thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dắt chữ xuống chợ

 

Nhân buổi đẹp trời, hắn dắt díu bồng bế bầy chữ, rời núi Chư Mang, xuống kẻ chợ mà bán, như mẹ bán con, như nhà nghèo bán chó, như tình nhân lừa bán tình nhân. Bầy chữ cui cút đi theo, giương những con mắt màu xanh lên nhìn dòng người lạ lẫm đang cố giày xéo giẫm đạp lên nhau để về đích trước. Hắn dặn, đi đúng đường thẳng lối, không được chạy lung tung kẻo lạc! Rồi hắn chọn một khoảng vỉa hè bày chữ ra bán. Người kẻ chợ đi về như thác lũ, mặt mũi ai cũng trùm kín như thể đang tham gia lễ hội hoá trang. Gió thổi, mây bay, và nắng chứa chan trên những hộp nhà cao vút. Bầu trời thực sự biến mất sau làn khói bụi. Hắn chợt nhói thương những con chữ yếu mềm. Hắn cũng đói, sáng đến chiều chưa có gì vào bụng, mắt hoa lên, nhìn phía nào cũng thấy mặt trời chói gắt. Bầy chữ sau mấy ngày lê lết ngoài vỉa hè khói bụi đã trở nên méo mó hình hài. Hắn trừng mắt nhìn ngược nhìn xuôi chờ đợi nhưng tuyệt nhiên không hề có ai mua. Hắn nói: “Thôi, đứng dậy múa hát đi, một lần này nữa, rồi quay về, hoặc là chết ở đây.” Lũ ký tự ngả nghiêng vịn nhau đứng đậy, vừa run cầm cập vừa trình diễn vũ điệu tử thần. Những con mắt phố thị sấp ngửa dừng lại đứng nhìn, như nhìn đám hát rong xa lạ. Hắn thấy mình quá nhẫn tâm. Hắn nói: “Đủ rồi, quay về lại thôi!”

Tiếng chim gì đó từ thượng nguồn sông Năng chợt từ chín tầng trời vọng lại nghe từa tựa một lời yêu thương mời gọi quay về. Lũ hắn rảo bước, nhằm hướng tiếng chim khắc khoải, nhằm hướng câu hát yêu thương mà băng đèo vượt núi. Về thôi! Về thôi, về núi sừng sững, về sông ngân dài, về cổ thụ vạn năm, về thảo nguyên triệu tuổi...

Về đến lưng chừng dốc thì lũ chữ lên cơn co giật và bắt đầu nhảy múa. Hắn bất lực đứng nhìn, như một gã đạo diễn bất tài nhìn dàn diễn viên làm loạn, không cách gì điều khiển nổi. Hắn hét: “Này, những gã điên nhảy múa với những vũ công nhảy múa, thì bên nào đẹp hơn?” Lũ chữ bất kham không thèm trả lời. Hắn lại hét: “Hèn gì không có thằng con bố khỉ nào chịu bỏ tiền lẻ ra mua tụi mày!” Lũ chữ càng hưng phấn, vừa múa vừa hát to lên rằng: “Nhà ngươi quả thực mù loà. Hôm qua ở kẻ chợ có gã du côn đã rủ rê chữ S đi bụi đời, rủ chữ L vào động đĩ, rủ chữ Đ ra chợ kiếm ăn, còn chữ T đã trốn khỏi bầy vào siêu thị hành nghề móc túi...”

Hắn kinh hoàng, đếm đi đếm lại, quả nhiên mấy chữ thân quen S, L, Đ, T... đã trốn đi hoặc lạc lối ngoài phố phường xa lạ!

Hắn dắt chữ ra chợ bán, và kết quả là lũ chữ bỏ đi hoang, tan đàn xẻ nghé, tử biệt sinh ly. Hắn ngồi giữa dốc quệt mồ hôi, nhìn về phố thị, thấy cả một đám đông đang đuổi nhau xuống hố thẳm văn minh điêu tàn. Chữ S bây giờ không biết ở đâu trong đám đông cuồng loạn gươm dao. Hắn gọi: “Ơ này chữ S, ơ này súng ơ này sân si ơ này sung sướng ơ này soán đoạt sờ soạng sống, ơ này sông... Về lại núi thôi về lại núi, đừng lê la phố chợ học thói lưu manh chém giết máu me... Ơ này L lờ lững lộn làng lành lặn lênh láng lung linh long lánh lập loè… về núi thôi!”

Không có tiếng trả lời!

