thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG ĐÊM TRẮNG (IV): Tặng con chó của tôi | Ba phút sự thật | Những nụ cười | Những kẻ thừa kế Stalin
(Diễm Châu dịch)
 

TẶNG CON CHÓ CỦA TÔI

 
Nó kiên nhẫn đợi chờ, dán mũi vào kính cửa,
nó đợi chờ, con chó của tôi, nó đợi chờ ai đó.
Tôi vuốt ve lông nó,
và, như nó, cũng rình chờ.
Này chó, có lẽ mi còn nhớ cái thời
có một người đàn bà ở tạm bên chúng ta?
Có phải nàng là em gái ta?
Có phải nàng là vợ ta?
Khuôn mặt âu lo của nàng đôi khi muốn gì ta nhỉ?
Khuôn mặt như của một người con gái khẩn cầu ta cứu giúp.
Nàng đã xa rồi... Mi im lặng.
Sẽ không có một người đàn bà nào bước qua ngưỡng cửa này nữa.
Tất cả đều tốt đẹp, chó ơi, khi nào mi có đó,
chỉ tiếc rằng mi không biết uống rượu.
 
 

BA PHÚT SỰ THẬT

 
Để tưởng niệm một người anh hùng dân tộc Cu-ba, José Antonio Echevarria. Bạn bè anh đã đặt cho anh cái biệt hiệu «Manzana»--«Trái táo», trong tiếng Tây-ban-nha.
 
Thủa ấy có một chàng trai biệt hiệu là Manzana.
Đôi mắt chàng trong như dòng suối
và tâm hồn chàng rì rào
                                     như một căn gác nhỏ
bộn bề những chim bồ câu,
                                        những cây đàn
                                                               và những tấm tranh.
Chàng thích ngoạm những trái bắp nhai rau ráu,
thích dã-cầu,
                    trẻ nhỏ, chim muông
và, trong những cơn lốc xoáy
                                            của một đám hội ngoài trời,
không gì làm chàng vui thú cho bằng
                                            phép mầu của một ánh mắt.
Nhưng chàng trai với biệt hiệu là Manzana ấy
chàng trai cũng hệt như một đứa trẻ ấy,
chàng hết sức ghê tởm
                                  bọn giả nhân giả nghĩa
                                                                    và bọn láo khoét.
Vậy mà, dối trá lại khoác nhiều mặt nạ kỳ cục
vào thời ấy ở Cu-ba. Nó đầy rẫy các nơi tụ tập công cộng
và chễm chệ như ngài ngự
                                        trong xe hơi
                                                            ông tổng thống.
Nó trâng tráo tới lui những cột báo
và ngay từ buổi đầu ngày,
                                        hòa với nhạc rock'n'roll,
nó vọt ra
               từ những máy phóng thanh
                                                         của đài vô tuyến.
Lúc đó chàng trai với biệt hiệu là Manzana
– không phải vì vinh quang
                                          mà chỉ
vì muốn sự thật được sáng tỏ ở Cu-ba –
chàng đã quyết định giành lấy máy phát thanh.
                                                        Được bạn bạn bè hỗ trợ,
                                                          với súng sáu trong tay,
chàng giật lấy máy vi âm
                                       từ một cô ca sĩ loại quyến rũ.
Và ấy là tiếng nói,
                            can trường và tin tưởng,
tiếng nói của Cu-ba rốt cuộc
                                       tuyên cáo sự thật với nhân dân.
Không hơn ba phút!
                                Ôi! chỉ vừa ba phút...
 
Một phát súng
                       rồi im lặng.
Viên đạn của Batista,
viên đạn đã trúng đích,
chấm hết diễn từ.
Và thế đó một lần nữa
                                  nhạc rock'n'roll lại được phóng ra.
Chàng,
           chàng nằm sóng sượt, cuộc đời hiến dâng
cho ba phút hạnh phúc,
ba phút sự thật.
Chàng nằm sóng sượt bất khuất.
Hỡi bạn trẻ thế giới, tôi muốn ngỏ lời cùng bạn.
Nếu ở một xứ nào dối trá cai trị
và nếu qua báo chí nó sống một lối sống hãi hùng,
thì xin hãy nhớ tới Manzana,
                                           hỡi bạn trẻ.
Bạn cũng phải sống như thế
                                           chứ không được lãng trí.
Hãy bước tới khổ hình,
                                   hãy quên đời phẳng lặng
                                                                          và tiện nghi.
và đừng bận tâm gì nữa ngoài việc nói ra,
                                                               dẫu chỉ là ba phút,
ba phút, sự thật!
                           Sau đó,
                                        cái chết cứ việc tới.
 
