thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chết giả

 

Hôm kia, ông bạn láng giềng của hắn vừa qua đời. Ngẫm ra, sống và chết cách nhau cũng chỉ nửa gang tay. Quá trưa vừa nghe kêu mệt, xế chiều đã thấy vợ con lu loa kêu khóc. Thì lão ta vốn cao huyết áp, buổi sáng vợ đi chợ gặp lòng lợn ngon mua một mớ, về tợp thêm vài li rượu, thế là đi. Có những cái chết nhanh và khoẻ đến bất ngờ.

Nhưng lão chết mà thằng con trai còn đi làm ăn xa chưa kịp về, nên đám còn nán lại chưa chôn. Bán anh em xa mua láng giềng gần, cả ngày hắn xăng xái sang giúp đám. Kèn trống, áo quan, cáo phó... cứ quay như chong chóng. Tối, coi như đã tạm ổn, hắn trở về nhà, mệt nhừ. Nhưng về đến nhà rồi mà cái phiền lụy nó vẫn lẵng nhẵng bám theo chưa chịu buông tha. Hai nhà ở sát nhau, chiêng trống bên ấy vọng sang như rót vào tai. Mà quái lạ, lúc lo làm, hắn không để ý nên chẳng hề nghe thấy tiếng ồn ào. Bây giờ về nhà mình, bao nhiêu âm thanh não nùng ấy lại kêu rất to, rất rõ. Cứ y như là đội kèn trống bên kia đang cố tình phục vụ riêng cho mình hắn vậy. Hắn chặc lưỡi: thôi, nghĩa tử là nghĩa tận, chịu khó đêm nay, cùng lắm là hết ngày mai nữa, sang ngày kia, thế nào thằng con lão cũng về, thế nào cũng...

Nhưng mà vợ con hắn thì lại khác, chúng rặt một nòi sợ ma. Vợ ôm con nhỏ, con lớn ôm đít vợ, chúng nó rúc vào một xó giường, không dám nhúc nhích. Ơ hay, ma là cái quái gì mà chúng nó phải sợ đến vậy! Hắn nhớ lại cái khuôn mặt bầm tím của lão Hanh khi đặt vào quan tài. Kể thì cũng hơi ghê ghê nhưng có gì mà phải sợ, người sống với nhau còn đáng sợ hơn gấp trăm lần. Hắn lựa lời an ủi vợ: “Thôi, ngủ đi, nhà cửa kín đáo như thế này, ai làm được gì mà sợ!” Dường như chỉ chờ có thế, vợ hắn mới bắt đầu: “Anh không thấy ư, cái cửa bếp tênh hênh như váy con đĩ thế mà kín à?” À, ra thế, chỉ là tại cái cửa bếp. Quả là hắn có đểnh đoảng thật, làm thằng đàn ông củi hết nhà dột là đáng trách. Thực tình thì cũng không phải là hắn không biết, cái cửa đã treo lủng lẳng đấy gần tháng nay. Nhưng muốn sửa được thì phải có một ít xi-măng, vài trăm gạch, một ít cát. Những thứ ấy thì phải mua bằng tiền, mà tiền... thì mai đành vác mặt ra đại lý mà nợ vậy. Cố cho qua đận này, cứ tình hình này thì đến mai lão Hanh chưa chắc đã đi được. Bởi thằng con lão vẫn chưa về để nhìn mặt lão lần cuối. Tự dưng hắn thấy ghét lây cả cái cuộc đời này, toàn là giả dối, tại sao phải nhìn mặt lần cuối? Việc ấy thì giải quyết được vấn đề gì? Là chỗ láng giềng hắn biết, nhà lão Hanh chửi nhau như hát chèo, thằng con bực quá bỏ đi làm ăn đâu mãi tận miền Nam. Chết thì chôn quách cho xong, chắc nó cũng chả về đâu mà chờ với đợi, làm khổ lây cả láng giềng, chòm xóm. Hắn lại thấy bực cái cửa, hậm hực với căn nhà mình đang ở.

Căn nhà này, hắn mua lại của một tay nhà báo. Gã ta là đứa văn chương bóp nộm, học mót được mớ chữ hổ lốn rồi giả vờ dấn thân, giả vờ đam mê để loè thiên hạ, mục đích cuối cùng là kiếm miếng ăn. Gã ấy từng là chủ căn nhà này. Sau khi chuyển đi nơi khác, gã bán nhà cho hắn. Cái nhà vừa nhỏ vừa cũ xưa kia xây vội vàng bây giờ vữa đã bung ra từng mảng. Cái cửa bếp mối xông đứt ngang chân. Bây giờ muốn sửa lại thì chỉ còn cách đập phăng nó đi, dời sang chỗ khác rồi xây bịt cái lối cũ. Công việc là thế, chả có gì ghê gớm nhưng cũng không phải đơn giản đối với một đứa dài lưng tốn vải như hắn.

