thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười một bài thơ
(Diễm Châu dịch)
 
QUAN NIỆM
 
Vào một thời của những sự chắc chắn không chắc chắn như thế
những sự không chắc chắn chắc chắn như thế
– trời tối thui trong căn buồng này –
chúng ta biết gì về ánh sáng ở bên ngoài những khung cửa sổ –
về buổi sáng sẽ ồn ào tới ngày mai
sử dụng khuôn mặt chúng ta để kêu tên chúng ta?
Hỡi hết thảy các người mà làm khổ
đồng nghĩa với sống –
tôi đang sống.
Tôi cũng sống đây –
khum bàn tay che ngọn lửa nhỏ bé của tôi
như trong một cơn bão –
tôi mở cửa mồ
và chui vô...
 
 
CHỨNG NHÂN
 
Đã bao giờ chúng ta hoàn toàn đơn độc đến thế,
đã bao giờ chúng ta hãi sợ muốn chết đến thế
như bông hoa nhỏ trong ống nghiệm
ở hành lang nhà trường vào mùa Xuân:
bởi chẳng bao giờ còn gì khác hơn
là chút còn lại đang khô dần của miếng nước khô dần?
Đã bao giờ sự sống lại bao phủ chúng ta bằng một điều gì tương tự
như khi một buổi chiều vui, mời mọc các vì sao
tới nhảy múa,
buộc những cánh hoa tươi sáng khép lại vĩnh viễn?
Thật là vô ích, một em gái nhỏ nói mà chẳng hề biết
hết thảy là về chuyện gì, thế nhưng em nói cũng gần đúng,
cho đến khi em gặp cội cây, từng cánh lại từng cánh,
đang bỏ mất đám hoa
để chuẩn bị chuyện sinh trái bắt buộc.
Có lẽ một ngày kia chúng ta sẽ không còn luyến tiếc
vì đã nở hoa đôi chút quá vắn vỏi
để sinh trái,
để làm chứng...
 
 
THẾ KỶ HAI MƯƠI
 
Chúng tôi bấm những tấm ảnh khi đi qua.
Tiếng cách của ống chắn ánh sáng khiến chúng tôi
tỉnh lại. Trẻ nhỏ
mỉm những nụ cười hoàn toàn khác
với thói xưa trên miền đồng cỏ này
trong lúc các bà mẹ, không nghi ngại và lơ đãng,
bận bịu với một sự thật xa vời.
Trời nóng bức. Những trái dâu chín bên vệ đường.
Đột nhiên mùa hè không được gọi tên sau bao mong ngóng...
Biển vắng mặt thiếp vào một một giấc ngủ như trời xanh thẫm.
Nhưng bởi thực ra không có trời
chúng tôi đã hỏi nhau và hỏi từng cột chỉ đường lối đi,
chỉ để biết
nơi mặt hồ chấm dứt trong một im lặng xanh...
Tôi cũng có thể cho bạn hay về những khu rừng... cả chúng nữa
cũng phơi bầy những bộ mặt đáng tin cậy trước ống kính của chúng tôi...
Chúng tôi bấm những tấm ảnh khi đi qua, bạn thấy đó.
Sự thật hiện ra trong âm bản.
 
 
THỰC TẠI
 
Tiếng khóc thét của một đứa trẻ giữa hai và ba giờ đêm.
Đêm đầy bóng tối, như một cửa miệng máng xối quái vật ở đại thánh đường,
như một tấm bia mộ bị chính bóng mình nuốt mất...
như những khuôn mặt tôi đã từng quen biết,
như những khuôn mặt đã từng quen biết tôi.
Ở đâu đó rừng đang nhận lãnh hình dạng của chính mình.
Tiếng khóc thét của một đứa trẻ giữa hai và ba giờ đêm.
Cả chiếc đồng hồ đeo tay của tôi lẫn đôi mắt tôi đều chậm.
Một buổi chiều kia tất cả đã chấm dứt.
Một buổi chiều kia tất cả đã bắt đầu.
Thực tại.
 