 

NHỮNG NỤ CƯỜI

 
Tôi biết em, ngày trước, tràn ngập những nụ cười:
những nụ cười bỡ ngỡ, láu lỉnh, hào hứng,
đôi khi có che đậy đôi chút nhưng vẫn là những nụ cười.
Những nụ cười ấy nay em không còn lấy một.
Trên cánh đồng nào đó trồng cả ngàn nụ cười
tôi sẽ hái cho em từng ôm những nụ cười.
«Ích lợi gì, em sẽ nói, ích lợi gì những nụ cười ấy?
Lúc này, một nụ cười chỉ làm em mỏi mệt, dẫu từ đâu tới.»
Cả tôi nữa, tôi cũng mỏi mệt vì đã thấy quá nhiều nụ cười.
Cả tôi nữa, tôi cũng mỏi mệt với chính những nụ cười của tôi
Thường khi tôi vận dụng nụ cười như một vũ khí
và tôi bỏ mất nụ cười của mình khi vung vẩy nụ cười ấy.
Nói nào ngay, tôi thiếu những nụ cười.
Em mãi mãi sẽ là nụ cười cuối cùng của tôi
nhưng một nụ cười, than ôi! không thoáng bóng một nụ cười.
 
 

NHỮNG KẺ THỪA KẾ STALIN

 
Cẩm thạch câm nín,
kính cửa lấp lánh, câm nín,
và đội quân canh câm nín
dường như bằng đồng trong gió.
Từ áo quan bốc lên một làn hơi nhạt,
làn hơi của hơi thở
                             trườn qua một kẽ nứt
trong lúc người ta đưa y ra
khỏi Lăng.
 
Y trôi nổi nhè nhẹ,
hai bên sườn bấu víu
sắt thép của lưỡi lê,
cả y nữa cũng câm nín,
                                    cả y nữa.
 
Nhưng im lặng mới khủng khiếp làm sao!
Thê lương ghê rợn, tay xiết chặt
                                                 hai nắm đấm đã ướp,
mắt gắn vào khe hở,
                                một người
giả bộ ngủ.
Y muốn lưu giữ nét mặt của những kẻ khiêng y,
những người lính mới còn trẻ ở Koursk và Riezan.
Y nghĩ đến sau này khi tới lúc
tập hợp lực lượng,
                            tập hợp đủ lực lượng,
để chỗi dậy như kẻ chiến thắng
                            từ bóng tối của trái đất
và tìm lại được tất cả bọn họ, những kẻ rồ dại.
Y nghiền ngẫm kỹ một kế hoạch nào đó.
                        Y chỉ nằm dài ra đó trong một giây lát ngắn.
Bởi thế tôi yêu cầu
                             chính phủ:
«Hãy tăng cường quân canh gấp đôi, gấp ba
                                                  chung quanh nấm mồ này!
Để Stalin hoặc quá khứ với Stalin
                                                  không bao giờ ra khỏi đấy!
Không, tôi không nói tới thời quá khứ anh hùng:
những Turksib,
                        Magnitka,
                                        ngọn cờ trên thành phố Bá-linh.
Cái quá khứ tôi tố cáo
                                  đó là nhân dân bị quên lãng,
những lạm dụng quyền bính,
                                           những kẻ vô tội bị xích xiềng.
Ngay thẳng chúng ta đã gieo hạt,
Ngay thẳng chúng ta đã rót kim khí,
Ngay thẳng chúng ta đã tạo lập những đoàn
                                                                  binh sĩ.
Tuy nhiên y đã e ngại chúng ta.
Y đã quá tin vào sự cao cả của mục tiêu
y chẳng băn khoăn gì tới chuyện khiến các phương tiện
                                    trở thành xứng đáng với cứu cánh ấy.
Y đã sáng suốt
                       và thành thạo khi chiến đấu.
Y hãy còn đây đó
                          vô khối kẻ kế thừa.
Tôi thấy một máy điện thoại
                                           ở dưới đáy cỗ áo quan kia:
nó truyền cho Enver Hodja
                                           những mệnh lệnh của Stalin.
Nhưng sợi dây khởi đi từ đó liệu có theo con đường duy nhất ấy?
Không! Stalin
                       chưa hạ vũ khí.
                                           Cái chết của y có thể chữa được.
Thực vậy chúng ta đã có thể lôi y ra khỏi Lăng
nhưng làm sao lôi Stalin
                                     ra khỏi những kẻ thửa kế Stalin?
Một vài kẻ, ngày nay, trong lúc tỉa những khóm hồng,
nghĩ rằng thời nghỉ hưu của họ
                                                đã sắp mãn.
Những người khác, trong những cuộc mít-tinh,
                                    không ngượng ngùng chửi rủa Stalin.
Vậy mà, ban đêm,
                            hết thảy bọn họ
                                                     đều mơ tới thời quá khứ.
Dường như ấy không phải tác dụng của sự tình cờ
khi cơn ứ máu trong tim sát hại
                                                những kẻ thừa kế Stalin.
Họ, những kẻ nhiệt liệt trung thành với y, họ bị dày vò cắn rứt khi thấy
kể từ nay, trống rỗng những buổi họp trại
                                                               và đầy nghẹt
những phòng người ta tới đọc thơ.
Tôi có lệnh của Đảng
                                phải nói lớn và mạnh
và nếu như người ta bảo tôi:
                                          «Dịu bớt đi anh», thì nỗ lực này
đối với tôi có lẽ là không thể được.
Bao lâu trên trái đất hãy còn
                                       một kẻ kế thừa duy nhất của Stalin
tôi vẫn còn cảm tưởng
                                  rằng Stalin
                                                    chưa rời khỏi Lăng.
 
