thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thức giấc
(Thủy Trúc dịch)
 
Tôi còn sống.
Trên vỉa hè, một người con gái gần như lõa lồ thổi cơm trên một cái lốp xe phừng cháy.
Tôi bảo chị: đừng chết.
Trên một băng ghế công viên một cô gái chơi ngồi, mặt nhồi đầy phấn.
Tôi bảo cô: đừng chết.
Trong một căn buồng lắp máy điều hòa không khí là một người đàn bà bất hạnh nữ trang phủ đầy người.
Tôi bảo người ấy: đừng chết.
Và với người vợ bất mãn với kẻ say sưa trở lại nhà vào giữa đêm khuya,
Tôi bảo: đừng chết.
Đừng chết, hỡi người phụ nữ, hãy đứng dậy và sống!
Hãy đứng dậy và sống thật phi thường!
 
Đừng bận tâm tới những gì những-người-đàn-ông-không-có-gì-là-người ấy nói.
Trong chén trà buổi tối của chị, chúng sẽ rót thuốc độc.
Những đêm tối đen, chúng sẽ tròng vào cổ chị một sợi thừng và treo chị
Lên một cành xoài, lên cái quạt máy trên trần, lên một cái xà nhà chị.
Cả bầy, chúng sẽ tới hãm hại chị,
Sẽ đâm chị trên cầu Kachpour,
Sẽ xô chị xuống dưới những vòng bánh xe lửa,
Sẽ cắt họng chị bằng một lưỡi dao cạo
Hay sẽ rưới dầu hôi lên người chị trước khi phóng hỏa.
Bọn đàn ông này không có gì là người cả.
 
Ở Giê-ru-sa-lem, trong rặng Hi-mã-lạp-sơn, trên núi Hera, chúng đã bày ra những tôn giáo.
Chúng đã tuyên cáo những thứ này là thanh khiết
Và nhân danh sự thanh khiết ấy chúng đặt chị dưới chân chúng,
Chúng quăng chị xuống bùn,
Tống chị vào nhà bếp, trang sức chị tùy thích,
Khiến chị leo lên giường chúng, khiến chị xuống,
Che phủ chị hay để lộ chị,
Thượng cẳng chân với chị, hạ cẳng tay với chị.
Bọn đàn ông này không có gì là người cả.
 
Hỡi người phụ nữ, hãy đứng dậy và sống.
Hãy hít thở không khí trong lành,
Bầu trời thuộc về chị với tất cả các vì sao,
Rừng sâu, lùm bụi, sông ngòi,
Những áng mây, cơn gió nhẹ tươi mát,
Trái đất, cỏ hoa, chim chóc, biển, hết thảy các thức ấy đều là của chị.
Trong lúc bọn đàn ông chẳng là gì đối với chị.
Chúng sẽ chiếm đoạt chị, bỏ chị lại nát tan cả ngàn mảnh,
Đè bẹp chị tới xóa bỏ hoàn toàn.
Bọn đàn ông này không có gì là người cả.
 
Hỡi người phụ nữ, chị còn lại đó gương mặt bị chà đạp,
Những đòn vọt khắp trên người,
Cả đến một con chó cũng phải xót thương tình cảnh chị,
Cả đến lũ diều quạ cũng phải xót thương chị.
Nếu có một ai kia còn tới xé nát chị
Thời đó không phải là một con heo, cũng chẳng phải một con rắn hổ, mà là một người đàn ông.
Hỡi người phụ nữ, hãy đứng dậy và ít nhất là một lần chị hãy đứng thật thẳng,
Hãy cất bước lên đường, bởi con đường này thuộc về chị,
Bởi cánh đồng này, thửa ruộng này, những lối đi ở trên cao này
Tới bất cứ nơi nào mắt chị nhìn thấy, tất cả những thức ấy đều là của chị, tất cả những thức ấy đều thuộc về chị.
 
Phải, hãy tách xa cái chết, và hãy sống!
Chúng sẽ dậy dỗ chị lý tưởng của người đàn bà trinh khiết và sẽ giao chị cho dàn hỏa.
Chúng sẽ dậy bảo chị sự tôi đòi thuộc giống cái
Trong lúc cất cao bài ngợi ca tình mẹ.
Ở đấy chỉ có những lừa gạt và giả dối, ngay khi chị sa chân vào cạm bẫy
Chúng sẽ ôm hôn chị, ve vãn chị và nhảy nhót như bọn điên.
Thực ra chúng sẽ chỉ tặng chị bốn bức vách,
Những xiềng xích vàng và một chút gì ăn
Như chúng vẫn thường làm với lũ vẹt trong lồng.
 
