thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Không | Chúng ta hãy nhìn thẳng vào mặt sự thật | Vô danh cố nhớ những lời kinh
(Diễm Châu dịch)
 
KHÔNG
 
«Không», cái chữ duy nhất nảy, cái chữ mà qua nó ở chốn thâm sâu nhất của bản thân tôi,
của máu tôi và của xương tôi, tôi có thể truyền đi
chiếc va-li đựng xương gãy và máu trào,
cái chữ này vô tình cũng là một tác phẩm của đớn đau (mọi quyền đều được dành riêng / đều bị xử bắn), mà mọi bản vấy máu,
được giật ra từ xương với ngọn roi của những con chữ nhà in, mà từng tờ
được xuyên bằng đường đạn,
anh có thể nâng nó dậy hết mọi ngày từ vỉa hè với ánh mắt
mỏi mệt của anh, đọc lại nó với sự bất lực của đôi bàn tay anh:
«không», cái chữ duy nhất này, chữ tối hậu
trong địa hạt của máu -- anh sẽ nhận ra nó tức khắc qua cửa miệng
của những họng súng khạc ra một tràng đạn;
 
«không», cái chữ duy nhất này, anh hãy giữ lấy nó trong máu
máu chảy từng giọt dọc theo vách tường lúc hừng đông;
tôi cho anh cái chữ này, và ấy cũng thể tôi cho anh đầu tôi
để chứng tỏ rằng khổ đau hiện hữu, cũng thể tôi cho anh cổ họng tôi
để bảo vệ chính nghĩa của những mạch máu, sợi gân, cơ bắp và thịt da;
 
tôi đánh vần cho anh từng chữ của từ khổ đau, và với những sợi thần kinh căng thẳng
tôi đọc những từ ghi vội trên những kẻ lúc nào cũng sẵn sàng mở lá thư
thân xác người khác,
sẵn sàng cắt phong thư da thịt và đập nát số những xương;
chữ «không» duy nhất này, tiếng kêu tối hậu
của lời kinh nguyện máu, lời kinh mà hôm nay tôi đọc cho anh,
tôi đọc cho tôi và cũng là chữ cho tôi quyền chết
 
 
CHÚNG TA HÃY NHÌN THẲNG VÀO MẶT SỰ THẬT
 
Chúng ta hãy nhìn thẳng vào mặt sự thật: trong ánh mắt
lơ đãng của một khách qua đường với cổ áo dựng
mà người ta tình cờ xô đẩy; trong ánh mắt
đăm đăm ngước nhìn tấm bảng yết thị với những giờ khởi hành
của những đoàn tầu đường trường; trong ánh mắt
cận thị đang lần mò thật sát những hàng chữ nhỏ xíu của tờ báo;
bằng đôi mắt rửa vội ban mai
rửa giấc mơ không chịu bỏ đi, bằng đôi mắt được chùi vội
trong ngày chùi những giọt nước mắt nổi loạn, đôi mắt được phủ vội
những đồng tiền, bởi cả cái chết nữa cũng
bất tuân, nó chạy quá mau trong đường cùng đui mù
của những hốc mắt; vậy thời chúng ta hãy theo kịp đà tiến của những đôi mắt ấy,
chúng ta hãy để những ánh mắt này hoàn toàn chiếm lĩnh chúng ta
và như với những nét chữ nguệch ngoạc bằng phấn trên tường, chúng ta hãy dám
nhìn sự thật trong ánh mắt màu xám ấy, ánh mắt không bao giờ rời bỏ chúng ta,
nó ở khắp mọi nơi, khắc trên những vỉa hè dưới bước chân chúng ta,
dán trên những tấm bích chương, gắn vào những đám mây;
và dẫu như đôi chân chúng ta chưa bao giờ khuỵu xuống,
chỉ một ánh mắt này cũng có thể khiến chúng ta
quỳ gối.
 