 
----------------------------
Đã đăng:
 
Ghi chú của người dịch:
YEVGENY YEVTUSHENKO, nhà thơ Nga hiện đại, sinh năm 1933, sống ở Tây-bá-lợi-á tới mãi 1944. Kế đó, ông học tại Viện văn học Matx-cơ-va (1951-1954).Tập thơ đầu tiên của ông, tựa là Kẻ chinh phục tương lai, được xuất bản năm 1952. Ông bắt đầu nổi tiếng về thơ vào khoảng giữa những năm 1950. Sang những năm 1960, Yevgeny Yevtushenko trở thành một trong những nhà văn có uy tín nhất ở Liên Sô: người đọc (và nghe ông đọc) thơ ông hết sức đông đảo. Thơ ông vào thời kỳ này có tầm quan trọng lớn về xã hội... Nhiều bài đã được Dmitri Shostakovich dùng để soạn nhạc, như bài «Babii Yar» thời danh mở đầu cho «Hòa tấu khúc thứ mười ba» (mặc dù đã phải sửa đổi một số lời).
 
Trong bộ Lịch sử văn học Nga, thế kỷ XX, tập 3 [Histoire de la littérature russe, le XXè siècle *** (Fayard, Paris, 1991)], các tác giả đã dành cho Yevtushenko những đoạn dài: người ta cho rằng thơ ông đánh dấu một giai đoạn đổi thay quyết liệt trong lịch sử nước Nga và thơ Nga, nhưng cũng ghép cho ông những từ như «hãnh tiến», «cơ hội», được chế độ của ông K. «dung dưỡng»... Trong cuốn Những tiếng nói trong tuyết, bà Olga Andreyev-Carlisle (cháu của văn hào Nga Léonide Andreyev) đã để cả chương 8 ở phần III để viết về Yevtushenko và các bạn nghệ sĩ của ông. Ở một chương khác trong sách còn có một khúc «phim» ngắn rất linh hoạt về Yevtushenko [Des voix dans la neige (François Maspéro, Paris, 1964)]. Theo chứng từ của một số các nhà văn học Nga, Yevtushenko được coi như khá tích cực bênh vực tự do: người ta ghi nhận «những can thiệp công khai» của ông kéo dài mãi tới thời Gorbachev...
 
Để dịch các bài trong tuyển tập Những đêm trắng của Yevtushenko, tôi đã sử dụng một số bản Pháp văn của Serge Romensky và Paul Chaillot: Trois minutes de vérité (Julliard, Paris, 1963) và của Élisabeth Soulimov: De la cité du Oui à la cité du Non (Grasset, Paris, 1970). Tựa đề chung cho tuyển tập, tôi đặt theo một bài của Yevgeny Yevtushenko...

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021