thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƯ TỪ BÓNG TỐI [I]
(Diễm Châu dịch)
 
Những bài thơ đã xuất bản công khai:
 
 

PIETÀ *

 
Đã gần một năm; chòm Song tử ** đang lên
và không một dấu hiệu nào của cha.
Thân xác cha, được tắm gội bằng những giọt nước mắt ngầm,
là một bản văn viết lại của ký ức con:
trước hết là những phụ âm sạn sỏi lấm tấm
rồi, trong một màn sương mỏng, những nguyên âm.
Họ bảo sao, các kiến trúc sư của thế giới dưới lòng đất,
khi thấy tấm thân co rút lại,
những vết sẹo, những đường mạch bị dập vỡ của cha?
Họ có đưa cả cha nữa đi một chuyến chót trên Đường Vòng của họ
từ chỗ sống hướng tới cõi Tự nhiên?
Họ đã cho cha thấy hay chưa
gian phòng lớn của các Nguyên tố?
Cha đang làm gì ở đấy,
cộng thêm vào với cái im lặng khoáng vật,
như, vào một thời khác,
cha đã là một phần của tiếng la hét ở những vận động trường lớn?
Đôi mắt cha đã quen với những dấu hiệu của bóng tối?
Cha đã đọc ra được hệ thống mật hiệu của mưa?
 
Phải chăng lúc này cha là một người của bọn họ?
 
Đã gần một năm và chòm Song tử đang lên:
một ký hiệu của không trung.
Làm sao phiên dịch cho cha điều ấy, cha hiện ở đâu?
Hoặc làm sao những chữ này của con
mỗi lúc một tỏa thêm mùi đất?
 
------------------------------------------
* Tên thường chỉ tranh hay tượng Thánh mẫu ngồi than khóc, với xác con trên đầu gối.
** Gemini (Anh) hay Les Gémeaux (Pháp). (người dịch)
 
 

MẤY VẦN ĐƠN GIẢN

 
Bên trong khoảng không gian sau trán tôi
chả có gì xảy ra đã bao đời.
 
Ấy một vùng bình nguyên bằng phẳng nhẵn nhụi không một rặng núi:
một vùng sa mạc; và có một cây cầu nhỏ hẹp trên đấy
 
kéo lê một hàng dài nhẫn nhục
các từ với sự bình thản thật đạo đức;
 
không một từ nào la thét hay bước ra khỏi hàng
trong cõi thiên đường tưởng tượng này của tôi, cõi thiên đường
 
được dựng xây theo những phương án chặt chẽ gọn gàng
không phản loạn, nghiến răng căm tức hoặc mơ màng,
 
cõi sa mạc của tôi bằng phẳng nhẵn nhụi không một rặng núi
với một cây cầu rất nhỏ hẹp xáp lại.
 
Trật chân một bước là tiêu vong tàn phế,
những từ nào lìa bỏ vị thế –
là những tên phiến loạn năng nổ bị ghét bỏ,
những từ không tìm được chỗ
hoặc mắc kẹt ở một nơi chúng không thể đối phó:
 
vì chúng, tôi đã mở ở bên dưới
(nhưng ấy cũng chỉ là ở trong đầu óc tôi thôi, hẳn bạn cũng thấy)
một lò sát sinh nơi các từ xấu tới.
 
Một nơi mổ xẻ phụ âm như thế đó, một cuộc tàn sát như thế đó –
máu xanh lội trong bùn như nước
 
dưới cây cầu nhỏ hẹp chúng cất bước
tới miền Si-bê-ri nhỏ bé trong đầu óc tôi.
 
 

XÁC ĐỊNH KHẢ HỮU

 
Hãy để tôi viết về thực tại
với đôi mắt nhắm: nghĩa là,
bị dồn trở lại tháp ngà
mà tôi (nào, ta bắt đầu – đập, phá)
mới vừa triệt hạ.
Tôi là một công nhân với đầy đủ tư cách
trong nhà máy chế tạo ảo tưởng của tưởng tượng,
một trưởng toán trên đường dây khôn tả
sản xuất những tính từ tột bực.
 
Này, các người những hy vọng, các người, những ngọn núi dốc sắt thép!
Hãy chứng kiến sự khai sinh, nhân danh các người,
của những từ ngay thẳng, ngỗ nghịch của tôi
bọc trong chiếc mũ trùm xám của chúng
hoàn tất với đầu óc, hoàn tất với tôi,
với máu tôi trong đường mạch của các nguyên âm;
và coi kìa ai đang nhảy luân vũ tiến tới chúng:
ấy ông Chánh sở Vệ sinh
cầm bình xịt thuốc thơm làm dịu không khí
và ông Giám đốc Nghệ thuật Trang trí
với một vài mẫu thêu mới.
 
Này, các người những hy vọng còn nguyên vẹn, các người những ngọn núi dốc sắt thép!
Nhân danh các người, nhân danh sự lạc quan kinh niên
là nguồn giải thoát của chúng ta,
tôi tiếp tục khước từ đặc ân này
tấm vé miễn phí cho một chuyến đi
được điều khiển bằng khinh khí cầu
từ trên ấy ta nhìn thấy mọi sự
với tỉ lệ một trên 23 triệu;
nhân danh các người tôi sẽ tiếp tục
viết về thực tại
một thực tại tiếp tục diễn ra theo cách thức vẫn thấy.
 
