thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trao đổi với Nguyễn Viện về tiểu thuyết [kỳ IV]

 

CỬA XUẤT BẢN vừa cho ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện trong tháng 5/2008.
 

 
Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và nhà văn Nguyễn Viện dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải liên tục hàng ngày cho đến khi kết thúc.
 

_________________

 

Đã đăng: [kỳ I][kỳ II][kỳ III]

 

Tiền Vệ [TV]: Anh nói rất chính xác. Tuyệt đại đa số các nhà phê bình chuyên nghiệp không muốn chạm đến tác phẩm của anh. Một trăm phần trăm các nhà phê bình chuyên nghiệp ở Việt Nam cho đến nay không hề nhắc đến tác phẩm của anh, vì những lý do mà có lẽ anh đã biết quá rõ. Những kẻ quyết tâm phục vụ cho cái xác chết của văn học hiện thực chủ nghĩa thì hiển nhiên thấy rằng tác phẩm của anh là thứ đáng vất đi. Những kẻ hèn thì không dám sờ đến, vì sợ vạ lây. Những kẻ mù thì không hiểu anh đang làm cái trò gì, vì văn chương của anh quá khác lạ đối với cái đuôi con voi mà họ đang cầm trong tay. Những kẻ cơ hội thì chỉ biết reo hò chạy theo những thứ đang bán chạy và “không có vấn đề”. Ở hải ngoại thì giới phê bình chỉ có một nhúm người, và hầu như không mấy ai có điều kiện sống hoàn toàn cho văn chương như những nhà phê bình chuyên nghiệp. Trong nhúm người đó, có người vẫn chưa thoát ra khỏi cái tầm thẩm mỹ thời trước 75 mà họ đã mang theo trong hành trang của họ; có người thì đang mải nghểnh cổ hướng về “trung tâm”; và có lẽ cũng có người muốn viết nhưng, vì sinh kế bận bịu, chưa có đủ thì giờ để viết cho sâu sắc về tác phẩm của anh.

Trong trạng huống này, anh nghĩ gì? Anh đang đi trong một đường hầm tối tăm. Anh đã thấy, hay hy vọng sẽ thấy, thấp thoáng chút ánh sáng cuối đường hầm? Hay anh chỉ thỉnh thoảng thấy chút ánh sáng lọt qua những kẽ nứt dọc theo đường hầm? Anh có cảm thấy mệt mỏi? Hay anh chấp nhận thực trạng và tiếp tục dấn bước trong bóng tối của đường hầm?

 

Nguyễn Viện [NV]: Đúng như anh nhận xét về hiện trạng các nhà phê bình trong và ngoài nước, nhưng tại sao tôi lại phải mệt mỏi khi các nhà phê bình không viết về mình? Tất nhiên họ quan tâm tới thì vui. Nhưng không có họ thì tôi cũng vẫn là tôi. Tôi tin rằng mình có một lớp độc giả đáng kể đang chia sẻ với mình cái bóng tối của cuộc sống. Và vẫn có những độc giả làm cho tôi cảm thấy mình đang đi giữa ánh sáng. Tôi hoàn toàn tự biết mình là ai. Và tôi cho rằng chính nhà văn mới là kẻ áp đặt được cho một nền văn học, chứ không phải các nhà phê bình, lại càng không phải các nhà chính trị. Bởi thế, đi trong bóng tối hay ánh sáng, lúc này, không phải là vấn đề gì với tôi.

 

TV: Có một số nhà văn ở hải ngoại cho rằng cuộc sống ở Việt Nam dưới chế độ toàn trị, thiếu ánh sáng và không khí, là cuộc sống bất hạnh, nhưng nó lại có thể là một nguồn chất liệu và đề tài phong phú cho cuộc viết, và làm cho cuộc viết nghiêm trọng hơn và sinh động hơn. Anh có đồng ý không?

 

NV: Điều này tôi hoàn toàn đồng ý. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, hình như đã đăng trên Talawas, tôi có nói rằng chưa bao giờ nhà văn trong nước lại có cơ hội tốt như bây giờ, với những chất liệu của cuộc sống quá phong phú, và một sự kích thích mãnh liệt mang tính lịch sử, nhưng với điều kiện là anh không hèn.

 

TV: Ngoài khát vọng tham dự và đóng góp vào lịch sử của nghệ thuật văn chương, người ta còn có thể có những mục đích khác khi viết văn. Có người viết như một lối thoát tinh thần cho riêng mình. Có người viết để tố cáo những hành động chống lại con người. Có người viết để tìm kiếm những câu trả lời cho những vấn đề của cuộc sống chung. Vân vân. Trong một xã hội khủng hoảng dài lâu và toàn diện, đặc biệt là khủng hoảng về đạo đức, bóp nghẹt sự tự do, nhân phẩm và những quyền căn bản để sống như một Con Người, thì nhà văn thường có nhu cầu thuyết giáo về đạo đức. Thế nhưng, trong tác phẩm của anh không hề có dấu vết của sự thuyết giáo này. Ngược lại, anh liên tục phát hiện và phơi bày những góc khuất của thực trạng đời sống và lịch sử. Anh giải thích thế nào về điều này?

