thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ [I]
(Bản dịch Diễm Châu)
 
Bản dịch này để tưởng nhớ
Trần Tuấn Nhậm
Thế Nguyên
Nguyễn Khắc Ngữ
và để thân tặng
tất cả các anh em Trình bầy.
 
DIỄM CHÂU
 
...người thi sĩ và nghệ sĩ xứng với danh hiệu biến đổi và tái tạo thế giới này bằng sức mạnh của khiêm tốn hoặc bằng sức mạnh của nổi loạn, nhưng bao giờ cũng với một cùng đích riêng biệt: giải phóng... làm sao người thi sĩ ấy, ngay như chỉ kể với tư cách một con người, lại có thể không mong muốn đập nát một lần cho xong, tất cả những gì giới trưởng giả đã thỏa thuận, đập nát tất cả những thứ đức hạnh keo kiệt bần tiện của nó, những cảm nghĩ chiếm hữu, bụng bự của nó, những thứ mà nó đã biến thành định mệnh, khạc nhổ lên hết mọi sự hãy còn huyền diệu và khai mở cho phiêu lưu mạo hiểm? Làm sao người thi sĩ (ở bên trong hay bên ngoài) lại có thể không mong ngóng biến đổi khuôn mặt của cái thế giới ích kỷ, thú vật, thảm khốc này, biến đổi nó với một cùng đích riêng biệt: cuối cùng đạt tới người. Là vì hằng triệu người trong chúng ta vẫn chưa trở thành người, và tôi vẫn còn có thể thấy quá rõ những đôi môi đau đớn ấy, những đường hằn khủng khiếp ấy của đói khát, nghèo đói và nhục nhã tàn tệ!
 
VLADIMÍR HOLAN, tháng Năm, 1946.
 
 

ĐÂY LÀ LÚC

 
Đây là lúc: âm nhạc không thể
và ngôn từ không muốn... Đường nét tối tăm
mà hơi thở thèm khát vạch ra chứng tỏ
mọi thực tại là cần thiết
để hành động trở thành hình ảnh...
 
Trời bắt đầu mưa... Màu đỏ của những bông thược dược phai dần...
Kẻ sát nhân rửa tay ngoài giếng.
 
 

TẠI SAO

 
Nếu như tiếng nói thánh thiêng
chỉ là mặt phẳng im lặng
dưới cái ách nặng nề của lỗ tai –
thì tại sao mọi sự lại phải
vĩnh viễn là hỗn hợp những âm thanh
được làm dịu bớt của một tấm gương
mà sự toa rập của chúng ta cố định?
 
 

CHỈ TRONG VÙNG BÓNG TỐI

 
Hãy để cỏ bao phủ khắp chung quanh.
Thần thánh chỉ ở trong những vùng bóng tối.
Chim chóc bay đi, khi
ta cắt xén những bụi sơn trà.
 
Và duy có nửa khuya mới biết tới những người đã khuất.
Bằng cái đuôi đen của nó ở đây, quất mạnh:
con ngựa dập tắt nơi nghĩa trang
những ngọn nến dị kỳ tự làm lòa mắt.
 
 

BUỔI TỐI MÙA HÈ LỄ THÁNH MARTIN

 
Những mình đá núi và sông:
trăng nhợt nhạt lấy áo quần đen trong tủ.
Hoàng hôn đỏ hoài công toan tính
trở thành trái dâu trên một nhành gai.
 
Trời khô khỏng. Ngày đã ngắn hơn.
Chỉ trong những chùm nho mới ít màu đen tối.
Kẻ tự sinh của loài dế lách tách
trên những đường rầy mang nặng mùa thu.
 
 

ĐẨU SỐ

 
Chiều rơi rơi... Nghĩa trang... Và ngọn gió nhọn sắc
như những mảnh xương vụn gãy trên mặt thớt của một người hàng thịt.
Rỉ sét, bị lay động,
từ khuôn đúc của mình đưa ra mô hình ruỗng nát.
Và bên trên tất cả các thức ấy, bên trên những giọt nước mắt tủi nhục,
ngôi sao đã gần như dứt khoát thú nhận
vì đâu chúng ta chỉ hiểu được sự giản đơn khi trái tim tan vỡ,
khi chúng ta đột nhiên là chính bản thân, đơn độc và không mệnh số...
 
 

SÔNG VLATAVA NĂM 1946

 
Đứa trẻ đứng trên bờ
với một cái túi nặng trĩu chứa đầy những trái mơ đã lượm,
và nức nở và rên rỉ vì không có tiền qua sông.
Nó bị suy nhược quá tàn tệ, thiếu ăn tới mức độ
không còn những móng tay và cái cổ khẳng khiu
dường như đã lâu ngày bị siết lại bằng sợi thừng của hồi chuông báo tử...
 
Khi mi cho nó lên phà nó im lặng, nghi ngại khiến nó không nhúc nhích,
và chỉ mãi tới khi vô tình thò bàn tay nhỏ bé xuống dòng nước
nó mới ao ước chuyến đi không kết thúc quá mau,
lâu lâu nó ngoái nhìn mi với đôi mắt của một con chó bị đánh,
nó cảm thấy mình thuộc thành phần nhân viên trên phà, nó hạnh phúc
và hạnh phúc khiến nó kêu lên:
“Cháu, cháu cũng đã ở trong trại tập trung…”
Thôi nào, đừng nói láo nữa, người ta bắt bẻ chung quanh... “Cháu xin thề!”
Đừng bày chuyện... “Cháu xin thề! Cháu xin thề!”
đứa nhỏ khốn khổ đáng thương vẫn giữ vững, nhưng không một ai tin nó.
 
Và mi đã giúp nó qua nhiều lần từ bờ này qua bờ kia,
rồi mi từ biệt nó... Nhưng đứa trẻ ngại ngần một lúc
rồi như muốn, để tỏ lòng biết ơn,
tâm sự với mi một điều bí ẩn đã giữ kỹ, điều bí ẩn quý giá nhất của nó,
nó nói với mi: “Thưa ông, ở nhà, chúng cháu cũng nuôi thỏ!”
 
