thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lịch sử | Ngày tốt lành | Giấc mơ 17 tháng Tám | Giấc mơ 11 tháng Hai | Điều bài thơ kia muốn nói | Đôi khi, sau nhiều năm
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
JACQUES ROUBAUD
(1932~)
 
 
 

Lịch sử

 
Phố Saint-Petersbourg
đã tìm thấy lại tên cũ của mình
trước Đệ nhị Thế chiến
khi thành phố bị bao vây
bởi một đội quân có quốc tịch không ai biết
dưới một cái tên mà người ta không được phép nói ra
trong trận chiến Tsaritsyne[*]
 
 
 

Ngày tốt lành

 
Hôm ấy là một ngày tốt lành
Người ta nhờ tôi chỉ đường tới ba lần
1. Một cặp người Nhật tìm đường đến Nhà hát Opéra
Đại lộ Opéra
2. Một dân tỉnh lẻ tìm đường đến Nhà thờ Notre-Dame-des-Victoires
Quảng trường Notre-Dame-des-Victoires
3.3. Một tiểu thư tìm đường Général-Delestraint
Ở cửa ra xe điện hầm Porte-de-Saint-Cloud
Quả thật, hôm nay là một ngày tốt lành
 
 
 

Giấc mơ 17 tháng Tám

 
Tôi ngồi trong một tiệm cà-phê; một tiệm cà-phê Paris, giống như tiệm nằm không xa đường xe điện hầm Liège là nơi, mỗi sáng, tôi đến đọc báo và ăn điểm tâm. Lúc ấy còn sớm (một phụ nữ tóc vàng kim đẩy một tấm vải lau nhà ướt vào giữa mấy cái bàn, dưới chân các khách hàng, dưới chân tôi) nhưng trời không tối. Tôi trải tờ báo ra trước mặt mình: ông chủ tiệm tiến đến và đặt xuống bàn một tách cà-phê “crème” và ai lát bánh mì phết bơ; ông cầm hai tờ mười quan tôi rút trong túi ra và thối lại tôi một quan hai mươi xu. Có người đang bước vào.
 
 
 

Giấc mơ 11 tháng Hai

 
Tôi ngồi trong một tiệm cà-phê; một tiệm cà-phê Paris, giống như tiệm nằm không xa đường xe điện hầm Liège là nơi, mỗi sáng, tôi đến đọc báo và ăn điểm tâm. Lúc ấy là buổi sáng (một phụ nữ tóc vàng kim đẩy một tấm vải lau nhà ướt vào giữa mấy cái bàn, dưới chân các khách hàng, dưới chân tôi) nhưng trời hãy còn tối. Tôi trải tờ báo ra trước mặt mình: ông chủ tiệm tiến đến và đặt xuống bàn một tách cà-phê “crème” và ai lát bánh mì phết bơ; ông cầm hai tờ mười quan tôi rút trong túi ra và thối lại tôi một quan tám mươi xu. Có người đang bước vào.
 
 
 

Điều bài thơ kia muốn nói

 
                                 gủi l.d.
 
cái điều bài thơ kia muốn nói, ta đã quên mất nó
 
ta từng biết điều bài thơ kia muốn nói, nhưng ta đã quên mất nó
 
bài thơ muốn nói điều ấy, nhưng điều ấy, mà bài thơ muốn nói, ta đã quên mất
 
là bài thơ muốn nói điều ấy, có phải ấy là điều bài thơ muốn nói? Nếu ấy là điều bài thơ muốn nói, ta đã quên mất nó
 
có lẽ, không hề biết bài thơ muốn nói gì, trong khi ta nói bài thơ (vào thời khắc ta nói bài thơ), thì ta
đã quên mất nó
nhưng nếu ấy là điều bài thơ muốn nói, ta đã quên mất nó
 
bây giờ đây, khi ta nói bài thơ kia ta không biết có phải mình muốn nói bài thơ kia
bởi lẽ điều bài thơ kia muốn nói, ta đã quên mất nó
 
thế nên điều bài thơ kia muốn nói quả thật không còn là điều bài thơ
muốn nói
 
và là điều ta đã quên mất
 
 
 

Đôi khi, sau nhiều năm

 
Đôi khi, sau nhiều năm, tôi tự hỏi
Đi xuống, đi lên con phố, tôi tự hỏi
Đóng các cánh cửa, trời thấp, tôi tự hỏi
Nằm trên cỏ, sách lật úp, những dòng chữ sát mặt đất, tôi tự hỏi
Từ thềm nghỉ chân đến những bậc cầu thang, tôi tự hỏi
Ngưng mọi lời nói, tôi tự hỏi
Không thấu hiểu, tôi tự hỏi
Tách riêng, tôi tự hỏi
Chiếu mắt vào cái trứng, trứng vỡ, tôi tự hỏi
Sau nhiều năm
Tại sao
 
 
_________________________

[*]Trận chiến quân sự giữa lực lượng Bolshevik và Đội quân Bạch vệ trong cuộc Nội chiến ở Nga, với bên thắng là Bolshevik.