 

NV: Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ thuyết giáo về đạo đức không bao giờ thuộc về nhà văn. Cái mà anh ta cần làm trước hết là nghệ thuật của mình. Trong cái nghệ thuật ấy, người đọc cần nhìn thấy ở anh ta như tâm hồn và lương tri của thời đại mà anh ta đang sống. Bởi thế, nhà văn không thể là kẻ đồng loã với cái đen tối, cái phi nhân tính. Nhà văn phải luôn được coi là tiêu biểu cho sự phản kháng của lương tâm con người trước các thế lực muốn huỷ diệt quyền sống của con người (ít nhất là theo tiêu chuẩn “xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” của Đảng Cộng Sản Việt Nam). Trong một xã hội lành mạnh, sự phản kháng cần được tôn trọng như một yếu tố tích cực. Nhân danh sự ổn định chính trị để tiêu diệt tiếng nói phản kháng chỉ là một hành động chứng tỏ xã hội ấy thiếu văn minh.

Việc anh cho rằng tôi “liên tục phát hiện và phơi bày những góc khuất của thực trạng đời sống và lịch sử”, thật ra cũng không nằm ngoài những điều mà bất cứ nhà văn nào cũng có thể thấy và viết. Sự khiếm khuyết của lịch sử cũng như những vấn nạn của đời sống hiện tại luôn cần được phơi bày như một sự tỉnh thức của trí tuệ và lương tâm trong sáng. Nếu không... thì hết thuốc chữa.

 

TV: Gần đây, có một số người nêu lên vấn đề “hội nhập giữa những người Việt Nam cầm bút trong nước và bên ngoài”. Thế nhưng, chỉ riêng trong nước đã có sự dị biệt ghê gớm trong quan điểm thẩm mỹ, chính trị, và cả trong nhu cầu và điều kiện sinh tồn, giữa giới cầm bút “chính thống” và “ngoài luồng”, thương mại và phi thương mại, miền Bắc và miền Nam, và giữa các thế hệ khác nhau. Thực ra, chẳng phải ở Việt Nam thì mới có nhiều dòng văn học. Ngay ở các nước tự do, văn chương vẫn luôn luôn có nhiều dòng khác nhau, tồn tại độc lập với nhau và không hề có nhu cầu hội nhập vào một dòng chung nào cả. Như vậy, anh nghĩ thế nào về cái khái niệm “hội nhập” trong văn chương Việt Nam? Liệu có cần hay không cần tạo nên một sự “hội nhập” nào đó? Liệu có thể có một sự “hội nhập” trong văn chương tương đương với một sự “hội nhập” trên bình diện xã hội? Hay “hội nhập” trong văn chương chỉ là một ảo tưởng ngây ngô? Hay “hội nhập”, một cách hình thức, trong lúc này chỉ đáp ứng ý đồ thu giang sơn về một mối của hệ thống quyền lực toàn trị? Xin anh cho biết ý kiến.

 

NV: Tôi có thể nói ngay rằng, khái niệm hội nhập trong văn chương chỉ là một khái niệm vớ vẩn của những kẻ rỗi hơi hoặc a dua. Nếu cần có bất cứ một sự hội nhập nào giữa các nhà văn trong nước với nhau, giữa các nhà văn trong nước với các nhà văn hải ngoại, chỉ cần một động tác đơn giản và duy nhất: Nhà nước Việt Nam cho tự do xuất bản và phát hành, đồng nghĩa với việc công nhận nền văn học miền Nam trước 1975, cho sách của tất cả các tác giả hải ngoại (không phân biệt chính kiến) được đưa về hoặc in ấn trong nước một cách công khai, ... ngay tức khắc giải quyết được vấn đề hội nhập và hoà giải, không cần phải hội thảo to chuyện hay tuyên truyền mị dân.

 

[còn tiếp]

 

Đã đăng:

... Tại sao lại phải sợ? Đó chính là bi kịch của chúng ta, những người dân sống trong một chế độ toàn trị. Đây cũng là nguồn cảm hứng lớn lao nhất của tôi. Đối diện với cái sợ. Ai làm cho mình sợ? Sợ cái gì? Làm cho người khác sợ, có phải là tội ác? Làm thế nào vượt qua được nỗi sợ? ... (...)
 
... Đó là cách diễn đạt tốt nhất để mô tả một trạng huống, một tâm thái, một tâm thức, một bối cảnh xã hội và con người đương đại. Đó là sự đứt khúc văn hoá, sự hỗn độn trong đời sống, sự đứt mạch hệ thống tư tưởng nền tảng, sự mất định hướng trong điều hành của cơ chế chính trị, sự thay đổi các giá trị... Và sự chối bỏ của chính tôi với hệ thống, các định vị và định chế xã hội... (...)
 
... Tôi cho rằng tất cả những người viết kiểu giễu nhại, bụi đời, bạt mạng, gây hấn... đều là những phản ứng tích cực nhằm tạo nên những tiếng nói độc lập, không chỉ trong lãnh vực văn chương mà còn là một thái độ chính trị, nhằm xác lập một ý thức sáng tạo tự do và một ý thức công dân tự chủ. Thiếu tự do và tự chủ, không thể trở thành nhà văn... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021