 
VÔ DANH CỐ NHỚ NHỮNG LỜI KINH
 
Lạy Cha chúng tôi Người câm nín
Người không đáp lại bất cứ một lời kêu gọi nào
Người chỉ cho biết rằng thế giới vẫn tồn tại
bằng tiếng thét gào của hụ còi, sáng sáng,
hãy lên tiếng:
 
Cô gái này kẻ đi làm bằng tàu điện,
với một tấm áo khoác rẻ tiền, ba chiếc nhẫn trên mấy ngón tay,
một chút ngái ngủ hãy còn trong đôi mắt sưng phồng
hẳn phải nghe thấy tiếng Người, để thức dậy
trong buổi hừng đông này, lại một buổi hừng đông nữa.
 
Lạy Cha chúng tôi Người không hay biết gì hết
Người không buồn nhìn tới trái đất này,
Người chỉ cho biết bằng tờ báo ban mai
rằng thế giới, thế giới của chúng tôi, thật quy củ và vẫn còn hoài,
hãy nhìn:
 
Người đàn ông đang ngồi ở bàn ăn kia, kẻ nghiêng mình
trên miếng thịt sườn xắt nhỏ, một lít vodka và tờ báo nhày nhụa
những nước sốt và bài báo,
hẳn phải biết rằng Người, cả Người nữa, Người biết,
hẳn phải biết rằng Người biết để sống còn
ngày hôm nay, lại một ngày nữa.
 
Lạy Cha chúng tôi Người không hiện hữu,
Người mà danh tánh không còn ai kêu cầu
trừ một vài tập sách bổn viết tên Người không có cả chữ hoa
là vì thiên hạ thoát hiểm nguy không cần Người,
hãy có mặt:
 
Kẻ kia, kẻ đi nằm để ngủ và tính sổ
những điều dối trá, những nỗi lo sợ, những sự phản bội của y trong ngày hôm nay
y phải tin rằng Người hiện hữu, rằng Người hiện hữu bất chấp tất cả.
Y phải tin rằng Người hiện hữu để ngủ
đêm nay, lại một đêm nữa.
 
 
-----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
STANISŁAW BARAŃCZAK sinh ngày 13. 11. 1946 tại Poznan, Ba-lan. Ông học văn chương tại đại học Poznan rồi trở thành một giảng sư tại đây vào năm 1969. Khởi nghiệp như một nhà thơ và nhà phê bình văn nghệ vào năm 1965, ông còn là người điều khiển nhóm sân khấu sinh viên “Sân khấu của ngày thứ tám”. Từ 1970, ông làm việc tại Viện Ngữ ngôn học Ba-lan (bị cho nghỉ việc trong các biến cố). Nhân viên tổ chức K.O.R. Từ 1981 trở thành giáo sư văn chương Ba-lan tại đại học Harvard, Hoa-kỳ. Thi phẩm đầu tay của Baranczak: Thuật in ấn của khuôn mặt (1968). Kế đó các thi tập: Chỉ một hơi (1970); Bất kể kiểm duyệt (1977),... Ông đã dịch nhiều nhà thơ tiếng Anh như John Donne, Gerard Manley Hopkins, e.e. cummings, Dylan Thomas và các nhà thơ Nga Osip Mandelstam và Joseph Brodsky. Thuộc thế hệ những người như Ryszard Krynicki, Ewa Lipska, Adam Zagajewski,.. ông bắt đầu nổi tiếng từ cuối những năm 1960 cùng với họ, như “đợt sóng mới” của Ba-lan. Theo một bài báo của Adam Zagajewski, Stanisław Barańczak là “nhà thơ hoạt động nhất trong các năm 1974, 1975 và mãi tới 1980”, ông “thật sự là người đầu tiên biết sử dụng mạnh mẽ phương thức in ấn bí mật samizdat, xuất hiện lần đầu tiên ở Ba-lan kể từ thời chiến tranh.” Ông còn là tác giả một cuốn nghiên cứu về nghệ thuật của nhà thơ Zbigniew Herbert và nhiều bài phê bình văn nghệ Ba-lan...
 
Hai bài trên trích dịch theo bản Pháp văn của Jacques Donguy và Michel Maslowski trong Poésie polonaise contemporaine (Le Castor Astral & Lettres Slaves, 1983); bài chót, theo Constantin Jelenkski và Jean Paul Guibbert trong L’Anthologie de la Poésie polonaise (L’Âge d’Homme, 1981).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021