thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một câu chuyện

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

DANIIL KHARMS

(1905-1942)

 

Daniil Kharms (tên thật là Daniil Ivanovich Yuvachev) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Nga, sinh ra tại St. Petersburg. Thân phụ của ông là Ivan Yuvachev, một thành viên nổi tiếng của nhóm cách mạng “Nguyện Vọng Nhân Dân”. Daniil chào đời trong lúc thân phụ của ông đang bị cầm tù vì hoạt động chống sa hoàng. Sau này, chính Daniil lại bị cầm tù bởi chính quyền “cách mạng” của Stalin, rồi chết đói trong tù.
 
Từ năm 1924, Daniil Kharms bỏ trường đại học và dấn thân vào văn chương. Năm 1928, ông sáng lập nhóm OBERIU (Hiệp Hội Nghệ Thuật Thực Sự) với các thành viên là những nghệ sĩ tiền vệ triệt để. Chế độ Stalin không chấp nhận nghệ thuật của nhóm này, nên đã bắt nhốt Daniil Kharms vào năm 1931 và đày ông từ St. Petersburg đến Kursk. Năm 1932, ông được thả trở về St. Petersburg và vừa viết vừa sống nghèo đói lây lất cho đến khi bị bắt lần cuối cùng vào năm 1941. Họ nhốt ông trong trại tâm thần của nhà giam Leningrad số 1, và ông chết ở đó vào ngày 2 tháng 2 năm 1942, vì đói.
 
Năm 1962, một số tác phẩm ông viết cho thiếu nhi mới bắt đầu được ấn hành, và sau đó họ cho in một số truyện khôi hài của ông. Mãi đến năm 1987, chính sách glasnost mới cho phép xuất bản hàng loạt các tác phẩm chính của Daniil Kharms.
 
Nhà văn George Saunders nhận định: “Kharms nằm trong cùng một tủ sách với Tolstoy, Chekhov, và Babel... như một trong những nhà tiền phong vĩ đại của truyện ngắn đương đại. Trong thể loại này, truyện ngắn của ông sẽ là những tác phẩm ngắn gọn nhất, khôi hài nhất, và ở những phương diện nào đó, trung thực nhất... Truyện ngắn của ông gần như không có hình hài, nhưng vừa bạo động, buồn bã, vừa khoái hoạt và kinh hoàng trong cùng một lúc.”

 

_____________

 

MỘT CÂU CHUYỆN

 

“Đây,” Vanya vừa nói vừa đặt cuốn sổ tay của chàng lên bàn, “ta hãy bắt đầu viết một câu chuyện.”

“Vâng,” Lenochka nói, ngồi xuống ghế.

Vanya lấy bút chì ra và viết:

“Ngày xửa ngày xưa có một ông vua...”

Rồi chàng bắt đầu nghĩ ngợi và ngước mắt lên trần nhà.

Lenochka liếc vào cuốn sổ tay và đọc đoạn văn của Vanya.

“Câu chuyện này đã được viết rồi mà,” Lenochka nói.

“Làm sao cô biết?” Vanya hỏi.

“Tôi biết vì tôi đã đọc rồi,” Lenochka nói.

“Thế thì câu chuyện ấy nói về cái gì?” Vanya hỏi.

“Ừ, thì nó nói về một ông vua đang uống trà và ăn một trái táo rồi thình lình bị mắc nghẹn. Bà hoàng hậu bèn vỗ vào lưng ông để làm miếng táo văng ra. Nhưng ông vua tưởng bà hoàng hậu đánh ông, nên ông nện cái ly vào đầu bà. Bà hoàng hậu nổi giận, cầm cái đĩa đập lại ông. Nhưng ông vua đánh lại bà bằng một cái bát. Nhưng bà hoàng hậu đánh lại ông bằng một cái ghế. Nhưng ông vua đứng dậy và đánh lại bà bằng một cái bàn. Nhưng bà hoàng hậu xô cái chạn bếp lên đầu ông vua. Nhưng ông vua chui ra từ dưới cái chạn bếp và ném cái vương miện vào mặt bà hoàng hậu. Thế rồi bà hoàng hậu túm tóc ông vua và ném ông qua cửa sổ. Nhưng ông vua trèo cửa sổ vào phòng trở lại, túm lấy bà hoàng hậu và nhét bà vào trong lò. Nhưng bà hoàng hậu trèo ống khói lên nóc nhà, rồi theo cột thu lôi tụt xuống sân và trèo cửa sổ vào phòng trở lại. Trong lúc ấy, ông vua đang nhen lửa trong lò để đốt bà hoàng hậu. Bà lén bước đến sau lưng ông và xô ông vào trong lò. Ông vua té vào trong lò và bị cháy tan xác. Đó là kết thúc của câu chuyện.” Lenochka nói.

