thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CÂY CẦU CHỮ CHI
(Diễm Châu dịch)
 
Tựa của Alain Lance
 
VOLKER BRAUN sinh năm 1939 tại Dresden. Ông sống ở Đông-Berlin. Là tác giả khoảng một chục kịch bản, một cuốn tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn và tùy bút, ông đã xuất bản, từ 1965 đến 1990, sáu tập thơ: Khích động cho tôi; Chúng ta chứ không phải họ; Chống lại thế giới đối xứng; Tập bước thẳng đứng; Buổi sáng chậm rãi, nghiến rítChất liệu đời sống. Ngoài tập sách này, còn có 5 tựa sách của Volker Braun đã được dịch ra Pháp văn.
 
Cuối tháng Mười 1989, cùng với Oskar Pastior, ông là khách mời của Royaumont*. Mặc dù bầu khí thân thiện vây bọc ông, Volker Braun đã chịu đựng khá vất vả việc nấn ná lại nơi một tu viện nằm giữa lớp sương mù của mùa Thu vào lúc mà ở xứ ông, các biến cố xảy ra dồn dập. Từ mùa hè, cuộc khủng hoảng đã nghiêm trọng thêm. Qua biên giới Hung-ga-ri từ đây đã mở, hằng ngàn người Đức ở phía Đông bỏ trốn. Tại Leipzig, những đoàn người ngày Thứ Hai mỗi tuần một rộng lớn hơn. Và sau cuộc đàn áp tàn bạo những người biểu tình ở Berlin ngày 7 tháng Mười, người ta e ngại chuyện leo thang đưa tới một cuộc tắm máu «theo kiểu Trung-hoa». Không có gì như thế xảy ra, lý trí đã thắng thế. Chính quyền loan báo những cuộc cải cách sâu xa. Nhưng đã quá trễ. Ngày 9 tháng Mười Một bức tường mở ra ở Berlin. Chính quyền sang tay.
 
Những ngày ngắn ngủi của Volker Braun ở Pháp như vậy là nằm vào một lúc chính quyền lung lay, khi mà các nghệ sĩ và các nhà văn thành lập một ủy ban điều tra để làm sáng tỏ những sách nhiễu của công an. Đã có một lúc người ta có thể có ảo tưởng là dân chúng và các nhà trí thức đã nối lại một liên minh hầu thiết lập nền dân chủ. Ngày 4 tháng Mười Một, ở quảng trường Alexanderplatz, Christoph Hein, Heiner Müller, Christa Wolf và một vài người khác đã ngỏ lời với hằng trăm ngàn người biểu dương. Vô số những khẩu hiệu ngộ nghĩnh, «xấc xược» đầy sáng tạo ngôn từ, chống lại uy thế lấn át của Stasi (mật vụ Đông Đức – ghi chú của dịch giả) và quyền năng tuyệt đối của đảng. Tuy nhiên, vài tuần lễ sau, khẩu lệnh của những đoàn diễu hành ở Leipzig đã thay đổi, người ta không còn hô «Chúng ta là nhân dân (dân tộc)!» mà hô «Chúng ta là một dân tộc!». Các biến cố tiếp theo, lúc này ai cũng biết.
 
Một năm sau, CHDC Đức bị Cộng hòa liên bang đồng hóa. Trước khi rời Paris, ngày 28 tháng Mười, để tham dự một trong những cuộc biểu dương công khai nơi người ta yêu cầu các nạn nhân những hành động tàn bạo của công an tới làm chứng, Volker Braun dường như đã không mấy tin ở khả năng cải cách của chế độ. Ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: «Ý thức hệ sẽ đưa ra một cái bàn rất trống. Và nếu người ta không đặt lên bàn một điều gì mới thật mau, thì có nguy cơ dân chúng sẽ nuốt cả bàn lẫn ghế.»
 
