thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đối thoại
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
J. Brodsky năm Pasternak qua đời, 1960.
 
 

Ðối thoại

 
– Ông nằm đó, trên sườn đồi.
Gió luồn khắp mọi nơi.
Trên ngọn những cây sồi
quạ kêu cả trăm tiếng.
– Ông nằm đâu? Ta không nghe.
Lá xào xạc trong gió.
Người bảo sao, mái nhà nào?
Ta nghe không rõ chữ.
 
– Ngọn cây, ta bảo, những ngọn cây
nơi lũ chim kêu tiếng quạ.
Hàng trăm con cháu
Từ trời cao bay ào xuống;
– Nhưng vậy ra đấy là quạ?
Gió giễu cợt trong bóng râm.
Người bảo sao, ngọn cây nào?
Ta không hiểu một chữ.
 
– Ông giấu kỹ những nỗ lực
trong bóng đêm sâu thẳm.
Tất cả những gì ông làm: đôi cánh bay
cho một con chim đen nào đó.
 
– Gió cản đường ta, gió.
Hãy ngăn nó, hỡi Thượng đế, xin hãy ngăn.
Nó làm gì trên trái đất
nếu nó cùng đi với con người?
 
– Những chiếc lá, mơ mộng, thì thầm,
còn ông nằm đó, không một hơi thở.
Ngươi nhìn thấy mây trên trời,
linh hồn ông đó.
– Giờ đây ta hiểu ngươi:
ông bỏ trốn trong đêm.
Giờ đây ông nằm yên, ôm chặt
những rễ cây trong rừng sồi.
 
– Ta dựng một mái nhà, một mái nhà
bằng tán lá sồi dày đặc.
Ông nằm lặng im hơn cả mặt hồ,
bé mọn hơn cả ngọn cỏ bé nhất.
Ta lấy bóng đêm đăng quang ông.
Vương miện sẽ rất hợp cho ông.
– Nằm dưới đất, ông như thế nào?
– Ông sẽ không trở dậy nữa.
Ông nằm đấy đăng quang,
ở đấy ta đã quên ông.
– Vậy ra đấy là một con quạ?
– Một con chim, ấy là một con chim.
 
6 tháng Sáu 1962
 
 
 
Trái: Chân dung Boris Pasternak [1958].
Phải: Andrei Sinyavski [đi đầu] khiêng quan tài Boris Pasternak từ trong nhà ra sân ngoài...
 
“Đối thoại” dịch từ bản tiếng Pháp “Dialogue” của Véronique Schiltz trong Joseph Brodsky, Vertumne et autres poèmes (Paris: Gallimard, 1993). “Đối thoại” có thể là một trong những bài thơ không xuất hiện trong bất cứ tuyển tập nào khác. Năm 1993, khi đọc bài thơ qua bản tiếng Pháp, do nhận ra ít nhiều hình ảnh quen thuôc, chúng tôi nghĩ bài thơ có thể viết về Boris Pasternak [10.02.1890-30.05.1960] vì nhà thơ vĩ đại của nước Nga quả đã yên nghỉ trên một sườn đồi nằm ngay trước mặt nhà mình. Nhiều tài liệu cho biết ngày đưa tang Pasternak, nhiều “bạn” văn của nhà thơ không xuất hiện,* có người còn lấy màn che kín cửa nhà mình, chỉ có thanh niên sinh viên và vô số những bạn bè, những người đọc yêu mến ông, cả những công nhân thợ thuyền xa gần, đã thay nhau biến buổi lễ tang thành một ngày đọc thơ triền miên. Trong số những nhà văn trẻ khiêng linh cữu Pasternak từ trong nhà ra sân ngoài, có nhà nghiên cứu văn học Andrei Sinyavski... Chúng tôi chuyển ngữ bài “Dialogue” năm 1993, nhưng đến cuối năm 1999, khi có dịp đọc Joseph Brodsky — The Art of a Poem (London: Macmillan Press Ltd., 1999.] do Lev Loseff & Valentina Polukhina biên tập, chúng tôi mới đươc biết chính xác “Dialogue” là bài thơ Brodsky viết về cái chết của Boris Pasternak.
 
* Nói đúng, Hội Nhà Văn Xô-viết dịp này có cho đưa đến lễ tang một chiếc xe màu đen to tướng, với một người đại diện nổi tiếng mà không ai nhớ nổi tên, lên tiếng đề nghị đưa linh cữu lên xe “vi quá nặng”, nhưng thân hữu của nhà thơ ai nấy la ó từ chối, và đã thay nhau khiêng quan tài đi bộ tới bên kia sườn đồi. [Theo Guy de Mallac trong Boris Pasternak — His Life and Art (Norman, OK: University of Oklahoma Press, 1981).]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021