 
THƠ
 
Hãy cho tôi hay, đêm qua và sáng nay
có gì chung trên bãi biển này
nơi cát thấm đẫm làn nước trong mờ của giấc ngủ,
cuốn hút tôi xuống mãi tận đáy.
Những mình cá ngôn từ uể oải trôi qua tôi,
tìm kiếm một mặt phẳng để nhẩy lên
và hít thở không khí,
giả bộ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi
là chúng có thể bay.
Dưới mặt da trời tối thui.
Các thời đại han rỉ ở đó.
Bên trên, những chiếc vảy loáng bạc dịu dàng của ánh sáng –
nửa thiếu nữ xinh đẹp, nửa mình cá lặng lẽ.
 
 
LƯU ĐÀY KHỎI THIÊN ĐƯỜNG
 
Bị thời gian rào lại, ngày
không có vẻ gì hiện hữu. Nhưng một hơi thở
xa xôi của mùa Thu
đã thầm kín buông mình
trên những khu vườn và công viên.
Vô thời gian vẫn tiếp tục. Evà quay đi
trong lúc Ađam, bên cạnh nàng, trên một băng ghế
đang thiếp ngủ. Ấy là buổi trưa, một thiên thần sa ngã
đã trở thành con rắn,
manna* của trời rơi rụng trên linh hồn
những người tình, dịu dàng nâng đỡ họ. Những chiếc lá
rùng mình trước kỳ lá rụng sắp tới.
Trái táo tội lỗi chín dần.
Nhưng Ađam ngủ
và bởi đó không thể phạm tội.
Khi anh thức dậy
vị thiên thần của tàn phá hôn lên trán anh.
Anh cảm thấy mình yêu Evà
người đã phạm tội.
Hơi thở của mùa Thu lướt
qua công viên, những chiếc lá rùng mình
trước kỳ rơi rụng đã gần kề. Những cô coi trẻ
và những bà mẹ trẻ trung đẩy những chiếc xe của em bé,
trẻ nhỏ gào thét, trong những căn nhà ở cao ốc thảm hại
không khí nghẹt thở, những người đàn ông dễ bực bội
bỏ ra quán rượu và mơ tới ngoại tình.
Manna của trời dịu dàng rơi rụng
trên môi những người tình trong những xó xỉnh tối tăm và bí ẩn.
Tuổi thơ của chúng ta chiều nay
vẫn còn nguyên vẹn:
khi đêm xuống chúng ta đã hôn thực tại
không còn là một trinh nữ.
Những ngọn đèn xuất hiện nơi những khung cửa sổ,
Evà, nghiêng mình trên hộp kim chỉ,
may áo quần cho con nàng.
Ađam, hơi ngái ngủ,
tìm dịp để lẻn đi.
Lưu đày khỏi thiên đường tiếp tục.
 
-----------------------------------------------
* manna (xin xem Thánh kinh - Xuất hành): lương thực của Trời ban cho người Do-thái trong bốn mươi năm lưu lạc trên sa mạc.
(ghi chú của dịch giả)
 
 
SIMONETTA VESPUCCI
 
Đôi vú bị sét đánh
như thanh-la.
Tới buồng em, thưa ông,
chỉ một bước nhỏ.
Nếu muốn, ông có thể
giao hợp với em.
Nhẹ nhàng đưa bàn tay
trên làn da óng ánh của em,
nỗi ghen của bạch ngọc.
Những đường gân nhỏ ló xanh
trên đôi bắp vế mở ngỏ,
như nơi thạch anh.
Trống rỗng là khoảng trời
chung quanh quầng sáng của em.
Xương đặt vào xương
do người đào huyệt
khi y đào một cái huyệt mới.
Dáng dấp ngạo nghễ trong phong cảnh
với dòng Léthé*
với dòng sông và một cảnh hồ
xa lạ của Ý.
 
