thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hàng bán rẻ
Bản dịch Hoàng Ngọc Nguyên

 

TRUMAN CAPOTE

(1924-1984)

Ảnh: Cartier-Bresson

 

Truman Capote là một trong số ít tác giả quan trọng của Mỹ trong những năm sau Đệ nhị Thế chiến – cùng với J. D. Salinger, John Updike, Bernard Malamud, Saul Bellow, Norman Mailer, Arthur Miller... Người ta biết ông nhiều qua cuốn phim Breakfast at Tiffany’s (dựng từ cuốn tiểu thuyết cùng nhan đề xuất bản năm 1958). Trong phim này, nữ diễn viên danh tiếng Audrey Hepburn thủ vai chính, về một cô gái cố len lỏi vào xã hội thượng lưu ở New York, nhưng càng thâm nhập, cô càng phơi bày sự ngây thơ ngốc nghếch của con người trong cuộc sống. Ông cũng thường được nhắc đến vì đã dựng lại vụ án của tên cuồng sát Charles Manson năm 1962 trong cuốn tiểu thuyết In cold blood ra mắt năm 1966 và thành công đến mức một phim mang cùng tên đã được hoàn thành chỉ một năm sau. Chỉ sau hai, ba tiểu thuyết ngắn và tập truyện ngắn, gồm Other Voices, Other Rooms (1948), A Tree of Night and Other Stories (1949), Local Color (1953), The Grass Harp (1951), và The Muses Are Heard (1956), ông đã xác định được vị trí hàng đầu trong số những nhà văn Mỹ thế kỷ 20. Bằng lối viết kể chuyện nhẹ nhàng như những lời tự tình thì thầm, ông thường đi vào phân tích sự cô đơn, lạc lỏng của những con người không đứng vững được trong cuộc sống – từ tuổi trẻ bơ vơ không được dung nạp, những người phụ nữ không tìm được hạnh phúc và sự an toàn trong hôn nhân, cho đến tuổi già cô quạnh và bị bỏ rơi trong sự đơn chiếc. Ông không được những người quen biết ưa bởi vì người ta nói tánh ông nóng nảy, gây hấn – có lúc đi xa đến độc ác. Nhà phê bình Judith Handschuk cho rằng con người “riêng tư” của ông – nếu không phải là con người “thật” – chỉ lộ diện trên văn chương, khi cái “mặt nạ trước công chúng” (public mask) không còn nữa. Theo bà, cũng như những nhân vật của ông, ông là một người”khác thường” mà người ta cần hiểu và “đối xử tử tế” hơn là bị loại ra một bên cuộc sống. Nói đúng hơn, có lẽ chỉ có con người trong văn chương mới thuần tính được con người day dứt, bực dọc trong cuộc sống.
 
“Hàng bán rẻ” (The Bargain) là một truyện ngắn Truman Capote viết vào khoảng năm 1950, nhưng chưa hề được in ra hay biết đến trong khi ông còn sống. Chỉ gần đây, khi lục lại đống thư từ cũ của ông, người ta mới thấy ông đề cập đến nó trong một bức thư đề ngày 15-5-1950. Và đến đầu năm nay người ta mới tìm ra nó nằm trong văn khố Thư viện Công chúng New York, lẫn lộn giữa đống giấy má, bản thảo, thư từ của ông. Người ta cho rằng đây là truyện ngắn cuối cùng chưa được in của Truman Capote.

 

_____________________

 

HÀNG BÁN RẺ

 

Có nhiều điều về ông chồng khiến bà Chase bực bội. Chẳng hạn như giọng nói của ông: luôn luôn như thể ông đang vào cuộc chơi xì phé và lên giọng tố. Nghe lạnh lùng đến độ bà phát chán, nhất là thỉnh thoảng, khi điện thoại nói chuyện với ông, bà gặp lúc hào hứng, sôi nổi.

