thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bốn bài thơ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
BORIS RYZHY
(1974-2001)
 
Boris Ryzhy, hay Ryzhii, sinh ngày 8 tháng 9, 1974, tại thành phố Tcheliabinsk, trong một gia đình bố làm nghề kỹ sư mỏ. Năm 1980 gia đình chuyển đến sinh sống ở Sverdlovsk – tên thời Liên Xô – tức thành phố Yekaterinburg, trung tâm công nghiệp của miền Ural, nổi tiếng là vùng đất khắc nghiệt của những hầm mỏ, nhà máy, những cựu tù nhân... Boris Ryzhy làm thơ từ lúc mười bốn tuổi, đúng cái tuổi chàng thanh niên nổi tiếng trong thành phố mình sinh sống là một vô địch quyền Anh. Năm 1991 ông vào Học viện Hầm mỏ Sverdlovsk và lấy vợ rất sớm, lúc mười bảy tuổi, rồi có con khi chưa tới hai mươi. Thời đi học ông thường xuyên tham gia các sinh hoạt thơ, các buổi họp mặt hội thảo, liên hoan thơ, kể cả các hoạt động báo chí & xuất bản,[1] với sự giúp đỡ tuyệt vời của một nhà thơ mất sớm là Yuri Lobantsev – và chính qua cuộc sống lãng tử ấy (mặc dù có gia đình và vẫn đeo đuổi những giấc mơ khoa học của mình)[2] ông trở thành gương mặt sáng chói nhất trong nhóm thơ ở Yekaterinburg. Ông từng làm biên tập cho báo Ural và phụ trách chuyên mục thơ trên các trang “Câu lạc bộ Sách” cho báo thành phố Yekateringburg. Dân cư ngụ cùng thành phố với ông cũng như lối sống của đồng bào quanh ông ghi đậm dấu ấn trong thơ ông – những phạm nhân cơ cực từ tuổi thơ của cậu bé Boris cứ thế đi vào những câu thơ đầu đời đầy thương xót và đồng cảm...
 
              Tôi ra đời – tôi vẫn còn thấy đây là chuyện khó tin nổi –
              trong một mê lộ những xưởng máy,
              trên mảnh đất bồ câu núi, suốt cả ngàn năm, cư trú
              đồng đều đám công an và trộm cướp.
              Bởi những lý do đó, tôi không ưa sự thu nhỏ,
              và khi có người gõ cửa, mỉm cười và hỏi xin chút dấm,
              tôi đem ngay cho họ cái họ cần.
 
               (Trích Lớp băng phủ trên đá hoa, 1997)
 
Năm cuối cuộc đời có thể được coi là khởi điểm của sự nghiệp tốt đẹp nhất của Ryzhy không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà cả trong thơ ca, khi chính ông đang bắt đầu được chào đón như một trong những nhà thơ hàng đầu của thế hệ mình – nếu ông không tự chấm dứt cuộc đời một cách bi thảm, treo cổ, vào ngày 7 tháng Năm, 2001, sau những ngày tháng tinh thần suy nhược, nát rượu, tuyệt vọng, tình trạng gần như khá phổ biến nơi các chân dung tuổi trẻ Nga trong thơ ca ông: những thanh niên vừa bước vào thời kỳ đổi mới mà vẫn chưa cảm thấy đã thực sự lột bỏ được hẳn chiếc “mặt nạ” nặng nề của những năm tháng xô viết – và trong số đó không phải là không có những người bị cuốn theo tiếng gọi của một vực thẳm lấp lánh sao, khát khao một cuộc sống thực với lòng mình, như chính ông?...
 
Ryzhy từng nhận một số giải thưởng, như Giải Anti-Booker Prize năm 1999, và không ít lời mời tham dự các Liên hoan thơ, như Liên hoan Thơ Rotterdam vinh danh Joseph Brodsky chẳng hạn. Sau cái chết rất trẻ, tên tuổi ông bắt đầu được gắn liền với danh sách những nhà thơ hàng đầu ở Nga, thơ ca ông được giới thiệu và tán dương rộng rãi khắp nước: tiếp theo tập Thơ tuyển 1999-2001 do Quỹ Pushkin xuất bản thời ông còn sống, là nhiều tuyển tập và thơ tuyển đóng góp phong phú vào kho tàng văn học Nga những năm gần đây, đặc biệt là tập thơ xuất bản sau khi ông qua đời Opravdaniye zhizni [Biện giải cuộc sống] và nhận giải thưởng đươc kể là khá quan trọng ở Nga: Giải “Северная Пальмира” [Cây cọ Phương Bắc].
 
