thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gặp núi | Tình yêu | Gửi Alan Watts | Sau cơn bão | Chuồn chuồn | V | Đoản ca của người đi biển
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
GARY SNYDER
(1930~)
 
Gary [Sherman] Snyder sinh ngày 8.05.1930 tại San Francisco, thuở nhỏ sống ở Washington rồi Portland, Oregon, say mê đọc sách và đã trải qua một thời niên thiếu làm nhiều nghề khác nhau: làm báo, leo núi, làm rừng, đi biển... Năm 1951 ông tốt nghiệp ngành nhân chủng học và văn học ở Reed College, bắt đầu in những bài thơ đầu tiên chứa đựng nhiều kinh nghiệm đi biển, qua các hải cảng cũng như thời gian làm gỗ và gác rừng ở vùng Warm Springs Indian Reservation và Desolation Peak, về sau được gom in trong tập thơ The Back Country. Tại Đại học Indiana ông tiếp tục học ngành nhân chủng, làm quen bước đầu với những tư tưởng nền tảng của Phật giáo, nhất là qua những bài viết của D.T. Suzuki, sống gần gũi với thiên nhiên theo kiểu Đông phương, ngồi Thiền, nhưng sau đó quyết định bỏ trường trở về San Francisco làm... nhà thơ, đồng thời ghi danh ở Đại học Berkeley [1953] học văn hóa và ngôn ngữ phương Đông. Năm 1955 ông sống mấy tháng với Jack Kerouac tại một căn lều ở Mill Valley, và cùng thời gian này ông lui tới Viện Nghiên cứu Á châu của Mỹ, nơi Alan Watts và một số nhà Đông phương học giảng dạy, khởi sự dịch và phổ biến những bài thơ của một ẩn sĩ Trung hoa thế kỷ thứ VIII lấy tên là Hàn Sơn [Riprap & Cold Mountain Poems, 1969]. Mặc dù không có mặt từ thời New York, Snyder được coi là một bổ sung “đồng quê” độc đáo khi những nhà thơ Beat “thành thị” phục hưng ở San Francisco.* Thiền cuốn hút nhiều nhà thơ Beat, nhưng chỉ Snyder là nghiêm chỉnh hành đạo, không những từng sống trong các tu viện ở Shokoku-ji, rồi Daitoku-ji ở Kyoto, mà còn theo thuyết “vạn vật hữu linh” xưa của Nhật Bản, sống hòa đồng giữa thiên nhiên, chặt cây đốn củi, câu cá, và nghiêm chỉnh trong việc học viết và dịch chữ Tàu – cho đến khi từ bỏ ý định đi tu, trở về làm thơ và “quay vòng xe Phật pháp” trên đất Mỹ. Cuối những năm 60 ông cùng người vợ ông cưới trên hòn đảo Nhật Suwanose là Masa Uehara về sống ở Vùng Vịnh San Francisco, và năm 1971, bấy giờ đã có hai con trai, ông đưa gia đình đến làm nhà ở vùng núi Sierra Nevada, bắc California.
 
Những bài thơ ông vào thời kỳ này, khởi sự bằng cảm xúc, ẩn dụ và trữ tình, nội dung dần dần hướng về gia đình, bạn bè và cuộc sống cộng đồng, tình yêu và sự lớn lao của thiên nhiên, và rõ hơn cả có lẽ là cổ vũ “trở về với đất”, nhất là trong vùng đồi núi hoang vu Sierra. Thơ Snyder thường dùng những khuôn mẫu nói chuyện ngày thường, cho dù chủ yếu vẫn uyển chuyển đi qua nhiều hình thức khác nhau, luôn có đặc điểm không tìm kiếm những nhịp thơ và âm tiết theo qui ước, không chọn vần một cách gượng ép.
 
Năm 1985 ông là giáo sư hướng dẫn khoa viết văn ở Davis thuộc Đại học California, rồi trở thành giáo sư danh dự, một thời là thành viên Hội đồng Nghệ thuật bang California, từng tạo ảnh hưởng lớn có thể gọi là lãng mạn nơi cả một thế hệ những tác giả thích viết về Viễn Đông. Ngoài học bổng Guggenheim Fellowship (1968) và Giải Pulitzer trao cho tập Turtle Island năm 1974, Gary Snyder còn nhận được nhiều giải thưởng cao quí như Giải Levinson, Giải American Poetry Society Shelley Memorial (1986), American Academy of Arts and Letters (1987), Giải Bollingen về Thơ 1997, và John Hay Award for Natural Writing 1997. Ông cũng là người Mỹ đầu tiên nhận Giải Buddhism Transmission 1998 của Tổ chức Bukkyo Dendo Kyokai ở Nhật.
 