– Dĩ nhiên em đã có rồi, em biết. Nhưng anh chẳng hiểu gì cả, anh ơi. Người ta bán rẻ, – bà nói, nhấn mạnh chữ bán rẻ, rồi ngưng nói để cho hai chữ này thấm vào người ông. Nhưng ông vẫn im lặng. Nên bà nói tiếp:

– Anh cứ nói đi chứ. Không, em có đi phố đâu. Em ở nhà. Cô Alice Severn đến ăn trưa với em. Em đang nói cái áo khoác của cô ấy đấy. Chắc anh còn nhớ Alice Severn chứ?

Cái trí nhớ lỗ chỗ của ông cũng là một điều làm bà bực mình; dù cho bà nhắc ông hồi ở Greenwich hai người thường gặp Arthur và Alice Severn, đúng là có đãi họ ăn, nhưng ông cứ giả vờ chẳng biết gì đến tên này. Cho nên bà thở ra:

– Chẳng sao. Dù sao em cũng đã định chỉ xem cái áo mà thôi. Anh ăn trưa đi.

Sau đó, khi đưa tay vuốt những mớ tóc ngay hàng chải ngược lên của mình, bà Chase nhìn nhận rằng không có lý do gì chồng bà phải nhớ kỹ càng ông bà Severn này cả. Bà nhận ra điều này khi bà cố gợi lại trong đầu một hình ảnh của Alice Severn, nhưng có vẻ không thành công mấy. Nhưng rồi bà cũng nhớ ra được mại mại. Một phụ nữ có đôi má hồng, người khẳng khiu, chưa đến 30 tuổi, luôn luôn đi với bầu đoàn thê tử gồm có một con chó Ái Nhĩ Lan và hai đứa trẻ xinh đẹp tóc vàng/tóc đỏ. Người ta nói chồng cô ta uống rượu; hay chính cô ta cũng nên? Họ cũng đồn là hai người này bị tín dụng xấu. Ít nhất bà Chase nhớ có lần nghe nói họ có những món nợ khủng khiếp, người nào đó (hay lại chính bà đây) đã mô tả Alice Severn như một người quá lang bạt.

Trước khi dọn vào thành phố, ông bà Chase có giữ một căn nhà ở Greenwich, bà Chase chán nhà này lắm, bà không ưa khung cảnh thiên nhiên ở đó, và vẫn khoái cảnh phố xá vui vẻ ở New York hơn. Hồi còn ở  Greenwich, thỉnh thoảng họ lại gặp ông bà Severn này, hoặc tại một tiệc rượu cocktail, hoặc tại trạm xe lửa, quen biết chỉ có thế. Cả hai bên chẳng phải là bạn của nhau, bà kết luận, và có phần ngạc nhiên về điều đó. Nhưng chuyện đời vẫn thế, đột nhiên bà nghe một người quen biết trước đây gọi mình, một người trước đây quen biết trong một hoàn cảnh khác, nên bà bỗng dưng cảm thấy như có gì gần gũi. Tuy nhiên, khi nghĩ lại, bà thấy cô Alice Severn này thật đặc biệt, bà chẳng gặp cô hơn một năm nay, bỗng dưng cô lại gọi cho bà đề nghị bán cái áo lông thú.

Bà Chase ngừng ở nhà bếp để dọn một món xúp và một dĩa salad ăn trưa: bà chưa bao giờ nghĩ không phải ai cũng ăn uống theo chế độ cả. Bà đổ đầy một vại rượu sherry và đem nó vào phòng khách. Một căn phòng sơn màu xanh lá cây, sáng vì cửa kính, khá giống như sở thích áo quần quá trẻ của bà. Gió đập mạnh vào cửa sổ, vì căn hộ nằm trên cao, nhìn xuống phố dưới của Manhattan như nhìn từ trên máy bay. Bà đặt một dĩa học sinh ngữ vào máy và ngồi trong một vị thế không mấy thoải mái để nghe từ máy giọng đọc những câu tiếng Pháp kéo dài ra. Tháng tư này, ông bà Chase dự định kỷ niệm 20 năm thành hôn của họ bằng một chuyến đi Pháp; bởi thế bà đang học tiếng Pháp bằng cách nghe dĩa, và cũng bởi thế, mà bà tính mua cái áo khoác của Alice Severn. Bà thấy đi du lịch mặc một chiếc áo lông cũ là hay hơn; sau đó, bà có thể sửa lại thành một chiếc khăn quàng vai.

