thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 15]
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Trong thời gian hoạt động ở New York, tôi đã nhận được bức thư này:

 

Là chủ tịch danh dự của Câu Lạc Bộ Âm Hộ (Vulva Club), tôi vô cùng vui lòng công nhận chị như một hội viên. Tuy nhiên, khi Harriet Lerner xây dựng câu lạc bộ này cách đây hơn hai mươi năm, tư cách hội viên được xét trên sự hiểu biết và sử dụng chính xác chữ âm hộ cùng với khả năng quảng bá điều ấy đến đại chúng, đặc biệt là phụ nữ.

Nồng nhiệt chúc mừng,

Jane Hirschman

 

 

CÂU LẠC BỘ ÂM HỘ

 

 

Việc đặt tên cho các sự vật vẫn luôn luôn là điều ám ảnh tôi. Nếu tôi có thể đặt tên cho chúng, tôi có thể hiểu biết chúng. Nếu tôi có thể đặt tên cho chúng, tôi có thể thuần hoá chúng. Chúng có thể trở thành những người bạn của tôi.

Thử lấy một ví dụ, khi còn là một bé gái, tôi đã có một bộ sưu tập ếch rất phong phú: những con ếch nhồi bông, những con ếch bằng sứ, những con ếch bằng nhựa, những bóng đèn nê-ông hình ếch, những con ếch vui chạy bằng pin. Mỗi con có một tên gọi. Tôi đã bỏ thì giờ tìm hiểu chúng trước khi tôi đặt tên cho chúng. Tôi đặt chúng ngồi lên giường tôi và ngắm nghía chúng dưới ánh sáng ban ngày, tôi mang theo chúng trong túi áo khoác, cầm chúng trong đôi bàn tay nhỏ bé đẫm mồ hôi của tôi. Tôi hiểu biết chúng qua độ trơn láng hay sần sùi của chúng, cái mùi của chúng, hình dạng của chúng, cỡ to nhỏ của chúng, tính cách khôi hài của chúng. Rồi chúng được đặt tên, thường là trong một buổi lễ đặt tên trang trọng huy hoàng. Tôi đặt chúng vào giữa đám đông của những bạn ếch vây quanh, khoác vào chúng những bộ lễ phục, rắc kim tuyến hay những ngôi sao vàng lên chúng, xếp chúng đứng trước giáo đường ếch, và đặt tên cho chúng.

Trước tiên, tôi thầm thì cái tên quý hiếm vào tai chúng. (thầm thì) "Bạn là Froggie Doodle Mashy Pie của tôi đấy." Tôi phải cầm chắc là con ếch chấp nhận cái tên. Rồi tôi cao giọng xướng cái tên ấy lên cho những con ếch phấn khích khác cùng nghe, trong số đó có một vài con cũng đang chờ nghe tên của mình. "Froggie Doodle Mashy Pie." Rồi một bài hát cất lên, lời hát thường là cái tên được lặp đi lặp lại nhiều lần, những con ếch khác cùng tham gia đồng ca. (bịa ra một bài hát) "Froggie Doodle Mashy Pie. Froggie Doodle Mashy Pie." Đã ca hát hẳn là phải nhảy múa.

Tôi xếp những con ếch thành hàng và múa lòng vòng quanh chúng, nhảy búng lên như một con ếch và phát ra những thứ tiếng ếch kêu, luôn luôn cầm con ếch mới được đặt tên trong bàn tay hay ôm nó bằng hai cánh tay, tùy theo cỡ lớn hay nhỏ của thân thể nó. Đó là một nghi lễ làm tôi mệt lử, nhưng nó rất quan trọng. Việc cử hành nghi lễ như thế thì vừa sức tôi, nếu nó chỉ giới hạn trong số những con ếch, nhưng chẳng bao lâu sau đó tôi lại cần đặt tên mọi sự vật trên đời. Tôi đã đặt tên cho những tấm thảm, những cánh cửa, những chiếc ghế và những thang lầu. Ben, chẳng hạn, là chiếc đèn flash của tôi, được đặt tên theo ông thầy ở vườn trẻ, người luôn luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của tôi thuở ấy.

Rồi cũng đến lúc tôi đặt tên cho tất cả những cơ phận trên thân thể mình. Đôi tay tôi -- Gladys. Hoạt động của chúng có vẻ hữu hiệu và căn bản, hợp với tên gọi Gladys. Tôi đặt tên cho đôi vai mình là Shorty -- mạnh và hơi hiếu động. Đôi vú tôi là Betty. Chúng không đẹp như Veronica, nhưng chúng cũng chẳng xấu. Đặt tên cho "chỗ dưới đó" của mình không phải là việc dễ dàng. Nó không giống như đặt tên cho đôi tay. Không, nó phức tạp. Chỗ dưới đó thì luôn sinh động, thay đổi, chẳng dễ dàng gì lắm để nắm bắt. Vì thế nó không được đặt tên và, vì không được đặt tên, nó không được thuần hoá, không được biết đến.