Tiếng thét nơi cổ họng ông
lọt tới hang bụng.
Mũi lao của ngọn lửa
đã xuyên qua giữa người ông.
Tấm áo, trườn khỏi bờ vai
không còn che đậy gì hết.
Và một lần nữa tháng Năm
với đôi mắt mịt mờ
lại thám hiểm ngang hông ông.
Không có gì đổ nát không làm được.
Hết thảy những gì còn lại
chỉ là một chuỗi vòng cổ ngoắt ngoéo màu vàng,
thời gian cắn đuôi chính nó.
 
Con người nhìn quanh,
đôi mắt lang thang,
như thể kiếm tìm
một người nào quen biết.
 
------------------------------------------
* một trong những dòng sông ở Địa ngục, đem lại sự lãng quên cho hồn người chết.
(ghi chú của dịch giả)
 
 
TẤM ẢNH CHỤP NHANH TRONG CUỘC DU NGOẠN VỚI GIA ĐÌNH
 
Những chiếc neo đã buông.
Uy-lịch-sơn* với làn da sạm nắng
bước lên bãi biển
nơi những thiếu nữ lạ xa duyên dáng
 
với đôi hông như vầng trăng
trên bức tường nghĩa trang
đang giặt giũ áo quần,
tựa vào đám trai tráng.
 
Vẻ mỏi mệt các thủy thủ
nâng lên môi
những chiếc chén rêu phong với tiếng vọng
trống rỗng từ lòng biển.
 
Con tàu, tạm thời
bị quên lãng
trong kính nhắm,
trôi dần tới đảo Hoa Sen.
 
--------------------
* Ulysses.
(ghi chú của dịch giả)
 
 
CÁC NHÀ THƠ TRỞ LẠI
 
Như những con tằm
chúng ta gặp các nhà thơ của chúng ta
đã bao năm kéo kén
trong bất hạnh.
 
Đã bao năm chiếu rọi mặt trời của bóng tối
máu trào thay vì mưa,
vũng bùn lỏng đưa lên mãi
tới cửa miệng chúng ta.
 
Thế rồi
trong rặng dâu xanh hy vọng
con mắt mau lẹ có thể đã nhận ra
một chuyển động hết sức nhẹ nhàng nơi cành lá.
 
Trong những khóm dâu rậm rạp
trong những chiếc kén của tình yêu
họ kéo những chữ của mình thành những sợi mịn màng
của diễn từ câm nín.
 
Để chúng ta khỏi bị trần trụi
khi một lần nữa chúng ta lại ló ra
ánh sáng
của thực tại.
 
 
LỘT DA NGƯỜI
 
Lột da người
đâu phải dễ.
Lại còn có thể là rất khó
nếu ta không biết
đúng cách.
Giết một người tù
không phải khó, cái khó
là bắt được y.
Thế nên những người trai trẻ
luyện tập cái nghề này
từ mới chớm thanh xuân.
Họ tạo dựng những cuộc viễn chinh
lúc đầu nhỏ, sau
rộng lớn hơn,
vào lãnh thổ xứ người
nơi dân chúng sống và nói
một ngôn ngữ khác.
Biết làm sao đây
nếu không có những người tù.
Các thần linh của chúng ta
hẳn sẽ nổi lôi đình với chúng ta.
Các thần linh của chúng ta, những kẻ
cai trị chúng ta.
Bởi thế mà những người tù
đều do bọn tư tế hạ sát,
chứ không phải do các chiến binh, chứ không phải chính
những kẻ bắt bớ họ.
Khi một tù nhân
không còn sức lực, khi
người ấy bất tỉnh,
chúng nắm tóc kéo y lên
những bậc thềm
ở kim tự tháp-đền thờ.
Quả là một cảnh tuyệt diệu
khi được thấy con tim của người tù
mà lồng ngực đã bị phanh ra
vẫn còn đập. Shi-pilli,
ông Hoàng-Thiên thanh, mặt trời
chấp nhận y làm của mình.
Da và xương của những người tù
được để lại cho chúng ta.
 
