn xuôi của chuyến xe lửa xuyên-Tây bá lợi á…», «Panama...» và rất nhiều thi phẩm khác của Blaise Cendrars, kể cả Mười chín bài thơ co giãn...

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021