 

RỐT CUỘC CHẲNG ĐỂ LÀM GÌ

 
Phải, trời đã hừng đông và tôi không hiểu
tại sao trong suốt tuần lễ mình đã hối hả đến thế
hối hả bước xuống những đại lộ lạnh lẽo tới mãi cánh cổng này
để bây giờ đứng đây trước giờ...
 
Tôi không muốn cưỡng ép tương lai.
Tôi không muốn đánh thức kẻ mù lòa.
Ông ta sẽ phải tới mở cửa cho tôi
và trở lại chỗ cũ vì một chuyện không đâu...
 
 

TRÊN VỈA HÈ

 
Đó là một bà bán báo đã già
ngày nào cũng khập khễnh lê chân tới mãi tận đây...
Khi, rốt cuộc, không còn mang nổi nữa,
bà buông rơi gói báo “số đặc biệt”,
ngồi lên trên và thiếp đi…
Những kẻ qua lại đó
đã quá quen thuộc khiến không còn nhìn thấy bà –
và bà, bí ẩn và câm nín, như một người nữ-vu,*
che khuất những gì phải phô ra.
 
Trời bắt đầu mưa...
 
------------------------------
* nữ-vu: người có thể nhìn thấu tương lai và truyền lời sấm ở thời xưa. Bản Anh văn của C.G. Hanzlicek và Dana Hábova:
Và bà, bí ẩn và lặng lẽ như một mụ phù thủy,
biến thành vô hình tất cả những gì phải đưa ra.
Bản Anh văn không có câu chót. (người dịch)
 
 

PHẢN CHIẾU

 
Tỉnh dậy trong đêm tối, tôi nhìn thấy qua khung cửa mở
hai vầng trăng trên trời,
và kinh hoàng tôi tự nhủ:
Ngày tận thế rồi đây.
Bỗng dưng tôi đơn độc quá đỗi
tôi không còn thời giờ cho cô quạnh
với cái bụng đau của nó thời ấu thơ.
Tôi yếu đuối đến độ cả đến thời gian
vẫn thường ẩn nấp
trong những bài thơ tôi mới viết
và bởi đó chỉ mong một ngày kia chúng sẽ chết đi,
cả đến thời gian cũng không buồn giành quyền lực của nó.
 
Ôi phù phiếm! Tôi thực quá thiếu chuẩn bị,
khi chỉ lướt qua như một ánh lửa ma trơi
những sự vật giản đơn qua khắp mọi thời,
như thể kiếm tìm vẫn còn có thể là một tương lai
hay có lẽ chỉ vì cuộc độc thoại âm thầm của tôi,
tuân theo tiếng ì ầm từ bên dưới lòng đất,
đã xô đẩy hồn tôi từ hư không tới hư không.
 
Nhưng chỉ trong một lúc cơn gió đã đẩy nhẹ cánh cửa sổ lại
và trên trời chỉ có một vầng trăng...
Ngày tận thế chưa tới.
 
 

LỜI THAN CỦA NGƯỜI CHẾT

 
Tôi được phép trở lại thăm gia đình một lúc.
Chắc chắn, đây đúng là chốn quê hương tôi.
Tôi nhận ra ngay chỗ cột thuyền 
và chẳng mấy chốc đã về tới làng.
Gió luồn qua những ống tay áo của rặng liễu.
Hôm ấy là Chúa nhật, cả nhà đang ngồi trong vườn cây ăn trái,
Và đúng lúc đó em gái tôi đem sữa xuống hầm.
Trong đầu óc tôi không hề có ý nghĩ là mình có thể làm người nhà hoảng sợ.
Nhưng bởi họ không tin rằng đích thực là tôi,
tôi cũng chẳng cần phải nói rằng mình còn sống.
Thế rồi tất cả đã tiêu tan
giữa tiếng kêu của những bông hoa tím và hoa tưởng nhớ
và trước mặt tôi sụm nát tấm màn bao phủ cảnh vật:
bông anh-túc, ánh trăng
và chiếc đồng hồ báo thức trên bức tường của nghĩa trang...
 
 

EM LÀ AI?

 
Tôi không biết ngày nay người ta còn gọi phụ nữ bằng cưng của tôi,
tôi không bao giờ hỏi em em có được hạnh phúc,
thật đáng kinh ngạc, em bất cần và bước vào sự tôn thờ của tôi
mà không khiến tôi phải dối trá, ghen tuông, hoặc chứng tỏ mình xứng với tình yêu,
như một cành cây tháp ghép, em ép sát vào nỗi khốn cùng cay nghiệt của đời tôi và hiến toàn thân
mà không khiến tôi cảm thấy mình có lỗi,
em ăn và uống cùng tôi tất cả những nỗi hổ nhục khả ố
mà em soi rọi bằng cách nhìn thật giản đơn,
em làm tôi cảm động mà không khiến tôi cảm thấy mình khá hơn chính bản thân,
như chúng ta cảm động khi lắng nghe một phóng khúc
soạn cho hai trăm cỗ đàn dương cầm,
tự do, em giải thoát, và tôi không thể muốn gì hơn,
tôi không thể muốn gì hơn –
tuy nhiên ở trong tôi vẫn có một nỗi âu lo dầy vò,
âu lo về ai đó mà tôi sẽ không bao giờ hiểu rõ!
 
Đơn độc đã là quá đáng với chiếc bóng mình,
Nhưng ở cùng em tôi lúc nào cũng vẫn nhớ em...
 