Ngoài bộ phim tư liệu “Boris Ryzhy” do nữ đạo diễn Hà-lan Aliona van der Horst thực hiện năm 2009 từng đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải “Best Feature Documentary” tại Liên hoan Phim Quốc tế Edinburg năm 2009 khiến những người hâm mộ thơ trên thế giới biết và bắt đầu nhìn nhận tài năng của ông, Boris Ryzhy còn nổi tiếng nhờ những dòng thơ phóng khoáng với cách diễn đạt đời thường, giọng điệu có khi gợi nhớ ít nhiều dòng thơ Nga vào thời Серебряного века [Thời đại Bạc] được chuyển qua nhiều ngôn ngữ như Anh, Ý, Đức, Pháp, Hà Lan, Serbe...[3]
 
Tác phẩm chính: Lyubov [Tình yêu, 2000], I Vsyo Takoye [Và mọi thứ cùng loại..., 2000], Na Kholodnom Vetru [Trong gió lạnh, 2001], Stikhi 1993-2001 [Thơ, 2003], Opravdaniye Zhizni [Lý lẽ cho cuộc sống, 2004], Tipa Pesnya [Như một bài ca, 2006]...
 
_________________________

[1]Ông từng có tên trong ban biên tập tạp chí Ural, và là người giữ mục “Thơ hôm nay với Boris Ryzhy” của tờ báo này – không kể nhiều đóng góp liên tục cho báo và các tạp chí khác, như Zvezda, Znamya, các niên giám như Urbi, Arion, kể cả báo và tạp chí xuất bản ở Moscow.

[2]Năm 1997 ông tốt nghiệp Viện Hầm mỏ và là nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học Ural thuộc Học viện Địa Vật lý, với rất nhiều công trình nghiên cứu địa chất (cấu trúc vỏ trái đất và hoạt động địa chấn trong vùng Ural và toàn nước Nga) được xuất bản, và công trình cuối cùng của ông từng được dự kiến công bố trong Báo cáo của Viện hàn lâm Khoa học.

[3]Mặc dù nhạc trong thơ Boris Ryzhy là thứ không phải dễ dàng chuyển tải, tất nhiên, một phần, kể cả trong các bản Việt ngữ được giới thiệu trên trang này.

 
 
 

* * *

                                        Không có tiền, không có rượu vang...
                                                                               G. Adamovitch
 
Này cô bạn, em và anh, ta hãy đi bằng con đường vắng vẻ
treo lủng lẳng những ngọn đèn đường trông như những quả quýt,
có chút tuyết tháng Giêng rất đỗi bình thường,
và những cửa tiệm đóng cửa vĩnh viễn.
Đèn néon quán rượu, mặt tủ kính, những đường rãnh và ống nước.
– Ta buồn quá, cô bạn ạ, ta sợ hãi,
                           và cuộc sống diễn ra theo nghĩa của từ ấy.
Thế còn em? Em chờ đợi gì ở nó, ở cuộc đời?
– Nỗi buồn phiền, anh bạn ạ,
                           nỗi buồn và cái đẹp thường đi bên nhau.
Và sự vật vẫn như thế, và chúng ta đi dọc theo những bức tường đen.
– Vậy em hãy cho anh biết,
              với hai chúng ta ngày mai sẽ ra sao?
Và một tượng người mẫu, là thứ bất tử, trông gớm ghiếc,
nó đang quan sát chúng ta bằng đôi mắt đẹp.
– Nhưng nó biết gì? Nó biết rằng thế giới này là tàn bạo?
Là khủng khiếp?
              Rằng trong các mặt tủ kính những đóa hồng đã lụi tàn?
– Rằng hạnh phúc là có thật, nhưng trời ơi, những giọt nước mắt lạnh
tiếc thay đã che khuất không để anh nhìn thấy.
 
 
 

* * *

 
Ở nước Nga người ta chia tay là chia tay vĩnh viễn.
Ở nước Nga các thành phố rất
              cách xa nhau,
đến độ tôi phải giật nẩy mình thì thầm “xin giã từ”.
Bàn tay tôi tình cờ chạm
              Bàn tay nàng.
 
Mỗi con đường dài ngang chiều dài một cuộc đời
Hãy nói tôi nghe, một thần linh Nga, nó là cái gì vậy?
              “Chắc chắn tôi sẽ
quay trở lại.” Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại.
Ở nước Nga người ta chia tay là chia tay vĩnh viễn.
              “Hỡi linh hồn ta,
 
ta sẽ quay trở lại”. Một trăm năm nữa ta sẽ quay về.
Nỗi buồn kia, êm dịu quá, có là bao:
              chúng ta chia tay nhau
vĩnh viễn. “Ta sẽ lau khô giọt nước ấy”.
Không, tôi sẽ không quay trở về. Có khả năng hơn
              là tôi sẽ chết.
 
