thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ve sầu và đầu mùa phượng rực

 

Bản dịch của Trịnh Thanh Thuỷ

 

 
Madison Morrison — nhà văn, nhà giáo, nhà lý thuyết văn học, nhà tư tưởng — sinh năm 1940 ở Alabama nhưng sống ở New York, Chicago, Detroit, Pittsburg, và Taiwan. Ông tốt nghiệp ở viện đại học Yale, có bằng Ph.D. về triết tại Havard, là giảng sư đại học hơn 40 năm ở Mỹ và các nước khác. Ông có cơ hội viếng thăm và giảng dạy  khắp nơi trên thế giới. Từ Rome ở Ý cho đến Ấn Độ, Thái Lan và các quốc gia Á Châu. Cho tới bây giờ ông đã có 26 tác phẩm viết về thơ ca, văn học nghệ thuật, tiểu luận và phê bình.
 
Gần đây ông có ghé Việt Nam và cuốn A visit to Việt Nam ra đời. Tôi xin dịch lại và giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết trong cuốn sách này. Đây là những đoạn văn viết theo thể thức hậu hiện đại, lối trình bày mới, tạo cảm giác lạ, làm rối trí người đọc khiến họ phải tập trung nhiều hơn, gây nên sự tương tác cần thiết giữa độc giả và tác giả.
 
Trịnh Thanh Thủy

 

_____________________

 

VE SẦU VÀ ĐẦU MÙA PHƯỢNG RỰC

 

Sau cơn mưa áo vườn xanh vết ngọc
Bóng hắt lung liêng rộn tấu khúc ve sầu

 

      Nơi ban công rộng lớn của khách sạn Hùng Vương. Đó là mùa hè vào thế kỷ thứ 13 cho tới đời vua Trần Thánh Tôn. Nhà riêng nhiều hơn khách sạn. Đối với các em học sinh. Ngôi biệt thự tân kỳ nằm trong con hẻm nhỏ nối ra đường Lê văn Sỹ. Đầu mùa phượng rực. Tác giả ngồi trên một cái ghế gỗ nhỏ. Cùng những bài ca ve sầu . Cửa để bỏ ngỏ. Là mối lo thi cử và nỗi háo hức được nghỉ hè rong chơi. Khoảnh sân dễ thương này được trang hoàng đầy những lẵng hoa. Lũ trẻ rất thích ve sầu . Và những cây kiểng trồng trong chậu lớn. Chúng cầm những cái que dài một đầu bọc kẹo cao su dính. Có cái rặt theo lối tàu. Đi sục tìm ve. Có cái nhã nhặn Việt Nam hơn. Lẩn trốn trong các tàng phượng vĩ . Một cây trúc đứng che bóng ngôi nhà bốn tầng, có mái ngói cam và tấm bạt che nắng sọc trắng xanh, phía bên kia đường. Chúng nhốt các con vật bắt được vào các bao diêm . Giáp lan can là một pho tượng thiếu nữ đượm vẻ sầu thảm. Lâu lâu bọn trẻ lại đem ra ngắm đôi mắt của chúng. Hoàn toàn khoả thân. Hoặc bắt chúng ca hát . Mái tóc dài của cô che nửa thân hình. Bằng các ấn nhẹ vào mình chúng. Khuôn mặt thì chìm khuất sau đám lá của một chậu kiểng bằng men có điểm chữ Phúc.

 

      Đối với các thi sĩ tiếng hát của những ca sĩ ve rất buồn thảm. Sân ban công được lát gạch nâu xám thành hình chữ nhật, chính giữa là một hình vuông nhỏ cũng màu nâu, mỗi góc lại thêm những hình vuông nâu nhạt nhỏ hơn. Giống tiếng thét tuyệt vọng của loài khỉ chốn rừng sâu. Những chậu cây mới được tưới nước nên nền gạch còn ẩm. Nguyễn Du (cuối thế kỷ 18) miêu tả tấu khúc của Kiều giống những bài ca ve sầu. Trên bờ tường, một con sư tử chễm chệ ngồi, đầu ngẩng cao ra dáng ngạc nhiên. Nhưng nó mang nhiều âm điệu hoài hương hơn. Ông nói "những lời than oán ấy là hợp âm của tiếng ve kêu và tiếng khỉ nhớ rừng". Mưa bắt đầu rơi xuyên mạng sương mặt trời trắng xoá. Một câu chuyện dân gian của Thái Lan có nói đến sự tích của con ve: Máy điều hoà không khí từ phòng tác giả thả vào không gian những tiếng kêu vo vo. Truyện kể một người goá phụ nghèo vào rừng đào những rễ cây ăn được đem về nuôi cô con gái duy nhất của bà. Âm thanh tiếng búa vọng vang xuống đường tạo những nhịp nhặt khoan, lúc rền lúc lặng. Một hôm vì đào nhiều quá bà kiệt sức rơi xuống hố sâu và chết. Dưới đường một chiếc xe gắn máy không bộ phận hãm thanh chạy qua. Người con gái đi tìm mẹ, thấy được xác bà và đem về chôn cất. Những giọt mưa bắt đầu nhỏ xuống cuốn sổ tay của tác giả. Cô ta khóc ngày này qua tháng khác và chết bên mồ mẹ. Tạo nên hồi kết cuộc. Sáng hôm sau cô ta thoát xác thành loài ve sầu hát bài ca ai oán.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021