|
Diễn viên nhào lộn | Xem lại một bài thơ không viết | Ba-lát
|
|
Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang
WISŁAWA SZYMBORSKA
(1923~)
Diễn viên nhào lộn Từ xà treo tới
tới xà treo, trong thinh lặng sau
sau tràng trống dứt đột ngột, qua
qua không gian sửng sốt, nhanh hơn
hơn trọng lượng thân hắn, tấm thân mà lần nữa lại
lại chậm cho cái rơi chính nó.
Ðộc diễn. Hay còn ít hơn độc diễn,
ít, vì hắn què quặt, thiếu
thiếu cánh, thiếu đến độ
hắn không thể bỏ cơ hội
bay lượn chỉ với lòng cảnh giác trần truồng
trụi lông đáng ngượng.
Cái dễ dàng đầy gian lao,
cái linh động đầy dè chừng,
và cái hứng khởi đầy tính toán. Bạn có thấy
cách hắn chờ để vồ trong khi bay; bạn có biết
cách hắn giàn xếp từ đầu tới chân
lại chính con người hắn; bạn có biết, bạn có thấy
tài tình biết bao cách hắn luồn qua hình dạng cũ chính mình
và tiến lên nắm chặt cái thế giới đang lắc lư này
bằng cách vươn đôi cánh tay hắn mường tượng ra—
đẹp không tin nổi cái chỗ băng qua
này đúng cái lúc đang qua này ấy vừa mới qua.
Xem lại một bài thơ không viết Trong những chữ đầu của bài thơ
nữ tác giả cho rằng trong khi Trái Ðất nhỏ,
bầu trời lại lớn quá xá cỡ và
ở trong đó có, tôi xin trích, “quá nhiều sao đến mức có hại cho chúng ta.”
Trong mô tả bầu trời của bà, ta nhận thấy cảm giác bơ vơ nào đó,
nữ tác giả bị lạc trong một cõi mênh mang khủng khiếp,
bà phát hoảng vì sự thiếu sinh khí của các hành tinh,
và ở trong tâm trí bà (nơi chỉ có thể gọi là mơ hồ)
một câu hỏi mau chóng nảy sinh:
phải chăng chúng ta, sau cùng thì, trơ trọi
dưới mặt trời, tất cả các mặt trời từng chiếu rọi.
Mặc kệ mọi quy luật về xác suất!
Và các giả thiết hiện được chấp nhận rộng rãi!
Ngay vào mặt cái bằng chứng có thể rơi
xuống bàn tay nhân loại bất cứ buổi nào! Ðó là thơ cho các người.
Trong khi đó, Thi Nương của chúng ta trở về Trái Ðất,
một hành tinh, mà bà cho là, “đánh những vòng không nhân chứng,”
cái “truyện khoa học giả tưởng” duy nhất mà “vũ trụ có thể ban cho ta.”
Nỗi tuyệt vọng của một Pascal (1623-1662, ghi chú của tôi)
là, nữ tác giả ngụ ý, không có đối thủ
ở bất cứ nơi nào, tỉ dụ như Andromeda hay Cassiopeia.
Sự hiện hữu cô đơn làm nặng thêm cảm nhận của chúng ta về bổn phận,
và dấy lên câu hỏi tất yếu, Ta sống như thế nào đây vân vân?
vì “ta không thể tránh cái rỗng không.”
“ ‘Chúa ơi,’ con người kêu lên với Chính Ngài,
‘hãy tha thứ cho con, con cầu xin người, chỉ cho con con đường...’ ”
Nữ tác giả bức xúc với ý nghĩ sự sống bị phí phạm thật tuỳ tiện,
làm như nguồn cung cấp của chúng ta là vô tận.
Cũng vậy bà lo lắng vì những cuộc chiến, mà, theo ý kiến riêng ngoan cố của bà,
luôn luôn bại ở cả hai phe,
và vì cái “quyền hành [hạ]”(1) (nguyên văn!) của nhiều người đối với một số người khác.
Các chủ ý đạo đức của bà hiện lên lờ mờ trong toàn bài.
Có lẽ chúng sẽ toả sáng chói lọi hơn dưới một ngòi bút bớt ngây thơ.
Chẳng dưới ngòi bút này, tiếc thay. Luận đề tự nền tảng đã kém thuyết phục của bà
(rằng chúng ta rất có thể, sau cùng thì, trơ trọi
dưới mặt trời, tất cả các mặt trời từng chiếu rọi)
kết hợp với phong cách thiếu nhiệt tâm của bà (một hỗn hợp
của ngôn từ bóng bẩy cao vời và tiếng nói tầm thường)
buộc ta đặt câu hỏi: Bài này có thể thuyết phục được ai?
Câu trả lời chỉ có thể là: Không ai hết. Q.E.D.(2)
––––
(1) “authoritorture” trong bản tiếng Anh.
(2) Q.E.D. viết tắt của “quod erat demonstrandum” (tiếng La-tinh) nghĩa là cái cần được chứng minh.
Ba-lát Hãy nghe bài ba-lát “Người Ðàn Bà
Bị Giết Ở Trên Ghế Bỗng Ðứng Lên.”
Ðây một bài hát chân tình, được viết
không để làm kinh hãi hay đả kích.
Vụ xảy ra trông thật như tự nhiên,
với màn mở, tất cả đèn thắp sáng:
người đi qua có thể dừng lại nhìn.
Khi cánh cửa đóng lại sau lưng hắn
và tên giết người chạy xuống cầu thang,
nàng đứng lên, cứ như người còn sống
sửng sốt vì niềm hiu quạnh đột nhiên.
Nàng đứng dậy, nàng quay đầu lơ ngơ,
và nàng ngó quanh quất bằng đôi mắt,
đôi mắt nàng chỉ hơi cứng hơn xưa.
Không, nàng không bay thẳng vào không khí:
nàng bước đi những bước trên sàn gỗ,
sàn bình thường, hơi kêu cọt kẹt tí.
Trong lò lửa nàng tự tay quăng đốt
những tang vật tên giết người bỏ lại:
đây bức hình, kia mấy sợi dây giày,
bất cứ gì nàng có thể tìm thấy.
Rõ ràng là nàng không bị xiết cổ.
Rõ ràng là nàng không bị súng bắn.
Nàng bị giết một cách vô hình ảnh.
Vài dấu hiệu có lẽ nàng còn sống,
khóc vì những lý do rất tầm bậy,
hét toáng lên vì hoảng sợ khi trông
thấy một con chuột.
Những cử chỉ ấy
rất buồn cười và dễ đoán đến nỗi
muốn bắt chước thì cũng chẳng khó mấy.
Nàng đứng dậy giống như bạn và tôi.
Nàng đi đi lại lại như mọi người.
Và vừa hát nàng vừa chải tóc,
tóc vẫn mọc dài.
-----------------
“The Acrobat” trong No End of Fun (1967), “Evaluation of an Unwritten Poem” trong A Large Number (1976), và “Ballad” trong Salt (1962); cả ba bài được in lại trong Wisława Szymborska, Poems New and Collected 1957-1997 (New York: Harcourt Brace & Company, 1998), bản dịch từ tiếng Ba Lan sang tiếng Anh của Stanisław Barańczak và Clare Cavanagh.
|