 

MÊ HỒN

 
Tôi đã mơ thấy mình làm việc như một kẻ tôi tớ
trong một hầm sư tử:
nghĩa là, tôi quét dọn, tôi cho bầy thú ăn –
hoàn toàn tự ý, từ lòng bàn tay tôi;
phải, từ bàn tay mà tôi dùng để mơn trớn con tôi;
hoàn toàn tự ý, từ bàn tay mà tôi dùng để viết
thứ thi ca bình thản, sáng rỡ ấy.
 
Tôi đã mơ cùng một chuyện nhiều lần;
tôi đã quen với giấc mơ không tài nào hiểu được ấy,
hệt như tôi đã quen với bản thân tôi;
hệt như ta quen với tiếng ồn,
với sự trống vắng tình yêu,
với những câu hỏi lặp đi lặp lại thật phi lý
mà vẫn không nhận được lấy một câu trả lời.
 
Kỳ cục thay giấc mơ kia vẫn trở lại y hệt.
Ở mọi giây phút tôi biết sự kinh hoàng là giả dối;
rằng nó đã được viết thêm vào cốt truyện,
rằng chả có gì xảy ra cho tôi,
rằng cảnh tôi đòi của tôi trong hầm sư tử sẽ tan biến
như một bụm khói
nếu tôi chống lên được một mu mắt.
 
Vào buổi sáng mọi sự lại có vẻ hệt như trước.
Chính bản thân tôi có lẽ cũng vẫn vậy;
có điều là bây giờ đôi lúc tôi không còn biết
có phải bàn tay lúc đêm hôm cầm miếng thịt máu me
thực sự là bàn tay tôi cầm viết.
 
 

KHUNG CỬA SỔ TRÊN TƯỜNG

 
Đứng lên áp bức tường, thật sát,
với hai bàn tay em ép thẳng vào, khuôn mặt em dán chặt vào,
hơi thở em quay trở lại hai cánh mũi,
với bóng tối ẩm ướt đè nặng -
một bước, một ngày; một bước nữa, một ngày nữa –
chắc chắn là ở đây.
Phải, nó đây rồi, khung cửa sổ,
hình chữ nhật xám của nó.
 
Với hai bàn tay đầy phấn em vuốt ve mặt kính
như em vẫn vuốt ve đôi bờ vai anh, bắp vế anh.
Ôi làn ánh sáng thật rẻ, thật màu mè nào từ bên ngoài sẽ tới,
tiếng xôn xao nào của nhựa sống cháy bỏng!
Hãy hình dung những gì em có thể sáng chế trong lúc anh vắng mặt:
một trận mưa rào, một công viên Anh
qua đó những con chó săn chạy
với những bước nhảy vọt thật xa;
trời, phiến đá xám của trời
được hơi thở em nâng đỡ;
một ngọn đồi nho nhỏ ở phía sau
không biết tới mọi luật phép phối cảnh cổ điển;
một bãi tha ma bằng chì
bị những dấu chấm than ảo não tí hon tràn chiếm.
Còn biết bao điều khác có thể có ở bên kia khung cửa
mà em không có can đảm đập phá
nếu em không mở được –
cái khung cửa mà chính em đã vụng về vẽ
bằng phấn
trên bức tường.
 
 

PHẤN-TIÊN

 
Mùi mùa đông –
mùi gỗ mục, mùi bóng tối, mùi nước mắt
mà những đoạn tròn cuối là những trái cầu nho nhỏ;
một dòng chậm rãi nơi độc dược chảy
vào những gì đã từng tinh khiết – tốt hơn cả là đừng nên biết;
một cuộc sống bỗng dưng bị chận lại trong mạch máu,
một vết thương mở ra không đớn đau,
một tiếng thét bị bóp nghẹt trong những kiện tơ thô,
một mất mát mới thêm vào mất mát.
Mùi sợ hãi, mùi cây cỏ sẽ chết,
mùi bùn đất bôi lem luốc lên trời.
 
 

THUYẾT DARWIN

 
Tôi không còn viết được nữa.
Họ đã gắn một mảnh vải
lên đầu óc tôi.
Họ đã cắm một cây dù lên đầu óc tôi.
 
Những nan dù
xuyên qua mạch máu tôi
mỗi lúc một sâu
phân chia phần chất liệu cao quý
thành những khu chính xác.
 
Tôi không cảm thấy đau, tôi không đau khổ,
nhưng
giá trời mưa cho!
Ít ra cũng phải có ai đó cầm bình tưới
đứng trên người dẫn đạo
để cả họ lẫn tôi đều có
một cái cớ biện minh,
lúc này
khi những từ ẩm ướt
vừa mới leo lên miền giấy khô,
vừa mới biết lê thân
qua vùng sa mạc trắng
có thêm được những cơ quan phụ thuộc mới.
 