Sáng dậy, vợ hắn nói: “Thôi, hôm nay anh ở nhà cố làm cho xong, để em đến cơ quan xin phép với anh Phong một tiếng”. Phong là trưởng phòng trực tiếp quản lý phòng thí nghiệm — nơi đó hắn vừa được nhận vào làm với hai chục triệu tiền chạy chọt. Tự dưng, hắn bực luôn cả cái thằng chó chết ấy, nó nhận chạy giùm giá hai chục triệu, ắt giá ngay từ đầu thế mà còn định đòi thêm.

Bần thần, hắn uể oải vác búa ra làm. Một cái búa tạ vừa mượn nhà hàng xóm với một cái bay thợ xây cũng vừa mượn nốt. “Ối ông ơi là ông ơi...”, tiếng khóc của vợ lão Hanh thỉnh thoảng lại ré lên. Cái giọng kim khí ấy, khi khóc cũng như khi chửi, cứ muốn xé màng nhĩ người ta ra. Hắn nặng nhọc quai búa, những nhát búa nghiệp dư thiếu lực cứ trầy trượt. Hắn lại chửi thầm đứa nào xây nhà mà ngu, ở thì xấu mà đập đi thì lại khó. Đang lầm bầm chửi rủa thì bỗng cả mảng tường đổ ập lên người hắn. Hắn chỉ kịp nghĩ: thế là đứt, mất toi hai chục triệu! Sườn hắn gãy răng rắc, hai cái chân bẹp như râu mực khô. Khi người ta chết, nhất là chết trẻ, linh hồn chưa tan đi được, sẽ lẩn quất đâu đó. Có một tay giáo sư nào đó, sau một thời gian thí nghiệm với các xác chết, hoặc là copy công trình của ai đó, đã tuyên bố như vậy. Và thế là hắn bỗng thấy nhẹ tênh, hồn lìa khỏi xác, lâng lâng. Phía bên kia bờ rào, trống kèn vẫn không ngớt. Hắn ra gần bờ rào, dòm sang. Bất chợt có tiếng gọi: “Bùng đấy à, làm sao mà ra được đây, đi giờ nào, sao không nghe trống chiêng gì hết?” À, là lão Hanh. Hắn trả lời vọng sang: “Vừa mới, bức tường nó đổ, ở nhà một mình nên chưa ai biết.” Vừa nói đến đó thì đã nghe tiếng động cơ xe máy đi vào. Vợ hắn đã về, ả cất tiếng lanh lảnh từ ngoài ngõ:

“Anh Bùng à, trưởng phòng Phong có hỏi thăm mình đấy, người đâu mà đã dễ tin, còn bảo là anh cứ ở nhà mà nghỉ cho khoẻ... Ơ hay, lại chạy đi đâu mất rồi. Ối giờ ơi, anh Bùng ơi là anh Bùng ơi, sao lại thế này...”

Năm phút sau, xác hắn đã nằm gọn trong xe cứu thương. Hắn lẽo đẽo đi theo vào phòng cấp cứu trong bệnh viện. Hắn vừa vào đến nơi, cái xác đã lại thoi thóp thở. Mấy cô y tá oà lên: “Sống lại rồi!” Vợ hắn day day bàn tay: “Ới anh ơi tỉnh lại đi...” Tự dưng, hắn thấy cảm động, hai giọt nước mắt chảy ra từ hố mắt trũng thâm đầy vôi vữa, thế là không đến nỗi mất toi hai chục triệu. Hắn phải sống, phải quay lại làm việc, nơi cái phòng thí nghiệm cao su thối như chuột chết ấy. Sau một tháng điều trị, hắn được về nhà với hai chân bó bột, gãy sườn, giập lá lách. Vợ hắn động viên: “Vẫn còn may anh ạ, em gắng làm thêm chút đỉnh, miễn là anh khoẻ.”

Ngày ngày, vợ đi làm, con đi học, hắn nằm thẳng cẳng trên cái giường bề bộn. Nghĩ mà đau, đang yên đang lành tự dưng thành đứa què quặt, dở sống dở chết. Thỉnh thoảng, có lúc, hắn cảm thấy cái xác mình cứng đờ ra. Đấy là lúc sung sướng nhất: Hồn lìa khỏi xác! Và thế là mặc cho cái xác nằm đấy, hồn hắn đi lang thang. Lâu nay không thấy hồn lão Hanh quay về nữa. Quá bốn chín ngày, lão ở luôn ngoài ấy. Ngoài ấy, tức là ngoài nghĩa địa. Hắn vẩn vơ đi về phía những hàng cây bạch đàn. Những ngôi mả nhỏ xác xơ, thỉnh thoảng lại thấy một đống đất vàng khè do chuột moi lên. Ở đó, hắn gặp lão Hanh, lão đang đánh cờ. Thấy hắn đến, lão ngẩng mặt lên hỏi:

“Bùng đấy à, sao lại ra đây? Về hồi nào? Sao chưa nghe báo danh?”

“À, chưa, chết giả, lang thang cho đỡ buồn.”