Ngoài những tập thơ Myths & Texts (1960), Mountains and Rivers Without End (1965), The Back Country (1967), Riprap and Cold Mountain Poems (1969), Regarding Wave (1969), Turtle Island (1974), Axe Handles (1983), Left Out in the Rain (1988), No Nature: New and Selected Poems (1992), Mountains and Rivers Without End (1996), The Gary Snyder Reader: Prose, Poetry, and Translations (1999), Danger on Peaks (2005), Snyder còn xuất bản nhiều tiểu luận trình bày những quan điểm về thơ, về văn hóa, kinh nghiệm sống, môi trường, như Earth House Hold (1969), The Old Ways (1977), The Real Work (1980), The Practice of the Wild (1990), A Place in Space (1995) – kể cả He Who Hunted Birds in His Father's Village: The Dimensions of a Haida Myth (1979) dựa trên luận văn của ông ở Reed College, và Passage Through India (1983) là những trang nhật ký từ chuyến đi Ấn Độ giữa những năm 60 với Allen Ginsberg, Peter Orlovsky và nhà thơ Joanne Kyger — người vợ từng sống với ông ở Nhật.
 
-------
* Nhà thơ Lawrence Ferlinghetti về sau từng gọi Snyder là “Thoreau của Thế hệ Beat.” [the Thoreau of the Beat Generation.]
 
 
 

Gặp núi

 
Nó bò xuống tận mép con suối sủi bọt
Nó trở lên dọc theo phiến đá
Nó thọc một ngón tay vào nước
Nó quay người về phía một vũng nước đọng
Cả hai bàn tay cho vào nước
Một bàn chân cho vào vũng nước đọng
Ném những viên sỏi vào vũng nước đọng
Nó vỗ lên mặt nước bằng hai bàn tay
Nó la to, đứng lên và thẳng người
Đối diện với thác nước và núi
Hai bàn tay đưa cao và la to ba lần!
 
                              Kai* ở Hồ Sawmill VI, 69
 
----------------
* Kai là tên con trai của Gary Snyder
 
 

Tình yêu

 
Những người đàn bà người ta lật sấp lật ngửa
Mười lần sinh nở
 
Trên những hòn đảo quạnh hiu ngập gió
Dẫn các vũ công obon [1] đi theo vòng tròn
Vào một đêm trăng đầy tháng Tám
 
Bà trẻ nhất ở hàng cuối;
 
Những người đàn bà đứng dậy từ đêm hôm trước
Cân và làm sạch những con cá chuồn
 
Hát về tình yêu.
 
Hát đi hát lại,
Hát về tình yêu.
 
                              Đảo Suwa-no-se
 
 

Gửi Alan Watts

 
Ông đốt sáng một lối đi mới cho thảy chúng ta
Và ông trở về và khai quang đường.
Thám hiểm hẻm núi hai bên và những lối mòn hươu nai
Và truy tìm những vách đá và bụi cây.
Nhiều dân dẫn đường hẳn sẽ cho chúng ta đi theo
Hàng một, như những con la nhét trong toa tàu;
Và không bao giờ được bỏ lối mòn.
Alan dạy chúng ta đi về phía trước như ngọn gió;
Nếm những quả mọng – chào những chú chim xanh[2]
Học và yêu trọn mảnh đất này.
 
              vào ngày mất của người
 
 
 
Alan Watts (1915-1973)[3]
 
 
 

Sau cơn bão

 
Mưa hất mạnh chiếc dù
Sông đun sôi cây cối.
Tôi đứng trên cầu trong vũng nước
Và ngó ngang qua vườn thú Yase.
Ba con khỉ trên đỉnh một tảng đá
Làm nhà trú cho khỉ con mới ra đời,
Diều hâu ngắt một con cá già ướt sũng –
Và con gấu ngái ngủ: cái mõm nâu
Đút sâu vào một hang ẩm bằng xi măng.
 
 
 

Chuồn chuồn

 
Con chuồn chuồn
Nằm chết trên tuyết
Làm sao mi lên cao đến thế
Có phải mi bỏ lại mầm con của mi
Trong một vũng nước trên núi
Trước khi mi chết
 
                  Evolution Basin IX 69
 
 
 

V

 
trong mỗi nhà có một người vợ
trong mỗi người vợ có một dạ con
trong mỗi dạ con có một đứa trẻ bơ vơ
trong mỗi trẻ bơ vơ có một tiếng khóc thét
trong mỗi tiếng khóc thét có một quyết tâm[4]
 
 
 

Đoản ca của người đi biển

 
Ta tự hỏi giờ này em ở đâu
Đã lấy chồng, hay điên, hay còn tự do:
Bất cứ ở đâu em cũng có thể đang vui,
Nhưng ký ức làm ta rối lòng.
 
