thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cường ngôn
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch
 
Diane di Prima (nhà thơ, nhà văn, nhà giáo và nhà tranh đấu cho nữ quyền) sinh năm 1934 tại Brooklyn, New York, thuộc thế hệ thứ hai của người di dân gốc Ý. Bà bắt đầu viết từ năm lên 7 tuổi, và năm lên 14 tuổi đã quyết định sẽ sống trọn đời mình như một thi sĩ.
 
Năm 1953, lúc được 19 tuổi, Diane bắt đầu nghiệp thơ và dấn thân vào những cuộc đấu tranh xã hội. Năm ấy, bà gặp và trao đổi thư từ với Ezra Pound lúc ông còn bị chính phủ Hoa Kỳ gán cho bệnh điên và nhốt tại bệnh viện tâm thần St. Elizabeth ở  Washington, D.C. Năm 1957, bà tiếp xúc với Allen Ginsberg, Kerouac và những khuôn mặt chính của phong trào thơ Beat, và dần dần, bà trở thành cây bút nữ quan trọng nhất của phong trào này. Cũng trong thời gian ấy, bà cùng các bạn đứng ra sáng lập tổ chức sân khấu New York Poets Theatre, và nhà xuất bản Poets Press, chuyên phổ biến tác phẩm của những cây bút mới đương thời.
 
Năm 1958, bà xuất bản tập thơ đầu tay This Kind of Bird Flies Backward; và năm 1960, tác phẩm văn xuôi, Dinners and Nightmares. Năm 1961, lúc đã dời về sống ở khu Lower East Side, thuộc Manhattan, bà bắt đầu cùng với nhà thơ Amiri Baraka (LeRoi Jones) biên tập tạp chí văn chương The Floating Bear. Ngay năm ấy, ban biên tập của tạp chí này bị FBI bắt giam vì tội truyền bá văn chương dâm uế, nhưng sau đó toà thượng thẩm đã dẹp bỏ vụ án này. Cũng trong năm ấy, bà giao lưu với các thi sĩ và hoạ sĩ của nhóm San Francisco Renaissance như Michael McClure, Jay DeFeo, and Bruce Conner. Năm 1963, Diane di Prima cho ra đời tập thơ The New Handbook of Heaven. Năm 1965, bà dời lên gần New York và tham gia cộng đồng psychedelic của Timothy Leary ở Millbrook. Thế rồi, dấn thân vào xã hội như một nhà thơ tranh đấu cho nữ quyền và sự đổi thay văn hoá, bà lái chiếc xe buýt Volkswagen đi khắp nơi, đọc thơ ở các giáo đường, quán cà-phê, nhà tù và trường học.
 
Năm 1968, bà dời xuống San Francisco, thụ giáo với thiền sư Shenryu Suzuki Roshi. Tác phẩm nổi danh nhất trong thời trẻ của bà là Revolutionary Letters, ra mắt năm 1971. Cùng năm ấy, bà khởi sự viết trường thi Loba. Một phần của trường thi này (từ chương 1 đến chương 8) được xuất bản năm 1978. Trường thi bắt đầu với một giấc chiêm bao mà Diane di Prima đã trải qua ở Wyoming, bà thấy mình bị một con sói đuổi theo:
      ... ở một quãng đường nào đó, tôi xoay người lại và nhìn thẳng vào mắt con vật này, và tôi nhận ra, trong giấc chiêm bao ... con sói trắng to lớn này, chiếc đầu trắng xinh đẹp này, tôi đã nhận ra nó là một nữ thần mà tôi đã từng biết ở châu Âu cách đây lâu lắm. Chưa từng đọc về bất cứ nữ thần sói nào ở châu Âu, tôi chỉ bất giác nhận ra nó là nữ thần. Và chúng tôi đứng nhìn nhau một lúc rất lâu.
 
Với tâm thức hậu hiện đại, Diane di Prima gạt bỏ những lối đi "chính thống", chối từ những quan điểm phổ thông đương thời. Thay vào đó, bà quan sát đời sống qua những góc nhìn đa văn hoá. Bà thích thú tìm hiểu những truyền thống tâm linh của châu Âu thời xa xưa, trước khi có Thiên chúa giáo; đồng thời, bà say mê nghiên cứu Phật giáo Mật tông Tây Tạng, và trở thành môn sinh của Đức Lạt Ma Chogyon Trungpa Rinpoche. Bà học tiếng Sanskrit, thuật chế kim (alchemy) và thực hành Thiền toạ. Từ năm 1980 đến 1986 bà giảng dạy về thơ bí nhiệm tại New College ở California. Góp phần vào việc truyền bá những tiếp cận mới về thi pháp, bà cũng đã tham gia giảng dạy tại trường Jack Kerouac School for Disembodied Poetics.
 
Bà đang sống và làm việc tại San Francisco, nơi bà là đồng sáng lập viên và giáo sư của học viện San Francisco Institute of Magical and Healing Arts.
 