«Chuỗi» thơ Cây cầu chữ chi đã được viết từ tháng Năm tới tháng Tám 1988, trong một chuyến đi Trung-quốc của nhà thơ, rồi vào lúc ông trở lại Berlin. Chỉ có bài ‘Những chiến binh bằng đất sét 2’ được thêm vào sau, bài này viết vào tháng Sáu 1989. Toàn thể đã được đăng bằng tiếng Đức lần đầu tiên trên số tháng Giêng 1990 của tạp chí Neue Deutsche Literatur (Văn chương Đức mới). Ngoài khung khổ của chuyến đi này, văn hóa và lịch sử Trung-hoa cũng không phải là xa lạ đối với Volker Braun; một trong những vở kịch của ông, vở Thái hòa, đặt khung cảnh ở Trung-quốc vào thế kỷ thứ nhì trước kỷ nguyên chúng ta. Ở đây cũng như nơi Brecht, Trung-hoa, xưa và nay, du nhập sự ‘viễn cách’**, làm thuận lợi cho việc tìm tới dụ ngôn. Những bài thơ ngắn ngủi này, đôi khi có tính cách tiên đoán lạ lùng, có một âm sắc đặc biệt trong tác phẩm thi ca của Volker Braun, nơi người ta thường gặp những văn bản dài hơn, một thứ âm vận khi thì bình thường khi lại thất thường, những dòng thơ rộng lớn được ngắt đứt bằng sự diễu cợt, những câu trích lời, một văn pháp gây ngạc nhiên, trò chơi đa nghĩa, sự chuyển từ thơ sang văn xuôi.
 
Một kinh nghiệm lịch sử đã tới hồi kết thúc. Volker Braun, «bên nhận lãnh» trong quá trình này, đã không ngừng cật vấn nó bằng lối viết của ông. Ông, người đã nhận định vào năm 1984 trong bài Rimbaud một bài thánh thi thời sự: «Thiên đường của tôi do một người lính đỏ mở ra, cùng với người lính ấy ra đời đồng chí Câmhọnglại», chính ông, năm 1987, nhân một chuyến đi Ý, đã viết bài thơ ngắn sau đây với tựa đề là
 
Rút ra từ giấc ngủ giáo điều:
 
Mi đã làm gì đêm tối của mi – Ta đã luyện tập
Trông chờ – Chờ chi? – Có phải mi cũng biết
Nỗi đau êm dịu này: mến yêu điều xa lạ?
Hành động lạ xa ư? – Sao? – Mi nói chuyện gì thế –
Những đường mạch của ta đã hầu như nổ bùng trong da thịt
Sao ta mỏi mệt thế khi băng qua quảng trường thánh Marc. –
Mi mơ, phải thế không, mi vẫn mơ đều đều. –
Và ngoài đường phố, sự trong sáng vẫn bước.
 
ALAIN LANCE
(Dịch giả bản Pháp văn Cây cầu chữ chi của Volker Braun)
 
--------------------------
* Nơi xuất phát những tập thơ mang tên nhà xuất bản Les Cahiers de Royaumont, kết quả của những cuộc hội họp chuyên về phiên dịch, bao gồm một hay nhiều tác giả của nước ngoài, một số người phiên dịch và các nhà thơ Pháp... Công cuộc phiên dịch «tập thể» này thường được một chuyên viên dịch thuật «coi lại» và đề tựa.
** Distanciation, trong nước dịch là «lạ-hóa», hay «thủ pháp lạ-hóa».
--------------------------
 

CÂY CẦU CHỮ CHI

 
 
CÂY CẦU CHỮ CHI
 
Các hung thần chỉ tiến tới thật thẳng
Cũng như yêu ma
Của các nhà ý thức hệ
Không theo tôi trong khu vườn đương hoa.
 
 
HÌNH ẢNH THẾ GIỚI 1
 
Hôm qua mùa xuân là một tủi nhục.
Hôm nay mùa hè khá hơn tạm được.
Ngày xưa làn sóng mất hút trong những lớp cát...
Lúc này ta thấy sóng trồi lên.
 
 
CÁC GIÁO ĐIỀU IM TIẾNG
 
Lựu đạn nơi chúng ta, những chữ sự trong sáng khủng khiếp
Lửa trong hộp thư
Dưới lớp giấy dán tường những vết nứt
Trong thực chất
Hãy chạm tới người tôi!
Những đường mạch thở trong đá.
 