Hãy chặt đứt những mối dây cột ràng chị và đứng dậy!
Bằng cả hai tay chị, hãy giật toang chúng, bởi đôi tay này thuộc về chị.
Hãy bỏ trốn thật lẹ, bởi đôi chân này thuộc về chị.
Hãy nhỉn cuộc sống với chính đôi mắt của chị, chúng thuộc về chị.
Hãy cười vang, đôi môi này là của chị, cũng như gáy và tóc chị.
Bởi chị hoàn toàn thuộc về chị
Và dứt khoát, chị là của chị.
 
Coi kìa, chúng tới ngốn ngấu chị,
Liếm chị, cắn chị.
Chúng là cái tên khác của sự chết,
Cái tên khác của ghê rợn. Chúng tới uống chị,
Liếm láp chị, dày xéo chị dưới chân.
Bọn đàn ông này không có gì là người cả.
 
Hỡi người phụ nữ, chị hãy coi chừng!
Chúng bức nhiễu chị
Vì bị thèm khát không cưỡng nổi và cuồng nộ không kìm được, cơn cuồng nộ của ông chủ, khích động.
Thế nhưng thế giới này là của chị và chị có thể sống cuộc đời chị ở đó như chị muốn.
Nếu có một dòng sông, hãy bơi ngược, bơi xuôi.
Nếu có một bầu trời, hãy bay từ một chân trời này tới chân trời khác.
Và nếu cuộc đời chị thật sự thuộc về chị,
Hãy sống cuộc đời ấy tùy thích.
Hỡi người phụ nữ, chị là người chủ duy nhất của chị.
 
Tôi đã thấy cái chết và hổ nhục và bùn nhơ.
Tôi nghe nói rằng không một người đàn bà nào khác đã phải vượt qua nhiều hàng thép gai đến thế,
Đã phải chịu nhiều vết thương đến thế.
Rằng không một người đàn bà nào khác trên đường đi của mình
Đã phải băng qua nhiều rừng rậm không thể vượt qua đến thế.
Rằng không một người đàn bà nào khác đã bị nhiều đàn trâu rừng đuổi theo đến thế.
Và không một người đàn bà nào khác đã phải bỏ trốn khỏi hang hầm của một người đàn ông, mình đầy máu me đến thế.
 
Với người phụ nữ khổ vì đói tôi nói cần phải sống.
Với người phụ nữ tuyệt vọng tôi nói cần phải sống.
Với người phụ nữ rên siết vì có quá nhiều con hay vì không có con tôi nói cần phải sống.
Với những em bé gái ra đi từ mờ sáng bán những quần áo cũ ở cửa tiệm tạp hóa tôi nói cần phải sống.
Với các thiếu nữ lượm phân* tôi nói cần phải sống.
Tất cả các chị em hãy đứng dậy và sống, hãy sống thật phi thường!
Hãy nhìn xem tôi đã đứng dậy rũ bỏ mọi nỗi khổ cực của mình ra sao.
Hỡi các phụ nữ, hãy dành chỗ cho nét đẹp, hãy vươn tay tới giấc mơ!
 
Trích Talisma Nasreen, Một cuộc đời khác,
bản dịch Thủy Trúc, «Tư liệu thơ»,
(Trình Bầy, 1996, 1998).
----------------------------------------
*Các em gái và đàn bà lượm phân bò, đắp bánh, phơi khô, làm chất đốt. (Chú thích của bản Pháp văn).
----------------------------------------
TASLIMA NASREEN là một nữ bác sĩ (Phụ khoa), sinh năm 1962, nạn nhàn của một trật tự an bài (gồm bằng ‘đàn ông’ và những kẻ buôn thần bán thánh) ở Bangladesh. Tác giả cuốn tiểu thuyết-tư liệu Lajja viết bằng tiếng Bengali, thuật lại thảm cảnh của một gia đình thiểu số Ấn giáo ở xứ bà. Vì cuốn sách này, bà đã bị những người Hồi giáo «toàn thủ» đòi treo cổ, phải trốn tránh và sống lưu vong ở Thụy-điển… Bài trên trích từ tập thơ Một cuộc đời khác của Taslima Nasreen, do Thủy Trúc dịch theo bản Pháp văn của France Bhattacharya và André Velter (Une autre vie, Stock, Paris, 1995). Thủy Trúc cũng đang dịch tiếp tập thơ thứ nhì của Taslima Nasreen, tựa là Đàn bà, thơ tình yêu và chiến đấu. Xin xem thêm bài giới thiệu của Diễm Châu, nhan đề "Taslima Nasreen: Một Nhà Văn Chống Áp Bức", trong phần tiểu sử Taslima Nasreen.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021