 

KHI XÂY THÁP BABEL

 
Mi đang phải tù tội và mi làm việc như lao công.
Từ những nhăn nhó buổi đầu ngày tới mãi tiếng nhạo cười lúc chiều muộn,
công việc thật khó khăn vất vả như đào đất vào mùa đông đối với phu đào huyệt,
và chuyện đó làm ta ná thở đã lâu
và cũng đã lâu hy vọng một cuộc đào thoát chẳng còn là gì hơn
một bãi nước bọt mà một bàn chân trần dẫm phải.
Tính cách bọt bèo của tất cả những gì là thiêng liêng
hãi hùng tới mức khiến chúng ta có nhiều kẻ
sẵn lòng tin ở sự bất tử của xác thịt.
Chúng ta đã bắt đầu gặp gỡ những mình thứ hai của chúng ta...
 
Nhưng liên hệ tới mi thời… Không!...
người đàn bà ấy của Babylon chỉ cần
đi ngang qua cái lũy thành cao bằng dầu hắc
cũng đủ cho toàn bộ công trình xây cất khổng lồ vô đạo kia
cái công trình phải tồn tại sau cả thiên thu
đột nhiên, trước mắt mi, đã trở thành thật mong manh và tạm bợ.
 
Những sụp đổ gần kề tới nỗi
chúng tựa như sự xác thực của tình yêu...
 
 

CÁI CHẾT

 
Mi đã xua đuổi nó ra khỏi mi từ bao năm qua,
mi đã nhốt nó lại dưới hầm, đã cố quên đi tất cả.
Mi vẫn biết nó không ở trong âm nhạc, và vì thế mi ca hát,
mi vẫn biết nó không ở trong im lặng, và vì thế mi làm thinh
mi vẫn biết nó không ở trong cô đơn, và vì thế mi ở có một mình...
Thế thì cái gì đã có thể xẩy ra hôm nay,
khiến mi hãi hùng như kẻ 
đột nhiên nhìn thấy, trong đêm tối,
một tia sáng dưới cánh cửa căn buồng bên cạnh
nơi không có một ai ở đã từ lâu?
 
 

EODEM ANNO PONS RUPTUS EST *

 
Niềm vui!
Phải, niềm vui hiện hữu. Niềm vui hiện hữu thật, niềm vui có thực!
Và hắn đã không cảm thấy niềm vui ấy như một điều gì tàn nhẫn
tới ngụ nơi ta với một mức hung bạo
đến làm tắt mất chính ngọn lửa của mình, hoặc như một cơn choáng váng
dưới hai lần soi rọi của hài hước
đem lại cho chúng ta một chai rượu và một đôi giầy để khiến chúng ta khiêu vũ –
ồ không, những gì hắn cảm thấy lúc đó là một niềm vui giản dị và êm đềm, một niềm vui không duyên cớ,
một niềm vui không hạn giới và không chỉ thỏa thuận cho một giờ,
niềm vui của một người phóng lên một cây cầu
và bắt đầu hát...
 
Nhưng có lẽ chỉ cần một hơi gió
ném một chiếc lá vàng khô xuống dưới chân
cũng đủ cho cây cầu quá nặng...
 
---------------------------------------
* Tựa đề bằng tiếng La-tinh, có nghĩa: “Cũng năm đó cây cầu gẫy”. (người dịch)
 
 

CHIẾC RƯƠNG

 
Đây là một ông già đã từ hai năm nay
không còn mở được chiếc rương vì đã mất chìa khóa
và vì sợ phải xin con gái tiền đi sửa khóa.
Trong chiếc rương ấy ông ta có một vài vật nho nhỏ
có lẽ hãy còn có thể an ủi được ông:
một vài tấm ảnh chụp thời ông còn trẻ đi lính ở Bosnie,
một mớ thư đã vàng và lộn xộn,
một vài thứ đủ để ông có thể mơ mộng đôi chút,
một con bọ cạp và một tấm che ngực trong những buổi khiêu vũ
ngày trước mang nhãn hiệu Cléo de Mérode,
và nhất là trong đó có một cái móc sắt tuyệt đẹp
và một sợi dây thừng chắc hơn cả bảy sợi tóc thiên thần...
 
Ôi, ông già thừa biết là chẳng cần tới móc sắt hoặc sợi thừng
và chỉ việc nhảy qua cửa sổ cũng đủ...
Nhưng có điều ông không hay biết, đó là đã từ lâu,
ấy chính là những gì người láng giềng trước mặt ông chờ đợi,
người láng giềng ấy nhuộm tóc bằng một cây viết mực,
và chỉ đi đưa ma những người tự sát mà thôi...
 
 

CÔ VŨ NỮ

 
Em là thực tại duy nhất có thể biến đổi từ ngữ
mà không chối bỏ sự thụ thai hay sinh nở... Và có lẽ chính vì thế
mà tôi không bao giờ có thể thật sự ví em
với một bức tranh, một bông hoa, một ngọn lửa hay gió. Và có lẽ
chính vì thế mà tôi luôn luôn thương xót
đôi chân xinh đẹp của em nhẫn nhục và không giầy dép,
bị vấy dơ vì bụi trên sàn. Và có lẽ cũng vì thế
đối với tôi em trần tục hơn và thường nhật hơn, và bởi đó hơi thở em phải vất vả trau luyện
từ bụng em tới mãi tận đôi vú đôi vú thật dị đoan
như hai cơn giông trong đêm lễ thánh Giăng.
Em trau luyện không có những vũng nước... Nhưng âm nhạc hú lên và muốn uống,
trong tăm tối uể oải của những điệu bộ lần mò
ít ra là tới lớp mồ hôi em, trong lúc tôi,
kẻ không thể nói dối, dẫu cho không một chút giá trị đáng kể nào tôi nhận thấy
rằng những nơi phải ôm hôn đúng là tất cả trên thân hình em.
Nhưng em em ném chúng vào khoảng không, vì em không còn
cần đến gì hết, cả đến bản thân em...
 
