thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sự thấm nhập của đá
 
Bản dịch của Nguyễn thị Hải Hà
 
 
 
MAXINE HONG KINGSTON
(1940~)
 
Maxine Hong Kingston, nhà văn Hoa Kỳ gốc Trung Hoa, sinh ngày 27 tháng 10, năm 1940 ở Stockton, California, Hoa Kỳ. Trước khi về hưu bà dạy văn chương ở trường Đại học Berkely, nơi bà tốt nghiệp cử nhân Văn chương năm 1962.
 
Nổi tiếng với các tác phẩm như: The Woman Warrior (1976) và China Men (1980) là hai tác phẩm được giải thưởng National Book Critics Circle và National Book Award theo thứ tự tương ứng. Bên cạnh hai tác phẩm này còn có Tripmaster Monkey (dùng một nhân vật trong Tây Du Ký là Tôn Ngộ Không), To Be The Poet, The Fifth Book of Peace,I Love a Broad Margin to My Life. Năm 2008 bà được trao giải thưởng đặc biệt Medal for Distinguished Contribution to American Letter của National Book Foundation.
 
Các tác phẩm của bà đã đóng góp vào nền văn học có khuynh hướng nữ quyền. Hồi ký No Name Woman nói về sự áp bức phụ nữ trong xã hội Trung hoa. Bà từng bị bắt giam vì tham gia biểu tình chống chiến tranh năm 2003.
 
(trích dịch từ Wikipedia)
 
 

Sự thấm nhập của đá

 
Chúng tôi mua của những người Lào tị nạn tấm vải
một cụ bà may trong chiến tranh
đính vào nó 700 hình tam giác – những rặng núi
biến đổi màu theo mùa dưới nắng H’Mong
răng trắng và vàng, những mũi tên đen,
hay những cánh buồm. Họ chỉ vào một bức thêu,
đầy bí ẩn cũng như những mặt người
trên các lá bài. Nhìn gần, những lọn tóc quăn, bím tóc hình chữ x
không dễ hiểu hơn; một sợi chỉ xanh xuyên qua
những mắt xích màu vàng, đen ở giữa màu trắng.
Đôi khi bắt gặp từ xa, giữa ánh sáng chập choạng,
miếng đăng ten ở giữa nhả khói, những bóng người di động
trên nền phông màu đỏ, sáng loáng.
Một người tị nạn nói, “Bà cụ này vẽ kiểu đấy.”
 
Chúng tôi cho một người cựu chiến binh Việt Nam thuê phòng
Một ngày thứ Bảy ông ta trở lại
giẫm nhầu lên rặng tre mọc dọc theo con suối của xóm giềng
rồi leo lên lề phố, trốn thoát cảnh sát,
dù ông ta để lại dấu máu trên nền xi-măng
từ bàn chân bị đứt. Ông ta từ phòng tắm bước ra
khác lạ không thể nhận dạng. Vết thương
xây xướt nhưng không đẫm máu, ông ta mới cạo râu.
Râu màu vàng nhuộm lẫn máu và cái gì đó giống như
những mảnh da trong bồn tắm và bồn cầu
Trên đường đến bệnh viện, ông ta nói, “Hôm nay
một anh quân cảnh đã giơ ngón tay nửa chừng.
Họ sắp sửa báo động hành động của tôi.”
 
Chúng tôi tìm kiếm dữ kiện để biện hộ cho một người Việt
bị buộc tội bắn chết một người Lào
ở Stockton, bên ngoài quán rượu. Vì sợ hãi,
chúng tôi nghe hắn nói, quả dưa tây hay hòn đá
mà người Lào đã ếm
vào người hắn ta. Một nhà nhân chủng học đối chứng
là người Việt khi lái xe ngang qua vùng cao nguyên
đã quay cửa kính lên để tránh không khí của H’Mong.
Người H’Mong ở Fairfield không bị buộc tội
đã tìm cách tự tử cả gia đình, không biết có phải
vì đó là lời nguyền ếm lên người Lào hay là vì muốn có cái điện thoại
Ba thông dịch viên đã bỏ trốn – người thứ Tư này
không biết chữ nhiều.
 
 
 
-------------------
Trích từ quyển Crossing into America – The New Literature of Immigration (Vào đất Mỹ - Văn chương mới của di dân) Louis Mendoza và S. Shankar biên soạn (New York: New Press. 2003).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021