|
Vài điểm lợi và bất lợi trong việc cầm bút ở hải ngoại
|
|
Điều không ai có thể phủ nhận là con người sinh ra và lớn lên chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường sinh sống. Điều này đã được thân mẫu của ông Mạnh Tử khám phá ra khi bà quyết định dọn nhà khỏi khu xóm kế bên một cái nghĩa địa đến bên một trường học. Người cầm bút lại càng không tránh được định luật này. So với anh chị em cầm bút ở trong nước, người cầm bút ở hải ngoại gặp một số điểm bất lợi. Trước nhất và quan trọng hơn cả: Chúng ta bị bật rễ (uprooted) ra khỏi vùng đất quê hương nơi đã nuôi dưỡng tâm tình chúng ta. Điểm bất lợi thứ hai: Chúng ta ở rải rác khắp mặt địa cầu, mà người cầm bút thì lại có nhu cầu gần gũi trao đổi, phản ứng (feedback) đối với những bài đã viết hoặc đã đọc để chúng ta được yên tâm là tiếng đàn Bá Nha của chúng ta vẫn có người Tử Kỳ lắng nghe. Điểm bất lợi thứ ba là sự thiếu vắng một khối độc giả để chúng ta có thể, dù chỉ một phần nào, dựa được vào ngòi bút để sống. Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi, những người cầm bút ở hải ngoại đã và đang tiếp tục vượt qua nhưng trở ngại vừa kể trên. Sinh hoạt phong phú của văn học nghệ thuật và truyền thông báo chí của người Việt tị nạn ở khắp nơi trên thế giới từ 20 năm qua là một bằng chứng cụ thể. Tôi chỉ xin đan cử một thí dụ điển hình mà tôi được thấy. Vào năm 1988, tôi có dịp đi dự hội nghị thường niên của tổ chức Ký Giả Người Mỹ Gốc Á Châu (Asian American Journalists Association) ở Los Angeles. Đây là lần đầu tiên hội này tổ chức một buổi tiếp tân đặc biệt dành cho báo chí truyền thông thiểu số. Trong phòng tiếp tân ban tổ chức cho dựng ba tấm bảng ghi tên những cơ quan truyền thông báo chí thiểu số. Tôi tẩn mẩn đếm và thấy báo chí truyền thông của người Việt chiếm tới quá nửa, vượt xa cả người Trung Hoa và Nhật đã lập nghiệp lâu đời ở đây hơn chúng ta. Đấy là chuyện 10 năm về trước, riêng tại Hoa Kỳ và đặc biệt ở California, trước khi có sự ra đời rất trăm hoa đua nở của sinh hoạt truyền thanh. Song điều đáng khích lệ hơn cả là sự xuất hiện của những người cầm bút sau 1975, và đăc biệt là một số người trẻ khởi nghiệp cầm bút viết văn làm báo bằng tiếng ngoại quốc, như Anh ngữ chẳng hạn. Những người viết trẻ này đã và đang đóng góp vào gia tài văn học báo chí của chúng ta (1) tại hải ngoại những phản ảnh về một thế hệ không chịu ảnh hưởng nặng nề của hai cuộc chiến Pháp-Việt và Quốc-Cộng bên cạnh hai lần "đổi đời" 1954 và 1975, song cũng không kém phần hoang mang trong khi tìm kiếm cho mình một cái căn cước (identity). Tóm lại, miền đất hải ngoại thoạt tưởng là hoang sơ đối với chúng ta, song thực tế lại rất phì nhiêu mầu mỡ. Mà nó phì nhiêu là nhờ những lợi điểm mà anh chị em cầm bút ở trong nước không có sẵn. Lợi điểm thứ nhất và quan trọng hơn hết cả, đó là không khí tự do, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi mà tự do ngôn luận và báo chí được Hiến Pháp Hoa Kỳ che chở có thể nói là gần như tuyệt đối. Có nơi nào trên thế giới mà người dân có quyền xé hay đốt lá quốc kỳ mà vẫn được luật pháp bao che, coi đó là một biểu tỏ của quyền tự do ngôn luận? Song bởi tự do như vậy mà trách nhiệm của người cầm bút càng