 

NGHĨA ĐỊA

 
Trong lúc bên ngoài hào hển và lăng xăng cuộc sống nho nhỏ của mọi ngày
và một đứa trẻ chẳng hạn, ngay dưới chân tường, trở lại sau khi được sai đi mua xúc-xích
ngồi giữa đám bụi cây và thèm thuồng hít hà,
nhưng không thể ăn dù chỉ là một miếng,
là vì người ta đã đếm cả rồi –
nơi đây, như người ta nói, mọi vật đều ngủ yên...
Tuy nhiên, đây chỉ là một giấc ngủ cưỡng bách,
và những tảng đá cũng tựa một vành răng giả
mà người ta gỡ ra trước khi đánh thuốc mê
nói với bạn bè trong phòng đợi:
“Đừng ngồi lại đó! tao hét lên bây giờ!”
Nhưng họ đã không hét lên và mặc dù chúng ta sẵn lòng ngồi lại với họ,
vẫn có một ai kia qua tiếng nức nở kéo chúng ta ra ngoài,
bên ngoài là cuộc đời hào hển và lăng xăng
mà những lợi ích vẫn khiến chúng ta ghê rợn thêm mãi,
ghê rợn thêm mãi,
vì người ta đã đếm cả rồi...
 
 

NÀNG ĐÃ HỎI MI

 
Một thiếu nữ đã hỏi mi: Thơ là gì?
Mi muốn nói với nàng: Đó là những gì khiến em hiện hữu, ôi đúng thế, khiến em hiện hữu,
và khiến tôi, vì e ngại và thán phục,
những bằng chứng của phép mầu,
tôi ghen tuông tàn nhẫn với sắc đẹp vẹn toàn của em,
và tôi không thể hôn em hay ngủ với em,
tôi, tôi không có gì, và kẻ không có gì để trao tặng
thời phải hát lên...
 
Nhưng mi đã không nói gì hết với nàng, mi đã giữ im lặng
và khúc hát kia, nàng đã không được nghe thấy...
 
 

GẶP GỠ VI

 
Những lá bài sờn cũ, nhờn ghét,
đã bắt đầu khiến lão ghê sợ trong những giấc mơ.
Rồi lão không chịu ăn và ra lệnh
gỡ bỏ mọi tấm tranh trên tường.
Và một hôm, lão người vẫn hết sức cẩn thận với các thứ khóa
đã để cửa mở toang và bỏ đi
không buồn khoác cả tấm áo khoác, dù trời lạnh ngắt:
ấy là vào tháng giêng, thời mà, nơi những ngoại ô,
xuất hiện lũ chó ở các nông trại, bị chủ bỏ rơi
chỉ để khỏi nộp thuế...
 
Lão đã chết vì một cái búa
rơi từ tay một người thợ lợp nhà, theo như người ta nói.
Sau khi lão mất ít lâu, tôi gặp lão nơi những thang lầu, trên ngọn đồi Letna.*
Lão xin ăn, nhưng chỉ nhận của bố thí của những ai
đang đi xuống và bởi đó có bàn tay lẹ làng hơn...
 
-----------------------------
* Đồi Praha. (người dịch)
 
 

NHỮNG NỤ CƯỜI

 
Có đủ mọi thứ nụ cười.
Nhưng tôi nghĩ tới nụ cười khó nhất,
tới nụ cười đơn giản nhất.
Nụ cười ấy được khắc sâu, gọt kỹ ở mọi phía
bằng lưỡi dao của người làm vườn nho thời gian,
một nụ cười chỉ khuyết một vết nhăn để tiết lộ tất cả
và sẵn sàng văng tục.
Một nụ cười như thế thường ở lại trên một khuôn mặt
lâu hơn đôi chút cái niềm vui đã phát sinh ra nó –
hoặc giả ấy là một nụ cười đã linh cảm và đi trước niềm vui
và tự phai mờ,
nhường lại trọn khuôn mặt cho một mình niềm vui.
 
 

TIẾNG NÓI CỦA CON NGƯỜI

 
Cả vì sao lẫn tảng đá đều không ép buộc ta phải nhìn nhận âm nhạc của chúng,
những đóa hoa thời lặng lẽ, các sự vật cũng nín khe,
con thú, vì chúng ta, phản bội
sự hòa hợp nơi mình giữa nét thơ ngây và sự huyền bí,
gió luôn luôn có cái kín đáo của một điệu bộ thông thường
và tiếng hát chỉ được lũ chim câm nín biết tới,
lũ chim mà người ta đã ném cho một lượm lúa vào trước lễ Giáng sinh.
 
Chúng chỉ cần sống, và ấy là điều không thể nào diễn tả. Còn chúng ta,
chúng ta không phải chỉ sợ hãi trong bóng tối,
mà ngay giữa ánh sáng chúng ta cũng không sao
phân biệt được người đồng loại,
và không thể tự kiềm chế, như thể để trừ tà,
kinh hoàng khiến chúng ta thét lên: “Mi đó hả? Nói!”
 
 

TUẦN THÁNH

 
Phải chăng ta lại đơn độc thực sự, phải chăng ta si mê chưa đủ
và im lặng chưa đủ, phải chăng ta đau khổ chưa đủ,
và phải chăng ta nghĩ mình tự do
vì ta chưa gặp mệnh số?
 
Ta há chẳng hiểu rằng người ta chỉ có thể cho đi
khi chính bản thân không bao giờ nhận được chút gì?
Phải chăng ta thực sự tràn đầy những sắc màu rực rỡ ấy
những sắc màu tròng ghẹo ánh sáng hư vô để lôi kéo nó ra?
 
Cả đến nghệ thuật, khi con tim phục vụ mạch đập 
như một ngọn đèn phục vụ người sắp chữ,
cũng đã bỏ ta qua với chiếc bóng của ta,
và đương hạ thấp ta ở đâu đó, sáng tạo hay hơn nhiều
lúc này khi mà ta cái vỏ trấu đã khô
chỉ đáng chà đạp lên.
 
Mưa ở bên ngoài, đây đúng là thời khắc
mà chó sói đuổi theo bầy thiên nga,
trong lúc từ dòng sông với cơn mê cuồng ướt đẫm
vọng về tiếng thét gào của bè gỗ trôi mau
gỗ làm hòm cho hết mọi vật sống...
 