 
LỐI NGOẶT
 
Kinh ngạc thay ngọn gió từ đất này
Trong những hành lang. Những bàn giấy
Sập gãy. Máu, mà báo chương
Và danh tiếng? Và đói khát *
Nôn mửa. Lịch sử
Xoay tròn trên gót;
Trong khoảnh khắc,
Thật dứt khoát.
 
--------------------
* Trong nguyên tác: E la fama? E la fame? (người dịch)
 
 
RỪNG QUẾ
 
Không phải thân này đỡ thân kia.
Nhưng ở bên nhau trong ánh sáng
Mà những vòng vành rộng lớn của chúng tôi khuấy động mạnh mẽ.
Chúng tôi sống thở nơi yên tịnh. Và cả đến những nhành con cũng thơm
 
Chỉ thoáng qua sự ràng buộc với cành lớn mà chúng vuốt ve lay động.
Không chút khó khăn nào khu nhà máy xanh tươi
Chỉ do ngọn gió êm lôi cuốn
Rút mùi hương hoang dại ấy ra từ vỏ chúng tôi.
 
 
ĐỒNG LẦY
 
Những con người nhỏ bé này những con người của Kế hoạch
Được nguệch ngoạc ra thật độc đoán
Hết năm này đến năm nọ
Trong cam phận
Dai dẳng tối đen hôi hám khôn dò.
 
 
TIẾNG CƯỜI CỦA NGƯỜI TẦU
 
Thân ngả ra, tay
Ôm bụng lúc lắc, cười
Hả miệng
Bởi vẫn còn biết tới
Nỗi khốn cùng của hết mọi thời!
 
 
NGƯỜI THỢ NỀ CỦA ĐƯỜNG STALIN
 
Dưới những mảng bê-tông
Tôi bắt gặp một người thợ nề. Anh thuộc
Giai cấp đã chìm nghỉm
Biết xây một bức tường thật thẳng và
Biết nổi dậy. Trong mơ
Ướt đẫm mồ hôi
Tôi đưa anh trở về giàn gióng
Của một khởi sự.
 
 
ĐỔI CẢNH
 
Giới quản trị giải thích cho tôi
Rằng đã từ lâu họ khởi sự cuộc biến đổi không ồn ào vô ích.
Thế nhưng khu nhà cũng không quang đãng hơn
Thang lầu vẫn bất tiện
Những căn buồng nhỏ có nhờ thế mà sáng sủa thêm?
Và tại sao người ta lại dọn ra thay vì dọn vô?
 
 
CHỨC VIỆC
 
Một khi đã bước vào lâu đài
Qua tiếng hát, họ không còn quyền bước ra
Hướng tới cuộc sống. Duy có
Hoàng đế và hoàng gia
Trên ngọn đồi nhân tạo ở cửa Bắc
Nhòm thấy đám đông thô lậu từ xa.
 
 
BÀI HỌC ÂU Á
 
Khi dựng lũy Trường thành
Bách tính bắt đầu thiên cư.
 
 
RUHLAND
 
Nửa đường tôi mất hút mục tiêu.
Tôi xoay trở. Mi từ đâu tới?
Điều ấy chẳng chứng tỏ gì. Cả mục tiêu nữa cũng thế.
Mục tiêu phải tìm trong đầu mình
Tôi bảo, ta đã muốn biến nó thành kinh nghiệm
Nếu không ta cũng chẳng còn vấn đề gì.
 
 
TIỂU PHÁP
 
Và luôn luôn ông từ văn hóa từ lâu đài bước ra
Để gợi lại tình hình nghiêm trọng
Của những đồng cỏ đất cày và nạn phù thũng
Của nền kinh tế: cho đến khi các diễn viên tuồng câm
Và các nghệ sĩ quần chúng tập hợp nơi đây
Teo lại như những sở cầu của họ
Những điều mà họ rất có thể dành cho mình ở đâu đó.
 
 
NÔNG DÂN VỚI CON BÒ
 
Bẩm ngài
Ngài bậy ra đầy một chuồng
Những c. Sức ngài
Không còn mang lại cho con được gì. Lúc này
Con hạ ngài
Đổi lấy cái máy kéo.
 
