thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Từ bãi rác của lịch sử...” (phỏng vấn Nguyễn Ly)

 

TQ – Tôi đã vào trang web Tiền Vệ và đọc những bài viết của anh, rồi đọc những bài trong chuyên đề về Trần Dần. Vì sao anh lại tham gia một cuộc chơi “hiểm nghèo” như vậy?

 

NL – Tôi cũng không rảnh rỗi để “chơi”, nhưng có những chuyện không nói không đành nên thường rước đủ thứ phiền nhiễu, cả từ phía bên này lẫn phía bên kia.

 

TQ – Những bài “thảo luận”xem chừng khá dữ dằn. Làm sao đến nông nỗi ấy?

 

NL – Người Việt Nam ta có cái máu ưa làm chính trị, nhất là thứ chính trị làng xã. Văn chương cũng thường là để phục vụ chính trị chứ chẳng phải để tải đạo. Nhiều bài gọi là “thảo luận” cũng toàn giọng chính trị, có đạo lý hay văn nghệ văn gừng gì đâu.

 

TQ – Có người “thương cảm” anh một mình chống lại bao nhiêu “cái mới” trong văn nghệ Việt Nam lẫn văn nghệ thế giới. Liệu có bao nhiêu người “dám” ủng hộ quan điểm của anh?

 

NL – Chẳng có cái mới nào phải kéo bè kéo cánh như vậy, chỉ là những cái “đã từng mới” thôi. Tôi nghĩ có không ít người ủng hộ quan điểm của tôi. Thứ nhất đó là những người có thể chưa quen với báo chí điện tử nhưng đã quá quen và quá chán ngán trò đánh lộn sòng giữa chính trị và văn nghệ. Thứ hai là những thế hệ trẻ trung hơn, năng động hơn và có cảm quan lịch sử phóng khoáng hơn chúng ta. Tôi e rằng họ nhìn cuộc tranh luận này như nhìn những kẻ đang bới tung đống rác lịch sử lên mà hắt vào mặt nhau.

 

TQ – Chúng ta đào xới lịch sử là để “ôn cố nhi tri tân”, mà chính anh cũng sử dụng các dữ kiện và nhân vật lịch sử để đưa ra các quan điểm của mình, phải không?

 

NL – Lịch sử của chúng tacả lịch sử văn học lẫn lịch sử ngoài văn họcđầy rẫy những lầm lạc và dối trá, đó là những lịch sử phải được viết lại. Alexandre Dumas (père) có nói rằng biến cố lịch sử chỉ là những cái đinh để ông treo các bức tranh của ông. Tôi có nhắc đến Nguyễn Du, Marcel Duchamp hay bất kỳ ai khác cũng chỉ là mượn những cái đinh để móc các ý tưởng của tôi. Những nhân vật ấy nếu có đóng góp gì cho lịch sử thì lịch sử cũng đã ghi nhận, còn đối với tôi, tôi chẳng yêu cũng chẳng ghét gì họ và trên vị thế con người thì họ cũng như một anh xích-lô hay một chị bán rau. Ý tưởng này khiến nhiều người mất bình tĩnh, gán cho tôi nào là “quan điểm quần chúng”, nào là “mỹ học Mác-Lênin”, thật vinh dự!

 

TQ – Anh có hiểu được sự phẫn nộ của những tín đồ khi thần tượng của họ bị hạ bệ không?

 

NL – Dĩ nhiên rồi. Chúng ta là một dân tộc có tới cả ngàn năm bị đô hộ, hết phong kiến phương Bắc lại thực dân phương Tây, nên đã kết tủa được cái căn tính nô lệ trong tâm khảm. Về tín ngưỡng, chúng ta chưa qua nổi thời kỳ bái vật giáo. Bất cứ gốc đa nào cũng la liệt các ông bình vôi. Thậm chí chúng ta còn khuân về từ bãi rác của lịch sử đủ thứ để đưa lên bệ thờ. Nhưng điều đáng nói nhất là chúng ta sẵn lòng tàn sát những kẻ không chịu thờ những thứ mà chúng ta thờ. Chúng ta vẫn không xa đêm trường Trung cổ là bao nhiêu!

 

TQ – Anh có báng bổ quá không?

 

NL – Báng bổ và nổi loạn đôi khi cần thiết để chúng ta có thể thoát khỏi u mê, tự lột xác và trưởng thành. Nhưng dĩ nhiên đấy không phải là phẩm chất của các ông bình vôi, những kẻ xì xụp khấn vái các ông bình vôi và những kẻ mơ một ngày nào đó sẽ được chen chúc trong đám bình vôi.

 

TQ – Anh sẽ tiếp tục các bài tiểu luận chứ?

 

NL – Cũng có thể. Nhưng “thảo luận” kiểu này thì không. Ban chủ trương Tiền Vệ đã có nhã ý đưa ra khuyến cáo về văn hoá tranh luận nhưng rất tiếc đã không cầm trịch được rốt ráo. Nhiều bài tranh luận chỉ nhằm vu cáo, chụp mũ, mạt sát những ai không cùng ý kiến với mình. Tôi từ chối đối thoại với cung cách như vậy. Cung cách đó khiến ngay cả việc phát biểu quan điểm trên các diễn đàn tự do cũng trở nên vô nghĩa.

 

TQ – Chắc không ít người cảm thấy nhẹ nhõm khi anh từ chối tranh luận, nhưng tôi cũng như nhiều người khác, vẫn muốn anh tiếp tục phát biểu các ý tưởng của mình trên Tiền Vệ. Xin cảm ơn.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021