“Đó là một câu chuyện quá ngớ ngẩn,” Vanya nói. “Tôi sẽ viết một câu chuyện hoàn toàn khác.”

“Ừ, chứ sao không,” Lenochka nói.

Vanya cầm bút chì lên và viết:

“Ngày xửa ngày xưa có một thằng ăn cướp...”

“Khoan!” Lenochka hét lên. “Câu chuyện đó đã được viết rồi!”

“Tôi chẳng hề biết,” Vanya nói.

“Sao lạ vậy nhỉ,” Lenochka nói, “chẳng lẽ anh chưa nghe chuyện một thằng ăn cướp, trong lúc ra sức chạy thoát bọn lính canh, đã ráng nhảy lên ngựa, nhưng bổ nhào qua phía bên kia và té uỵch xuống đất. Thằng ăn cướp nguyền rủa rồi ráng nhảy lên ngựa một lần nữa, nhưng cú nhảy của hắn vẫn chưa chính xác, thế nên hắn té uỵch xuống đất từ phía bên kia của con ngựa. Thằng ăn cướp đứng dậy, huơ nắm đấm, nhảy lên lưng ngựa nhưng lại bay quá trớn qua phía bên kia và đâm bổ xuống đất. Hắn rút súng ra khỏi dây nịt, bắn một phát lên trời và nhảy phóc lên lưng ngựa, cú nhảy mạnh đến nỗi hắn lại bay tuốt qua bên kia một lần nữa và té nhào xuống đất. Hắn giật cái mũ ra khỏi đầu hắn, liệng nó xuống đất, nhảy lên dậm cho nát nhừ, rồi hắn lại co giò phóng lên lưng ngựa, và một lần nữa hắn bay quá trớn, đâm bổ xuống đất, gãy cẳng. Thằng ăn cướp đi cà thọt đến trước con ngựa và đấm một quả vào giữa trán nó. Con ngựa hoảng hốt chạy mất. Trong lúc đó, bọn lính canh vừa cưỡi ngựa đến kịp, bắt hắn và mang hắn vào tù.”

“Ừ, thế thì tôi không viết về một thằng ăn cướp nữa,” Vanya nói.

“Thế thì anh viết về cái gì?” Lenochka hỏi.

“Tôi sẽ viết một câu chuyện về một ông thợ rèn...”

“Câu chuyện đó cũng đã được viết rồi!” Lenochka la lên.

“Cái gì?” Vanya nói và đặt bút chì xuống.

“Chắc chắn rồi,” Lenochka nói. “Ngày xửa ngày xưa có một ông thợ rèn. Một hôm, trong lúc đang rèn một cái móng ngựa, ông quơ búa mạnh đến nỗi cái đầu búa sút ra khỏi cán, rồi cái đầu búa bay xuyên qua cửa sổ, đụng chết bốn con bồ câu, tông vào tháp canh phòng hoả hoạn, dội ngang qua một bên, đập nát kính cửa sổ nhà ông thanh tra sở cứu hoả, bay qua mặt bàn, nơi ông thanh tra sở cứu hoả đang ngồi với vợ, đâm thủng qua tường nhà ông thanh tra sở cứu hoả và bay ra đường phố. Ở đó, nó tông một cột đèn ngã xuống đất, đánh gục một người bán cà-rem, và nện vào đầu của Karl Ivanovich Shusterling, khiến anh ta cởi mũ ra một phút đồng hồ để xem xét cái ót của mình. Sau khi dội ra từ cái trốt của Karl Ivanovich Shusterling, cái đầu búa bay ngược lại, đánh gục người bán cà-rem một lần nữa, hất văng hai con mèo đang giằng co nhau trên mái nhà, làm một con bò cái té chỏng vó lên trời, giết chết bốn con chim sẻ và bay trở về nhà lò rèn, gắn chặt vào cái cán búa như cũ, trong lúc ông thợ rèn đang cầm cái cán búa trong bàn tay phải. Mọi việc xảy ra quá nhanh đến mức ông thợ rèn chẳng hay biết gì cả và ông vẫn tiếp tục rèn cái móng ngựa.”