 
THIÊN ĐƯỜNG
 
Những bậc cấp phẳng bẹt như móng chân. Không ràng buộc
Mi bước tới trong màu xanh êm dịu của đám tùng bách hương.
Thân xác nhè nhẹ thấm hút không khí
Những tượng thờ thật hài hước. Nhưng phải vận dụng cùi chỏ.
 
 
NHỮNG CHIẾN BINH BẰNG ĐẤT SÉT
 
Khi quân Tần
Từ hào sâu vọt lên
Sau 2000 năm
Suy nghĩ kỹ
Thế giới đã bắt đầu
Gỡ bỏ vũ khí.
 
 
QUÊ HƯƠNG
 
Tôi tìm lại được lòng thung nhỏ
Của những trò chơi vô tư. Nghi ngờ
Tôi kiểm tra làn nước. Cỏ
Hăng nồng trào lên. Và cây cối
Đang tính làm gì thế? Tôi
Tôi hít thở thật khó khăn.
 
 
«BIỆN PHÁP CỎ»
 
Người ta bảo tôi rằng ông vua nọ*
Đặt một búi cỏ trên bàn
Ngày ngày đếm những sợi cỏ:
Không một chút gì được thiếu mất bao giờ.
Cỏ khô đã cho hậu duệ của ông là Phổ Nghi
Nỗi oán thù cách mạng, thế tuy nhiên
Cả y nữa, tôi thấy rõ, cũng chẳng hề mất
Mà héo khô thành người làm vườn.
 
--------
* Hongli, trong nguyên tác. (Diễm Châu)
 
 
TỒN TẠI VÔ SINH
 
Hãy coi chừng!
Anh bạn Djin của tôi thì thào
Các hoàng đế Trung-hoa trở thành mù quáng
Và bắt đầu đi đứng lọm khọm
Bởi với đàn bà họ đã mất sức quá nhiều
Và tóc họ chúng rụng dần
Hãy giữ lại tinh dịch
Để trường thọ
Hãy dành lại tất cả cho anh!
 
 
ĐƯỜNG SINH
 
Ổ bánh nhỏ còn nóng hổi này vì nó mà trước tôi
Em đã dậy, với con dao tôi đã cắt nó
Thành hai, và lưỡi dao mà em đã không quên
Mài bén khía vào lòng bàn tay tôi
Kéo dài con đường đã có từ khi sinh. Nào, cưng ơi
Chúng ta hãy vui thỏa lúc này.
 
 
NỖI HỔ NHỤC CỦA TÔI
 
Những người phụ nữ để lộ
Những ý nghĩ của họ trước máy móc;
Tôi không dám nhìn gần vào đó
 
Bởi tôi đã khiến các người
Thèm khát nhiều hơn
Mình có thể rút ra
Từ kho dự trữ của riêng tôi.
 
 
Ở PETZOW
 
Không một hơi gió thế mà cành cây khổng lồ
Gãy gập dưới chân chúng tôi
Vậy thời nó nhằm ai thế? Trong hàng ngũ của chính
Chúng ta, hỡi Günter Grass kính mến, người ta còn
Gây tổn thất nhiều hơn.
 
 
ĐỊA NGỤC DƯỚI THẾ
 
Tôi đọc thấy, ở Dante, rằng những kẻ bị trầm luân
Được chỉ định nghiêm ngặt ở chu vi địa ngục
Phải chịu đựng những đớn đau
Tương xứng với tội ác.
Nhưng chúng ta, những kẻ lạc lõng đã mất
Những khu rừng những bình nguyên
Chúng ta khám phá ra hình phạt thích hợp
Ngay từ khi còn sống.
 
 
GLASNOST
 
Sự trong sáng ở
 
Không có gì để coi hết! Đi đi!
 
                                   Trần trụi
 
Bị lột dần mòn những kẻ
Và ít hiểu biết, nhưng thât vui
 
          Đằng sau bước!
          Chúng ta hãy tiến lui!
          (hôhôhôhô)
 
                      như mây quanh các thời đại
 
Khi bức tường đổ xuống
Tôi thấy những bức tường trong tôi.
 