Alice Severn đến sớm vài phút, chắc chắn không phải là chuyện tính trước, cô ta chẳng phải là người hay lo, ít nhất là nhìn vào cái cách khoan thai và bình thản của cô. Cô đi đôi giày bít cả chân, mặc một bộ đồ dạ rõ rệt đã cũ, tay mang một cái hộp cột bằng một sợi dây bậy bạ gì đó.

– Sáng nay nghe cô gọi tôi vui vô cùng. Có trời mới biết, lâu lắm rồi, nhưng đã hẳn chúng tôi không còn đến Greenwich nữa.

Mặc dù mỉm cười, người khách của bà không nói gì; bà Chase, vẫn quen cởi mở, hơi thấy ngượng. Sau khi hai người đã an vị, bà Chase nhìn người đàn bà trẻ hơn, và bà chợt nghĩ rằng nếu họ bình thường gặp nhau ở đâu, chắc bà đã không nhận ra cô; không vì bề ngoài của cô đã quá thay đổi, nhưng vì bà Chase nhận ra trước đây bà chưa hề nhìn kỹ cô – cũng là điều lạ kỳ, bởi vì Alice Severn là một người mà người ta phải để ý. Nếu cô ta đừng suôn đuột, gọn gàng hơn, người ta chắc cũng sẽ chẳng nhìn làm gì; có lẽ thấy cô ta dễ thương cũng nên. Nhưng cô như thế này, tóc đỏ, mắt nhìn xa xăm, khuôn mặt tàn nhang, bàng bạc và đôi bàn tay mạnh và thô, tất cả có một vẻ gì nổi bật ở cô mà người ta khó mà không để ý.

– Cô uống chút rượu sherry chứ?

Alice gật, cái đầu của cô lúc lắc trên chiếc cổ ốm, như một đóa hoa cúc qua nặng so với cái cọng của nó. Bà Chase lại mời:

– Cô ăn bánh nhé?

Bà thấy những người mảnh khảnh, suông đuột chắc ăn uống phải như cọp. Cái phần ăn đạm bạc chỉ có xúp và salad này làm cho bà chợt thấy ngượng, cho nên bà bịa chuyện:

– Tôi chẳng biết Martha làm gì cho mình ăn trưa đây. Cô cũng biết là cô đến bất ngờ quá. Nhưng này cô, cho tôi biết Greenwich ra sao rồi?

– Greenwich? – cô đáp, mắt chớp nhanh như thể bị một ngọn đèn nào chợt sáng lên trong phòng. – Tôi chẳng biết gì. Chúng tôi lâu nay chẳng ở đó, sáu tháng rồi hay còn lâu hơn nữa.

Bà Chase nói:

– Ô ! Cô thấy tôi chẳng biết gì cả. Thế hiện nay cô ở đâu ?

Alice Severn nhấc một bàn tay xương xẩu và xấu xí của mình và vẫy tay về phía cửa sổ. Cô ta nói, giọng nghe lạ lùng:

– Ngoài kia, – Giọng cô khô khan, nghe mỏi mệt, như thể cô đang bị cảm. – Tôi muốn nói là trong thành phố. Chúng tôi không thích lắm, nhất là Fred.

Bà Chase thấy ngờ ngợ, nên nhắc lại:“Fred!”, vì bà nhớ chắc tên chồng của người khách của mình là Arthur.