Ở nước Nga người ta chia tay là chia tay vĩnh viễn.
Hãy ném thêm một cục nước đá
              vào bài thơ lạnh lẽo này.
... Và những chuyến xe lửa trật đường ray,
... Và những chuyến bay lên tận các tinh tú
              bốc cháy giữa sao trời.
 
 
 

* * *

 
Tên Gricha-con-Heo bước ra sân,
tay phải cầm một cái rìu.
“Ta sẽ tẩn hết bọn bây một trận”, hắn kêu
nhỏ nhẹ, rồi bắt đầu hét lớn:
“Bọn đểu!” Thế là tứ phía, không gấp không vội,
mọi người kéo tới bu quanh hắn.
 
Họ tịch thu cái rìu của hắn, bảo: “xong rồi!”
và tung đầu gối đá túi bụi vào bụng hắn.
Hắn ngã qụi xuống đất, họ tiếp tục đấm đá.
Một bà đứng ở cửa sổ hét giọng khàn:
thế thì họ giết chết thằng chả mất.
Bấy giờ là mùa xuân.
 
Những cây táo trắng. Những đám mây
 
xanh. Này, xin chào
tuổi trẻ của ta, tôi nói, xin giã từ.
Mong ánh sao mờ của mi soi sáng đường đi cho ta.
Xong cả rồi, mi chẳng cần phải nhớ tới ta,
nhưng cũng đừng quên trở lại trong những giấc mơ của ta.
 
Xin mi đừng buồn rầu, đừng sầu não.
Hãy tha thứ cho ta nếu như ta lầm lỗi.
Hãy để cho gương mặt của mi vĩnh viễn
được mùa xuân soi sáng.
Ta chẳng buồn bận tâm nếu mi biết chuyện gì đã xảy ra cho ta,
chuyện gì sẽ xảy ra cho ta.
 
 
 

Tốt hơn nên lấy xe điện...

 
Nếu bạn trở về quá khứ tốt hơn là nên lấy xe điện
leng keng tiếng chuông, cạnh bên gã say xỉn,
một cậu học trò ở bẩn, một bà cô nửa khùng nửa điên,
và, quả thế, những chiếc lá bạch dương cuốn theo vết xe.
Qua khỏi trạm thứ năm hay thứ sáu
chúng ta bước vào những năm tám mươi –
bên trái là những xí nghiệp, bên phải là những nhà máy,
chẳng ai quan tâm, đừng có lôi thôi, bạn làm sao thế.
Có gì mà bạn phải lẩm bẩm, giọng đa nghi, nói năng
những lời như rút ra từ Nabokov.
Ông ta là con nhà cao sang, bạn và tôi là thứ bỏ đi,
Nào, hãy cười lên, nước mắt chảy trên mặt bạn kìa.
Đây là trạm ngừng của chúng ta –
bích chương, biểu ngữ, cái chỗ này cái chỗ kia,
trời xanh, những dải cà-vạt đỏ,
đám tang một người nào đó, những người chơi nhạc.
Hãy huýt sáo theo tiếng nhạc của họ
và rồi, khoác áo da, tay đút túi quần
hãy lơ lửng trôi theo âm thanh tuyệt vời kia,
qua lối mòn của cuộc chia ly bất tận,
qua con đường của nỗi buồn bất tận
về ngôi nhà bạn từng ra đời, nhạt nhòa trong hoàng hôn,
nỗi cô đơn, cơn ngủ mơ, tiếng lá rơi,
trở về như một chiến binh tử trận.
 
 
 
 
------------------
[“Này cô bạn...”] dịch từ bản tiếng Pháp của Hélène Henry-Safier trong Anthologie de la poésie russe contemporaine 1989-2009, Bacchanales no. 45, Éditions de la Maison de la poédie Rhône-Alpes, Février 2010 [288 trang]; [“Ở nước Nga...”] và [“Tên Gricha-con-Heo...”] dịch từ bản tiếng Pháp của Christine Zeytounian-Beloüs trong La nouvelle poésie russe - Anthologie, do Evgueni Bounimovitch giới thiệu, Ecrits des Forges [Canada] và Autres Temps [Marseilles] xuất bản, 2005. “Tốt hơn nên lấy xe điện...” dịch từ bản tiếng Anh “Best take the tram” của Sacha Dugdale trong Tạp chí Modern Poetry in Translation, Serie 3, No.4 – 2004.
 
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021