nặng, đòi hỏi một thận trọng tối đa, không phải là tha hồ muốn viết gì thì viết. Viết ẩu tả, nếu không bị kiện tụng tốn kém dù cho mình có thắng kiện đi chăng nữa, như đã và đang xảy ra trong cộng đồng chúng ta tại Hoa Kỳ, thì cũng khó mà sống yên ổn và hãnh diện với lương tâm của một người cầm bút chân chính. Điểm lợi thứ hai của người cầm bút ở hải ngoại là vấn đề tài liệu. Cần nghiên cứu bất cứ về đề tài gì hệ thống thư viện công cộng hoặc tại các trường đại học đều có sẵn. Từ vài năm trở lại đây, với kỹ thuật Liên mạng (Internet) ngày một phổ biến, mà Mạng nhện Toàn cầu (World Wide Web) là một bộ phận, chẳng những người cầm bút có thể tìm tài liệu tại các thư viện ở Hoa Kỳ mà cả tại các thư viện quốc gia tại nhiều nước khác. Tất nhiên không phải cái gì cũng là miễn phí cả trên Liên mạng, song trên Liên mạng vẫn là cả ‘rừng’ tài liệu sẵn sàng cho ta khai thác, vấn đề là biết cách kiếm cái mình cần và biết xét đoán cân nhắc tính chất chính xác, đáng tin cậy của tài liệu đó. Cũng chính nhờ hệ thống Liên mạng mà dù chúng ta ở rải rác khắp nơi trên thế giới vẫn có thể liên lạc, trao đổi bài vở tài liệu với nhau mau chóng và dễ dàng qua phương tiện e-mail, thảo luận nhiều vấn đề và kể cả kết thêm bạn qua các mailing lists, newsgroups, hoặc chuyện trò trực tiếp qua IRC (Internet relay chat) và cả điện đàm trên Liên mạng mà không phải sử dụng hệ thống điện thoại viễn liên tốn kém. Ngoài ra, với kỹ thuật Web publishing ngày một trở nên thông dụng, phí tổn xuất bản và phát hành báo chí sách vở có thể được cắt giảm đi tới 60, 70 phần trăm. Đây là cuộc cách mạng truyền thông quan trọng không kém so với việc Johannes Gutenberg phát minh ra máy in vào giữa thế kỷ 15. ⊆ Nãy giờ nói tổng quát mà chưa đề cập đến kinh nghiệm riêng sống và viết ở hải ngoại của tôi. Từ trên ba năm nay tôi (tạm?) ngưng viết, kể từ sau bài "Sao đặc trời" (Thế Kỷ 21, tháng 9-1994), và "Never had a chance to say goodbye" xuất bản ngày 30-4-1995 trên tờ nhật báo The (Stockton, Calif) Record mà tôi hiện cộng tác, nhân kỷ niệm 20 năm mất Sàigòn. Mỗi bài, với tôi, là một giải đáp hoặc kết thúc của một giai đoạn sống đã qua. Lý do chính của sự ngưng viết này là tại tôi bận với việc sở - Tôi hiện giữ phần vụ điều hành cái thư viện của phòng tin tức (news library) của tờ báo địa phương, vô cùng bận rộn song khá thích thú và có dịp học hỏi được nhiều điều mới, nhất là việc nghiên cứu (research) trên Liên mạng và những online databases thương mại. Ngoài ra, đến một tuổi nào đó tôi, như nhiều người khác, có nhu cầu tách ra và nhìn lại cuộc hành trình đã trải qua để tái định hướng, nếu cần, cho cuộc hành trình sắp tới. Đã hẳn là đời sống bên đây với những cơ hội và phương tiện kỹ thuật đã ảnh hưởng lớn lao đối với việc viết văn của tôi. Phải cần một bài riêng để trình bày diễn biến tư tưởng, cảm nghĩ và kinh nghiệm của tôi về đề tài này trong hai chục năm, 1975-1995. Ở đây chỉ xin tóm tắt như sau: Do tuổi đời (đã ngoài 50), ảnh hưởng nghề nghiệp và kinh nghiệm của đời sống ở hải ngoại, tôi trở nên thận trọng và cũng khó khăn với chính mình hơn, và do đấy cũng mất đi phần nào sự hồn nhiên, bộc phát và khả năng tưởng tượng không thể thiếu trong việc sáng tác. |