“Ừ, nếu mà câu chuyện về ông thợ rèn đã được viết ra rồi, thì tôi sẽ viết một câu chuyện về chính tôi vậy,” Vanya nói và viết:

“Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé tên là Vanya...”

“Câu chuyện về cậu bé tên là Vanya đã được viết ra rồi,” Lenocka nói.

“Không thể như thế được!” Vanya nói.

“Thật đấy, nó đã được viết rồi mà,” Lenochka nói.

“Thế thì nó ở đâu?” Vanya kinh ngạc.

“Hãy mua tờ tạp chí Chizh, số 7, và anh sẽ được đọc câu chuyện về chính anh,” Lenochka nói.

Vanya mua tờ Chizh số 7 và đọc câu chuyện hoàn toàn chính xác như câu chuyện mà bạn vừa đọc xong ở đây.

 

(1935)

 

 

---------
Dịch từ bản Anh ngữ “A Tale” [do Nick Sushkin phóng dịch từ nguyên tác tiếng Nga], trong sưu tập của Serge Winitzki.

 

Đã đăng:

Năm câu chuyện bỏ lửng  (truyện / tuỳ bút) 
Một người đàn ông nào đó, đang chạy ngon trớn, bỗng tông đầu vào một nhà lò rèn mạnh đến nỗi bác thợ rèn đang làm việc phải dừng lại, đặt cái búa tạ qua một bên, cởi tấm tạp-dề bằng da và, sau khi dùng bàn tay vuốt tóc cho tươm tất, bước ra đường để xem cái gì vừa xảy ra... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
(Hai truyện cực ngắn, viết dưới hình thức kịch bản) GOGOL té nhào từ cánh gà ra sân khấu và nằm im ở đó. PUSHKIN xuất hiện trên sân khấu, vấp phải GOGOL và té nhào... | NHÀ TOÁN HỌC (Rút từ trong đầu ông ra một quả bóng ) Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
IỚIG ẾHT  (truyện / tuỳ bút) 
Có một dạo tôi tin rằng tôi đã nhìn thấy thế giới. Nhưng thế giới như một toàn thể thì mắt tôi không chạm tới được, tôi chỉ thấy những mảnh vụn của nó. Và tất cả những gì tôi trông thấy, tôi gọi là “những mảnh vụn của thế giới”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... NHÀ VĂN: Tôi là một nhà văn. ĐỘC GIẢ: Tôi nghĩ ông là cứt! NHÀ VĂN đứng sững vài phút, run rẩy trước ý tưởng mới lạ này, rồi ngã xuống chết điếng. Ông được khiêng đi chỗ khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bốn truyện cực ngắn  (truyện / tuỳ bút) 
(Bốn truyện cực ngắn rất đặc dị của một nhà văn Nga kỳ tài nhưng phải chết vì bị bỏ đói trong nhà tù của Stalin.) Có một người đàn ông tóc đỏ không có mắt cũng chẳng có tai. Gã cũng chẳng có sợi tóc nào, vì thế gã được gọi là tóc đỏ, một cách lý thuyết. Gã không thể nói, vì gã không có miệng. Gã cũng chẳng có mũi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thật là khó bàn về Pushkin với một người không biết gì về Pushkin. Pushkin là một nhà thơ vĩ đại. Napoleon không vĩ đại bằng Pushkin... | Tôi không ưa con nít, ông già, bà già và những người có tuổi, đứng đắn. / Thật là dã man cho con nít uống thuốc giết chuột. Nhưng phải có biện pháp với chúng nó chứ! / Tôi chỉ tôn trọng những thiếu nữ khoẻ mạnh, đầy đặn. Tôi nghi ngờ tất cả đại biểu khác của loài người… [Bản dịch của Đinh Linh]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021