– À, Fred, con chó của tôi, một con cho giống Ái Nhĩ Lan. Hẳn bà đã thấy nó. Nó quen nơi rộng rãi, mà cái nhà thuê quá hẹp. Cái phòng thì đúng hơn.

Chắc chắn họ phải sống chật vật lắm nếu cả gia đình Severn này phải sống gom trong một căn phòng. Dù tò mò, bà Chase cố nén mà không hỏi thêm về việc này. Bà nhấp một ngụm rượu sherry và nói:

– Dĩ nhiên tôi nhớ con chó của bà; và cả mấy đứa bé, ba đứa ba cái đầu tóc hoe thò ra cửa sổ xe lửa. 

– Mấy đứa nhỏ tóc không đỏ. Chúng tóc bạch kim, như Arthur.

Trong lời đính chính không có một tí khôi hài khiến cho bà Chase phải cười chữa thẹn. Bà mới hỏi:

– Thê Arthur sao rồi.

Bà dợm đứng lên, định mời khách bước đến chỗ dùng bữa. Nhưng câu trả lời của Alice Severn lại làm cho bà phải ngồi xuống. Cô nói mà giọng điềm nhiên không đổi, chỉ mấy chữ: “Mập hơn, mập hơn”. Một lát, cô ta nói:

– Lần cuối tôi gặp ông ấy, tôi nghĩ chỉ mới tuần qua thôi, ông ấy đang băng đường, bước chập choạng. Nếu ông ấy thấy tôi, chắc tôi phải cười. Thế mà ông ấy bao giờ cũng khó khăn, xét nét lắm.

Bà Chase đưa tay lên môi:

– Thế cô và Arthur? Ly thân à? Hai người đang gần gũi với nhau lắm kia mà.

– Chúng tôi không ly thân, – cô ta phất nhẹ tay trong không khí như thể để xua đi một lưới nhện. – Tôi biết anh ấy từ nhỏ khi cả hai đều còn là con nít. Bà nghĩ chúng tôi có thể xa nhau được à, bà Chase? – cô ta hỏi nhỏ.

Việc gọi tên bà một cách nghiêm trang dường như đã đẩy bà ra xa. Ngay tức thời, bà cảm thấy người ta đã chận bà lại và khi họ cùng bước vào phòng ăn bà dường như thấy có một mối ác cảm di chuyển giữa họ. Có thể bà tin rằng mình nhầm sau khi để ý nhìn Alice Severn đưa bàn tay thô kệch vụng về mở chiếc khăn ăn. Ngoài những lời trao đổi lịch sự họ im lặng ăn uống, bà bắt đầu lo không biết phải nói chuyện gì.

Cuối cùng. Alice Severn lên tiếng:

– Thực ra, chúng tôi thôi nhau từ tháng tám vừa qua.

Bà Chase chờ đợi; rồi trong khi nhúng chiếc thìa và nhấc nó lên môi, bà nói:

– Thật tệ quá; vì ông ấy uống rượu phải không?

– Arthur không bao giờ uống, – cô trả lời, nụ cười vui vẻ nhưng có cả vẻ ngạc nhiên. – Nghĩa là, hai chúng tôi đều uống. Chúng tôi uống cho vui, không phải cho say. Mùa hè mà uống thì thật vui. Chúng tôi thưòng đi xuống suối , nhặt trái bạc hà để làm rượu thuốc, những trái lớn bỏ trong các lọ trái cây. Đôi khi, có những đêm nóng không ngủ được, chúng tôi đổ bia lạnh đầy bình thủy, rồi cho lũ trẻ dậy, chúng tôi lái xe ra bãi biển. Thật là thích uống bia rồi bơi và rồi nằm ngủ trên bãi cát. Nghĩ lại thời đó đẹp làm sao. Tôi nhớ có hôm chúng tôi ngủ quên đến khi sáng bảnh mắt.