Cả đến những cơ quan mới ấy
cũng khiến tôi hãi hùng
với khả năng lạ lùng của chúng
đối với chuyện thích ứng.
 
 

THỜI MA-CÀ-RỒNG (I)

 
Với chính hai tay tôi, tôi đã tạo ra nó,
món đồ đựng độc nhất này;
với chính hơi thở của mình
tôi đã hoàn tất mọi đường cong của nó
như một người thổi pha-lê bậc thày
danh tiếng nhất
cho đến khi sự sống nẩy đập nơi những đường mạch
mỗi lúc một mơ hồ; chỉ còn là một thoáng rung rinh.
«Một món quà thật buồn cười» người tôi yêu nói,
và vỗ nhẹ chiếc ly mỏng manh;
anh vỗ nhẹ bằng bàn tay anh
để thử phẩm chất nó,
để xem nó có thật đáng
để mắt tới.
«A» anh nói, chấp nhận món quà tặng,
đập nó nát tan
thành những mảnh nhỏ,
«em hãy ngoan nào; làm ơn
giẫm chân không lên đó –
như thế này này, cưng; phải, đúng thế đó.
Nhưng lúc này em hãy cẩn thận, mỉm cười nữa,
và nhất là đừng chảy máu!»
 
 

THỜI MA-CÀ-RỒNG (II)

 
Anh ấy nói:
«Em coi chừng kẻo bị cảm lạnh;
và cả đến hiệu đèn xanh
ở đèn đường ngã tư
đôi khi cũng lầm lạc.
Mùa thu này
có thể làm mắt em bỏng cháy
với những chùm lá đỏ.
Em biết rằng anh khổ khi em khổ.
Em hãy cẩn thận giữ gìn sức khỏe –
hãy chạy mỗi ngày một vài giờ;
hãy mua cho em hai cái khăn quàng bằng len;
và nhất là đừng chết, đừng chết.
Hãy coi chừng các thứ phốt-phát,
đồ sắt, cân điện giải;
hãy xa tránh bóng tối, sự sợ hãi,
những xúc động; và nói chung
hết mọi sự mà em nghĩ là có thể
hại đến em.
Em biết rằng một ngày kia, thật sớm
anh chắc chắn sẽ cần
hoàn toàn truyền đổi
lấy máu em.
Nhưng lúc này em hãy bình thản, nghỉ xả
và hãy hỏi anh bất cứ điều gì em thích.»
– «Anh có yêu em không?»
– «Không.»
 
 

CUỘC CHIẾN ĐÃ TÀN BẠI

 
Ảnh đã mất thân hình lực sĩ hoàn hảo;
thái dương ảnh vang dội một tiếng cồng.
Ảnh không còn là người thắng cuộc được tiền định
mà chỉ là con súc sắc mà chính ảnh đã phóng ra.
 
Ảnh muôn đời là một chủ từ,
vô tình, buồn chán do vị thế của ảnh;
rất nhiều khi ảnh cũng là
thuộc từ của thân xác tôi phiền muộn.
 
Mọi trận đánh dường như đều thắng lợi
thế nhưng cuộc chiến đã tàn bại ngay từ trước.
Ảnh xê dịch, mà không biết thế, tươi cười và bừng cháy
qua cái vòng từ ngữ, nó trói cột
 
và bó ảnh lại như một tấm áo của kẻ lớn quá mau
mà đôi lúc ảnh bắt buộc phải mang.
Ảnh là pho tiểu thuyết khiến tôi mê mải
và dòng máu buồn của nhiều bài thơ.
 
 

BÀI THƠ MÙA THU

 
Tôi luyến tiếc một mùa thu đã qua
với mùi cây rừng
với sự sống trào ra qua đám lá
hướng về những mình rễ, đổ xuống lòng đất –
một mùa thu cay đắng, thực sự được cảm nghiệm
nhiều hơn trong hồn, nhiều hơn
trong ngôn ngữ.
Mùa thu hiện tại này
có mùi chết chóc
mùi trang cảnh bằng bìa và mùi giả dối.
Mùa thu này,
hồn tôi, người có biết là gì không?
Ấy là một buổi tổng diễn tập
cho một mùa thu từng xẩy ra
và tôi đã quên mất
diễn từ chủ cốt.
 
 