 

TRONG BẾP

 
Mi không đến đây trong gần một năm... Mi đã sợ phải bước vào...
Và khi mi làm điều đó, cái trống trải ban đầu từng ao ước đến thế
rồi ghê rợn khước từ, đã phục thù
bằng cách khăng khăng đòi mi chuộc lại
sự có mặt của mi bằng sự có mặt của mi...
Tất cả ở đây đều làm mi hổ thẹn:
tấm lót sàn, những thanh củi để nhóm lửa, những con ruồi chết
miếng bánh mốc meo, chút giấm rạn những phản ánh
và những vằn vết hình cây chua me, và không khí như da thuộc,
và tiếng khọt khẹt nho nhỏ của loài nhện mai phục ở các góc nhà
và dưới tất cả các thứ đó là sự im lặng
nơi vầng trăng chỉ sáng giữa ban ngày...
Nhưng bỗng dưng mi nhận thấy
(với sự chắc chắn của một cuộc sống
độc ác, rất bình thường, rất huyền bí)
một cái tách cà-phê với, ngay trên miệng tách,
một vết son môi, như thể kẻ đã uống tách cà-phê
chỉ mới vừa rời mi...
 
 

GẶP GỠ VIII

 
Ấy là một đứa trẻ thần đồng, nếu thần đồng
có nghĩa là biết yêu trước khi hiểu...
Nó mới lên sáu mà đã biết ghẹo
mụ già thiên thu... Chưa đầy một tuần lễ
nó chết vì một chứng bệnh yết hầu... Tôi không đi đám nó...
Nhưng tôi đã gặp nó hôm nay ở chỗ bán vé của một rạp xi-nê...
Nó nói với tôi, giọng tâm sự:
“Cháu đã coi cuốn phim này cách đây một tháng
nhưng phải coi lại một lần nữa,
vì cháu không biết cô công chúa đóng phim
có còn ở đó, trên bao-lơn...”
 
 

ĐỨA TRẺ

 
Có một đứa trẻ, tai dán vào đường rầy,
lắng nghe xe lửa tới...
Chìm đắm trong âm nhạc hiện diện khắp nơi,
nó chẳng thấy gì quan trọng
chuyện tàu tới hay đi...
Nhưng mi, mi luôn luôn chờ đợi một ai đó,
mi luôn luôn từ biệt một ai đó,
cho đến khi mi tìm thấy chính bản thân mi
và mi không còn ở đâu hết nữa...
 
 

HÃY Ở LẠI

 
Hãy ở lại cùng tôi, đừng vội rời tôi,
tương lai tôi quá trống trải
chỉ có em mới có thể giúp tôi ngăn chặn cảnh mọn hèn kiêu hãnh của tôi
đặt thêm những câu hỏi!
 
Hãy ở lại cùng tôi, đừng vội rời tôi,
xin hãy xót thương nỗi bồn chồn nóng nảy của tôi
một nỗi niềm hoài công ghi khắc trên khúc cây của con tàu tù ngục
không ngừng thôi thúc như ganh đua cả với thiên thu!
 
Hãy ở lại cùng tôi, đừng vội rời tôi,
em không biết làm cách nào giận dữ, em cũng chẳng bao giờ biết giận lâu,
và em sẽ đi đâu và em sẽ ở đâu
khi hết giận? Xin hãy chờ đôi chút, xin hãy đợi,
xin hãy đợi ít ra là tới lúc
người đưa thư tới với những lá thư chỉ dành riêng cho em!
 
 

DI SẢN

 
Trong những gì các nhà thơ để lại,
luôn luôn có một cái gì đó hư hỏng vì thời gian, tội lỗi và lưu đầy.
Kẻ thành thực nhất trong bọn họ,
kẻ ít được biết tới nhất, kẻ lặng lẽ nhất, kẻ si tình nhất đi nữa,
cũng không ép buộc ta phải chấp nhận một điều gì: dù là sự thật,
hay sự khinh bỉ, hoặc ủi an, càng không phải tình yêu...
Hiện diện, y đã vắng mặt... Và Picasso
Khi tạo ra một thằng người tuyết đã hiểu thật rõ
rằng bất tử nơi nghệ thuật
nằm trong thời gian, trong tội lỗi và trong lưu đầy,
và mặt trời phải chuộc lại tất cả những thứ ấy
nơi những giọt nước mắt, những con suối, những dòng sông, biển cả và hư vô.
 
 

THÁNG MƯỜI

 
Không khí trong trẻo tới độ nó loại trừ
mọi hình thức tựa như... Cả đến bóng ma của chúng ta
cũng không chịu chứng tỏ rằng chúng ta đương sống...
Tính vô hình gia tăng với một mức điên cuồng
khiến chúng ta chỉ có thể nhắm mắt...
Rượu ngon không nói láo được... Nghệ thuật cũng thế.
 
 

LINH CẢM

 
Một buổi chiều tháng chạp, mi đã rót đầy chén rượu
và đi kiếm một cuốn sách ở buồng bên...
Khi mi trở lại, chén rượu chỉ còn một nửa.
Mi đã nuốt sợ và cất giọng khàn khàn hỏi
ai đã có thể uống chén rượu ấy, vì mi sống có một mình
chung đụng với mi chỉ có mấy cái vách đá và gai,
xa khuất hẳn giống người
vì đã từ lâu mi xua đuổi khỏi đây
mọi thứ hình tượng, huyễn ảnh hay bóng ma...
 