 
MỘ CHÍ
 
Đây là thành phố
nơi mọi người bị chôn sống.
Thoạt đầu chúng tôi ra sức
giả bộ
rằng mình chết đã từ lâu.
Họ tuyên bố là chúng tôi điên dại
và cưỡng bách chúng tôi
phải uống với mọi người còn lại
máu của mọi người còn lại.
Máu ấy ngọt ngào và ghê rợn.
Một hôm
chúng tôi cảm thấy mình đã ngập ngụa chính bản thân
ngập ngụa những người vẫn còn tiếp tục
bị chôn sống.
Chúng tôi khước từ
không chịu ngập ngụa máu ấm nữa.
Bởi thế họ khiến chúng tôi
tự đào huyệt
rồi bắn chúng tôi chết
sau ót chúng tôi.
Lúc này chúng tôi thật sự chết,
lúc này chúng tôi hy vọng ấy thực sự là chung cuộc.
Nhưng họ đã khiến chúng tôi hồi sinh
để có thể chôn sống chúng tôi.
 
 
-------------------------------------
Ghi chú về tác giả và bản dịch:
ANTONÍN BARTUŠEK (1921-1974) là một nhà thơ Tiệp. Ông sinh ngày 11.01.1921 tại Zeletava u Trebice, Tây Moravia. Theo học đại học Charles ở Pra-ha. Khởi sự in thơ vào giữa những năm 1940 của thế kỷ XX, với tập Những mảnh đoạn (1945) và kế đó: Định mệnh (1947). Ông đã im lặng trong suốt thời kỳ chủ nghĩa Stalin thống trị ở nước ông, và chỉ cho xuất bản lại từ giữa những năm 1960 các tác phẩm: Oxymoron (1965), Những trái dâu đỏ (1967), Điệu múa của con chim Emu và Phản-tinh (1969) và tập 'Royal Progress' (1970). Ông còn là một dịch giả thơ Mỹ, Pháp và Đức và là tác giả nhiều tiểu luận về lịch sử nghệ thuật, nghệ thuật sân khấu và phê bình văn nghệ. Thư viện đại học quốc gia ở Lộ-trấn (Strasbourg), Pháp, còn tàng trữ một cuốn sách lớn của ông về nghệ thuật kiến trúc. (Có một thời Antonín Bartušek làm việc trong một cơ quan coi về những đền đài lịch sử ở nước ông). Ông mất ngày 22.04.1974 tại Praha.
 
Các tuyển tập thơ Tiệp-khắc do những người cộng sản hoặc không cộng sản in ấn thường thấy (ở Pháp) không nhắc tới ông. Nhưng một nhà phê bình Anh, ông Graham Martin, khi đề tựa cho tuyển tập Ba nhà thơ Tiệp, do Penguin Books in năm 1971, đã viết về Antonín Bartušek : "Bằng vào những bản dịch này, tôi ngờ rằng Bartušek là một nhà thơ lớn." (sđd., tr. 19).
 
Tôi đã một lần dịch Bartušek, khi còn ở Sài-gòn, vào khoảng giữa những năm 1970 (sách do bạn Hoàng Ngọc Biên cho mượn); khi tôi ra nước ngoài, bạn Nguyễn Đăng Thường đã phải tốn công tốn của mới tìm ra được cho tôi cuốn sách cũ ấy ở... một vùng sa mạc của Hoa-kỳ! Thế tuy nhiên, những bản dịch mới này “không được như trước”, theo lời bạn Chân Phương. Đó là một điều tôi rất lấy làm tiếc khi dịch lại Bartušek, một nhà thơ mà tôi hết sức yêu mến. "Không có gì đổ nát không làm được", Bartušek cũng đã từng viết thế...
 
Các bản dịch trên đây, với lòng biết ơn, tôi xin đề tặng các nhà thơ Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường và Chân Phương, Gs. Vladimir Claude Fišera và một phụ nữ Tiệp muốn giấu tên, những người bạn đã giúp tôi biết tới hoặc tìm lại được Antonín Bartušek.
 
Bản dịch tiếng Việt dựa theo các bản Anh văn của Ewald Osers và George Theiner trong Three Czech Poets (Penguin Books, 1971).
Diễm Châu

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021