HÌNH ẢNH MỘT TUỔI THƠ VÀ MỘT CON NGỰA Ở THẾ CHIẾN II

 
Đêm đêm em lang thang
qua những hội chợ lớn bầy bán ngựa
từ Anh quốc tới Tiểu Á,
nhưng con ngựa đặc biệt ấy
em không tìm ra ở đâu hết.
Em sẵn lòng trả mọi giá để mua nó cho anh
và đưa nó về lại với anh –
chàng trai trẻ sững sờ trên ngọn đồi
ở Z,
đã thấy khi đi ngang qua từ một toa tầu
sau gần năm mươi năm,
vẫn còn đó trong âm bản
của hình ảnh hai người lính
nắm lấy dây cương trong tay anh,
đôi bàn tay niên thiếu
hãi sợ
(em yêu cái cách thế của đôi bàn tay anh lúc đó).
Hình ảnh ấy mới in sâu làm sao
nơi võng mạc em,
hình ảnh em chưa từng thấy!
Sâu hơn cả mọi cuốn phim
về chiến tranh, với những thùng sơn
đỏ tía;
sâu hơn cả mọi cuốn sách.
Chuỗi hình ảnh liên tục ấy tựa như
định nghĩa tột cùng của mất mát
không thuộc thành phần của chính ký ức em
nhưng đã được thêm vào đấy
như một nhát lưỡi lê nóng bỏng
qua đường sinh –
ngựa và tuổi thơ giảm lần
trong bóng tối, trong địa đạo
bằng đá núi lửa đen của ký ức;
hai người lính không tên
chỉ vì cái hư danh vô bờ bến . . .
Từ Tiểu Á tới Anh quốc
bây giờ em lang thang hết đêm này tới đêm khác
qua những hội chợ lớn bầy bán ngựa
tới mãi tận đường viền mơ hồ
của buổi sáng,
tới mãi tận mép lề của
ngọn đồi ấy ở Z, hầu như
đã năm mươi năm,
ngọn đồi chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ
thuộc về em, ngay cả
trong ký ức
nhưng đã được thêm vào đó
dứt khoát
như một vết sẹo bỏng cháy
qua đường sinh.
 
 

CHÀM, TÍM

 
Trong bụng con ngựa
quân Hy-lạp uống rượu nho và chuẩn bị
chiến thắng.
Trước ngày chót
người thành Troie không biết
rằng ngày mai là ngày chót.
Cuộc Chiến Ba mươi Năm
cũng ở vào năm thứ ba mươi;
ngày áp chót
của năm thứ ba mươi
cả các binh sĩ nữa cũng không biết
rằng ngày mai là ngày chót.
Cuộc Chiến Một trăm Năm
ở vào năm thứ chín mươi chín;
ngày chót
của năm thứ chín mươi chín
các binh sĩ cũng thế
không biết rằng hôm nay là ngày chót –
thế nhưng
mùi chết chóc đã hiển nhiên
từ cách xa bao dặm:
mùi chết chóc
cũng gần với mùi ái tình
như màu tím với màu chàm
trong quang phổ ánh sáng.
 
Ở trước trái tim mi
một mặt đồng hồ bằng đá,
một kim chỉ phút
chẳng mấy chốc
cũng sẽ trở thành đá.
 
Màu chàm, màu tím:
mùi ái tình và mùi chết chóc,
hai con bướm sinh đôi
trong một con nhộng bằng đất sét.
 
Ở trước trái tim mi
một mặt đồng hồ bằng đá, một kim chỉ phút
đã trở thành đá.
 
Không phải hôm nay, không phải hôm nay, có lẽ ngày mai –
từ kia xoắn lại trong một co giật chót
ở khóe môi mím chặt.
Ngày mai.
Chất nhuộm đỏ tía, một vòi máu
dưới chiếc mặt nạ hoàn hảo của Pha-ra-ông*.
 
--------------------
* vua cổ Ai-cập. (người dịch)
 
 

SƯ TỬ CỦA BA-BY-LON

 
Một buổi sáng
cách đây đã năm ngàn năm.
Trong những địa đạo bằng đá
của cung điện,
ở về bên phải và bên trái viên ký lục:
những con sư tử của Ba-by-lon.
Viên ký lục chưa từng thấy mặt trời,
chưa từng thấy dòng sông
hay biển cả.
Lúc này ông nghiêng mình, viết
trên tấm bảng đá đen,
về mặt trời.
Ông miêu tả chi tiết thật tỉ mỉ
về cách thức dòng sông lớn trôi
ra biển.
Tên nô lệ đang đọc cho ông ghi chép
cả y nữa, cũng chưa từng
thấy dòng sông,
mặt trời, biển. Cả y nữa
cũng đã nghe nói về chúng –
từ một tên nô lệ khác
kẻ đã dán toàn thân vào một bức vách
cho đến khi đứt hơi thở,
cho đến khi máu trào ra,
cho đến khi thân hình y nhận được
ánh sáng từ bên ngoài
và tiếng thì thầm của dòng sông trôi
ra biển.
 
 

BÀI HỌC VIẾT

 
Tôi sẽ không thành công với môn học của tôi.
Ông thày nói
«Hãy miêu tả thác nước này
rực rỡ và uy nghi trong buổi mặt trời mọc.»
Tôi đứng trố mắt ra
trước tia nước èo uột mất máu
ri rỉ trong máng xối rạn nứt
và khiêm tốn nói «Tôi không thể,
tôi thật không thể.»
«Mi không có cánh» ông thày nói,
«cũng chẳng có lấy một mẩu vụn siêu hình.
Giờ, hãy lặp lại theo ta:
Màu trắng, rực rỡ, ánh sáng, pha lê.
(Hồ hởi).»
Màu trắng, rực rỡ – những từ thật xinh đẹp
với những vòng cổ bằng ren được hồ tươm tất
qua đó, hỡi ôi, với sự xấc xược như thế
thực tại nóng sốt xối ra
như máu qua một tấm băng đã khử trùng.
 