 

NGƯỜI MẸ

 
Mi đã bao giờ quan sát bà mẹ già của mi
khi bà làm giường cho mi,
cái cách bà căng tấm vải phủ, sắp xếp lại, nhét chéo vải xuống dưới nệm giường và vuốt ve
để không còn một vết nhăn nào trên đó?
Nhịp thở của bà, cử chỉ của đôi bàn tay và lòng bàn tay
tràn ngập một vẻ dịu dàng hết sức
khiến từ những thời xa xăm, bà vẫn không thôi dập tắt đám cháy ở Persépolis
và ngay từ hôm nay bà đã dẹp yên một cơn bão nào đó trong tương lai
ở ngoài khơi biển Trung-hoa hoặc một vùng biển chưa ai biết tới...
 
 

TĨNH VẬT BÊN HỒ

 
Phải, tất cả đều có đây! Ở đây tất cả đều hoàn hảo,
tất cả đều ngăn nắp, lặng lẽ, rực rỡ, cao cả,
có sự khôn ngoan được con người quét dọn kỹ, có bánh mì và sách,
không, không có lấy một sợi tóc ở đầu ngòi bút mi
và mi sẽ chẳng cần chùi bút trên tay áo,
mi biết rõ là dưới hầm chỉ chất rượu,
mọi sức mạnh tự nhiên đều có đây, gió, sao, giông bão –
vậy mà mi vẫn đương mơ tới tên những con thuyền buồm,
nóng lòng muốn bỏ trốn...
 
Trước khi hình dung ra chúng, và có lẽ còn sớm hơn nữa,
mi sẽ bỏ trốn thực sự, như nhà tu hành kia
rốt cuộc đã bỏ núi Olympe
vì không còn tìm thấy nữ thần ở đó...
 
 

PHẢI HAY KHÔNG

 
Chúng ta luôn luôn tìm kiếm cái trung tâm... Nhưng đó là một điểm
mù... Chúng ta ngỡ là tìm kiếm trái tim chúng ta
nhưng chúng ta chỉ tìm kiếm sự mù lòa... và mù lòa đã từ lâu,
chúng ta chỉ còn có thể động chạm tới tất cả
bằng một bàn tay quả quyết đầy xác tín
rằng mãi mãi sẽ vẫn có những kẻ giàu và người nghèo
không phải vì xác thân được no đủ hay đói khát
mà chỉ vì không một con người nào lại giống nhau...
Trong khi chờ đợi ấy chỉ là một sự tiếp xúc
mò mẫm đầy tin tưởng
trong những ngõ hẻm phân kỳ khởi đi từ khu chợ mãi nô...
 
 

THỜI ĐẠI

 
Chúng ta không bao giờ hoàn toàn là nó. Chúng ta chỉ giống nó,
nhưng chúng ta giống nó hoàn toàn.
Lúc này, khi chúng ta bắt đầu là nó một cách sơ sài,
chúng ta chỉ khuôn nắn chính bản thân theo một phần hình ảnh
chúng ta sẽ buông thả trọn vẹn trong tương lai.
Chúng ta rồi sẽ ra sao, tôi không hiểu?...
 
 

BUỔI TỐI GẦN MELNIK*

 
Ôi xinh đẹp biết bao mảnh đất này
với rượu nho và những cánh đồng nghệ của nó,
và chuyện ấy đúng vào ngày lễ Thánh nữ Đồng trinh,
và chuyện ấy đúng là dành cho mi kẻ chỉ còn có tâm hồn,
hôm nay khi đã rõ là trong bao năm mảnh hồn đó
đã bị quất vào giữa mặt bằng những vết nhăn.
Nhưng cả đến rượu nho cũng được tẩy sạch bằng roi...
 
Mây ra đi từ thủa ấu thơ,
chỉ trở nên mạnh mẽ khi bắt đầu già cỗi
và lại biến đi trong sấp bóng của tuổi thơ,
và chúng mang tiếng nói đến cho sự hiểu biết của lặng thinh,
của lặng thinh chỉ hạnh phúc khi thấm hút nước mắt mi...
Thế rồi là hoàng hôn... Từ muôn xưa vẫn thế,
và mãi mãi vẫn ngần ấy nhạc... Tuy nhiên, như thể là năm nay
có khuyết đi một cánh dơi...
 
------------------------------------
* thành phố vùng Bohême, phía bắc Praha, ở hợp lưu sông Vlatava và sông Elbe, nổi tiếng về vườn nho. (người dịch)
 
 

HẠNH PHÚC

 
Ôi tôi muốn tới thăm cái quán trọ nhỏ bé ấy biết bao,
cái quán trọ, nơi tất cả đều giản đơn, nơi mình có thể gặp cả đến người làm bếp,
nơi mọi sự đã rửa rồi lại được súc lại một lần nữa,
nơi có một cái lò sưởi bằng sắt với một cái ống thật dài
trong cái ống ta nghe gầm thét... Nếu như tôi bước vào,
có lẽ tôi sẽ gọi rượu nho thường, một thứ rượu nho ở nhà quê hơi hung hung,
và có lẽ tôi sẽ chờ một người bạn, tôi sẽ vui trước cái vui khi bạn tới,
và anh ta sẽ tới, phải, anh ta sẽ tới
trước khi tôi nhìn xuống đáy lít rượu.
Chúng tôi sẽ trò chuyện, chúng tôi sẽ trao đổi ý kiến, chúng tôi sẽ uống,
chúng tôi sẽ tâm sự với nhau những chuyện làm chúng tôi buồn, điều đó sẽ sưởi ấm lòng chúng tôi
dẫu chỉ bằng một trông đợi trần thế –
và tôi tôi sẽ quên đi rằng hồn những người quá cố
thực sự vĩ đại hơn là khi còn sống,
phải, là vì khi thấy họ, ta không sao cầm được nước mắt...
 