Hắn ngồi gọi chữ, như pháp sư ngồi niệm chú gọi hồn người chết quay về. Bầy chim bay qua nhìn hắn, lắc đầu ngao ngán. Bầy gió bay qua nhìn hắn, cười châm chọc. Bầy mây bay qua nhìn... Hắn hét toáng lên: “Kệ tao!” Vừa lúc đó, từ xa thấp thoáng những bóng hình vừa chạy vừa vấp ngã, vừa chạy vừa khóc than. Tim hắn đau nhói, mắt hắn mờ đi vì nước: Chữ L chạy trước, chữ Đ chạy sau, cả hai đứa trần truồng, thịt da gai cào tứa máu. Hai con chữ ngã nhào vào lòng hắn, như con gái đâm bổ vào lòng cha già sau cuộc tình thất bát. Chữ Đ mắt thâm tím, môi sưng vù, chắc bị ăn đòn hội chợ. Chữ L chảy máu ngay bụng dưới, vết thương hở ra lở loét, đỏ lòm... Hai đứa nghẹn ngào thông báo rằng chúng thấy chữ S bị trúng đạn, vừa chạy vừa ôm ngực rồi ngã sấp mặt dưới chân cột đèn nơi ngã tư phố chợ. Hắn ôm hai đứa con nông nổi dại khờ, ngồi khóc. Núi Chư Mang trầm mặc đứng nhìn, mắt lá cũng rưng rưng...

Hắn thò tay bứt một nắm lá nhai nhuyễn rồi đắp vào vết thương cầm máu cho chữ L, lấy dầu xoa vết bầm tím cho chữ Đ. Lũ chữ phủ phục vây quanh, như bầy khỉ vây quanh gã khỉ đột đầu đàn. Hắn cất tiếng ru bằng giọng khàn khàn thống khổ điêu linh: “Đờ cờ lờ tờ mờ hờ hờ... Kẻ nào không muốn chết, kẻ nào hung bạo lọc lừa gieo mầm ác, hãy buông tay trong buổi hoàng hôn gió mát, thôi, thôi nào đờ cờ lờ sờ mờ tờ...” Bọn chữ gục xuống ngủ, thỉnh thoảng nấc lên trong mê man, như những đứa trẻ vừa bị đòn oan!

Hắn lặng lẽ bứt cỏ ngồi đan bện lại, cần một sợi dây chắc chắn bắc qua thung lũng. Qua hẻm núi này là về đến quê nhà. Hắn vừa miệt mài đan vừa hát, như một bà mẹ nghèo trên núi vừa địu con hai bên nách vừa trỉa bắp vừa hát ru. “Ầu ơ... Đờ cờ lờ sờ hờ cờ mơ... đờ mờ cờ sờ ờ ờ lờ mờ mờ ầu ờ ờ ờ ầu ầu ơ ơ...”

Bóng chiều đổ xuống, hắn xốc lũ chữ dậy, dắt díu nhau qua thung lũng. Sợi dây cỏ mỏng manh chòng chành như sắp đứt. Sương núi ùn ùn cuồn cuộn lao ra đỡ lấy. Hắn dắt bầy chữ đi trong sương núi cuối thu. Hắn vừa đi vừa hát ru như đạo sĩ niệm chú, “cờ lờ đờ mờ cờ sờ…” Hình như sợi dây đã đứt, nhưng có hề gì. Hắn nói to: “Chúng ta đi thôi, cả trái đất chòng chành, cả nhân loại ngả nghiêng chứ riêng gì chúng ta đâu.” Bầy chữ thôi không kêu khóc nữa, vịn tay nhau bước đi dưới trăng. Bóng chữ với bóng người gầy guộc đổ dài, kéo từ bên này qua bên kia thung lũng, như những bóng ma hời từ thế kỷ trước hiện về. Quá nửa đêm thì chữ và người lên đỉnh núi rồi mất hút trong thăm thẳm mù sương.

Dưới chân núi Chư Mang, lâu lâu người ta vẫn nghe tiếng ai đó ca hát và khóc than trong sương, những âm thanh quỷ quyệt kéo dài từ phía kẻ chợ rồi lướt qua thảo nguyên hoang vắng, rủ nhau chạy vòng quanh đỉnh núi. Những buổi trời trong, người ta thấy rõ ràng hai bên lối đi lên núi còn vương vãi những vệt máu khô thơm mùi cỏ dại.

Đờ mờ cờ sờ vờ cờ lờ về thôi về với núi thôi… Khóc mà như ru, ru mà như hát, hát mà như than.

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021