Luận cứ cuối cùng của tôi:
trên bãi biển mùa hè năm trước
diễn từ vĩnh biệt
của một người chết đuối được kéo lên bờ
chỉ là một dòng nước
xối ra từ hai buồng phổi của anh ta.
Chính mắt tôi đã thấy nó: không phải
những cánh hoa trong trắng, không phải
những cánh bướm phất phơ.
Nước hòa với máu chảy trên cát.
 
«Mi sẽ không thành công với môn học của mi»
ông thày nói, và đẩy tôi vào không gian
từ lầu bảy nhà trường.
Ông giả bộ không thấy.
Tôi giả bộ không chết.
 
 

CHUYỆN TIÊN, NHỮNG MẢNH VỤN VỠ

 
O, Hänsel, welche Not!
 

1

 
M thay cho mạch nhớ – nỗi muộn phiền nho nhỏ,
cái túi như của loài đại thử mà tôi nằm bên trong
bị những thứ tinh hoa của trời lướt thắng:
những giống anh túc, cà diên, ngải sâm.*
Các thứ thuốc của cuộc giao hội lớn các thiên thể –
Hỏa tinh đỏ, đang lên,
M cây đinh ba
xuyên thẳng vào lõi cốt;
và tôi ở đây, trong những trái bong bóng bằng hơi,
trên những con đường của hơi độc, những căn buồng của thủy ngân.
Hãy cứ tiếp tục rắc hạt kê, tiếp tục rắc bột gạo, ôi
soror mea mors,**
làm cách nào ta trở lại?
Ta đã lạc mất trong khu rừng những ký hiệu, những hạt giống
với cả ngàn căn nhà bằng bánh mật thơm mùi gừng.
Hi-hi, ha-ha, hãy cho tôi ngón tay của người qua những chấn song,
hãy cho tôi cái bài thơ mỏng manh ấy,
cái bài thơ không còn gia tăng trọng lượng;
hãy đốt lò lên, nhóm ngọn lửa rực đỏ –
sách vở phừng cháy; ngôn từ thời không.
 

2

 
M thay cho sự mầu nhiệm, ma thuật. Siêu-ngôn ngữ. Hello = anh yêu em
trong một thứ tiếng lạ xa.
Ký ức, một ánh chớp vắn vỏi cho ta thấy
những lỗ hổng, những vết nứt hãi hùng. Từ đấy vọt ra
những tà ma quỷ quái để bao quanh ta
bằng tiếng ré lên của chúng –
ngay lúc này, khi
chim chóc, thú vật và những trận mưa rào
đã xóa đi mọi dấu vết mà chúng ta để lại.
Ích lợi gì, tại sao ta lại phải quay về?
Tốt hơn là nên ở lại đây
trong bóng tối du dương êm ái,
trong ngọn lửa thiêu hủy không có Ký ức.
 

3

 
Chậm như sên.
Ngày lại ngày.
Chuyện tiên, những mảnh vụn vỡ tan tành
không thể nào tái tạo. Bụi đất
dưới đáy bức tranh;
gần như ngoài tấm khung,
một nhành hoa "Đừng-quên-em" cụt mất ngọn –
Lưu ly thảo. Đôi mắt không nhìn thấy nó.
Không nhận ra. Nó cũng chẳng làm nhức mắt.
Trên đường phố trắng, hoang vắng, đã khử trùng
cái chết vung vẩy tập vần.
 
--------------------------------------
* poppy, nightshade, mandragora.
– poppy: cây anh túc hay cây nha phiến;
– nightshade: một giống cây họ cà, trong đó có (black) nightshade, bittersweet, belladonna (cà diên, rất độc).
– mandragora: một thứ cây rễ củ chẽ ra như hình người, xưa được giới phù thủy tin là có nhiều năng tính tốt, dùng làm bùa ngải...
 
** soror mea mors  (tiếng la-tinh): 'chị (hay em gái) tôi sự chết'. (người dịch)
 
 