Allen Ginsberg (1926-1997), tiếng thơ đầu đàn của phong trào Beat, đã nhận định về bà như sau:
      "Diane di Prima, nhà vận động cách mạng của cuộc hồi sinh văn chương của thế hệ Beat vào những năm 1960, anh hùng trong cuộc sống và thi pháp: một du tử khôi hài và thông tuệ, hấp thụ một nền giáo dục kinh điển nhưng trở thành nhà cải cách triệt để của thế kỷ 20. Tác phẩm của bà, được soi sáng bởi đức tĩnh tại của Phật giáo, là điển hình của lối thơ duy ảnh, mang tính chính trị và màu sắc huyền bí. Là một nữ thi sĩ vĩ đại của nước Mỹ hậu bán thế kỷ 20, bà phá vỡ những rào cản của chủng tộc và giai cấp, để tạo nên một khối đồ sộ của những tác phẩm thi ca sáng chói..."
 
 
 
DIANE DI PRIMA
(1934~)
 
 

CƯỜNG NGÔN

 
Bạn không thể viết một dòng chữ nào không có một vũ trụ luận
một vũ trụ luận
bày ra, trước mọi con mắt
 
bạn không thể tách riêng ra một phần nào của chính bạn
nói, đây là ký ức, đây là cảm giác
đây là tác phẩm mà tôi quan tâm, đây là cách tôi
kiếm sống
 
nó là tổng thể, nó là một tổng thể, nó đã luôn luôn là tổng thể
bạn không "làm" nó ra như thế
không có gì để hoà nhập, bạn là một sự hiện diện
bạn là một thành tố của tác phẩm ấy, tác phẩm ấy mọc ra từ
treo lửng lơ từ cái thiên đường do bạn tạo nên
 
mỗi người đàn ông / mỗi người đàn bà mang một bầu trời bên trong mình
& những ngôi sao trong đó không phải là những ngôi sao trên trời
 
không có óc tưởng tượng thì không có ký ức
không có óc tưởng tượng thì không có cảm giác
không có óc tưởng tượng thì không có ý nguyện, khát vọng
 
lịch sử là một vũ khí sinh động trong bàn tay của bạn
& bạn đã tưởng tượng ra nó, nó chính là cái mà bạn
"tự tìm thấy cho chính mình"
lịch sử là giấc mộng của những gì có thể hiện hữu, nó là
mối quan hệ giữa các sự vật trong một chuỗi liên tục
 
từ óc tưởng tượng
điều bạn tìm thấy cho chính mình là điều bạn chọn lấy
từ một biển vô hạn của khả thể
không ai có thể cư ngụ trong thế giới của bạn
 
tuy nhiên nó không cô đơn,
căn để của óc tưởng tượng là sự vô uý
hành ngôn là băng thu hình của một cuốn phim ghi lại một vở múa rối bóng
nhưng những con rối nằm trong bàn tay bạn
những con cờ trong một ván cờ đa phương
ván cờ ấy là sự tiên đoán mang tính siêu nhiên
& chiến lược
 
Cuộc chiến hệ trọng duy nhất là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng
mọi cuộc chiến khác đều nằm trong đó.
 
nạn đói tối hậu là nạn đói
của óc tưởng tượng
 
cái chết là điều chắc chắn, nhưng những kẻ không chết
đi tìm nơi cư ngụ trong thế giới của người khác
 
triệu chứng claustrophobia* tối hậu là phép tam đoạn luận
triệu chứng claustrophobia tối hậu là "tất cả từ đó suy ra"
không có cái gì từ đó suy ra & không có cái gì thay thế cho
bất cứ cái gì khác
 
CUỘC CHIẾN HỆ TRỌNG DUY NHẤT LÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠI
ÓC TƯỞNG TƯỢNG
 
CUỘC CHIẾN HỆ TRỌNG DUY NHẤT LÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠI
ÓC TƯỞNG TƯỢNG
CUỘC CHIẾN HỆ TRỌNG DUY NHẤT LÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠI
ÓC TƯỞNG TƯỢNG
MỌI CUỘC CHIẾN KHÁC ĐỀU NẰM TRONG ĐÓ
 
Không cách nào thoát khỏi cuộc giao tranh tâm linh
Không cách nào bạn tránh khỏi theo phe phái
Không cách nào bạn không thể có một thi pháp
bất kể bạn làm gì: thợ sửa ống nước, thợ làm bánh, giáo viên
 
bạn làm việc ấy với ý thức rằng bạn đang tạo nên
hay không tạo nên thế giới của bạn
bạn có một thi pháp: bạn bước vào thế giới
như một bộ áo quần may sẵn
 
hay bạn cắt nét trong ánh sáng
bầu trời của bạn đổ tràn vào trong hình dạng căn phòng của bạn,
hình dạng của bài thơ, của thân thể bạn, của những cuộc tình của bạn
 
