thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gánh nặng của công viên
(Đinh Linh dịch từ nguyên tác Anh ngữ)
 
John Ashbery sinh năm 1927. Tác giả hơn 20 tập thơ, Ashbery đã được trao tất cả những giải thơ lớn của Hoa Kỳ, và nhiều giải thơ quan trọng trên thế giới. Ashbery cũng viết phê bình về thơ và hội họa, kịch và một tiểu thuyết. Trong thi ca Mỹ đương đại, Ashbery được tôn trọng hơn tất cả.
        Tôi có một mẩu chuyện về Ashbery: cách đây một tháng,[*] tôi được trường đại học Bard, ở tiểu bang New York, mời đọc thơ. Tôi biết Ashbery dạy ở Bard, nhưng không chắc hắn sẽ hiện ra buổi đọc thơ này. Già rồi, tôi nghĩ, hơi đâu mà ngồi nghe hết người này đến người nọ đọc thơ? Mười năm trước, tôi có dự một buổi tiệc có mặt Ashbery. Lúc đó tôi chưa ra sách, thậm chí chưa đăng một bài thơ nào, nên không tự giới thiệu mình. Kỳ này tôi vào phòng thính giả đúng 7 giờ như đã hẹn, nhưng không thấy ma nào. Không những không có Ashbery mà bọn sinh viên cũng chẳng thèm đến. Mẹ kiếp, vậy mà khi nằm nhà cứ tưởng mình là ngôi sao đang lên! Nhưng từ từ khán giả lần lượt đi vào, trong đó có Ashbery.
        Sau buổi đọc thơ, tôi đi ăn với Ashbery và một số người. Tiệm ăn lịch sự, đông đảo. Ashbery đã dạy ở Bard hơn 20 năm, nên tôi tưởng phải nổi tiếng lắm ở vùng đó, một khu vực mắc mỏ, học thức cao. Nhưng không ai nhận ra Ashbery cả. Tôi hỏi hắn: “Trong đây, có ai nhận ra mày không, John?”
        Hắn kinh ngạc nhìn tôi, “Dĩ nhiên không!”
        “Cả trăm người ở đây mà không ai nhận ra mày à?”
        “Có gì đâu mà ngạc nhiên?”
        “Nếu một thằng cầu thủ bóng rổ dự bị hạng bét của đội New York vào đây, ai nấy đều nhận ra hắn!”
        “Mày đừng chọc tao nữa nhé!”
        Ashbery rất vui vẻ, thân thiện. Hắn nói hắn sống ở Pháp 10 năm, thích lắm, và sau đó mỗi năm phải đi Pháp một lần, nhưng bây giờ thì mệt rồi, không đi nữa. Hắn nói hắn không chịu lên máy bay nữa. Hắn nói mỗi lần đọc thơ, hắn cứ sợ thơ hắn dở.
        “Lúc soạn bài, mày sợ thơ dở hả?”
        “Không, lúc đọc, tao sợ thơ dở.”
        Sau đây là một bài thơ của John Ashbery, từ năm 1998:
 