Thuở ấy ở nhà tôi có chị giữ trẻ, chị Sara Stanley. Chị nói bằng một loại giọng cao the thé làm tôi té đái. Một đêm nọ lúc tôi đang tắm, chị bảo tôi nhớ rửa cái "Itsy Bitsy" của tôi. Tôi không chắc rằng tôi thích cái tên ấy. Thậm chí phải mất một lúc tôi mới nhận ra nó là cái gì. Nhưng có một điều gì trong giọng nói của chị làm cái tên ấy đeo dính vào tôi. Vâng, thế đấy, cái Itsy Bitsy của tôi.

Rủi ro thay, cái tên ấy theo đuổi tôi cho đến tuổi trưởng thành. Đêm đầu tiên nằm chung trên giường, tôi bảo người đàn ông (sau này là chồng tôi) rằng Itsy Bitsy hơi nhút nhát nhưng nhiệt tình, và nếu anh chịu kiên nhẫn, chắc chắn rồi cô bé sẽ tiết lộ những bí mật của cô bé. Anh hơi kinh ngạc vì nghĩ rằng lối nói của tôi có vẻ bất thường, tôi đoán vậy, nhưng vì bản tính anh dễ thích nghi, nên anh chấp nhận và rốt cuộc anh gọi cô bé bằng tên của cô bé. "Itsy Bitsy có ở đó không? Cô bé sẵn sàng chưa?" Phần tôi, tôi chưa bao giờ thấy vui với cái tên của cô bé, và vì thế những điều đã xảy ra sau đó không đáng ngạc nhiên cho lắm.

Một đêm nọ, chồng tôi và tôi đang vào cuộc. Anh ấy gọi cô bé, "Đến đây, cô bé Itsy Bitsy của tôi ơi," và cô bé không trả lời. Có vẻ như thình lình cô bé không hiện diện ở đó. "Itsy Bitsy ơi, tôi đây này, kẻ ngưỡng mộ bậc nhất của cô bé đây này." Không một lời. Không một cử động. Vì thế, tôi phải đích thân gọi cô bé.

"Itsy Bitsy ơi, ra đây đi. Đừng đối xử với tôi như thế."

Không một lời, không một tiếng. Itsy đã thành câm, thành điếc, và trốn mất.

"Itsy Bitsy!"

Nhiều ngày trôi qua, cô bé vẫn không ra mặt, rồi nhiều tuần, rồi nhiều tháng. Tôi trở nên chán nản.

Tôi lưỡng lự kể cho bạn tôi, chị Teresa, người lúc ấy đang dành trọn thì giờ cho một nhóm phụ nữ mà chị mới thành lập. Tôi nói, "Itsy Bitsy không nói năng gì với tôi nữa. Tôi gọi nó, nó không thèm trả lời nữa."

"Itsy Bitsy là ai vậy?"

"Bitsy của tôi đó," tôi nói. "Itsy của tôi đó mà."

"Cô đang nói cái gì vậy hả?" bất ngờ chị nói bằng một giọng nghe thật trầm hơn cả giọng của tôi. "Có phải cô muốn nói đến cái âm hộ của cô không, hả cô em?"

"Âm hộ," tôi hỏi Teresa. "Chứ nó là cái gì vậy?"

"Nó là trọn cả gói," chị đáp. "Nó là toàn thể cái ấy."

Âm hộ. Âm hộ. Tôi cảm thấy một điều gì được khai mở. Itsy Bitsy là sai lầm. Tôi đã biết thế từ lâu rồi. Tôi đã không thể nhìn thấy Itsy Bitsy. Tôi đã không biết cô bé ấy là ai hay là cái gì, và tên cô bé nghe không giống một cái khe mở ra hay một cái môi.

Đêm ấy, chúng tôi -- Randy (chồng tôi) và tôi -- đặt tên cho cô bé. Cũng như đặt tên cho những con ếch. Tôi mặc cho cô bé những thứ y phục lấp lánh kim tuyến và gợi tình, đặt cô bé trước nguyện đường của thân xác, và thắp lên những ngọn nến. Thoạt tiên chúng tôi gọi thầm thì, "Âm hộ, âm hộ," thật nhẹ nhàng thử xem cô bé có nghe không. "Âm hộ, âm hộ, em có ở đó không?" Có một cảm giác ngọt ngào và cái gì đó thật sự chuyển động. "Âm hộ, âm hộ, em có thực không?"

Và chúng tôi hát khúc ca âm hộ, không có tiếng ếch ồm ộp nhưng có những tiếng hôn, và chúng tôi múa vũ điệu âm hộ, không có những cái nhảy búng nhưng có những bước sải dài, và tất cả những phần khác của thân xác đều đứng chung vào hàng ngũ -- Betty, Gladys và Shorty -- và chúng thật lòng lắng nghe tên gọi mới.

 

[còn tiếp]

 

Nguyên tác: Eve Ensler, The Vagina Monologues
(New York: Villard Books, 2001 [Revised edition]).

 

-----------------------------------------

Đã đăng:

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 14]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 13]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 12]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 11]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 10]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 9]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 8]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 7]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 6]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 5]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 4]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 3]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 2]

Những cuộc độc thoại của âm đạo [kỳ 1]

Những cuộc độc thoại của âm đạo: Dẫn nhập - Eve Ensler

Những cuộc độc thoại của âm đạo: Lời mở đầu - Gloria Steinem.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021