ĐẠI LỘ HOÀNG HÔN

 
Ôi tuổi thanh xuân tôi đã qua đi như thế nào, dưới mọi thứ hiệu kỳ –
những hy vọng đã nhạt nhòa, những câu cật vấn nho nhỏ,
một biện chứng pháp xoa dịu! Những bài thơ «kiểu cách» mong manh
mà vẻ rầu buồn không còn làm phật lòng ai hết.
(Nó có khiếu làm sao, thật là một đứa trẻ ngoan,
con nhỏ bụ bẫm này đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ
lớn tới tuổi thanh xuân! Những bông hoa bằng chất dẻo dành cho ve áo
của một mẩu đời được xếp cẩn thận trên hàng kệ.)
Thế rồi tới cuộc nổi loạn nho nhỏ nặc mùi hy vọng ngây ngô, mùi dưỡng khí;
rốt cuộc sự hăm hở của tôi muốn nói ra một vài điều
bằng tên gọi. Nhưng «Có điều gì đây trong một cái tên? Một bông hồng
ta có gọi bằng tên nào khác chăng nữa cũng vẫn tỏa mùi thơm.»
Quả thế. Có một mùi đen tối trên chiếc thang máy
đưa tôi xuống dưới hầm ký ức;
một người tự động đã chiếm chỗ tôi, kiếm tìm
những cảm nghĩ khá hơn trong từ điển những danh từ tân nghĩa.
Với những ống tiêm lớn đầy nước mưa tôi muốn trị
căn bệnh máu trắng của cái xa lộ nhá nhem này.
Ở cuối đường xe đang chờ là bài thơ mà tôi truyền hơi thở qua,
buồng phổi xanh xao, mỏi mệt mà tôi trút chì lỏng.
Ôi tuổi thanh xuân tôi đã qua đi ra sao! Từ Những người Trẻ tuổi đầy Hy vọng
thẳng tới Đội Lão tướng: nỗi buồn phình ra của tôi thật không đủ
để mang tấm áo thung trong trận đấu giao hữu địa phương.
«Sáu bài thơ phong cảnh sắp một hàng bằng sáu mét vuông của thiên nhiên.»
Hư tưởng, cái võng khổng lồ ấy. Qua mắt lưới của nó,
như thể qua những chấn song, Trời nhìn xuống những gì đang xẩy ra ở đây trên trái đất.
Rồi hài hước, cơ may chót, cái bao tay bỏng cháy mà tôi đã cố dùng
để tháo ngòi nổ của trái lựu đạn to đầy ắp những sự cố.
Sự nổ bung – tiếng nện mạnh ghê rợn. Miệng núi lửa bao la – đường quỹ đạo
trên đó, một ngày kia, Thượng đế
sẽ liệng vô mọi cảnh trí khác.
 
 

LẴNG TRÁI ANH ĐÀO

 
Với tấm vé số không trúng Chúa nhật này trong ngăn kéo buổi trưa
em thử những bài tập nho nhỏ đưa vật nặng lên, ngay lúc này
khi mọi sự nhuốm màu chì hun nóng
tới một ngàn độ.
Thanh xuân, con kim tước nhồi rơm ấy
bay qua những vùng ngoại biên của ngôn ngữ.
Không một dấu hiệu
từ thân xác mà em cư ngụ bất chính
như một kẻ hành thương bị trật mắt cá chân.
Trên những trường đua Marathon cỏ dại đã mọc,
trong lúc ngọn hải đăng ở Mũi Hảo vọng
chìa những tấm vé tới Câu lạc bộ Người mù Tài tử.
 
Trên màn ảnh ký ức, thay vì anh,
là một lẵng trái anh đào tựa những tế bào quái gở –
ham hố, máu me,
một bức tĩnh vật kiểu biểu hiện.
Trên mặt phẳng đang mục nát của một cái bàn gỗ
tấm băng giấy quàng quanh một tờ nhật báo đã bị kiến tràn chiếm.
Trong loại «Chuyện Tình» là Tristan và Isolde*
in trên giấy 45 gam.
 
Với thanh kiếm ở trang 180 em rạch nát
tấm vé số không trúng ngày Chúa nhật này.
Với con thuyền ở trang 200
em tìm cách vượt Biển.
 
-----------------------------------
* Chuyện tình thời Trung cổ ở Âu châu, được nhiều người biết. Tristan và Isolde hay Iseut uống bùa mê, yêu nhau đến chết cũng không rời... (người dịch)
 
 

CHUYẾN TÀU CHÓT

 
Mười lăm phút ở ga Ciulniţa
giữa hai chuyến tàu đầy những người làm lưới –
cũng đủ lâu để nhìn thấy trong mắt những phụ nữ lẻ loi
nỗi buồn tràn ngập ra sao,
nỗi buồn trôi chảy không ngừng ra sao
vào đám bụi giữa trưa này.
Ngợi khen các ngươi,
các hệ tuần hoàn trong máu,
vì, ai biết tại sao, các ngươi thi hành phận sự,
và ngợi khen ngươi, đại động mạch,
và ngươi, đường tử trong lòng bàn tay ta!
Một ánh đèn xanh lục:
báo hiện sự tê mê bắt đầu,
một lớp bùn phủ xuống
những mảnh từ tả tơi vô dụng trong đầu óc.
«Em-yêu-anh-em-yêu-anh»
trong lúc những vòng bánh lăn như điên dại,
trong lúc mọi bản năng triệu hồi mọi đại sứ
để trùng với cuộc khởi hành của chuyến tàu,
không có em, về biển cả.
«Nỗi buồn của người Slave,» anh nói,
trong lúc chạy kiếm thuốc điếu, một bình nước
nơi quán rượu tồi tàn,
chạy kiếm hai con thỏ bạc nho nhỏ,
bị hạ đã từ lâu, chết đã từ lâu.
«Nỗi buồn của người Slave,» anh nói từ cõi xa xăm,
từ sau một ngọn núi đột nhiên dựng đứng giữa đồng bằng.
 