 
 
------------------
“Lịch sử“ và “Ngày tốt lành” dịch từ nguyên tác “L’Histoire” và “Une bonne journée” trong Jacques Roubaud, La forme d’une ville change plus vite, hélas, que le cœur des humains (Paris: Poésie / Gallimard, 1999). “Giấc mơ 17 tháng Tám”, “Giấc mơ 11 tháng Hai”, “Điều bài thơ kia muốn nói” và “Đôi khi, sau nhiều năm” dịch từ “Rêve du 17 Août”, “Rêve du 11 Février”, “Ce que disait ce poème” và “Parfois, après tant d’années” trong Toward a New Poetics, Contemporary Writing in France, do Serge Gavronsky phỏng vấn, giới thiệu và dịch (Berkeley: University of California Press, 1994). Nguyên tác tiếng Pháp các bài trong cuốn sách này, cho đến năm 1994, đều chưa hề xuất hiện trong các sách in ở Pháp.
 
 
 
Đã đăng:
 
Trời mưa  (thơ) 
—Tôi tin rằng trời mưa, nhưng trời không mưa. / —Bạn tin rằng trời mưa và bạn khẳng định rằng trời không mưa? / —Đúng. / Tôi tin rằng trời mưa nhưng tôi biết rằng tôi sai lầm. / —Làm sao bạn biết? / —Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là: tôi tin rằng trời mưa / Nhưng tôi sai lầm. / —Ai nói rằng bạn sai lầm? / —Tôi. / —Nhưng nếu bạn sai lầm khi tin rằng trời mưa, / Nếu bạn biết rằng bạn sai lầm khi tin rằng trời mưa / Làm sao bạn có thể tin rằng trời mưa? ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Quá khứ  (thơ) 
... Nàng nói với chàng: “Trời quá đẹp.” / Do đó / trời đẹp. / Nếu trời đẹp, không nhất thiết trời quá đẹp. / Nếu nàng đã nói “trời đẹp” / liệu chàng có hiểu rằng nàng, khả dĩ, / một cách nào đó, / đã nói / “trời đẹp, nhưng trời không quá đẹp”? / Không. / “Trời đẹp” chắc hẳn đã không biểu lộ ở nàng bất cứ sự e dè nào. / Nhưng chắc hẳn chàng cũng đã không nghe trong câu nói của nàng / “trời đẹp” / (nếu nàng đã nói “trời đẹp”) / cái ý “trời đẹp, thậm chí trời quá đẹp”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Thư 1 | Thư 2 | Thư 3  (truyện / tuỳ bút) 
Ta vừa nhận được lá thư sau cùng của bạn và ta trả lời lập tức. Bạn hỏi ta là ta đã nhận được lá thư sau cùng của bạn chưa và ta có ý định trả lời thư ấy hay không. Ta xin phép lưu ý bạn là việc bạn gửi lá thư sau cùng làm cho lá thư bạn gửi cho ta trước đó không còn là lá thư sau cùng của bạn nữa và nếu như ta trả lời như ta đang trả lời lá thư sau cùng của bạn, thì ta không phải là đang trả lời lá thư giờ đây là lá thư trước lá thư sau cùng của bạn. Vậy là ta không thể thoả mãn điều mà bạn đòi hỏi ta làm trong lá thư sau cùng của bạn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Những đường phố Paris có hai phía / đây là một qui tắc chung // Không có đường phố nào ở Paris chỉ có một phía / (vả chăng ta không thấy được làm sao một đường phố ở Paris (hay ở một nơi khác) chỉ có một phía) / Không có một đường phố nào ở Paris chỉ có duy nhất một phía... | Sacré-Cœur! / ta thấy mi / Ôi Bình sữa bú / với cái đầu vú to tướng hình chữ thập... | Hơn ngàn lần đi xuống con phố ấy / tôi cố gắng / không nhìn thấy / nhưng vô ích // Khi chắc chắn đã qua khỏi phố / tôi ngẩng mắt lên / nó vẫn ở đó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021