Chúng ta lẽ ra có thể đã có con,
Chúng ta lẽ ra có thể đã có nhà –
Nhưng em nghĩ là không, và ta nghĩ là không,
Và chín năm trời nay chúng ta đi rong.
 
Giờ đây ta làm trong những bể chứa sâu tối mù,
Và leo ra ngoài để ngắm đại dương:
Chim mòng biển và sóng mặn đi qua,
Và những dãy núi Araby.[5]
 
Ta đã đi qua những đại dương hiu quạnh
Và lang thang những thành phố lẻ loi.
Ta đã học được nhiều và đã mất đi nhiều,
Và đã chứng minh là trái đất tròn.
 
Giờ đây nếu ngày xưa chúng ta ở bên nhau,
Có nhiều thứ chúng ta đã không khi nào biết được –
Nhưng những cuốn sách tẻ nhạt và những miền đất rã rời
đè nặng lên ta như một phiến đá tảng.
 
                                          Ấn-độ dương
 
 
---------------------
“Gặp núi” và “Tình yêu” dịch từ nguyên tác “Meeting the Mountains” và “Love” trong Gary Snyder, Regarding Wave (New York: New Directions Publishing, 1969). “Gửi Alan Watts”, “Sau cơn bão”, “Chuồn chuồn”, “V” và “Đoản ca của người đi biển” dịch từ nguyên tác “For Alan Watts”, “After the Typhoon”. “Dragonfly”, “W” và “Seaman’s Ditty” trong Gary Snyder, Left Out in the Rain - New Poems 1947-1985 (SF: North Point Press, 1986).
 
_________________________

[1]Vũ điệu Obon thịnh hành ở Hawai, xuất phát từ những người Nhật đến sống trên đảo này từ cuối thế kỷ 19, trong dịp lễ của Phật giáo vào những tháng hè – gần trùng với tiết Trung thu – khi người trong gia đình đến đặt hoa và thức ăn lên mộ tổ tiên ông bà và bạn hữu và thực hiện nghi thức nembutsu (niệm Phật — tiếng Nhật) để biểu lộ sự biết ơn của mình, giống như nghi lễ tảo mộ của người Á Đông.

[2]Bluejays: một giống chim nhỏ ở Bắc Mỹ có bộ lông xanh sáng, trán xám, lông dựng đứng trên đỉnh đầu.

[3]Nhà văn, nhà triết học, và diễn giả, sinh năm 1915 ở Anh và học ở King’s School, Canterbury, sau đó lấy bằng MA ở Seabury Western Theological Seminary ở Illinois và bằng tiến sĩ danh dự về thần học ở Đại học Vermont. Ông là tác giả khoảng 20 cuốn sách và nhiều bài viết về bản sắc con người, bản chất của thực tại, và sự đeo duổi hạnh phúc – liên hệ những kinh nghiệm trong kiến thức khoa học với những học thuyết tôn giáo và triết học Đông và Tây – trong đó, nổi bật ngay từ cuốn đầu tiên, là The Spirit of Zen [1936, năm ông 20 tuổi], tiếp theo là The Wisdom of Insecurity (1951), The Way of Zen (1957), The Book (1989)... Tiến sĩ Watts là một trong những tiếng nói sáng chói những năm 60 và đầu những năm 70 ở các giảng đường đại học, các buổi diễn thuyết, hội thảo, kể cả các buổi nói chuyện trên đài. Từ những năm đầu thập niên 60 ông chuyển về cư ngụ ở Sausalito, California, giảng dạy và viết sách, và mất năm 1973, để lại cho chúng ta một núi tác phẩm ít nữa đã minh chứng một ý hướng cao cả: ông luôn mong muốn làm cây cầu nối cái cũ / cái mới, phương Đông / phương Tây, văn hóa / thiên nhiên.  Nhà xuất bản Charles Tuttle Co. ở Tokyo năm 1995 có cho xuất bản ở Nhật và ở Mỹ một cuốn sách biên tập từ tám bài nói chuyện của ông trong khoảng 1965 đến 1972, giúp người đọc có một cái nhìn bao quát về những truyền thống chính trong tư tưởng phương Đông: The Philosophies of Asia.

[4]Nguyên tác bài thơ tiếng Anh “W” gồm các chữ wife (người vợ), womb (dạ con), waif (trẻ bơ vơ), wail (tiếng khóc thét), và will (quyết tâm, ý chí), đều bắt đầu bằng w. Người chuyển ngữ rất tiếc đã không đáp ứng được cái ngộ nghĩnh “đặc biệt” này của Gary Snyder.

[5]Tức Arabia. Nhiều bài dân ca cổ nhắc đến Thiên anh hùng ca Dhiyenis Akritas của một nhà thơ vô danh [thời Byzantine] cũng cho các nhân vật nói đến “những dãy núi Araby”.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021