Rồi cô thoáng nghĩ ra một chuyện gì đó nên mặt đăm chiêu. Cô nói:

– Không đâu. Để tôi nói cho bà nghe. Tôi cao hơn Arthur một cái đầu, điều này làm ông ta không vui. Khi chúng tôi còn nhỏ, ông ấy cứ nghĩ khi lớn lên ông ta sẽ cao hơn tôi. Nhưng có phải thế đâu. Ông ấy ghét nhảy với tôi, mà ông ấy lại ưa nhảy. Ông thích chung quanh có đông người, những người thấp hơn nhưng lại có giọng cao hơn. Tôi thì không như thế. Tôi chỉ thích có chúng tôi mà thôi. Vì thế ông ấy không bằng lòng.Thế bà có nhớ Jeannie Bjorkman không? Cô có khuôn mặt tròn, tóc quăn, cao cỡ bà đấy.

– Phải nói là tôi có biết. Cô ấy làm cho Hồng Thập Tự. Đáo để lắm!

– Không, – Alice Severn nói, vẻ suy nghĩ, – Jeannie không đáo để đâu. Chúng tôi khá thân nhau. Có điều là, Arthur hay nói ông ta ghét cô này, nhưng tôi cho rằng ông ta luôn luôn mết cô ta, chắc chắn bây giờ là thế, mà cả mấy đứa bé cũng thế. Có phần nào tôi cũng muốn chúng không ưa cô ấy, nhưng tôi cũng thấy vui khi chúng chịu cô, vì cả hai đứa phải sống với cô ta.

– Lẽ nào như thế? Chồng cô lấy cô Bjorkman kinh khủng đó ư?

– Từ tháng tám.

Bà Chase giữ im lặng cho khách hiểu là có cà phê ở phòng khách, rồi bà nói:

– Cô phải sống một mình ở New York thì thật quá hãi. Ít nhất lũ trẻ phải sống với cô chứ.

Nhưng Alice Severn chỉ đáp:

– Arthur muốn có chúng. Nhưng tôi có phải ở một mình đâu. Fred là người bạn thân thiết của tôi đấy.

Bà Chase khoát tay bực bội. Bà không ưa chuyện lập dị.

– Con chó ư, chuyện tào lao. Có việc gì mà phải suy nghĩ nếu cô đừng khùng quá. Người đàn ông nào mà tính bước qua tôi thì tôi làm cho bàn chân họ nát ra. Tôi chắc là cô chưa tính để buộc ông ta phải...

– Bà không hiểu đâu. Ông ấy làm gì có tiền. – Alice Severn nói, trông như một đứa bé lo lắng khi khám phá ra người lớn hóa ra không phải là đúng lắm. – Ông ấy còn phải bán cái xe và phải đi bộ lui tới bến xe. Nhưng bà hiểu không, tôi nghĩ là ông ấy hạnh phúc.

– Cô cần một công việc đàng hoàng, – bà Chase nói, như thể bà đã sẵn sàng  đi vào vấn đề.

– Chính Fred mới làm tôi khó xử. Nó vẫn quen ở chỗ rộng rãi, mà nhà chỉ có một người lo cho nó không xuể. Bà nghì là khi học xong khóa này tôi có thể kiếm được việc ở California không? Tôi đang học trường kinh doanh, nhưng tôi không được nhanh lắm, nhất là trong việc đánh máy. Mấy ngón tay của tôi chúa ghét việc này. Tôi nghì là nó giống như chơi đàn piano. Mình phải học từ khi còn bé mới quen được.

Cô ta nhìn chăm chăm vào đôi bàn tay của mình và thở dài:

– Tôi có một lớp học vào ba giờ chiều. Bây giờ tôi mời bà xem chiếc áo được chứ?