 
HÌNH ẢNH THẾ GIỚI 2
 
Con người thật lanh lẹ
Sẽ làm hồi sinh cảnh vật
Mỏi mòn. Nhưng cảnh vật
Sẽ không tha thứ cho y cuộc chiến
Y theo đuổi chống lại mình.
 
 
STROEMFELD
 
Tấm bình chói lọi của những hộp
Sắt tây, khẩu phần sống còn
Của lương tâm, mà cơn đói khát sự thật
Đã nhai nuốt nhồm nhoàm
Ôi biển lặng Nhà nước
Những xác người trôi giạt
ẤY ĐÓ, NÀY ĐỒNG CHÍ, LÀ YẾN TIỆC
Của tự do.
 
 
CÁC CHIẾN BINH BẰNG ĐẤT SÉT 2
 
Tiến ra từ những hầm trú
Dưới quảng trường Thiên an
Những chiến xa bọc sắt lao thẳng
Vào đám đông
Thao dượt cổ sơ
Của Đảng cổ sơ.
 
-----------------------------------
TÁI BÚT CỦA NGƯỜI DỊCH (BẢN PHÁP VĂN)
Trong khi sửa bản vỗ của tập thơ mỏng này ngày 9 tháng Mười Một 1990, tôi xác định là hiện nay Volker Braun đang sống ở phía đông thành phố Berlin, chứ không còn ở Đông-Berlin nữa.
 
Với sự thỏa thuận của ông, tôi muốn thêm vào chuỗi thơ này một trong những bài thơ gần nhất của ông, như một thứ kết luận tạm thời.
Alain Lance
 
SỞ HỮU CỦA TÔI
 
Tôi hãy còn đó và xứ sở của tôi đi về phương Tây.
CHIẾN TRANH CHO NHÀ LÁ, BÌNH AN CHO LÂU ĐÀI!
Tôi đã tống nó ra cửa như người ta đối xử với một tên vô lại.
Nó bán hạ giá ngoài đường cho bất kỳ ai những món trang sức khổ hạnh của mình.
Mùa hè của thèm khát kế tiếp mùa đông.
Và trước trọn vẹn văn bản của tôi lúc này không ai còn hiểu gì hết nữa.
Người ta bảo tôi đi coi nơi hồ-tiêu mọc.
Người ta giật mất của tôi những gì tôi chưa bao giờ sở hữu.
Những gì tôi chưa sống sẽ mãi mãi làm tôi nhớ.
Như một cạm bẫy trên đường: hy vọng đã tươi rói.
Sở hữu của tôi, nó nằm đây trong móng vuốt các người.
Bao giờ tôi sẽ lại nói của tôi khi muốn nói của hết thảy chúng ta?
 
-------------------------------------------- 
Ghi chú của dịch giả (bản Việt văn):
VOLKER BRAUN là một nhà thơ thuộc thế hệ thành thực tin ở nước CHDC Đức và đã ca ngợi những giá trị của chế độ trong những vần thơ chịu ảnh hưởng nhiều của Whitman, Brecht và Maïakovski. Ông sinh ngày 7 tháng Năm 1939 tại Dresden. Sau khi đã làm việc trong một nhà in và ở một công trường khai thác than non, ông học triết, rồi làm trợ tá cho đoàn kịch Berliner Ensemble (của Bertolt Brecht). Là tác giả khoảng một chục kịch bản, trong đó có vở Die Kipper (1972) được dựng nhiều lần, ông còn viết một loạt truyện chung quanh hai nhân vật Hinze và Kunze, và đã cho in khá nhiều thơ ở cả Đông lẫn Tây Đức. Các quan hệ của ông với giới chức nắm quyền (ở Đông Đức) phai nhạt khá sớm, nhưng ông vẫn tha thiết với kinh nghiệm «một nước Đức khác»... Ông đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương của cả hai miền nước Đức, kể cả giải thưởng Schiller, từ 1992.
 
Các bài thơ của Volker Braun đã được dịch theo các bản Pháp văn, nhất là của Alain Lance. Tiểu sử, dựa theo tư liệu của Jean-Pierre Lefebvre trong Anthologie bilingue de la poésie allemande, «La Pléiade», Gallimard, 1993.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021