 

NÓI VỚI NHỮNG KẺ THÙ

 
Tôi đã chán ngấy những điều hèn hạ của các người và nếu tôi không tự sát
thì chỉ là vì đời tôi không thuộc về tôi
và tôi còn yêu ai đó vì tôi còn yêu tôi.
Các người có thể cười, nhưng chỉ có phượng hoàng mới có thể tiến công phượng hoàng
và duy có Achille mới có thể thương cho Hector bị thương.
Hiện hữu không phải là chuyện dễ... Là một thi sĩ và là một người
có nghĩa là là một khu rừng không cây cối
và nhìn thấy... Con người khoa học quan sát.
Khoa học chỉ có thể lục soát
và hăm hở đào bới để tìm sự thật:
hăm hở thời có, nhưng cất cánh thời không! Và tại sao? *
Nhưng chuyện rất giản đơn, và tôi đã nói rồi:
khoa học chuyển dịch trong phỏng chừng, thi ca trong dụ ngôn,
bán não sọ rộng lớn
vứt bỏ cả đến bài thơ tuyệt vời nhất khi đòi đường...
Con gà trống, phải, con gà trống thời ghét mưa, nhưng ấy là một chuyện khác,
đó là buổi tối, các người có thể nói: một buổi tối trưởng thành về tính dục
và cô nàng có bộ ngực thật rắn chắc
khiến các người có thể yên tâm đập bể
hai ly rượu mạnh ở đó, nhưng ấy là một chuyện khác.
Hãy tưởng tượng một ngọn hải đăng trên một con tàu,
một ngọn hải đăng trôi nổi: nhưng ấy là một chuyện hoàn toàn khác.
Và toàn bộ sự phát triển của các người từ tấm bia đá cho con người
tới cái đài tưởng niệm nho nhỏ của một loài rêu: nhưng ấy lại là một chuyện hoàn toàn khác nữa!
Bụng dạ của đám mây muốn nôn mửa, nhưng các người, các người không thoát ra được lấy một làn hơi,
các người không thể hiện hữu, các người cũng không thể
bị bóp nghẹt vì những vẩy rắn,
những gì Thượng đế đã quan niệm, ngài muốn chúng ta cảm nhận,
trẻ nhỏ và người say hiểu rõ điều ấy,
nhưng những kẻ đó không mất dạy đủ để hỏi
tại sao một tấm gương lại mờ trước một người đàn bà có kinh nguyệt,
và các nhà thơ vì yêu sự sống cũng không hỏi
tại sao rượu nho lại chuyển động trong thùng
khi người đàn bà ấy chỉ lướt qua...
 
Và tôi đã chán ngấy sự trâng tráo của các người
sự trâng tráo len lỏi vào tất cả những gì nó muốn chiếm đoạt
và không biết đến cả ôm hôn.
Nhưng thảm họa sẽ tới
một điều gì đó mà các người chưa từng có ý niệm
là vì các người không khi nào có ý niệm,
những gì Thượng đế đã quan niệm, ngài muốn chúng ta cảm nhận,
thảm họa sẽ tới, trẻ nhỏ và người say hiểu rõ điều ấy,
duy có tình yêu mới còn có thể làm bừng nở niềm vui
nếu tình yêu không phải là đam mê,
duy có tình yêu mới còn có thể làm bừng nở hạnh phúc
nếu hạnh phúc không phải là đam mê,
trẻ nhỏ và người say hiểu rõ điều ấy...
Muốn hiện hữu các người cần phải sống,
nhưng các người sẽ không hiện hữu vì các người không sống,
và các người không sống là vì các người không yêu,
là vì các người không yêu chính bản thân, huống chi là người khác.
Và tôi đã chán ngấy sự tục tằn của các người
và nếu tôi không tự sát, thì duy nhất
chỉ là vì đời tôi không thuộc về tôi
và tôi còn yêu ai đó vì tôi còn yêu tôi...
Các người có thể cười, nhưng con phượng hoàng chỉ có thể bị bạn nó tiến công,
và Achille bị con gái của Briséis gây thương tích. Bởi vì
ta không thể coi nhẹ cuộc sống... Chỉ có phân mới nhẹ...
 
                                         (28 tháng Chín 1949)**
 
--------------------------------
* Câu hỏi này bằng tiếng Ba-lan trong bản nguyên tác.
** Bài này được viết vào ngày lễ thánh Vencelas, người sáng lập vương quốc Bohême. (người dịch)
 
(Còn một kỳ)
 
 
---------------------------
Ghi chú của người dịch:
VLADIMÍR HOLAN, người đồng thời với Vitezslav Nezval, Jaroslav Seifert, Konstantin Biebl và Karel Taige,... là một trong những thi sĩ lớn nhất của Tiệp Khắc ở thế kỷ XX.
 
Ông sinh tại Praha ngày 26.9.1905. Đăng bài thơ đầu tiên trên một tạp chí sinh viên vào năm 1924, năm mà Kafka mất. Thơ ông ban đầu chịu ảnh hưởng các trường siêu thực, vị lai,... nhưng rồi, cùng với những biến cố xảy ra cho đất nước ông (Munich, cuộc chiếm đóng của Đức quốc xã,...) đã thay đổi, bám sát cuộc sống thường nhật và “dấn thân” hơn trong thảm kịch của tổ quốc. Là một chứng nhân quan trọng của thời kỳ này, Holan đã trở thành một khuôn mặt nổi bật của giới “trí thức tiến bộ” trong ngày giải phóng... Năm 1946, ông được tặng một giải thưởng lớn cho bài “Kinh cầu hồn” (Panychida, 1945). Nhưng 50.000 cu-ron của giải thưởng này ông đã đem tặng lại cho quỹ giúp đỡ gia đình những người kháng chiến bị chết trong cuộc nổi dậy của Praha. Ông gia nhập đảng Cộng sản, tiếp tục cho in một số bài thơ ca ngợi Hồng quân, và vào tháng Mười 1948 đã được nhà nước Tiệp Khắc tặng Giải thưởng văn chương cho tác phẩm thi ca “kể từ 1945”, những tác phẩm “diễn tả khát vọng của dân tộc Tiệp Khắc hướng tới việc xây dựng một trật tự xã hội mới và lòng biết ơn của dân tộc đối với Liên Sô trong công cuộc giải phóng...” Nhưng nguồn “hứng khởi” của Holan đã dừng lại tại đó. Những kẻ mà ông tin tưởng sẽ đem lại cuộc đổi mới cho đất nước đã chỉ biến nước ông thành một nhà tù lớn. Bản thân ông cũng bị nghi ngờ là một người chủ trương duy thức (formaliste, ở đây đồng nghĩa với duy tâm), ông dần dà tách xa đường lối “chính thống”.
 