 

DƯỠNG KHÍ

 

I

 
Mây như một lọn tóc bóp nghẹn của mái tóc Định mệnh:
ánh mắt chăm chú uống lấy nó, con mắt chan hòa nó
thật vô thức.
Bên trên một lớp che, bên trên
cái mái nhà của thế giới
giữa mọi thứ hiểm nguy rắn chắc –
con mắt mi và bàn tay mi không tuân phục mi;
chỉ có thằng quỷ đỏ lừ nho nhỏ của mi
pha lê của thạch anh
ngọn đèn rọi sáng
trong bóng tối đầy khoái cảm.
 

II

 
Chữ. Những chữ cần mi, cần sự sống của mi,
cần không khí của mi
để bao phủ cái chóp băng này
một đỉnh cao trừu tượng
một vùng trắng xóa trên đó những dấu vết mi để lại là
chữ, chữ, chữ.
Không phải là chó sói tới tìm kiếm chúng, tàn hại chúng,
mà là chính tương lai mi
bị phóng trả về phía sau
như thể mi đang bước về quá khứ.
 

III

 
«Tôi ghê sợ» tôi nói trong đạm khí của giây lát
đang khiến tôi nghẹt thở.
«Mi bày đặt» họ bảo, vặn vòi hơi độc,
giả bộ tiếng nói của một bà mẹ, tô vào
những cảnh của tuổi thơ bằng thuốc màu nước –
võng mạc tôi, màng nhĩ tôi, những mảnh xương của tai tôi
vẫn điều hành tốt đẹp.
Hãy đi xuống, nhón bước mà đi,
hãy quỳ yên như thế!
Được, phải đấy. Một thức cây thiếu dưỡng khí:
triệu tập, hủy bỏ, chờ.
 

IV

 
Những hơi thở ngắn, mỗi hơi thở một khó nhọc hơn;
đường viền đẫm nước mắt.
Sự sống trong những đường mạch cực nhỏ – một nơi họp chợ huyên náo,
những tên lái buôn trong đền thờ, ôi
cay đắng.
 
Mỗi từ là một vết nhơ
trên ngọn lửa đã khai sinh ra nó.
 
Bị vấy mực như thể bị vấy máu lạ xa
là suy tưởng tự viết ra này.
 

V

 
Bị đóng khung trong một tấm bìa sách,
bị đóng khung trong một khung cửa sổ mở, bên mép lề của nó
như một nhân vật của Tolstoy
tôi đứng
trong màu rực cháy của tấm áo đỏ,
thân hình tôi lôi thôi, xấc xược.
Một hình ảnh thú vị.
Dưới kia, mãi xa dưới ấy, một đám đông người và chó:
những tiếng la thét, đám lính chữa lửa, những tấm lưới chăng ra.
Thế nhưng đừng!
Hãy để nó phừng cháy.
Một hình ảnh thật thú vị.
Nhưng tôi chưa từng có
một tấm áo đỏ.
Nhưng tôi đang cắm chắc
trên tầng sát đất.
 

VI

 
Với sức lực mỗi lúc một suy giảm, đứng dậy, đứng thẳng dậy
dưới lọn tóc của đám mây đang bóp nghẹt,
thiếu không khí, thiếu hơi thở.
 
Bị quăng vào lửa
bên trên vùng đất ấy, bên trên lớp đá băng của trang giấy trắng
không nguyên hơi thở
mà cả đến tên mi cũng rụng rơi từ thân xác mi
không thể đảo ngược.
 

VII

 
Người bệnh gương mẫu;
dọc theo những hành lang của chẩm bộ, vào màu xám
của chất liệu cao quý. Mù, điếc và không thèm muốn
trên một toa tàu với những vòng bánh xe bằng sáp
lăn vào đây vào những vùng sâu thẳm
vào chính tâm của nỗi đớn đau.
Người bệnh gương mẫu; động cơ nổ vào bên trong,
những nòng thụt nhỏ bé mong manh đập hãi hùng
trong những đường mạch li ti sẵn sàng đột phá những chùm sợi.
Tím, tím, tím.
Bao đựng các từ như đám chuột mù quằn quại.
Bao đựng chì xám.
Người bệnh gương mẫu. Đau đớn? Không đau đớn.
Duy có toàn thân bùng nổ trong sưng tấy
của những vành môi câm lặng.
 

VIII

 
Đã lâu tôi tin rằng phía sau con lạc-đà này là sa mạc –
tưởng tượng làm phình lên thật tàn nhẫn những buồng phổi yếu ớt
của thực tại bằng những chiếc bóng gây ảo giác,
bằng những cái tên yêu mến, bằng những tính từ tột bực.
Tác dụng chỉ huy của thứ vũ khí trừu tượng này:
đầu óc tôi nổ tung.
 

IX

 
Lọn tóc thắt nghẹt,
đám mây thấm hút xuống mãi tận cật,
xuống mãi tận hơi thở cuối cùng được viết ra.
Dưỡng khí, dưỡng khí, dưỡng khí.
Những ống dẫn trừu tượng
bị lưỡi kéo bạc của Nó đột ngột cắt bỏ.
Chữ, chữ,
như những tia nắng trên đống cỏ khô,
như đám lính mới còn trai trẻ trên một chuyến tàu.
Là phải chết. Là bất tử.
Dưỡng khí
dưỡng khí
dưỡng khí.
 