Lão lại hỏi:

“Bùng này, sao không về luôn đi, còn chết giả làm cái gì? Này, tao nói thật, ở trên ấy chán bỏ mẹ! Mày biết không, con vợ tao, nó biết tao vốn cao huyết áp, nó mới nghĩ ra chiêu hạ độc bằng rượu và lòng lợn tiết canh đấy. Bây giờ thì thằng Xuân — thằng đồ tể thường xuyên cung cấp lòng lợn cho vợ tao ấy — nó đang thay tao hành đạo với mụ ấy trên đó. Không tin, tối về mày thử sang xem.”

Hắn cười, hỏi lại:

“Ông bảo chúng nó đang hành đạo, là đạo gì vậy?”

“Là cái đạo vợ chồng chứ đạo gì nữa.” Lão Hanh cười lớn — mà không phải chỉ vợ tao thôi đâu, cả con vợ mày cũng thế đấy. Nó cũng đang hành đạo với thằng trưởng phòng gì đó ngay trên nệm xa-lông nơi mày vẫn thường ngồi làm việc đấy...”

“Không phải!”

“Không tin thì mày về ngay mà xem!”

Hắn quay lại công ty, quả có thế thật. Chúng nó làm tình với nhau ngay trên nệm xa-lông, những tiếng rên rỉ khoái lạc bay ra nhè nhẹ. Cái lão cao huyết áp này thế mà nói đúng. Hắn rũ rượi quay về, về lại với cái xác thối mười ngày chưa tắm của mình.

Vợ hắn về. Ả lại ríu ran từ ngoài ngõ. Hắn đếch thèm nghe, trở mình một cái, đau nhừ. Bữa ăn, hắn không thèm nuốt, bởi vì hắn đã có quyết định: không nên kéo dài cuộc sống vô nghĩa này thêm nữa. Vợ hắn nổi cáu: “Cố mà ăn chứ còn định hành hạ nhau đến chừng nào nữa đây!” Hắn vẫn không hé răng, nhưng mặt thì đã tím bầm lại như dái dê.

Trưa hôm sau, hắn đi thật.

Hắn lại ra nghĩa địa với lão Hanh, lão ấy vẫn đang đánh cờ. Xem bọn người cõi âm này đánh cờ đến là buồn cười. Con xe chiếu tướng qua đầu con sĩ, con mã bay từ bên này sông qua tận bên kia đuổi bắt con pháo. Thành thử con nào cũng biết bay cả, con bay thẳng, con bay vòng, hay thật!

“Anh Bùng lại ra chơi đấy à?”

“Lần này thì về luôn đấy, chết thật.”

“Tốt, thế thì ngồi xuống đây đánh cờ.”

Hắn ngồi ghé vào, bày lại ván cờ. Những khốn nỗi, quân của hắn lại không biết bay như quân của lão Hanh, con mã con xe chỉ nhích từng bước một. Hắn không hiểu được. Lão Hanh cười: “Có gì mà không hiểu, chú mày còn vướng bận cõi trần, chưa thoát ra được thì làm sao quân cờ nó chịu bay cho.” Đúng lúc ấy lại nghe tiếng khóc hờ của vợ hắn vẳng đưa theo gió: “... Ai quạt nồng ấp lạnh... ai sớm tối đi về...” Hắn lại thấy nao nao. Có lẽ lão ấy lại nói đúng, mình còn vướng bận chưa đi được. Hắn lại quay về. Về đến nơi, đã thấy trong buồng ngoài ngõ chật ních người. Trên cái giường hôi hám, xác hắn tái ngắt, mặt bệch ra như con cua lột. Vợ hắn đang kêu khóc, bên cạnh, thằng Phong đang động viên: “Thôi em, sống chết là do trời, có kêu khóc cũng vô ích, để anh ấy đi nhẹ nhàng...” Vợ hắn úp mặt vào vai thằng kia mà nức nở. Cái bàn tay múp míp quàng qua mông vợ hắn xoa xoa. Thấy vậy, hắn lặng lẽ trở ra. Đến nghĩa địa thì đã nghe phía nhà chiêng trống rạo rực. Thế là hắn không thể quay lại được nữa. Ván cờ đã bày sẵn ngoài ấy rồi, những con xe con mã, dưới tay điều khiển của hắn, giờ đã bay rất nhẹ nhàng. Lão Hanh cười lớn: “Thế đấy, khi tâm ta không vướng bận, ta sẽ bay rất nhẹ nhàng, ha ha...”

Hắn cũng cười thật to.

Những người có mặt trong buổi khâm liệm xác hắn chiều hôm ấy kể lại rằng khi sắp sửa đậy nắp quan tài, chợt thấy miệng hắn cười thật tươi, lộ cả một chiếc răng vàng choé.

Dân làng thì không ai tin, bảo đấy là chuyện bịa. Công chức còm như hắn, lấy đâu ra vàng mà đúc răng! Dĩ nhiên, những chuyện đồn đại ấy, hắn không còn nghe thấy nữa.

 

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021