Bà Chase thấy hăm hở khi cẩn thận mở nắp hộp để xem vật ở bên trong, nhưng sau khi giở nắp nắp hộp, trong lòng bà bỗng dâng lên một nỗi buồn rầu, ái ngại. “Áo của mẹ tôi”. Có lẽ bà mẹ đã mặc cả 60 năm, bà Chase nghĩ khi đứng nhìn mình trong gương. Chiếc áo phủ quá mắt cá chân bà. Bà chà bàn tay vào lớp lông không còn bóng láng và da sờn nhiều, chiếc áo mốc meo, có mùi chua, như thể từ lâu đã nằm trong một nhà kho trong một căn nhà cạnh một bờ biển. Sờ vào bên trong chiếc áo, bà thấy lạnh tay, bà rùng mình, chợt cảm thấy mặt nóng bừng, vì chinh vao luc do ba de y thay la Alice Severn đang ngoái đầu nhìn mình, và trong cách của cô ta có một sự mong đợi đến tội nghiệp mà trước đó bà đã không nhận thấy.

Về lòng nhân, bà Chase rất biết chừng mực: trước khi ban bố, bà thận trọng cột vào nó một sợi dây, có gì thì bà có thể kéo giật nó lại. Tuy nhiên, nhìn Alice Severn, bà có cảm tưởng như sợi dây này đã bị cắt, và đây là lúc bà phải làm nghĩa vụ từ tâm này. Tuy thế, bà vẫn còn do dự, cố tìm ra một lỗ hổng, nhưng đôi mắt của bà chạm phải đôi mắt kia, và bà thấy không thể tìm ra được lỗ hổng nào. Bà nhớ được một chừ học được trên dĩa, nhờ thế bà có thể đặt một câu hỏi đương nhiên trở nên dễ dàng hơn: “Combien?”[1]

– Nó chẳng đáng gì, phải không bà?” câu hỏi cho thấy sự bối rôi hơn là thực tâm.

– Không. Bà trả lời hơi miễn cưỡng, nhưng vẫn cố gắng ngọt ngào, - nhưng có thể tôi có cách dùng nó.

Bà không hỏi gì thêm; rõ ràng bà chỉ còn mỗi một việc nữa là xong: định giá món hàng. Kéo lê chiếc áo khoác xấu xí, bà đi đến cái bàn ở góc phòng; bực dọc trong lòng bà vẫn viết cho cô ta một chi phiếu từ trương mục riêng của mình; bà không muốn cho chồng biết. Trong tất cả mọi điều trên đời này, bà Chase bực mình nhất là khi cảm thấy mình bị mất mát hay thất lạc cái gì đó: một chìa khóa đặt sai chỗ, một đồng tiền rơi xuống đất, bà rất nhậy cảm trước những trò ăn cắp và lừa dối trong cuộc sống. Và bây giờ bà đang bị xâm chiếm bởi cảm giác đó khi bà trao chi phiêu cho Alice Severn, cô ta gấp chi phiếu lại, không nhìn nó và nhét nó vào túi. Cái chi phiếu trị giá 50 đô la.[2]

– Cô ơi, – bà Chase nói, giọng ân cần như thể quan tâm lắm, – cô phải điện thoại cho tôi biết tình hình nhé. Cô đừng lo phải neo đơn.

Alice Severn không nói lời cám ơn, ra đến cửa cũng không lời từ biệt. Thay vào đó, cô cầm bàn tay của bà và đặt nó trong tay của mình, vỗ nhẹ lên tay, như đang vỗ về khen thưởng một con thú nuôi trong nhà, một con chó. Đóng cửa lại, bà Chase nhìn bàn tay của mình và đưa nó lên gần môi. Cảm giác của bàn tay kia vẫn còn vướng vất trên đó, và bà đứng dậy, chờ đợi cho đến khi cảm giác này tan dần: nay thì bàn tay của bà lạnh trở lại.

 

 

---------------------------------
Chú thích của người dịch:
[1] Tiếng Pháp trong nguyên tác: Bao nhiêu?
[2] khoảng năm 1950.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021