Cuộc sống của một người đàn bà / cuộc sống của một người đàn ông là một phúng dụ
 
Hãy đào vào nó
 
Không cách nào thoát khỏi cuộc giao tranh tâm linh
cuộc chiến là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng
bạn không thể nhập cuộc với tư cách một người phản đối cực lực
 
cuộc chiến của các thế giới đang lửng lơ ngay ở đây, ngay lúc này, bất phân thắng bại
đó là một cuộc chiến vì thế giới này, để giữ nó còn là
một nơi chốn cho việc tạo dựng linh hồn
 
mùi vị trong miệng của tất cả chúng ta là mùi vị của quyền lực chúng ta
và nó đắng như sự chết
 
hãy mang chính bạn về nhà của chính bạn, hãy bước vào khu vườn ấy
kẻ đứng tại cổng với những lưỡi gươm bốc lửa là chính bạn
 
cuộc chiến là cuộc chiến vì óc tưởng tượng của con người
và không ai có thể chiến đấu với nó ngoại trừ bạn / & và không ai có thể chiến đấu giùm cho bạn
 
Óc tưởng tượng không chỉ là thiêng liêng, nó còn rõ ràng chính xác nữa
nó không chỉ dữ dội, nó còn thực tế nữa
hàng ngày người ta chết vì thiếu nó,
nó mênh mông & cao nhã
 
intellectus có nghĩa là "ánh sáng của trí óc"
nó không phải là hành ngôn nó thậm chí không phải là ngôn ngữ
nó là mặt trời ở bên trong
 
polis Là chòm sao bay quanh mặt trời
lửa Là tâm điểm
 
1985
 
---------------------------------------
* claustrophobia: triệu chứng hoảng hốt bất thường khi ở những nơi kín cửa hay chật chội.
 
 
-------------------------
Nguyên tác: "Rant", trong Diane di Prima, Pieces of a Song: Selected Poems (New York: City Lights, 1990). Một trích đoạn của bài thơ này được chọn vào tuyển tập Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry, Volume Two, eds. Jerome Rothenberg & Pierre Joris (Berkeley: University of California Press, 1998) 449-450.
 
 
Những tác phẩm đã đăng trong loạt THƠ HẬU HIỆN ĐẠI:
"skin Meat BONES (chant)", bài thơ để xướng tụng bằng ba giọng ở ba âm vực khác nhau như một bài hát ba bè, của Anne Waldman (1945~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ, một tên tuổi hàng đầu của thơ trình diễn và thơ đọc — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Chờ   của  Wilding, Faith
"Waiting", một bài thơ nổi tiếng của Faith Wilding (1943~) — nghệ sĩ đa diện và nhà vận động nữ quyền Hoa Kỳ. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại "thơ trình diễn" (performance poetry), một thể loại phát triển rất mạnh trong nghệ thuật hậu hiện đại. Bài thơ này gói trọn cuộc sống của người phụ nữ dưới ách phụ quyền vào một chữ "chờ". Thân phận của họ là "chờ", mãi mãi "chờ", từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)
Bài thơ của Hiromi Ito (1955~) — một đại biểu của dòng thơ nữ quyền hậu hiện đại Nhật Bản. Bài thơ này đánh ngã quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ vốn cho rằng thơ của nữ giới là phải đoan trang, kín đáo, mỹ miều. Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"The Practice of Magical Evocation", "Prophetissa", và "Studies in Light", ba bài thơ rất lạ, với những ẩn dụ và biểu tượng huyền bí xen lẫn vào ngôn ngữ thường nhật đương đại, của Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Slow song for Mark Rothko", một bài thơ ứng dụng cấu trúc âm nhạc thiểu tố, của John Taggart (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Sói  của  Fujii Sadakazu
Một bài thơ sử dụng huyền thoại dân gian về người đàn bà sói "tuyệt chủng" như một ẩn dụ để diễn tả lối tiếp cận thi ca mới, của Fujii Sadakazu (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Nhật Bản — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"FIVE NOTEBOOKS FOR EXIT ART", một bài thơ có hình thức mới lạ, trông như một bài nghiên cứu từ nguyên, của Cecilia Vicuña (1948~) — nhà thơ hậu hiện đại Chile — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Lost and Found" và "Breasts", hai bài thơ với những liên tưởng rất lạ, của Maxine Chernoff (1952~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Cenotaph", một bài thơ ứng dụng kỹ thuật điện ảnh, qua đó, những đoạn thơ như những khúc phim ngắn xen vào nhau, nối tiếp nhau, của John Yau (1950~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Index", một bài thơ rất khác thường, dưới dạng một bảng tra cứu ở cuối sách, của Paul Violi (1944~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Conjugal", "Ape", "A Performance at Hog Theater", "The Toy-Maker" và "The Optical Prodigal", năm bài thơ văn xuôi với những hình tượng và liên tưởng rất khác thương, của Russel Edson (1935~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Falling in Love in Spain or Mexico", "Wonderful Things", "Nothing in That Drawer" và "Who and Each", bốn bài thơ với bốn thi pháp hoàn toàn khác nhau, của Ron Padgett (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rape", một bài thơ chua cay, quyết liệt, của Jayne Cortez (1939~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"A Bouquet of Objects", "In a Monotonous Dream" và "A Date with Robbe-Grillet", ba bài thơ ngắn, nhưng đầy những khám phá thú vị trong bút pháp, của Equi Elaine (1953~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021