Xin đọc tiếp kỳ tới: Thư từ bóng tối [II]
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
Đề tựa tập Letters from Darkness [1] của Daniela Crăsnaru, dịch giả Fleur Adcock đã viết về tác giả như sau:
 
Daniela Crăsnaru sinh tại Craiova, Ru-ma-ni, năm 1950. Bà nghiên cứu tiếng Ru-ma-ni và tiếng Anh tại đại học Craiova. Bà đã cho xuất bản mười hai tập thơ. cũng như nhiều cuốn sách dành cho trẻ em, và bà hiện sống tại Bucuresti với chồng và cô con gái. Trước cách mạng bà là một người biên tập tại nhà xuất bản Eminescu, nhưng đã phải rút lui sớm, phần vì sức khỏe yếu kém, phần vì những khó khăn gặp phải với người tổng biên tập của bà. Người này chống đối việc bà một mực không chịu kiểm duyệt những bản thảo được giao cho biên tập. Bà đã bị buộc phải đứng dậy tại những buổi họp ban biên tập và đối phó với những lời tố cáo là đã không làm việc, là vì những bản văn bà đã 'cho đi' trước đó không chằng chịt những vết mực bôi bỏ. Vì những “lỗi” này bà đã bị trừng phạt bằng cách bị cắt giảm lương, và cuối cùng bà đã phải bỏ việc. Tuy nhiên, sau khi Ceausescu sụp đổ, bà đã được bổ nhiệm làm giám đốc Editura Ion Creanga, một nhà xuất bản sách trẻ em. Bà còn làm việc ở đó, nhưng cộng thêm với công việc, lúc này bà là một thành viên của quốc hội: bà được bầu vào tháng Năm 1990, như một người 'độc lập', xuất hiện trên danh sách Mặt trận Cứu quốc nhưng không phải là đảng viên của đảng này.[2]
 
Thơ của bà đã được các nhà phê bình hết sức ca ngợi. Như tất cả các nhà thơ Ru-ma-ni viết dưới chế độ kiểm duyệt, bà đã phải dùng lối che đậy thật kỹ lưỡng bằng những ẩn dụ và hình ảnh, nhưng việc này cũng không giấu giếm được các nhà văn đồng nghiệp và các độc giả tinh tường khác cái văn bản ngấm ngầm chống đối những thể chế nhà nước và những gì khiến người dân phải khổ. Sách của bà vẫn tiếp tục được xuất bản, với những phần cắt bỏ gia tăng, thế nhưng bà đã bị các nhà chức trách nghi ngờ.
 
Trong nửa sau của những năm 1980, cộng thêm với những bài thơ 'công khai', bà đã viết một loạt những bài thơ bí mật cất giấu dưới hầm nhà của một bà dì, trong một chiếc hộp phủ hành củ lên trên, là vì căn nhà của bà có thể bị khám xét. Sau cách mạng bà đã viết cho tôi rằng “Bây giờ tôi có thể tự do gửi cho chị những bài thơ thật của tôi”. (“Thật” trong khung cảnh này có nghĩa là chân thực hoặc ngay thẳng; tác phẩm về trước của bà, với những sự tế nhị thật căng thẳng, tuy nhiên, cũng thực như những thành đạt nghệ thuật).
 
Phần I của tập thơ này gồm những bài thơ đã xuất bản ở Ru-ma-ni trước tháng Chạp 1989; đa số trích từ hai cuốn sách gần nhất của Daniela Crăsnaru: Niagara de Plumb (nxb Eminescu, 1984) Emisferele de Magdeburg (Cartea Românească, 1987). Bài “Pietà” (để tưởng niệm thân phụ bà) xuất hiện trên tờ România Literară vào năm 1988. Phần II gồm một số chọn lọc trong những bài thơ bí mật. Thư từ bóng tối là tựa đề do chính bà đặt cho những bài ấy.
FLEUR ADCOCK,
Luân-đôn, tháng 12. 1990.
 
Tuyển tập thơ Daniela Crăsnaru này gồm trọn vẹn các bài in trong hai phần của cuốn Letters from Darkness nói trên, cộng với hai bài 'ngoại tập' (vì không rõ xuất xứ!) được xếp ở cuối. Bản dịch tiếng Việt dựa theo bản Anh văn của Fleur Adcock và các bản Pháp văn in trong Mitteleuropa, Dissidences 1989-1999, Das Rettende Wort? do bf, Strasbourg, xuất bản, 1999.
 
Người dịch bản tiếng Việt xin được ghi lại ở đây lời cảm tạ giáo sư thi sĩ Nguyễn Đăng Thường ở Luân-đôn đã bỏ nhiều công của tìm kiếm và gửi cho những tư liệu chính yếu; và cảm tạ Ông Armand Peter giám đốc nhà xuất bản bf, Strasbourg, đã cho phép sử dụng các bản Pháp văn in trong Mitteleuropa, Dissidences 1989-1999, Das Rettende Wort?
 
_________________________

[1]Oxford University Press, 1991.

[2]Bà đã trở thành Chủ tịch Đảng Tự do Quốc gia (1992-1998). (người dịch)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021