Năm 1949 Holan bị trục xuất khỏi đảng. Cũng năm này, ngày 27.4, người con gái đầu lòng của ông là Katerina ra đời, bị mắc chứng mongolisme. Holan khởi sự viết bài thơ dài “Một đêm với Hamlet”. Năm 1950, ông “trở lại” với Thiên chúa giáo.
 
1949-1955 là một thời kỳ Holan sáng tác rất nhiều. Trong số các tác phẩm có tập Đau đớn... Nhưng đây cũng là một thời kỳ Holan hầu như bị cấm xuất bản. Việc cấm đoán này kéo dài mãi tới năm 1963. Holan phải sống khá chật vật, chủ yếu trông vào việc phiên dịch (trên 300 bài thơ dịch của hơn 100 tác giả) và tiền bán các bản chép tay những bài thơ bị cấm của ông. Cho tới các biến cố vào tháng Tám 1968, Holan sống ẩn dật ở Kampa, một đảo nhỏ trên sông Vltava ở trung tâm Praha, trong ngôi nhà lịch sử của linh mục Dobrovsky. Ông ít khi rời Praha, chỉ đi thăm mẹ ở Vsenory trong khi bà còn sống. Một cuộc sống hoàn toàn cô đơn, nghèo túng đến nỗi vào năm 1965, khi ông được tặng Giải thưởng Lớn của Quốc gia cho toàn bộ tác phẩm, người ta đồn (lầm) rằng ông không thể đi lãnh giải vì không còn lấy một đôi giầy nào!
 
Năm 1963 xuất hiện nhiều thi phẩm của Holan, trong đó có các tập Vô đề, Mozartiana,Chuyện. Bài “Một đêm với Hamlet” được dựng thành kịch ở Praha (trình diễn lại 148 lần trong 25 năm kế đó). Năm 1964: các tác phẩm Lên đường, Một đêm với HamletTrialogue. Năm 1965, tập đầu tiên trong Tác phẩm toàn bộ của Holan ra đời. (Tác phẩm toàn bộ này gồm 11 tập, bị ngưng xuất bản trong thời kỳ 1970-1977, và chỉ in xong vào năm 1988).
Năm 1966: một tuyển tập quan trọng thơ Holan được xuất bản ở Ý.
Năm 1967: Holan được tặng Giải Thi ca quốc tế Etna-Taormina.
Năm 1968: “Mùa Xuân Pra-ha” tặng Holan danh hiệu “Nghệ sĩ quốc gia”.
Năm 1970 xuất hiện tập Một con gà trống cho Esculape (thơ Holan 1966-1967.)
Năm 1974: Holan được tặng Giải thưởng lớn về Thi ca quốc tế ở Knokke-le-Zoute.
 
Tính đến cuối năm 1976, thơ Holan đã được dịch sang các thứ tiếng: Ý, Đức, Anh, Tây-ban-nha, Thụy-điển, và Pháp.
 
Thế nhưng việc xuất hiện dồn dập các tác phẩm mà phần lớn trước đây bị cấm đoán cũng như những “vinh quang” muộn màng này không còn hiệu lực gì đối với Holan. Ông vẫn “đóng cửa, kéo màn” đối với thế giới bên ngoài và tiếp tục trong đêm tối cuộc đối thoại với cô đơn, đau đớn, điên rồ và những bóng ma, trong đó có Hamlet, Ophélie,...
 
Năm 1977, ngày 3 tháng Tư, cô con gái ông là Katerina mất, Holan ngừng viết. Ngày 17 tháng Tám, ông bị xuất huyết não lần thứ nhì khiến một phần thân thể bị tê liệt. Cuộc hấp hối của ông kéo dài mãi tới ngày 31.3.1980. Ông mất tại nhà ở Praha.
 
Chung cuộc, người ta nhận định rằng Vladimír Holan là một tên tuổi “then chốt” của một trong ba mạch thơ hiện đại của Tiệp Khắc: mạch siêu hình! Và tính đến năm 1985, thơ Vladimír Holan đã được dịch sang 11 thứ tiếng trên thế giới.
 
Tài liệu dùng để viết phần trên đây là của Dominique Grandmont; Erika Abrams, André Velter, Petr Král, và C. G. Hanzlicek.
 
Bản dịch Thơ Vladimír Holan, dựa trên các bản Pháp văn của Dominique Grandmont, Erika Abrams, Patrick Ourednik và Anh văn của C. G. Hanzlicek và Dana Hábová,... gồm các bài trích từ các tập: Cho ngươi (xuất bản 1947); Không đề (viết 1939-1942, xuất bản 1963); Lên đường (1943-1948, 1964); Trialogue (1949-1954, 1964); Đau đớn (1949-1955, 1965); Cho đến hơi thở cuối cùng (1961-1965, 1967); Một con gà trống cho Esculape (Asklépiovi kohouta, 1966-1967, 1970); Áp chót (1968-1971, 1982); và Giã từ? (1972-1977).
 
Trong chin năm “mưu sinh” ở nước ngoài, tôi đã “gặp” thơ Vladimír Holan, thân thiết với những nỗi đau của Người và còn tiếp tục mang những nỗi đau ấy như những dấu tích không sao hàn gắn trong cuộc đời nhỏ bé của riêng mình. Bản dịch này là một lời tạ ơn đối với Holan. Và tạ lỗi đối với tất cả những ai người tri kỷ mà trước những nỗi đau tương tự tôi hoàn toàn bất lực.
 
Diễm Châu (Lộ-trấn, 1992).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021