Gánh Nặng Của Công Viên

 
Mỗi miếng thật là đơn độc
bạn đã nói, hay, có lẽ, mỗi
miếng là thật đơn độc.
Tôi ngửi sự khác biệt.
Nó như bụi trong căn nhà cũ,
hay nước ở đấy. Rồi bạn đến
khúc gay cấn,
tên cướp đính hôn
với con gái người mù. Những củ cải mangel-wurzel
đi ra từng cửa, chào lữ khách
rồi biến. Hay cái nhịp trắc ẩn hơn của những tay chơi rong,
mỗi người một cục cưng nằm lả trên tay, mỗi người
gọn ghẽ như ý niệm của ta về mọi thứ dưới mặt trời đều gọn ghẽ.
Và những con cáo
trở về, với ông bầu của chúng, và đêm,
đêm dơi đen, thì đen hơn bất cứ con dơi nào.
Chỉ để bạn biết, đây là chỗ sụt xuống,
cho nước, nơi mà những mị nương đi tà tà và các bác
biết thứ nào ngon khi thấy.
Công viên ở khắp nơi.
Nó không phải bị thương ở đầu gối hay tem trên Hỏa Tinh.
Nó là tất cả những thứ trên, và vài thứ khác nữa:
một buổi sáng vô danh trong tháng năm đón chụp bởi những quan sát viên căng.
Một ruột bánh xe trên xa lông.
Rồi chúng ta trôi xuống sông Đại Phô, mỗi người
trên một ruột bánh xe, mỗi cái một màu.
Của tôi là xanh chanh, bạn là xanh hồ trăn.
Và dòng nước róc rách nhắc ta phải coi chừng sau lưng
để được thêm một ngày. Bạn
có chắc mình chưa qua cửa gôn? Bạn sẽ không
xét lại? Lại lắp tôi về nguồn? Egad,
Trixie, nước biết nói! Như một đứa trai
nó nói, và tôi không chắc chuyện này vặt như thế nào,
và không nên làm rùm beng về nó như thế nào. Khi một đứa trai khác đến
mép của thác nước, và gọi, bởi đã xế chiều,
có lẽ ta sẽ tiếc không phát minh được món này,
để hắn té qua một bên? Rồi, đúng vậy, những làn
thạch thảo gạt ra những nhân chứng gian, họ bay như dải ruy băng
trong gió gắt, và kể về chúng tôi: Có lần chúng tôi phạm
một vài lỗi lầm, dường như vậy, và bây giờ sẽ bị xét sử, tuy vậy
cũng không đến nỗi, ai đó bảo tôi mày sẽ được ân xá,
rồi tất cả sẽ được về nhà, la cà và cười trở lại, quặn cả người
bởi cái cười đểu khúc khích như có lỗi. Trong khi đó, những kẻ tung hứng tràn qua
những mặt cứng của núi lửa. Chúng tôi tin đây là Tận Đất, thì đã
6 giờ, và con cá lưỡi lam đã về nhà.
Có lần, trên bờ biển Mannahatta tiêu điều,
tôi câu nhấp cá bướng, nhưng chỉ bắt số không, không gì ngoài
một hai miệng hút cao su. Thật bực mình
lúc đó. Nhưng bây giờ tất cả đều tươi tắn.
Tôi ngẫm, có nhằm nhò gì không?
Có phải những thủy thủ đang vẫy
từ boong tàu lâm nạn? Chúng tôi không
đố kỵ, tuy vậy, đời sống ắp đầy
những chấn động lặt vặt, nên bất cứ ai
cũng phải vồ phần mình. Chiếc vĩ cầm thái cuộc đời
thành những phần quản lý được, và kẻ kéo cò không biết
ai hắn đang làm xúc động, hay quan tâm sao bà con phải xúc động;
trí hắn nhắm vào mục tiêu, cái bổn phận phi thường để kết thúc
mệnh hắn. Bạn tưởng hắn hơn bạn?
Chân tôi đã tê, tôi chỉ hỏi hắn, làm sao khiêng cái này từ đây đến đó?
Có xà lan phẳng không? Rết trăm chân có bao nhiêu chân?
(Trả lời số ngày mai.) Tôi nghe những con sếu khóc,
bảo sắp hết giờ. Đó là hàng Bỉ,
chúng tưởng. Không ai tốn dầu đèn cho loại này,
nhưng tôi nghĩ có ngày tôi sẽ thành một học giả, thế thôi.
Thời khóa biểu hạp với tôi. Và bó hoa cao su nhỏ những thiếu nữ cài
trong và ngoài lớp. Dĩ nhiên, tôi sẽ trở thành chú mười, và phải ngồi
trong góc, nhưng đó cũng thuộc về cuộc mạo hiểm gay cấn. Tôi biết mọi chuyện
khác và không khác. Bây giờ nếu tôi chỉ có thể kể cho bạn...
Thời gian nghỉ của tôi đã kết thúc.
Tôi sẽ phải xoay xở giờ suy sụp, rồi khóc lóc
trở về với các bạn. Trong những năm đó hòa bình tới rồi đi, xe hơi người cha thay đổi
theo mùa, khắp quanh chúng ta là xung đột và những kích động mùa xuân.
Bây giờ, nực cười, chuyện đã qua. Tôi sẽ không màng cái tiền đề rỗng
mà đã một thời làm tôi mệt óc. Tôi biết nó quá đúng. Và tên du đãng
nhìn hau háu hoa tử đinh hương: Có lẽ chỉ những mút tay là hứng thú,
nó nghĩ, và phà ra những luyến tiếc chín mùi.
Có lẽ đã quá trễ,
có lẽ họ sẽ đến hôm nay.
 
_________________________

[*]Tức là tháng 11 năm 2004.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021